Thứ Ba, 4 tháng 12, 2007

Ngược dòng Mêkông

Tháng mười, mùa nước lũ gần đạt đỉnh điểm ở ĐBSCL. Dòng sông Hậu như sôi động hẳn lên chuyên chở phù sa bồi đắp cho khu vực giàu tiềm năng nông nghiệp này. Bắt nguồn từ hàng ngàn cây số xa xôi nơi thượng nguồn, dòng Mêkông chảy vào Campuchia, đến thủ đô Phnôm Pênh rồi chia thành hai nhánh để đi tiếp vào Việt Nam là sông Tiền và sông Hậu.

Đào Duy Hòa

Kim đồng hồ chỉ đúng 7 giờ 30 sáng. Hướng dẫn viên Biên Sỹ Tuấn của tàu cao tốc Tư Trang ra hiệu cho thuyền trưởng Cù Văn Anh rời bến tàu Châu Đốc, ngược dòng sông Hậu trực chỉ biên giới Campuchia. Cả hai đều đã gắn bó nhiều năm với ĐBSCL. Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Cần Thơ, anh Tuấn làm hướng dẫn viên tiếng Anh cho tàu Tư Trang được bảy năm. Quê ở tận Đồng Nai, thuyền trưởng Anh có thâm niên lái cho hãng tàu Tư Trang cũng chừng ấy năm.

Chỉ trong thoáng chốc, tàu tăng tốc đạt 40- 45 km/giờ, bỏ lại sau lưng làng nhà bè nuôi cá basa dọc hai bờ sông. Mười lăm phút sau, tàu quẹo phải vào kênh Xáng đi ra Tân Châu. Bên bờ trái kênh Xáng, những cánh đồng xanh um vào mùa khô giờ đã ngập sâu dưới 1- 2 mét nước. Tàu thuyền nhỏ có thể dễ dàng lưu thông băng qua cánh đồng. Con lộ chạy dài theo bờ kênh cũng bị ngập, chỉ còn nhìn thấy hàng cột điện bằng xi măng, hàng me nước, bần, còng, bạch đàn, bụi tre... lưa thưa nhô lên khỏi mặt nước...

Phải mất 20 phút, tàu mới chạy qua hết kênh Xáng. Sông Tiền rộng bao la hiện ra phía trước. Chiếc tàu lại rẽ trái ngược dòng sông Tiền lên cửa khẩu Vĩnh Xương. Đoạn sông này rộng trên dưới 1.000 mét, dân cư hai bên bờ khá thưa thớt. Không ít nơi bị nước lũ ngập sâu... nhìn chỉ thấy toàn một màu nước trắng xóa. Đó đây một vài chiếc thuyền câu, lưới cá... Mười lăm vị khách đến từ Hà Lan, Bỉ, Thụy Điển... không khỏi ngạc nhiên trước cảnh vật bao la, mênh mông của tạo hóa.

Sau hai mươi lăm phút lướt êm trên sông Tiền, tàu cặp bến cửa khẩu Vĩnh Xương. Cách cửa khẩu Việt Nam chừng 100 mét là trạm kiểm soát cửa khẩu của Campuchia. Hầu hết du khách đều chụp hình kỷ niệm tại cột mốc phân chia ranh giới hai nước láng giềng. Ba mươi phút là thời gian làm thủ tục xuất cảnh: kiểm tra hộ chiếu, visa... và đóng mộc ký tên. Hoàn tất thủ tục bên Việt Nam, tàu tách bến và chầm chậm lướt qua biên giới. Bây giờ lá cờ Việt Nam treo ở mũi tàu đã được thuyền trưởng thay bằng cờ Campuchia theo quy định của hai nước.

Anh Tuấn cho biết trung bình mỗi ngày có khoảng 70-80 khách du lịch nước ngoài qua cửa khẩu Việt Nam - Campuchia. Con số này đang có chiều hướng tăng lên vì ngày càng có nhiều người biết đến tour khám phá đường sông này. Hiện có bốn đội tàu cao tốc với khoảng mười chiếc lớn (25 khách) nhỏ (10 khách) vận chuyển khách tuyến Châu Đốc - Phnôm Pênh và ngược lại. Đó là đội tàu của khách sạn Victoria Châu Đốc, tàu Tư Trang, Blue Cruiser và Hàng Châu. Giá vé cao nhất là 75 đô la Mỹ và thấp nhất là 17 đô la Mỹ/người cho một lượt đi hoặc về. Giá vé bao gồm bữa ăn nhẹ và không bao gồm phí visa.

Tàu chạy năm phút thì tới công an cửa khẩu của Campuchia. Thông thường chỉ mất 30 phút làm visa nhập cảnh Campuchia nhưng hôm nay do khách khá đông nên phải mất 50 phút mới hoàn tất thủ tục cho cả đoàn.

Rời bến cửa khẩu Campuchia, tàu tăng tốc ngược dòng Mêkông. Hai bên bờ sông xanh rì một màu cây lá. Dân cư thưa thớt hẳn đi. Thỉnh thoảng mới thấy một vài nóc nhà hoặc một ngôi chùa mái cong vút, vàng rực. Hầu như không thấy một bóng nhà bè nuôi cá ba sa như bên phía Việt Nam. Thỉnh thoảng mới xuất hiện một chiếc xáng đơn độc khai thác cát giữa dòng sông mênh mông. Cát khai thác ở đây thuộc loại tốt để dùng trong xây dựng. Chính phủ Campuchia rất hạn chế trong việc cấp phép khai thác cát để chống sạt lở. Thế nhưng hàng năm mỗi bên bờ sông cũng bị thu hẹp khoảng hơn năm mét.

Giữa bạt ngàn sông nước thỉnh thoảng lại nổi lên một cù lao xanh um. Đó đây thấp thoáng vài mái nhà lợp tôn. Vài đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ. Cùng đàn cò trắng kiếm ăn trên cánh đồng lúp xúp nước. Càng vào sâu trong lãnh thổ Campuchia, dân cư tăng dần. Cây thốt nốt, đặc trưng của xứ sở Chùa Tháp, cũng nhiều hơn.

Từ biên giới Campuchia đến phà Neak Luoeng, tàu chạy mất 60 phút. Hai bên bờ là những ngôi nhà khá to lợp ngói đỏ. Đường bộ bên bờ phải nối liền Neak Luoeng với cửa khẩu Mộc Bài, thuộc tỉnh Tây Ninh. Bờ bên trái là đường bộ dẫn lên thành phố Phnôm Pênh.

Càng tới gần Phnôm Pênh, mật độ nhà cửa, chùa chiền càng dày thêm. Khi tàu cách bến cảng Sisowat 15-20 phút, xuất hiện những ngôi biệt thự, đền chùa nguy nga, một số nhà cao tầng... Bên bờ trái là tòa nhà bộ ngoại giao, đền vua tráng lệ, casino Gana hiện đại, khách sạn Cambodiana theo kiến trúc cổ hoành tráng... Xa xa phía trước, cầu Chruichangwa, còn gọi là cầu Hữu Nghị Nhật - Campuchia, bắc ngang qua sông...

Đúng 12 giờ 30, tàu cặp bến Sisowat. Khách lần lượt lên bến tiếp tục cuộc hành trình trên đất Chùa Tháp. Tôi kịp ghi nhận lại cảm tưởng của một du khách trên tàu, ông Van Ooyen Willem, 56 tuổi, đến từ Hà Lan: “Lai lịch dòng sông Mêkông và những điều tai nghe mắt thấy dọc hai bên bờ sông làm tôi vô cùng thích thú. Nhóm của chúng tôi gồm bốn người đến Hà Nội được ba tuần, đã thăm Hà Nội, Sapa, Hạ Long, Huế, Sài Gòn, Cần Thơ và Châu Đốc. Điều khiến chúng tôi thú vị nhất là có sự khác biệt rất rõ giữa những nơi chúng tôi đến. Thậm chí Cần Thơ và Châu Đốc chỉ cách nhau 120 ki lô mét nhưng mọi thứ rất khác nhau, từ nhà cửa, cảnh quan, cư dân, chợ búa... Thật là một chuyến đi đáng nhớ...”.


_____

Bài đã đăng trên Thời báo Kinh tế SàiGòn số 48-2007

Không có nhận xét nào: