Thứ Tư, 6 tháng 2, 2008

Đi tàu cao tốc, nghĩ lan man chuyện cuối năm

HỒ HÙNG

(TBKTSG Online) - Dịp cuối năm, đi Cà Mau thăm anh bạn, sẵn dịp biếu ít quà Tết. Cũng may, xuống bến vừa kịp lúc tàu chuẩn bị khởi hành. Dữ thiệt! Cứ đúng giờ là chạy. Đi tàu thời bây giờ, chứ có phải lúc xưa đâu mà rề rà, thủng thẳng.


Chuyến này tàu vừa đủ khách, chứ nghe đâu nhiều chuyến chật ních, mất cả thú ngắm sông. Tết mà! Tàu rẽ sóng vun vút. Sau một hồi vi vu trên sông Hậu, tàu rẽ con sông nhỏ hơn đi qua chợ nổi Ngã Bảy Phụng Hiệp, rồi theo kênh xáng Phụng Hiệp thẳng tiến. Mấy cái chợ vùng quê nghe tên đã lâu, nhưng giờ đi tàu mới biết. Nào là chợ Bún Tàu, chợ Trà Lồng, Trà Cú… Cảnh mua bán tấp nập, ghe thuyền sôi động cả khúc sông…

Anh phụ tàu hổng thèm thu tiền mấy đứa con nít. Chỗ nào còn trống thì chúng ngồi, khi có thêm khách, tàu chật thì nép lại nhường chỗ cho người lớn. Cứ có khách đón là tàu ghé, muốn lên đâu thì tàu đưa. Hai người khách lên tàu cách nhau hàng chục cây số, vậy mà vẫn biết nhau. Nhiều người như vậy.

“Anh Bảy về “trỏng” hả. Sắm đồ Tết chưa? Tết nay đừng có nhậu quắc rồi về đánh “nốc ao” chỉ (chị) như năm rồi nghe cha!”, “Mùa rồi đám mía của anh ra sao?”... tiếng chào hỏi, tán chuyện cứ râm ran suốt. Thiệt! Chả bù cứ sống ở thị thành, nhiều lúc nhà ở cạnh nhau chứ đụng đầu chẳng biết. Mà nói đâu xa. Cứ đi thử mấy chuyến xe tốc hành Cà Mau-Cần Thơ thử là biết. Ai nấy ngồi lặng thinh, ngó mông lung hai bên đường, chờ tới chỗ…

Thời “mặt tiền” đường, dường như những cái gì đẹp nhất- tựa như mấy cái nhà biệt thự to đùng, uy nghi, người ta đã đem trưng hết ra mặt lộ. Để giờ, hai bên bờ sông vùng nông thôn sâu này nhà lá nhiều hơn nhà tường. Những nếp nhà gỗ, mái lá. Rồi cả những căn nhà xơ xác, trống hoác, rụt rè chịu gió. Mấy cái “cầu tõm” vô tư đặt cạnh bờ sông. Có đứa con nít ngồi trong đó, thản nhiên làm cái việc “không thể ai thay thế”, thấy tàu chạy qua, trố mắt nhìn… Cũng may, còn có mấy cành mai nở vàng rực, vực dậy cái không khí vốn đã u buồn ở những vùng quê.

Cái nếp sống khách sáo, kiểu cách cũng vậy, tụ về quá nhiều nơi phố chợ. Để giờ, tính phóng khoáng của dân miền Tây “lộ” hết hai bên sông. Trên sông, chiếc ghe có gắn máy kéo chiếc ghe chèo cho có bạn mà chẳng thèm tính tiền xăng… Sáng sớm, đã có nhiều tay bắt “mâm” ngồi lai rai dưới bóng mấy cây dừa, đón Tết sớm. Ngẫu nhiên gặp cả một đám cưới, rước dâu bằng tắc ráng thiệt vui! Cô dâu ngồi khép nép, còn chú rể mặt đỏ hồng- chắc vì những ly rượu mừng. Hai họ ai nấy mặt mày hớn hở, bá vai nhau cười cười nói nói, như thể mới lần đầu được đi đám cuới.

Mấy cô gái thản nhiên ngồi dưới sông tắm giặt. Sau hè nhà ai đó, có cả nồi nước to đùng, có mấy thanh niên lui cui ngồi chụm. Chắc chuẩn bị làm heo hoặc nấu bánh tét chi đây! Mấy đứa con nít cởi trần, đen nhẻm, nháo nhác đánh đáo, chờ “hớt” trước đồ ăn…

Mỗi lần tàu ghé, mấy người có nhà gần đó lại xúm ra coi. Có phải người thân ở xa về không? Không có, lại ngồi phệt bên sông trông chờ như thể sớm muộn rồi cũng có người về lại quê xưa. Đứa lấy chồng xứ Đài, đứa làm công nhân ở thành phố, cầu cho nó còn nhớ Tết mà tìm đường về ghé nhìn qua cái mái nhà đã che nắng, che mưa để nó lớn lên. Hình ảnh những đêm ngồi trông nồi bánh tét, những manh áo mới để chạy khắp xóm xum xoe, sáng sớm mùng Một khoanh tay mừng tuổi ông bà để lẹ lẹ rút tiền đi xục mấy thúng hột vịt lộn vùi trấu... liệu có đủ níu kéo mấy anh, mấy chị ấy về? Tàu xa rồi, ngoảnh lại vẫn thấy họ dứng dõi mắt trông theo, rồi lại ngồi bệt xuống bến mà chờ, mà đợi. Gió cuối năm lạnh hắt hiu, chẳng bằng nỗi lạnh rợn người nếu mà hy vọng lụi tàn.

Mấy bà già ngồi ở băng trên, nghe bàn nhau rằng, đi tàu cao tốc thiệt sướng. Mà thiệt, nhanh có kém xe tốc hành đâu. Thoắt cái, đã tới Hậu Giang, rồi qua Phước Long (Bạc Liêu)… Hồi chưa có tàu cao tốc, nhiều người bấm bụng ngồi xe vì tiếc thời gian, chứ thiệt ra nhớ sông, nhớ đò, nhớ ghe lắm. Ở vùng sông nước này, ai chẳng có ít nhiều kỷ niệm với những con sông. Bây giờ có tàu cao tốc, dại gì hổng đi.

Ngồi tàu, hơi sông thốc lên mát lạnh. Hổng ai thèm bịt mấy cái khẩu trang che bụi mà mở máy lạnh ù ù như lúc đi xe. Mà bụi đâu để che. Đường sông thì nào có ai kiếm được cớ để nâng cấp, mở đường, sửa lộ tới lui để bụi thốc mù cả tháng, cả năm như đường xe đâu? Ổ gà, ổ voi không có, tha hồ mà lướt sóng…Thiệt đã!

Mà cũng chưa biết à. Nghe nói dạo này người ta lại “tái bản” phong trào xây cống, đắp đập ngăn sông để kiểm soát lũ, ngăn mặn chi đó. Không biết rồi mai mốt có đường cho tàu chạy không nữa, hay phải tốn thêm xăng, dầu chạy vòng thiệt xa mới tới. Như chuyến tàu này, nói chạy tới Cà Mau nhưng thiệt ra ghé tít đằng xa vì không qua được cái cống ngăn mặn. Khách phải tốn hơn mười ngàn tiền xe ôm mới vô được thành phố.

Nếu vậy, tiền xăng, dầu thiệt mắc nếu lại dồn cho khách đi tàu, ai mà kham nổi để vi vu với tàu cao tốc? Nói lo xa vậy thôi, chứ như chuyến tàu này, đi một mạch từ Cần Thơ và Cà Mau chỉ mất hơn ba giờ. Còn ngồi xe? Phải mất hơn bốn tiếng.

Lên bờ rồi mới sực nhớ, lúc tàu chạy qua mấy cái chợ quê, ghe xuồng nhỏ đi chợ bán đồ Tết cứ lao xao tránh sóng, trông thiệt “tội”. Hai bên bờ sông, nhiều chỗ đã lở xoáy vì sóng tàu. Nhiều căn nhà đã chênh vênh giữa sông và bờ… Cái sướng, cái thú của mình nhiều khi là niềm lo, nỗi sợ của người khác. Như chuyện đi tàu cao tốc chẳng hạn, biết đâu chừng? Thây kệ, chắc đó là chuyện của người khác chứ mình có quyền hành gì. Lo Tết đi!


Ảnh: Hồ Hùng

URL: http://www.thesaigontimes.vn/Home/vanhoadulich/vanhoa/2850/

Không có nhận xét nào: