Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2007

LÁ BÀNG

Thuở tôi còn nhỏ, cứ mỗi độ cuối năm khi cha tôi xăm xoi chăm sóc mấy khóm hoa cúc, thược dược và vạn thọ chuẩn bị chơi xuân thì tôi lại cùng đám trẻ trong xóm hào hứng theo dõi những chiếc lá bàng chuyển màu và lần lượt lìa cành theo những đợt gió đông.


Nhà tôi ở gần ngôi chùa nhỏ có hai cây bàng cổ thụ xoè tán phủ rợp khoảng sân rộng, là nơi đám trẻ con chúng tôi thường tụ tập chơi đùa. Mấy tháng xuân, lá bàng xanh tươi ken kín tán cây; hàng ngày, có những người xách sào đến hái lá bàng về dùng gói xôi bán lẻ. Khoảng giữa hè, khi quả bàng vừa già tới, chúng tôi lén ông từ già ném đá để nhặt quả bàng, đập vỡ hạt moi tí mộng bàng nhấm nháp vị chát cho hết những buổi trưa hè oi ả. Thu về, lá bàng bị sâu đục thủng lỗ chỗ không dùng gói xôi được nữa, những quả bàng chín vàng bắt đầu rụng. Quả bàng lúc này thoảng chút hương thơm, đến lượt đám con gái đập quả để ăn mộng bàng. Bọn con trai không thèm nhặt mà chỉ thích trò ném đá nghịch ngợm. Mùa đông tới, những chiếc lá bàng chuyển sang màu vàng, cam rồi đỏ thắm trên nền trời xanh thẫm. Lá rụng đầy sân chùa. Lá rơi, chao nghiêng nhẹ nhàng. Hàng ngày, ông từ quét dồn lại góc sân chờ khô để đun bếp. Chúng tôi vừa thích thú ngắm nhìn cảnh những chiếc lá lần lượt lìa cành với chút cảm xúc lâng lâng tiếc nuối khi trên những cành cây khẳng khiu chỉ còn lưa thưa dăm chiếc. Những ngày cuối đông, khi chiếc lá cuối cùng rụng xuống, hàng loạt chồi non nhú ra rồi nhanh chóng phủ lên tán cây những chiếc lá xanh mướt như thay chiếc áo mới đón xuân về.


Lớn lên xa nhà, tôi chợt nhận ra mình đã "nghiện" cái thú nhìn lá bàng rơi và cảm nhận sự huyền diệu của chu kỳ thời tiết của đất trời. Không cần phải chờ ngắm mai vàng nở, tôi đón tin xuân từ những chiếc lá bàng.


Nhưng rồi, những cây bàng cổ thụ ngày một mất dần. Loài cây này có cái tội là bộ rễ của nó phát triển "vô tổ chức" làm hỏng lề đường và tán lá chiếm quá nhiều không gian là những thứ ngày càng trở nên quý hiếm trong những đô thị đang phát triển. Người thành phố ngày nay có kiểu cách chơi cây xanh cũng khác. Họ thuê người lên núi bứng những cây vạn tuế đem về trang trí ngoại thất. Lạ mắt và chiếm ít diện tích đất. Nội thất nay đã có cây giả, hoa giả giống y thật để sống chung với không gian được điều hoà bằng máy. Đành vậy. Chỉ mong sao giữa phố phường còn sót những mảnh đất không có ai thèm xây khách sạn, nhà hàng. May ra sau này, trẻ con còn biết đến những chiếc lá bàng đổi màu, và báo tin xuân sắp về vào những ngày cuối đông lạnh lẽo.

Mai Lĩnh

Dừa sáp


Dừa bình thường thì x mình đi đâu cũng gặp. Còn dừa sáp thì hiếm lắm, chỉ thấy có huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Dạo này bạn bè ở Sài Gòn về miền Tây hay đòi kiếm dừa sáp ăn chơi. Tôi bèn nói muốn ăn dừa sáp thứ thiệt thì phải qua Cầu Kè, nhưng cũng phải mua chỗ quen biết, giá một trái nhỏ… “chỉ có” 60.000 đồng!


PHÙ SA LỘC


Đặc sản Cầu Kè

Từ Cần Thơ tôi và anh bạn chở nhau qua nhà ông già người Khmer tên là Thạch Chịa đã hơn 80 tuổi, ở khóm 2, thị trấn Cầu Kè. Nhà ông có 25 cây dừa sáp cho trái trồng trên ba liếp vườn ngay hàng thẳng lối, dọn dẹp cỏ rác sạch sẽ.


Ông Thạch Chịa kể, để có giống dừa này, ông đã xin giống từ ông cả chùa Chợ (chùa Bôtum Sacao). Trước đó, khoảng năm 1960, nhân chuyến đi Batdombong (Campuchia), vị sãi cả này được thưởng thức thứ nước giải khát ngon lạ lùng nên thích thú mua một cặp giống về trồng. Từ đó nó được nhân ra quanh khu vực thị trấn Cầu Kè, như Tam Ngãi, An Phú Tân, Phong Phú, Phong Thạnh…


Hiện nay dừa sáp được trồng nhiều nhất tại xã Hòa Tân. Tại thị trấn Cầu Kè có hai sạp bán dừa sáp quanh năm. Một sạp trên đường 30-4, gần Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện. Một sạp ở đường Trần Phú, gần UBND huyện, thuộc khóm 4, do cô Châu Thị Mai, 33 tuổi làm chủ. Ngoài bán lẻ cho khách vãng lai, cô Mai còn đưa dừa sáp lên TPHCM và mang đi thị xã Trà Vinh bỏ mối cho quán giải khát Hồng Hải trên đường Hàng Me. Trước đây, quán này có món “xay sinh tố dừa”, bán 6.000đ/ly, bây giờ ngưng bán vì giá dừa trái quá cao.

Dừa sáp, còn gọi là dừa đặc ruột. Về hình thức, dừa sáp giống dừa thường nhưng điểm đặc biệt là cơm dừa rất dày, có khi choán gần hết phần ruột, phần còn lại nước dừa sệt lại như keo. Cơm dừa sáp mềm và dẻo như bột quánh lại. Mùa mưa, do ảnh hưởng tiết trời, dừa không đặc như vậy, nhưng vẫn ngon. Để phân biệt dừa sáp và dừa thường phải là một tay trong nghề. Dừa thường lột vỏ gõ nghe tưng tưng. Còn dừa sáp lột vỏ dùng sống dao gõ nghe cọc cọc.

Thông thường một buồng dừa 12 trái, chỉ có khoảng 4 – 5 trái dừa sáp, thậm chí có khi không có trái nào. Ngày trước, người ta nạo cơm dừa bằng muỗng cho vô ly quậy với đường, sữa trước khi ăn. Ngày nay cơm dừa sau khi nạo, cho vào máy quay sinh tố đã chế sẵn sữa, đường, một chút cà phê và nước đá. Cái hỗn hợp sền sệt ấy tạo cho người thưởng thức cảm giác khó quên, vừa béo vừa thơm hương vị của sữa và dừa trong cái lạnh làm đê mê các chân răng và đầu lưỡi.


Thụ tinh cho… dừa sáp

Chúng tôi đang loay hoay dưới gốc dừa nhà ông Thạch Chịa thì chợt thấy một anh chàng trung niên chạy xe gắn máy tới dựng trước sân nhà rồi xách chiếc cặp da cùng mớ dây nhợ loắn xoắn đi thẳng vô vườn. Anh ghi ghi, chép chép, ngắm nhìn các buồng dừa đeo trên cây rồi tháo mớ “dây nhợ” ra. Đó là một chiếc bầu cao su màu đỏ hình bầu dục, sợi dây ni-lông trong suốt và một dụng cụ như cái bình phun. Anh gài bình phun vào đầu cây tầm vông, quấn sợi dây nhựa quanh thân tầm vông nối với chiếc bầu cao su. Rồi anh giơ đầu cây tầm vông lên sát mấy nụ bông dừa sáp, tay bóp chiếc bầu cao su. Một làn hơi bụi mịn như tơ đang tỏa trùm chùm lên nụ bông dừa. Động tác này được anh lặp đi lặp lại, từ cây dừa này qua cây dừa khác một cách thuần thục, nhanh chóng nhưng cẩn thận.


Tò mò, tôi hỏi ông già Thạch Chịa, ông cười móm mém, nói giọng Khmer: “Dớ! Đó là cậu kỹ sư ở Bến Tre qua đây phun thụ phấn cho dừa sáp đó”. “Để làm chi?”, chúng tôi thắc mắc hỏi tiếp. Ông nói, giọng phấn khích: “Để nó có sáp nhiều”, rồi nhấn thêm: “Dớ! Cậu này tốt lắm nghen. Cẩu chăm sóc từng cây một coi có sâu bịnh gì hông rồi còn khuyên tui rửa cây nữa”. “Rửa cây là sao?”. Ông lão lại cười: “Là chặt bỏ mấy nhánh khô, mấy tàu dừa héo rũ, nghĩa là làm vệ sinh đó mà!”.

Được sự hướng dẫn của anh chàng kỹ sư này, về Cần Thơ, tôi vô ngay website của Trung tâm Sản xuất thực nghiệm Đồng Gò (tọa lạc tại xã Lương Hòa, tỉnh Bến Tre - nơi được UNDP tài trợ thông qua dự án VIE 80/009 để thiết lập một tập đoàn giống dừa của Việt Nam) để tìm thêm thông tin về giống dừa này. Mới hay trung tâm này có nhiệm vụ chọn tạo và khảo nghiệm giống mới, cung ứng giống dừa cho nông dân và tạo vùng nguyên liệu cho ngành công nghiệp dừa thông qua vườm ươm giống dừa tại Bến Tre.

Trở lại huyện Cầu Kè, lại nghe kỹ sư Ngô Thanh Trung kể chuyện thụ phấn cho dừa sáp. Anh nói: “Thụ phấn trợ lực để tăng tỷ lệ sáp trên từng cây dừa, tụi tôi thường kêu là thụ tinh cho dừa sáp”. Đây là công trình hợp tác giữa Viện Cây có dầu và Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Trà Vinh. Trung là kỹ sư nông nghiệp chuyên về cây dừa thuộc Viện Cây có dầu, Bộ Nông nghiệp, được phân công tới đây. Trước hết, phải điều tra cây dừa, đánh dấu phân nhóm và tuổi cây rồi sau đó mới thụ tinh. Trước khi thụ tinh, các anh phải lấy phấn đực trên cây dừa sáp có mo đã bung 2-3 ngày. Rồi đem về cà bể ra, cho vô thùng kín, phơi ngoài trời trong bóng râm khoảng hai ngày sẽ có mủ màu nâu. Rồi lại cà đến khi phấn bung màu vàng hột gà thì mới rây lấy bột mịn. Cuối cùng mới phun bột này vô bông cái mới nở, phun suốt từ 6-8 ngày.

Công việc này được hai kỹ sư thực hiện trên tất cả các cây dừa sáp đang cho trái trên địa bàn huyện Cầu Kè, trung bình mỗi ngày họ phun cho 40 – 50 cây. Công việc khá cực nhọc vì phải đưa phấn đực vào đúng bông cái. Vừa phun phấn đực cho bông cái xong, nếu mưa đổ xuống, coi như công cốc, phải làm lại. Làm từ sáng đến 12 giờ trưa thì nghỉ, vì sau đó, theo nhịp sinh học, bông cái thụ tinh rất ít. Quả là kỳ công!

________________

Bài và ảnh: PHÙ SA LỘC

Xem thêm:
Cầu Kè vào hội


Thứ Năm, 27 tháng 9, 2007

HÃY CÓ MỘT NGÀY ĐỂ TANG CHO NẠN NHÂN VỤ SẬP CẦU CẦN THƠ



Mới hôm qua khi qua phà Cần Thơ còn xách máy ảnh làm một tấm định đem cho mấy anh bạn ở Sài gòn coi chơi vì mấy ảnh có hình dung sự kỳ vĩ nó như thế nào đâu.

Vậy mà... sáng nay ngồi đọc báo (chưa tới 8g) đọc bài của thằng Phương Nguyên nói cây cầu bị ông thứ trưởng rầy vì hai đầu cầu làm chậm quá.

Vô cơ quan 8g30. Ông bạn từ Cần Thơ gọi lên nói cả thành phố như đám ma. Cầu sập rồi! Sài gòn nắng mà thấy sao héo hắt. Gọi cho mấy thằng bạn làm ở công trình Cầu Cần Thơ. Không đứa nào bắt máy. Không biết tụi nó ra sao? Tới trưa tụi nó gọi lại báo là không có gì mới an tâm.

Những người công nhân gặp nạn trên công trình lịch sử này sẽ mãi mãi ở trong lòng ngườời dân xứ này. Vì họ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ của mình cho cả vùng này vươn mình bay lên.Hãy kêu gọi một ngày để tang cho công nhân cầu Cần Thơ

Lê Duy

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2007

Lòng người Cần Thơ trong cơn hoạn nạn


Nguyễn Thái Hùng

25.09.2004 làm lễ động thổ cầu Cần Thơ, 26.09.2007 một thảm họa đã đến với công nhân xây dựng cầu.

3 năm là hơn 1000 ngày, công nhân các nơi tụ tập về đây xây dựng một cây cầu nối đôi bờ sông Hậu, cùng với cầu Mỹ Thuận vĩnh viễn chấm dứt sự chia cắt của Mekong, nhưng hôm nay cũng là ngày hàng chục người đã giã từ cuộc sống vì sự hợp nhất của đôi bờ.


Tôi không có người quen, người thân trong số người bị nạn nhưng tôi không sao không khỏi bồn chồn lo lắng cho tính mạng người lao động phải chịu thê thảm bởi sự tắc trách của những người có trách nhiệm trong việc xây dựng. Lỗi tại ai ???... Khi một mố cầu bị lún, hai nhịp cầu bị sập?
Trong dòng người có mặt tại bến Ninh Kiều sáng nay mới thấy được sự lo lắng của chính quyền thành phố Cần Thơ huy động tổng lực sức dân cấp cứu vượt sông Hậu bên bờ Bình Minh (Vĩnh Long), hàng trăm tàu thuyền du lịch, hàng trăm y bác sỹ cùng các lực lượng quân đội, công an có mặt tại hiện trường và Bến Ninh Kiều để cấp cứu tại chỗ, người dân tự sắp xếp tại các ngã tư đường để hình thành một tuyến đường thông suốt cho hơn 30 xe cấp cứu vận chuyển… chưa kể lực lượng xe lôi tự nguyện.
Trong lúc đó tại các bệnh viện lúc nào cũng có hơn 200 người tự động đứng xếp hàng chờ hiến máu nhân đạo kể cả du khách nước ngoài, con số hơn 1000 đơn vị máu đã được dự trữ đầy đủ ở tại các bệnh viện mà không cần ai nhắc nhở, chiều nay đã thông báo ngừng tiếp nhận, chưa bao giờ có cảnh này tại Cần Thơ, một giọt máu đào hơn ao nước lã, tấm lòng người dân quý trọng biết bao.
Hiện tại còn vài chục nạn nhân nằm dưới dạ cầu đổ nát trộn lẫn với bê tông, hàng trăm bác sỹ và y tá trực chờ tại đầu cầu trong nỗi tuyệt vọng, bởi vì phương tiện cắt gỡ không đầy đủ… tôi chỉ có một niềm tin vào sự táo bạo và quyết định nhanh chóng của Đảng và Nhà nước.


Nước mắt 26.9.2007

Chùm ảnh của nhà báo Huỳnh Lợi (SGGP) về tai nạn cầu Cần Thơ. Điều ghi nhận là tinh thần của các lực lượng cứu hộ và người Cần Thơ là rất đáng trân trọng. Có cả du khách nước ngoài cũng xung phong hiến máu, lượng người hiến máu đông đến nỗi phải tạm ngưng vì thiếu tủ chứa máu.
























Cần Thơ tang tóc

Trong lúc đang đổ bê tông cầu dẫn phía bắc (bờ Vĩnh Long) cầu Cần Thơ giàn giáo đã sụp đổ kéo theo hàng trăm mạng người vừa chết vừa bị thương lúc hơn 7g sáng nay (26.9.2007), khi chưa kịp hoàn hồn thì một bình gas dành cho việc hàn sắt thép lại nổ làm tan xác người cứu hộ.

Các văn phòng báo chí hối hả trong trầm lặng, nhiều phóng viên ném phần ăn sáng rồi vọt chạy khi vừa hay tin. Mọi cao ốc đều đầy người ngóng về hướng cầu đang xây.

Chưa biết việc gì thực sự đã diễn ra nhưng điều ghi nhận là chưa bao giờ thành phố Cần Thơ không khí tang tóc bao phủ như thế này. Còi xe cấp cứu rú vang suốt từ sáng đến trưa. Hoạt động cứu hộ trên sông Hậu hơn cả thời chiến. Cũng chưa bao giờ lòng người Cần Thơ gần nhau như lúc này, lời kêu gọi hiến máu được hưởng ứng từ doanh nghiệp đến người dân. Hàng dài người xếp hàng hiến máu trước cổng Bệnh viện đa khoa Cần Thơ. Phóng viên ảnh Trương Công Khả đầm đìa nước mắt khi rời hiện trường và ngất xỉu ngay khi về đến văn phòng, sau đó anh nghẹn ngào kể rời rạc những điều tận mắt đã nhìn thấy.

Có lẽ mãi sau này người Cần Thơ khó quên ngày 26.9.2007.

________________________

Ảnh: Trương Công Khả

Xem thêm chi tiết tại Báo Thanh Niên, Báo Tuổi Trẻ

Những gì có lợi cho dân ta...

Huỳnh Khắc Thảo

Việt Nam Hồ Chí Minh (Phiên bản 2)
Triển lãm Mỹ thuật Khu vực 6 ĐBSCL

Tranh bút sắt, màu bột và dùng hiệu ứng chữ bằng computer rồi in bằng máy in phun trên silk.




______________
50cm x 70cm

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2007

Đèn tỏ, nhà... tàn

Xem thêm hình ảnh một ngôi nhà cổ đang tàn
tại Thốt Nốt (Cần Thơ) bên dưới.


Hàng đêm, trong các ngôi nhà cổ, đèn vẫn tỏ trên những án thờ. Nhưng tiếc thay, rất nhiều ngôi nhà cổ ở TP Cần Thơ nói riêng, các tỉnh ĐBSCL nói chung đang xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, những giải pháp căn cơ nhằm bảo tồn vẫn còn xa vời vợi...

Chỉ những vệt sơn trắng chạy dài đè theo vết nứt ngang vách tường, trên cột giữa, ông Dương Minh Hiển, chủ nhân nhà cổ Bình Thủy của dòng họ Dương danh tiếng trên vùng đất cổ nhất Cần Thơ, tần ngần: “Chống đỡ tạm thời thôi, nặng nhất là ngay dưới đòn tay, làm chạy ngói, thấm nước; vì kèo có nơi bị mối mọt; hệ thống máng xối liên hoàn hư rồi, nền cũng lún”.
Thời gian oằn nặng trên cả khuôn viên rộng hơn 8.000 m2 này: cặp rồng phụng uốn lượn quanh 4 cột tròn cùng hai câu đối trên cổng “tam quan” đã bay đâu mất; “Vườn lan Bình Thủy” đắm say ngày trước nay còn đâu; hơn 300 hình gốm xinh xinh gắn khéo léo trên hòn non bộ cao 2-3 mét chỉ còn trong ký ức; bên bể bơi cạn nước hai chú ếch đá trơ mắt ngồi nhìn nhau...
Dân gian có câu: “Nhất gian cô độc, nhị gian sầu, tam gian phú quý, tứ gian truân”. Thế nhưng ngôi nhà này còn độc đáo hơn với 5 gian, 136 tuổi. “Người tình” (L’ amant), bộ phim ăn khách tại nước ngoài, tôn vinh vẻ đẹp Nam bộ được quay ngay tại đây.
“ Tôi đã choáng mắt trước sự tráng lệ của ngôi nhà tuyệt vời này và mong muốn nhờ điện ảnh cho thế giới biết đến nơi đây”, J.J Annaud, đạo diễn bộ phim này thảng thốt. Nhà văn Sơn Nam, cố vấn đoàn làm phim lý giải rõ hơn: Ngôi nhà này đã xưa, nhưng rực rỡ, còn phảng phất không khí lạ, sức sống nào đó chợt bừng lên, phủi sạch bụi thời gian, tan biến rồi sẽ xuất hiện, mong manh với sự hỗ trợ của ánh sáng, góc độ của máy quay phim. Ông còn cho biết, khi dựng “L’ amant”, đạo diễn không chỉ kể lại mối tình sẽ còn làm rung động nhiều thế hệ mà còn có một trọng trách: cố gắng để 50 năm sau, khi người ta muốn biết về đất Nam bộ giữa hai cuộc chiến tranh, người ta sẽ xem phim của ông.
Ẩn trong ngôi nhà kỳ ảo vấn vương nét giao thời hai thế kỷ và buổi đầu giao lưu văn hóa Đông – Tây này là hệ thống vì, kèo xuyên trinh truyền thống; các tác phẩm điêu khắc gỗ rất tinh xảo tại đầu kèo, thành vọng, bao lam, liễn đối, đòn dong chạm lộng rồng phụng sơn son thếp vàng cùng rất nhiều cổ vật quý… Năm 1945, đắm đuối nghệ thuật chạm khắc nơi đây, một sĩ quan Pháp đã ngỏ ý mua một đoạn chạm khắc gỗ ở bao lam bên phải mang về Pháp. Hàng ngàn lượt khách trong ngoài nước mỗi năm “hành hương” về đây mong tận hưởng cái chất u hoài cổ kính cô đặc nắng gió phương Nam của ngôi nhà.
Ông Trần Bá Thế, 87 tuổi ở cù lao Tân Lộc quanh năm sóng vỗ, lọ mọ giữ kiếng dò đọc từng chữ bài thơ Lý Bạch được khảm xà cừ cả trăm năm trước vẫn óng ánh trên mặt tủ thờ. Ngôi nhà được thân sinh ông - Hội đồng Thoại - xây dựng từ năm 1918 có tường bốn mươi, cửa lá sách, nền cao ốp đá xanh, lợp ngói vẩy cá, các vòm cửa có phù điêu, hoa văn họa tiết…“ Nhà cổ thì nhiều nhưng hư hại muốn hết rồi”! Chỉ thêm mấy bước chân, cả chục ngôi nhà cổ của Hội đồng Vàng, Nghị Văn… khiến ta bàng hoàng với từng chùm dây leo loằng ngoằng thọc qua mái, thả dài theo vách, bò xuống cả nền nhà; cửa sắt nghiêng ngả, vách nứt tường xô…
“Cần Thơ hiện chỉ còn 72 nhà cổ, hầu hết đã biến dạng, xuống cấp trầm trọng”- cô Ngọc Hân, cán bộ phòng Quản lý di tích (Bảo tàng Cần Thơ) cho biết. Dãy 18 căn trên đường Phan Đình Phùng hiện chỉ còn 4 căn; dãy phố 5 căn liền kề trên đường Bùi Hữu Nghĩa - Bình Thủy nguyên là phố trệt của Hương Cả Ky và 4 ngôi nhà của anh em họ La nay là bệnh viện lao; “Vườn thầy Cầu” (149/38 Huỳnh Thúc Kháng), mô hình “Du lịch sinh thái” đầu tiên được Huỳnh Minh đưa vô sách sử gần như biến mất; nhà rội thuần Việt 3 gian 2 chái mái âm dương, mặt tiền song gỗ, lối đi bên hông chỉ còn đôi ba cái… Mà trách sao được khi gia chủ “lực bất tòng tâm” trước cơn lốc xoáy thị trường.
Năm 2002, ông chủ làng du lịch Mỹ Khánh bỏ ra 120 triệu đồng mua bằng được căn nhà ba gian hai chái xây năm 1906 từ cháu đại điền chủ Trần Hi Ngươn (làng Bình Thủy) đang xuống cấp nghiêm trọng, mang về phục chế, dựng lại phục vụ du khách. Ngôi nhà này dỡ ra chỉ mất 10 ngày nhưng làm lại cho đúng nguyên bản đi tong cả 4 tháng trời (mất hơn 1 tỷ đồng, riêng công thợ cả trăm triệu)! Hai phòng sau và bên hông căn nhà, nếu muốn nghỉ lại khách phải trả 300 ngàn đồng/phòng/ngày đêm, thế mà khách Tây vẫn đến nườm nượp.
Nhà cổ, làng cổ bên dòng Mê Công huyền thoại vẫn là điểm ngắm của du khách phương xa bởi nó lưu dấu giữa con người với thiên nhiên; chứa đựng những giá trị sáng tạo nghệ thuật, lịch sử, văn hóa của tiền nhân. Chuẩn bị cho năm Du lịch Quốc gia 2008 tại Cần Thơ, ông Dương Minh Hiển sửa lại vườn, đặt thêm ghế đá rồi “chơi” cái máy ảnh 8 chấm hiệu Canon mới cứng. Ông mơ ước biến khuôn viên 8.000 m2 này thành khu du lịch sinh thái, tái hiện nét sinh hoạt xưa.
Từ đầu năm, thành phố Cần Thơ đã phê duyệt Dự án nâng cấp làng cổ Bình Thủy - Lộ Vòng Cung, trong đó riêng trùng tu nhà cổ Bình Thủy khoảng 1,4 tỷ đồng. “Ngôi nhà còn được đề nghị xếp loại di tích cấp quốc gia nhưng cho đến nay đã thấy gì đâu. Nhà thì cổ mình lại già…” - giọng ông chùng xuống. Đã ngoài 80 tuổi, ông cụ vẫn lụi cụi mở cổng mỗi khi có khách.
“Nhà cổ Bình Thủy chính là 1/10 lý do khách đến ĐBSCL, là nơi đã đi vào văn học thế giới và sau đó là điện ảnh qua phim “L’amant” - GSTS E. Segemueller, người Đức, đã lưu ý như thế trong Hội thảo “Làm gì để phát triển du lịch Cần Thơ và các vùng lân cận”. Mất đi “cái riêng”, bản sắc này Cần Thơ như cô gái lỡ duyên, giảm hẳn lợi thế cạnh tranh! Hàng ngàn tỷ đồng đầu tư cho các khu dân cư, trung tâm thương mại – siêu thị… khiến thành phố trung tâm đồng bằng vụt trở mình nhưng những ngôi nhà cổ, “dòng chảy của quá khứ, hiển hiện cái hồn của miệt vườn, sông nước Cần Thơ xưa” lại đang tàn phai rất rõ.
Không chỉ Cần Thơ mà hàng trăm nhà cổ ĐBSCL đang đứng trước thách thức rất lớn. Bài học “Chợ nổi Ngã bảy” khiến ta giật mình, âu lo: có những giá trị văn hóa mất đi không dễ lấy lại được, cho dù đủ đầy vật chất. Nhà cổ nào cần đưa vào danh sách bảo tồn? Làm gì để giữ được nhà cổ giữa cơn lốc quy hoạch? Phục dựng ra sao để không mất nét sáng tạo, đầy tinh tế của cha ông? Nên chăng gấp rút xây dựng quy chế bảo tồn làng cổ, nhà cổ? Tái hiện cái hồn, chuyển giao di sản hiếm hoi của quá khứ cho mai sau là bổn phận của những thế hệ hôm nay.