Thứ Năm, 13 tháng 9, 2007

Thăm nhà dừa Quới An

Nhà tranh, nhà lá, nhà đất... hầu như có mặt khắp nơi trên đất nước ta. Nhưng “nhà dừa” thì thuộc loại hiếm, có lẽ chỉ có ở xứ dừa Bến Tre mà thôi.


Phù Sa Lộc


Chiếc tàu gỗ 12 chỗ ngồi của Công ty cổ phần Du lịch Bến Tre tách bến điểm du lịch xanh Phong Phú, rẽ nước Rạch Miễu nhỏ hẹp, đầy bóng cây xanh. Tàu chạy khoảng 100 thước, trước mắt là sông Tiền bao la sóng vỗ hiện ra với từng đoàn tàu du lịch tới lui đưa khách tham quan xứ dừa. Tàu hướng mũi về phía biển Đông, bên trái là thành phố Mỹ Tho xinh đẹp. Gió lồng lộng thổi rồi mất hẳn khi tàu rẽ phải tiến vô Rạch Xếp. Hai bên bờ tăm tắp những cây bần, mọc chen trong đó là những bụi dừa nước đung đưa tàu lá cùng những quầy trái tròn to lạ mắt. Bần gie nhánh sát mặt rạch, tiếng cành lá và những trái bần non va chạm mui tàu. Bông bần thả những chiếc nhụy tím nhạt bay lửng lơ trong gió. Trong chốc lát, tàu cặp bến điểm du lịch sinh thái Quới An (ấp Quới An, xã Quới An, huyện Châu Thành, Bến Tre). Con đường đất lổn nhổn đá dăm xuyên qua những tàn nhãn mát rượi. Hai bên đường, nhãn nối nhãn, như đội quân thẳng hàng chào đón khách phương xa. Nét đẹp của vườn cây ăn trái rồi cũng qua đi khi trước mắt là mấy căn nhà xinh xắn của Quới An hiện ra như điểm xuyết thêm không gian vốn đã rất đẹp.


Chị Trần Thị Thu, 40 tuổi, cho biết chị đã có 20 năm làm nghề du lịch. Khi nhận chức trưởng ban quản lý điểm du lịch rộng 2.000 thước vuông này hơn hai năm trước, chị rất hạnh phúc. Bởi đây là một điểm du lịch đầy tự hào của người dân Bến Tre với những căn nhà được xây cất toàn bằng vật liệu từ cây dừa: mái lợp lá dừa nước; vách, xiên, kèo, đòn tay, cửa cái, cửa sổ đều được làm bằng gỗ dừa; cột làm bằng nguyên thân cây dừa. Độc đáo nhất là cả máng xối cũng được làm bằng ba mảnh ván dừa trông ngộ nghĩnh. Tất cả, qua bàn tay người thợ mộc, đều láng mượt và sang trọng một cách lạ kỳ.


Quầy lưu niệm của Quới An được xây cất theo hình bát giác. Chính hình dáng độc đáo ấy đã thu hút và “buộc” du khách phải vui vẻ móc tiền ra mua hàng. Để có những kỷ vật đậm nét xứ dừa cho du khách, Quới An có một xưởng sản xuất rộng gần 100 thước vuông. Với tám máy có công năng tiện, phay, khoan, cưa, mài, đục lỗ và chà, sáu người thợ (lương bình quân từ 1,3-1,4 triệu đồng) liền tay sản xuất nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác nhau. Trong tiếng máy xoèn xoẹt, mạt cưa bay tua tủa, chị Thu nói một cách thản nhiên: “Tây còn khoái huống gì các anh!”. Rồi chị khoe liền: “Nội tỉnh Bến Tre không đâu có xưởng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ bằng dừa như ở đây”. Ở nhà trưng bày rộng 300 thước vuông du khách mới thật sự ngỡ ngàng trước “thế giới dừa”: dừa Tam Quan, dừa lùn xanh, dừa ẻo xanh, dừa ẻo lửa, dừa dứa, dừa dâu xanh, dừa xiêm, dừa sọc, dừa xiêm đỏ, dừa lùn đỏ Mã Lai, dừa cao Tây Phi, dừa lùn xanh Catigan... Nhiều cái tên nghe lạ hoắc, như thôi thúc du khách phải nếm thử thứ nước tinh sạch ngọt ngào này! Rồi các công cụ khai thác, chế biến dừa: cây câu liêm hái dừa, mũi chĩa dừa (dùng để chĩa vào vỏ, lấy dừa rụng từ mương lên), cây nằm lột dừa, bàn nạo dừa, dao nạy cơm dừa, máy cắt vỏ dừa, máy xay dừa, máy ép nước cốt dừa, máy tước chỉ xơ dừa... Hấp dẫn hơn nữa là sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng gỗ dừa. Nào con rùa gạt tàn thuốc lá, xe kéo, xe xích lô, xe Vespa, xe Citroen, máy bay, đèn ngủ, giỏ cọng dừa dùng chưng bánh - trà - rượu, khỉ, lồng đèn... Có tới hơn 200 mặt hàng thủ công mỹ nghệ được chế tác bằng dừa rất tinh xảo và đẹp mắt với lớp vẹc-ni bóng loáng. Tất cả được trưng bày trong căn nhà gọi là “nhà bát dần”. Đây là một trong những kiểu nhà truyền thống của Nam bộ, được xây dựng với 40 cây dừa 30 năm tuổi. Xung quanh nhà có hiên rộng. Bố cục không gian nhà bát dần thường có ba gian Bàn thờ và nơi tiếp khách được bố trí ở gian giữa. Phòng ngủ bố trí hai bên hoặc phía sau bàn thờ. Khu bếp, chăn nuôi, vệ sinh nằm ngoài nhà chính. Nhưng ở đây một số công năng của nhà không được sử dụng, chỉ dùng để trưng bày sản phẩm từ dừa mà thôi.


Bên cạnh đó còn có nhà trưng bày thêu tay rộng 120 thước vuông. Nhà được cất theo hình chữ đinh, gồm hai nhà chính và phụ hợp thành. Nhà phụ có mái vuông góc với mái nhà chính. Nhà chính bố trí làm phòng sinh hoạt chung, phòng ngủ tách biệt bằng hệ thống vách ngăn. Mặt trước nhà là hàng ba với nhiều cây cột dừa. Để làm được ngôi nhà này cần đến 20 cây dừa. Cũng như nhà bát dần, người ta dùng dừa 30 năm tuổi tương đối thẳng, không bị sẹo khi xây dựng ngôi nhà này.


Nhà trưng bày thêu tay có hai thợ thêu làm việc. Vừa liên tục tay kim, tay chỉ, thợ thêu Nguyễn Thị Mai, 20 tuổi, vừa cho biết mỗi tháng thu nhập của cô khoảng 600.000 đồng, đủ sống trong miền quê gần như hẻo lánh này. Tranh thêu có nhiều mặt hàng: màn thêu 1,5 triệu đồng/tấm 1,7x3 mét. Tranh thêu 300.000 đồng/bức. Áo thun thêu rồng 90.000 đồng/cái. Khăn ăn từ 20.000-45.000 đồng/cái, giỏ kết từ 60.000-250.000 đồng/cái...


Chị Thu đưa chúng tôi vào căn nhà giải khát có sức chứa 80 khách. Đang có đoàn khách do Sinh cà phê đưa tới. Mấy ông tây bà đầm, các cô các cậu người Nhật, Hàn Quốc xúm xít bao quanh những chiếc bàn tròn vừa nhấm nháp trái cây vừa thưởng thức ly trà mật ong (nóng hoặc lạnh) nặn trái tắc cùng một chút rượu dừa thơm ngọt, lâng lâng say. Ai cũng tỏ ý thích thú.


Trong vườn nhãn của Quới An còn có đàn ong nuôi lấy mật cả ngàn thùng. Mùa này nhãn chưa có bông, đàn ong được di chuyển xuống Chợ Lách, Tiên Thủy - nơi có nhiều vườn trái cây đa chủng loại - để chúng hút mật. Khách của Sinh cà phê lớp mua hàng thủ công mỹ nghệ, lớp mua mật ong, lớp mua tranh thêu tay..., cười nói rôm rả.


Chị Thu cho biết: “Khách đến tham quan Quới An mùa thấp điểm trung bình 100 khách/ngày. Mùa cao điểm, lượng khách rất đông, nhiều khi không đáp ứng được. Do vậy, chúng tôi đang xây dựng thêm một nhà giải khát nữa. Khách nước ngoài rất thích khung cảnh an bình, thanh tĩnh này nên chúng tôi sẽ xây dựng một khu nhà nghỉ. Lúc đó, sẽ có thêm một số dịch vụ khác”.


Không có nhận xét nào: