Đó chỉ là một dẫn chứng cho lời than phiền của rất nhiều du khách trong và ngoài nước về tình trạng chèo kéo, đeo bám du khách tại nhiều điểm tham quan du lịch ở ĐBSCL.
Theo ông Đinh Viết Khanh, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Cần Thơ, ĐBSCL vốn nghèo nàn về các sản phẩm du lịch, hầu như các tour đều nhắm vào khai thác cảnh quan sông nước, vườn cây ăn trái và làng nghề nên dễ tạo cảm giác trùng lắp, nhàm chán cho du khách. Kể cả phương tiện di chuyển, ở nhiều nơi như Sa Đéc (Đồng Tháp), Châu Đốc, Long Xuyên (An Giang)... chủ yếu cũng do dân địa phương cung cấp, không chuyên nghiệp và thiếu an toàn, nói chi đến chuyện mua bảo hiểm cho phương tiện. Tuy nhiên, đáng lo hơn là lãnh đạo các địa phương cũng tỏ ra thiếu tầm nhìn trong tổ chức khai thác du lịch khiến cho chút lợi thế khác biệt nhỏ nhoi cũng dần mất đi.
Sản phẩm du lịch nghèo nàn nên lượng doanh nghiệp đứng ra khai thác cũng lèo tèo. Ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch, thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), cho biết đến nay cả vùng ĐBSCL mới có... 18 doanh nghiệp lữ hành quốc tế - chiếm 2,8% cả nước. Trong đó, Tiền Giang có nhiều nhất với chín doanh nghiệp, còn Cần Thơ là thành phố lớn nhất vùng nhưng chỉ có... một doanh nghiệp lữ hành quốc tế!
Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ, dẫn chứng các điều tra đã được tiến hành ở nhiều địa phương cho thấy mức lưu trú bình quân của du khách ở Lâm Đồng đến 26 ngày, TPHCM là 7,8 ngày, Lào Cai cũng đạt 2,6 ngày... Còn tại Cần Thơ, tuy không có số liệu điều tra nhưng ước đoán chỉ ở mức dưới hai ngày! Các con số tính toán hồi năm 2004 cho thấy, bình quân khách quốc tế lưu trú tại ĐBSCL chỉ vào khoảng 0,85 ngày và tại Cần Thơ là 1,2 ngày. Và lượng khách quốc tế đến ĐBSCL chỉ chiếm 15% so với cả nước.
“Rõ ràng chúng ta mới chỉ có một vài điểm như vẻ đẹp tự nhiên vùng sông nước, các lễ hội và chùa miếu. Còn một loạt cái, chúng ta thiếu và rất thiếu. Chưa nói ngay cả những điểm vừa nói thì cũng mới chỉ ở dạng sơ khai - giống như trưng bày ra đó - còn để làm đẹp thêm thì vẫn chưa biết phải làm sao”, ông Dũng nhận định.
Cần những con người chuyên nghiệp
Theo ông Võ Anh Tài, Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, với những lợi thế riêng - dù ít, ĐBSCL vẫn có điều kiện để sáng tạo và tổ chức các loại hình tour lưu trú dài ngày cho du khách trong và ngoài nước khám phá những nét văn hóa sống động của mình. Đó có thể là loại hình homestay kết hợp tham gia công việc đồng áng theo kiểu “một ngày làm nông dân Nam bộ”. Du khách có thể cùng chăm sóc vườn, tham gia tát nước bắt cá, bắt cua... như những nông dân thực thụ. Cũng có thể phát triển các tour du thuyền có nghỉ đêm, kết hợp các sinh hoạt như đi thuyền chèo vào các kênh, rạch hoặc thăm vườn trái cây, nhà dân, làng nghề... trên các cù lao.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, ông Tài cho rằng một trong những việc cần làm ngay là phải có chiến lược xây dựng và phát triển nguồn nhân sự chuyên nghiệp. Mọi ý tưởng khai thác dịch vụ, đầu tư, marketing... để thu hút khách đều xuất phát từ con người và để biến ý tưởng thành hiện thực cần phải có những người thực hiện chuyên nghiệp. Còn như hiện nay, theo lời ông Khanh: “Lực lượng làm du lịch chưa tới 50% học qua trường lớp”. Và điều quan trọng, theo ông Dũng: “Cần lưu ý rằng, hình ảnh, lợi ích và sự dị biệt hóa phải là sự cảm nhận của du khách, chứ không phải của các quan chức hay các nhà quảng bá du lịch”.
Mới đây, Bộ Nội vụ đã chính thức có quyết định cho phép thành lập Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, nhằm đảm nhận các công việc như quảng bá cho ngành du lịch và xây dựng hình ảnh chung của vùng ĐBSCL, đào tạo và huấn luyện cán bộ, phối hợp hoạt động giữa các địa phương... Tuy vậy, vẫn khó đặt hết sự kỳ vọng vào ban chấp hành hiệp hội nếu như đó vẫn là những con người thiếu chuyên nghiệp!