Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2007

Cháo lòng Cái Tắc

Phương Kiều

Dù nằm ở một địa phương hơi "khuất", nhưng nhờ món cháo này mà Cái Tắc đã trở nên nổi tiếng với khách gần xa. Cái Tắc (xã Tân Phú Thạnh, Châu Thành A, Hậu Giang) nằm ở ngã ba đường đi Vị Thanh và Sóc Trăng, nên mỗi khi có dịp đi qua tuyến đường này, khách đường xa đều háo hức ghé vào dùng một tô cháo điểm tâm vào buổi sáng sớm hoặc "ăn lấy no" vào buổi trưa hay buổi chiều.

Trước kia, ở đây có khoảng 10 quán bán trong nhà lồng chợ. Nhưng nay, khi nhà lồng chợ được chỉnh trang thì các quán đã dời ra bên ngoài, thành một dãy rất dễ nhìn thấy với những bảng hiệu to tướng kêu gọi khách hàng. Và khách hàng hầu như lúc nào cũng có mặt.

Để tạo nên một thương hiệu uy tín như thế, cháo lòng Cái Tắc đã trải qua thời gian dài gầy dựng, nhưng quan trọng nhất vẫn là "bí thuật" nêm nếm. Dù mỗi quán có một phương thức khác nhau, nhưng tựu trung đều đem lại hương vị đặc sắc, tương tự nhau, mà người "bình thường" không sao phân biệt được.

Cháo lòng Cái Tắc được nấu rất nhừ và lỏng. Khi nồi cháo được nấu sôi, người ta cho huyết, thịt, phèo, phổi,... vào. Và khi nồi cháo sôi nhừ, người ta dùng vá vớt tất cả ra, trừ huyết, cho vào mâm. Với cái vá trên tay, người ta quấy nồi cháo vài vòng, sao cho huyết tan thành từng miếng nhỏ, màu huyết hòa vào màu cháo thành một màu trắng ửng hồng trông thật bắt mắt là được. Sau đó, người ta nêm bột ngọt, nước mắm ngon, hành cùng một số gia vị khác vào. Nồi cháo đã hoàn tất. Khi có khách, người bán bốc một nhúm giá cho vào tô, dùng vá khoắng một lượt rồi múc cháo cho vào tô, sau đó rắc chút ngò xắt nhỏ, chan một chút nước mắm ngon rồi rắc tiêu, sắp thịt, phèo, gan, phổi,... lên trên mặt trước khi dọn ra bàn.

Muốn ăn tô cháo, người ta phải chờ đợi khoảng 5 đến 10 phút vì những động tác ấy và cũng vì khách đông. Khi tô cháo được đặt trước mặt, một làn khói phất tỏa mùi thơm gợi thèm vào khứu giác khách. Cạnh tô cháo còn có chai nước mắm ngon, lọ ớt bằm, dĩa chanh tươi cắt sẵn, dĩa giá sống, dĩa bánh "chá quảy" cùng một dĩa bún sợi nhỏ trắng tinh. Gắp nhúm giá sống, nặn miếng chanh, cho chút ớt bằm, một nửa cái bánh "chá quảy", một ít bún sợi nhỏ, chan chút nước mắm vào tô cháo, dùng đũa trộn đều, tô cháo đặc lại. Nếu bạn lỡ tay làm cho tô cháo quá đặc, không vừa ý, người bán vui vẻ mang đến cho bạn chén nước cháo hòa vào. Thế là bạn đã có tô cháo lòng Cái Tắc rất ngọt vị thịt, rất thơm mùi ngò, tiêu, rất cay vị ớt, rất chua vị chanh, béo vị bánh "chá quảy",...

Buổi sáng, ăn cháo lòng Cái Tắc là một điều thú vị, nhất là trong những ngày trời se lạnh của tiết lập đông hoặc những ngày mưa dầm nặng hột. Tất cả sẽ tan biến khi bạn ngồi cạnh người bán bên gióng gánh ấm rực lửa hồng và nhất là ăn tô cháo nóng hổi thơm ngon thì trên đời không gì có thể sánh bằng. Cháo còn ngon hơn khi bạn ngồi "tum húm" bên cái bàn gỗ tạp tuềnh toàng, vừa ăn vừa trò chuyện với những người bên cạnh, hoặc lắng nghe đủ thứ những câu chuyện đời một cách thích thú. Đó cũng là cái "hương vị" độc đáo làm tăng thêm uy tín của cháo lòng Cái Tắc đối với khách sành ăn, vì không thể tìm thấy ở những nhà hàng sang trọng nào đó mà cháo lòng Cái Tắc có tên trong thực đơn
.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Ai đời chữ "Du lịch" lại viết tắt là DL ngay ở title như vậy.

Thật chả ra làm sao cả. Cẩu thả hết chỗ nói.

Admin trang này còn phải học nhiều lắm.

Good luck.