Thứ Năm, 23 tháng 8, 2007

Xuồng “năm quăng”


Đồng bằng sông Cửu Long nổi tiếng với sông rạch chằng chịt. Người bản địa dựa vào đây để khai thác vận chuyển, đi lại thông suốt bằng xuồng ghe. Vậy là các trại ghe xuồng đã mọc lên ở nhiều bến sông, từ nông thôn đến thành thị. Làng xuồng Ngã Bảy (Phụng Hiệp, Hậu Giang) ra đời từ hàng trăm năm nay. Đặc biệt, ở đây còn có một loại xuồng tên là xuồng “năm quăng”…


PHÙ SA LỘC


Tích xưa Theo “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức, đất Gia Định xưa, nay là Nam bộ, có nhiều công xưởng đóng ghe xuồng như: xưởng Chu Sư (trấn Phiên An), Thuyền Xưởng ở trấn Biên Hòa, xưởng Thủy Sư (trấn Vĩnh Thanh) hoặc Thuyền Xưởng ở trấn Hà Tiên… Để hoàn thành một chiếc ghe, người ta cần đến cây rừng. Mà, thuở xưa, cây rừng đâu hiếm. Nào sao, sến, dầu, vên vên, kiền kiền dùng làm ván be, nhưng tốt nhất vẫn là gỗ sao hoặc gỗ sến - những loại gỗ chịu nước rất tài tình. Để làm xà cong và tay lái, người ta dùng gỗ mù u. Còn gỗ bằng lăng làm mái chèo được đánh giá là số một. Làm neo, người ta đẽo lấy gỗ xoài. Sau khi đã chọn được cây, thợ bắt đầu cưa xẻ gỗ rồi tạo dáng từng bộ phận và lắp ráp chúng lại với nhau, theo trình tự: gác tiếp, ghim lô, xây mê, lên giàn đà, làm con lươn, vô be vành ấp vồ, đóng giàn cong, gác then, ấp khẩu, xây chậu mũi và chậu lại, làm mũi, lái, mui, hầm rồi sau cùng là xảm trét. Để xảm trét, người thợ tài hoa miệt này đã sử dụng cây sơn cảm lảm (bùi nhùi hay trám ở núi) trộn với dầu rái. Nhưng, để có một chiếc ghe ngon lành, mỗi trại đều có một bí quyết nghề nghiệp riêng mà người ta gọi là “mẹo”. Đó là kinh nghiệm của người thợ cả, là các thông số kỹ thuật đặc thù được áp dụng cho mỗi loại ghe xuồng cụ thể nào đó. Chính vì vậy mà có câu ca:

Làm ruộng ăn theo mùa

Làm ghe ăn theo mẹo

Theo tác giả Võ Công Nguyện trong bài “Nghề đóng ghe xuồng tại Nam bộ” thì ghe xuồng xưa được cư dân châu thổ đất Chín Rồng sử dụng phổ biến là xuồng ba lá (hay tam bản), xuồng vỏ gòn (hình dáng giống vỏ trái gòn) có kích thước nhỏ, kết cấu đơn giản (giàn đà, cong và ván be), kiểu dáng gọn nhẹ, chủ yếu để đi lại, chuyên chở từ nhà ra đồng ruộng, đến các tụ điểm vui chơi, giải trí, trao đổi, buôn bán rất thuận tiện với cuộc sống “trên bến dưới xuồng”. Xuồng ba lá hiện vẫn còn được nhiều người sử dụng và kêu theo quán tính, dù rằng chiếc xuồng mới đóng có số lượng ván be nhiều hơn 3, có thể là 5, hoặc 7, hoặc 9 tấm ván. Tuy nhiên giá của nó khá mắc, bét nhất là xuồng bằng cây bạch đàn giá cũng từ 1-1,5 triệu đồng một chiếc, tùy bề hoành. Cho nên, người thợ xuất sắc vùng sông Hậu đã nghĩ ra một loại xuồng mang tính “thời sự”, “ăn liền”, có giá trị “kinh tế thị trường” và được người có túi tiền eo hẹp ủng hộ hết mình. Đó là xuồng “năm quăng”.


“Năm quăng” Ngày xưa, mỗi lần ngồi xe đò ngang qua thị trấn Ngã Bảy, qua cầu hướng về Sóc Trăng, khách có dịp thỏa mắt ngắm nhìn hàng bao nhiêu trại ghe nằm san sát hai bên đường. Những tấm ván mới xẻ còn tươi nằm phơi mình trong ánh nắng mặt trời tạo thành cảnh quan thích thú, gọi mời một chuyến phiêu lưu sông nước sắp tới. Thợ xuồng ghe, mình trần đẫm mồ hôi, tay búa tay đinh, tay bào tay đục… miệt mài hoàn thành công việc của mình. Cảnh náo hoạt ấy cho biết Ngã Bảy là một làng xuồng nổi tiếng bậc nhất đồng bằng sông Cửu Long. Cũng như ghe Cần Đước, ghe Ngã Bảy “hùng cứ” nhiều phương trời của lưu vực sông nước mênh mông này và đã tạo nên thương hiệu uy tín nhất nhì trong làng ghe xuồng khu vực.

Ông Nguyễn Văn Be, 60 tuổi, sống tại đây từ nhỏ bằng nghề này, cho biết: Trước năm 1975, làng ghe xuồng Ngã Bảy có khoảng 30 hộ làm ghe tam bản (dài 4 mét), xuồng năm lá (dài 5 thước), xuồng câu (dài 4,2 thước) bằng cây núi mua ở Sài Gòn có nguồn gốc ở Tây Nguyên. Sau đó, họ trở thành xã viên hợp tác xã. Đến năm 1980, làm ăn lỗ lã, họ bung ra làm cá thể. Lúc bấy giờ, nguồn gỗ từ Tây Nguyên bắt đầu hiếm nên họ nghĩ đến việc tận dụng các loại cây tạp ở địa phương cho phù hợp hoàn cảnh kinh tế. Hiện nay, số hộ hoạt động sản xuất ghe xuồng dọc quốc lộ 1 A của thị xã Phụng Hiệp đã giảm đáng kể vì công việc làm ăn kém phát triển dù họ cố gắng nâng cao thương phẩm bằng cây rừng (trâm, trâm đỏ, bình linh, pê-răn…) nhập từ Indonesia. Cây kính trung (45-50cm) khoảng 3 triệu đồng một khối, là loại dùng làm trong xây dựng nhà cửa, đóng ghe, đóng vỏ cho chất lượng tốt. Một chiếc ghe dài 9-10 thước ông Be đóng cho khách giá khoảng 8 triệu đồng. Nhưng loại này chậm hàng vì ít người đặt. Bây giờ, “thời sự” nhất là loại xuồng “năm quăng”. Ông Be cười cho biết: “Năm quăng” có nghĩa là xài “một năm” thì “quăng” đi, mua chiếc khác. Nghĩ, uổng quá. Nhưng kỳ thật loại xuồng này lại quá phù hợp với túi tiền người nông dân, kể cả những chủ vuông tôm giàu có ở miệt Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... Ông tổ của chiếc xuồng “năm quăng” là ông Dương Văn Lạc (Hai Lạc), sinh năm 1954 tại ấp Cái Tắc, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Ông Hai Lạc theo cha ra tận Nha Trang học nghề đóng giường tủ. Năm 1975, rành nghề ông trở về quê nhà kiếm sống. Quá khó khăn, ông tới Ngã Bảy học cấp tốc nghề làm ghe xuồng rồi trở về mở trại. Rồi cũng gặp khó khăn vì dân nghèo quá, ghe xuồng mắc mỏ sao có tiền mua. Vậy là ông nghĩ đến một loại xuồng được thiết kế bằng cây vườn. Loại xuồng có giá cực rẻ ai cũng có thể mua được này chỉ xài một năm là “quăng” nên rất được nhiều người địa phương rồi cả vùng ủng hộ. Tên xuồng “năm quăng” có từ đó. Ông Nguyễn Văn Be bên những chiếc xuồng “năm quăng”.


Ông Nguyễn Văn Be trước đây làm ghe xuồng bằng cây núi, sau thấy mối lợi của xuồng “năm quăng” nên tóm ngay lấy cơ hội. Và ông đã thành công, từ năm 1978 đến nay, ông đã nuôi 8 con, 3 người đã ra riêng bằng nghề này. Trại của ông nằm bên bờ kinh xáng Sóc Trăng chạy ngang chiếc cầu đi vào nhà máy đường Phụng Hiệp. Ông nói: “Xuồng “năm quăng” được làm từ các loại cây: xoài, bạch đàn, gáo, sầu riêng, còng. Đầu tiên là xẻ ván dầy từ 1 đến 1,2 phân, phơi một nắng. Gặp tháng mưa thì để trong nhà hong gió chừng vài ba bữa, sao cho khi đóng ván không nhót, người sử dụng không gặp trở ngại”. Ngoài năm người con làm việc chung, ông Be còn mướn thêm một vài thợ phụ. Thợ ở đây làm bán thủ công, ăn theo sản phẩm nên làm việc không có giờ giấc nhất định. Anh Nguyễn Văn Tú, 37 tuổi, đã có 4 năm làm nghề, cho biết thu nhập bình quân của anh mỗi tháng cỡ 800.000 đồng. Gia đình anh sống được nhờ chị vợ buôn bán lặt vặt phụ thêm. Chính vì thu nhập bấp bênh nên thợ không mấy thiết tha với nghề, thợ giỏi chuyển sang làm việc khác. Nếu làm thẳng thét, mỗi ngày người thợ làm được một chiếc xuồng “năm quăng”, nhận 30.000 đồng tiền công, ăn cơm chủ. Anh Tú vừa đóng be xuồng vừa tâm sự: “Một tấc rưỡi tui đóng 3 cây đinh để đảm bảo an toàn. Có nơi người ta đóng hai cây đinh, xuồng mau vô nước”. Chỉ với vài ba mũi đinh cuối cùng là anh hoàn thành chiếc xuồng. Anh bảo: “Chỉ cần trét chai là xong. “Năm quăng” giá chỉ 120.000 đồng chiếc 3,5 thước, 170.000 đồng chiếc 4 thước và 200.000 đồng/chiếc 5 thước”. Trong khi chiếc xuồng sản xuất bằng cây núi, giá bét nhứt bằng cây bạch đàn giá cũng từ 1 triệu đồng đến 1 triệu rưỡi đồng/chiếc, tùy bề hoành lớn nhỏ. Còn xuồng composite “thời thượng” chỉ những người có tiền mới dám rớ, vì giá từ 7 triệu đến 8 triệu đồng/chiếc 6 thước. Anh Tú còn cho biết, nếu chịu khó o bế thì “năm quăng” cũng xài được lâu hơn: lắp vò (trét dầu chai), sẽ kéo dài tuổi thọ của nó thêm một năm nữa. Ông Be nói: “Năm quăng” giá bèo như vậy nên không cần công đoạn bào láng. Xuồng bán cho người dân vùng nông thôn sâu, những người bán rau cải dạo kinh rạch và những chủ vuông mua rải thức ăn cho tôm, chạy nhứt vào mùa nước nổi. Bình quân, mỗi tháng ông sản xuất theo đơn đặt hàng khoảng 20 chiếc “năm quăng”. Rời làng xuồng Ngã Bảy, dọc theo sông Long Thạnh, còn có một làng xuồng “năm quăng” hoành tráng, mỗi ngày cho ra lò tới 500 chiếc. “Năm quăng”, loại xuồng “thời sự”, loại xuồng “ăn liền” năng động này đang bắt đầu vào vụ khi mùa nước nổi sắp tràn đồng nhiều tỉnh đồng bằng sông nước Cửu Long.

Không có nhận xét nào: