Hàng chục năm qua, cứ hễ vào những ngày lộng bấc, nhất là vào buổi tối, là tôi lại nhớ tới thị xã nhỏ bé đầy bóng sao dầu cổ thụ Trà Vinh. Tôi nhớ đến căn nhà mái tôn thấp, nằm lọt thỏm dưới hai “con đê” cao là đường Lê Quang Liêm (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) và đường Trần Quốc Tuấn (đường số 2). Đó là căn nhà tôi trọ học những năm phổ thông trung học. Cùng với tôi còn có năm ba anh em đồng hương Cầu Kè “ăn cơm tháng” tìm lấy cái chữ cho cuộc đời mình. Vì vậy căn nhà rộn rịp vào ban ngày tuổi trẻ chúng tôi. Nhưng đêm xuống lại thanh vắng bởi mỗi đứa “chiếm ngự” một góc với cuốn tập học bài hoặc cây viết trên tay giải bài toán hay viết bài văn nào đó. Càng vào sâu đêm, sự thanh vắng càng rõ và buồn nhất là trong những đêm gió bấc cuối năm.
Căn nhà ngoài nằm dưới “thung lũng” của một ngã ba đườngnày còn lọt thỏm dưới “rừng” sao dầu dày mịt xung quanh. Những đêm cuối năm, gió bấc oằn oại kéo lê tiếng rít ghê người trên những ngọn sao dầu già cỗi nghe buồn tê tái. Một vài cơn mưa muộn lành lạnh phất vô lòng. Dài trên đường, tiếng gõ mì nao nao từ xa vọng lại, ngày một gần hơn. Âm thanh hai thanh tre chạm lắc cắc vào nhau sao mà não nuột. Bụng dạ đói cồn cào. Vậy là kêu một tô, nhấm nháp vị ngọt ngon của tinh bột hòa trong mấy miếng thịt bé tí nóng hổi nước lèo húp ấm cả thần hồn.
Đêm càng về khuya, tiếng gió lùa trên tàng sao dầu cổ thụ càng buồn. Rồi, không sót đêm nào, trong không gian tê lạnh ấy, có tiếng đàn ghi ta bập bùng, phát ra từ mấy ngón tay của một người sau hè nhà tôi trọ. Đó là một anh chàng trẻ tuổi, ban ngày đi đâu không biết, chỉ xuất hiện vào tối khuya như thế nầy. Tiếng đàn anh như đốm lửa cháy sáng lập lòe trong đêm vàng vọt ánh đèn phố thị, vừa làm ấm lòng người xa xứ như tôi vừa làm nó lạnh hơn với nỗi buồn không tên gọi. Tiếng đàn ghi ta xa vắng mênh mông qua từng âm điệu boléro dập dờn sóng nước. Anh là nghệ sĩ nghiệp dư “chuyên trị” nhạc Trúc Phương. Hết “Nửa đêm ngoài phố”, “Tàu đêm năm cũ”, “Hai chuyến tàu đêm”, “Mưa nửa đêm”, thì tới “Đò chiều”, “Bóng nhỏ đường dài”. Anh cứ dẫn lòng tôi đi khắp mọi miền đất nước, các chuyến xe, chuyến đò với những buồn vui tình đời, tình người, tình yêu miên man bất tận. Hết đàn, anh lại ca. Tiếng ca trầm ấm của anh, cũng như tiếng đàn, làm lòng tôi chùng xuống. Không chùng xuống sao được, khi: “…Thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời. Đường phố vắng đêm nao quen một người. Mà yêu thương trót trao nhau trọn lời (…) Nửa đêm lạnh qua tim. Giữa đường phố hoa đèn. Có người mãi đi tìm. Một người không hẹn đến. Mà tiếng bước buồn thêm”... Tiếng hát anh hòa cùng tiếng ghi ta, tiếng gió hú trên cao cùng những cơn lạnh lùa que khe vách lá thấm vào tôi biết bao nỗi niềm. Đêm thực tại và đêm trong ca từ Trúc Phương như hòa vào nhau làm một. Dù chưa biết yêu nhưng tôi cũng nghe yêu lắm rồi những cô thiếu nữ xuân thì lãng mạn, gây buồn trong ca từ nhạc sĩ đồng hương này: “Đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn. Đôi khi nhầm lỡ đánh mất ân tình cũ. Bao năm qua rồi còn nuối tiếc. Nghe lòng đầy giá buốt. Thương nhau rồi. Xa nhau rồi. Một lần dang dở ấy. Đêm lạnh vui với ai?”… Âm hưởng của tiếng đàn, giọng hát, lời ca như càng lúc càng đi sâu vào lòng tôi. Nó thẩm thấu từ ấy cho tới tận bây giờ, khiến tôi dù đi đâu, ở đâu, những đêm gió bấc tràn về rào rạt trên tàng cây cao là lòng tôi buồn rượi, nhớ về Trà Vinh những năm 1960 ấy. Mộng mị. Lãng mạn. Xa vời. Nhưng không nguôi luyến nhớ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét