Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2008

Xúc tiến du lịch cho vùng ĐBSCL

Phan Huê (*)


Là một vùng đất rộng lớn, nổi tiếng với những vườn cây trái trĩu quả, kinh rạch phủ bóng dừa nước và các chợ nổi nhộn nhịp trên sông. Tuy vậy hiện nay các hãng lữ hành mới coi ĐBSCL là điểm đến phụ dành cho khách nước ngoài, với các tour phổ biến từ 1 đến 2 ngày (đi Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ).

Có thể nói vùng đất Chín Rồng không mạnh về du lịch biển (ngoại trừ đảo Phú Quốc), hay kiến trúc cổ như Huế, Hội An, Hà Nội, nhưng đứng về lọai hình du lịch sông nước miệt vườn thì ĐBSCL hầu như không có đối thủ cả trong nước lẫn các nước trong khối Asian.

Mấy năm gần đây, trong khi ngành du lịch cả nước đang phát triển nóng, nhu cầu về khách sạn cao cấp ở Hà Nội, TPHCM, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang không đủ phục vụ khách, nhưng nhiều tỉnh ĐBSCL vẫn chỉ đón được vài ngàn khách nước ngòai một năm.

Có nhiều lý do để giải thích chuyện thiếu khách, như hạ tầng yếu, dịch vụ manh mún, sản phẩm trùng lắp… nhưng chính công tác xúc tiến chưa tốt cũng làm cho du lịch ĐBSCL ít khách.

Trước hết để biết được khách hàng mục tiêu thích mua tour sông nước là ai thì phải có các cuộc thăm dò, nghiên cứu thị trường. Tuy nhiên cho đến bây giờ hầu như chưa có cơ quan nào làm cái công việc sơ khai này. Các tỉnh đều nói du lịch miệt vườn rất hấp dẫn, nhưng cụ thể hấp dẫn đối tượng khách nào thì không ai biết. Vì vậy việc tiếp thị sản phẩm chỉ là “dàn hàng ngang” chứ không có thị trường mục tiêu. Xét về tâm lý chung của việc đi du lịch là “tìm sự khác biệt”, thì rõ ràng ĐBSCL rất khó trở thành điểm đến lý tưởng (highlight) của khách Việt Nam - những cư dân nông nghiệp đã quá quen với cảnh ruộng, vườn, nhưng có thể rất hấp dẫn đối với khách châu Âu vốn dĩ lâu nay chỉ thấy các cánh đồng lúa mì.

Tiếp đến là việc xây dựng sản phẩm riêng biệt ở từng tỉnh, để tránh trùng lắp và tạo thành tuyến điểm liên hòan giúp kéo dài thời gian lưu trú của khách, cũng chưa làm được. Hiện tượng khách “đến Tiền Giang đã thấy Sóc Trăng”, là khá phổ biến vì đi tỉnh nào cũng chỉ có nhà vườn, nghe ca tài tử, ăn trái cây hái sẵn chứ ít có họat động cho khách tham gia hoặc trải nghiệm. Các khu nghỉ dưỡng bên bờ sông hầu như chưa có, ngoại trừ một khách sạn Victoria ở Cần Thơ.


Công việc tiếp thị điểm đến (destination marketing) và quảng bá sản phẩm du lịch thường xuyên hoặc thông qua các sự kiện (events) được triển khai rất ít, kém hiệu quả. Tại các hội chợ du lịch quốc tế và trong nước (như ITE do TPHCM tổ chức), các tour du lịch ĐBSCL chỉ xuất hiện như một phần nhỏ trong những chương trình du lịch xuyên Việt, nên không tạo được ấn tượng đến các hãng lữ hành. Những ấn phẩm về tuyến điểm du lịch ở vùng sông nước này được xuất bản có lẽ phù hợp với khách VN hơn là khách nước ngòai.

Các sự kiện du lịch của ĐBSCL, như Mekong festival hay “Năm du lịch Miệt vườn sông nước” (sắp khai mạc) thường có rất ít nhà điều hành tour khách nhập (inbound) tham dự. Nếu coi đây là lễ hội phục vụ người dân địa phương thì chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội quảng bá đến khách nước ngoài.

Việc tìm thông tin qua mạng internet hiện nay là khá phổ biến, nhưng ĐBSCL vẫn thiếu các trang web chuyên sâu về du lịch, hoặc nếu có cũng ít được cập nhật thường xuyên.

Các nhà quản lý và các đơn vị kinh doanh du lịch trong vùng đã từng đi khảo sát nhiều nước lân cận. Nếu Thái Lan cho chúng ta thấy kinh rạch của họ được bao bằng bờ xi măng nên kém hấp dẫn, và chợ nổi le hoe mấy chiếc xuồng bán đồ lưu niệm nhưng họ vẫn có khách tham quan đông hơn chợ nổi Phong Điền nhiều lần. Phải chăng vì Thái Lan tiếp thị giỏi? Nếu nói về dừa thì Trà Vinh hay Bến Tre đi đâu cũng gặp, nhưng chúng ta chưa có được khu du lịch nào như kiểu vườn dừa Escodero rộng 40 hecta ở ngoại ô Manila (Philipines) để cho khách lưu trú. Vấn đề của của ngành du lịch Miền Tây không phải thiếu tài nguyên du lịch, mà chính là chúng ta đang thiếu các sản phẩm phù hợp với “cái khách cần” và một chiến lược quảng bá chuyên nghiệp.

Có lẽ không nên chỉ quẩn quanh giới thiệu tour tuyến Đồng Bằng với những ai đã biết vùng này. Ngành du lịch Miền Tây nên mạnh dạn xây dựng các sản phẩm phù hợp với khách nước ngoài, rồi đem các tour này ra quảng bá tại các hội chợ du lịch quốc tế và mời các nhà điều hành tour đến khảo sát. Bên cạnh đó cần khuyến khích các công ty du lịch nước ngoài mở văn phòng đại diện tại Cần Thơ và lập các cơ sở kinh doanh du lịch như kiểu nhà hàng Sao Hôm (bến Ninh Kiều) hay du thuyền Bassac. Vì nếu giả sử chúng ta coi khách Âu- Mỹ là khách hàng mục tiêu, thì các công ty có nguồn gốc từ những nước này luôn biết cách xây dựng được sản phẩm hợp gu dân xứ họ nhất.

Hy vọng trong tương lai gần, du lịch xanh sẽ đem lại một thế mạnh mới cho người dân Đồng Bằng bên cạnh lúa gạo, tôm cá và trái cây ./.

___________________________________________

(*) Giám đốc Cty Dịch vụ- Du lịch Vòng Tròn Việt, TPHCM
và là Giảng viên Trường Đại học Cửu Long

URL:http://www.mekongdelta.com.vn/mekongdelta/news.asp?cate_Id=62&news_id=1264&sub_id=62

Ảnh: Bến Ninh Kiều (Cần Thơ) sáng mồng 2 Tết Mậu Tý
www.metinfo.vn


2 nhận xét:

Nặc danh nói...

See HERE

Luffy nói...

Giới thiệu anime và xem online + download http://xemanime.blogspot.com/