Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2007

MỘT CHUYẾN DU LỊCH THẤT BẠI

An Thịnh

Chuyện miền đông nhưng chẳng lạ ở miền tây, tâm sự của An Thịnh cũng là của khá nhiều du khách, nhất là trong lúc vấn nạn xua đuổi khách đang gây bức xúc cả nước.


Cứ khoảng giữa tháng 7 là gia đình tôi và gia đình những bạn bè thân nhất rủ nhau du lịch một vùng nào đó trên đất nước mình. Hè này, chúng tôi đi tuyến Tà Kóu - Hàm Tân - Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận, chọn nơi nghỉ đêm là Resort C. được quảng cáo là “4 sao”. Thống nhất được mọi việc rồi, chúng tôi hợp đồng với Vtour - một công ty lữ hành loại trung bình của thành phố đưa đón, tham quan, ăn, ở, nghĩa là Vtour bao trọn theo yêu cầu của chúng tôi.

Bữa ăn sáng đầu tiên tại khu du lịch Văn Thánh phải nói là khá tươm tất giữa không gian thoáng đãng, nhiều cây xanh. Tôi có thói quen hỏi giá, dù mình không trực tiếp trả tiền, nên khi biết bữa ăn sáng với một tô hủ tíu (hoặc phở, bún bò hay bánh mì ốp la) và một ly cà phê đá hoặc sữa đậu nành, giá đến 50 ngàn đồng, gấp hơn ba lần giá ở các quán trên phố, thì… không thể chấp nhận được! Xin nói thêm, hằng ngày có rất nhiều khách du lịch đi tour vào ăn sáng ở Văn Thánh mà “chém” kiểu ấy thì buộc chúng tôi phải nghĩ đến việc không thể không có “ăn chia” giữa đơn vị tổ chức tour với khu du lịch. Nên nhớ, các nước có nền du lịch phát triển không bao giờ có sự móc ngoặc để ăn bớt tiền du khách.

Sau khi chơi núi Tà Kóu, gần 15 giờ, chúng tôi về đến Resort C, ở trong những nhà biệt lập hai phòng, tiện nghi khoảng “3 sao”, giá 800 ngàn đồng một phòng một ngày đêm (chúng tôi đã được thông báo mức giá này khi hợp đồng tour).

Sẽ không có gì đáng phàn nàn nếu không có “sự cố” sau đây: Hai vợ chồng và cháu bé lên 8 trong nhóm chúng tôi tắm biển về thì không vô phòng được do không thể mở được cửa, phải nhờ lễ tân giúp đỡ. Ai dè cô nhân viên trực yêu cầu khách hàng phải làm bản tường trình (viết tay) đã làm hư ổ khóa do “vặn trái chiều” thì mới mở cửa (?) Tất nhiên vợ chồng bạn tôi không thể làm theo đòi hỏi vô lý ấy, dù rất “tội nghiệp” cô nhân viên năn nỉ “đó là quy định của ban giám đốc”!

Sẽ không có gì đáng chê trách nếu “resort 4 sao” thì nước phòng tắm phải trong veo, vậy mà ở C, nước có màu nước lũ của sông suối miền Trung. Chưa hết, 5 giờ sáng hôm sau, chúng tôi dậy vệ sinh trước khi tắm biển thì không có một giọt nước. Phòng này gọi cho phòng khác vì ai cũng tưởng chỉ phòng mình mất nước, cuối cùng thì gọi cho lễ tân, người trực trả lời do nhà máy cấp nước của thị xã Lagi trục trặc, xin chờ resort chạy máy bơm giếng khoan, khoảng trên dưới 30 phút. Máy móc cũng có khi hư, chúng tôi vui vẻ chờ, chờ cho đến hơn 8 giờ sáng vẫn không nghe lễ tân nói gì. Cả khu resort bốc mùi chất thải từ các phòng vệ sinh! Càng ngặt một nỗi, resort quy định ăn sáng (tự chọn) từ 6 giờ 30 đến 8 giờ nên nhiều vị khách phải tay dơ lấy thức ăn. Theo tôi được biết, trên thế giới, đã là resort, tức là khu nghỉ ngơi cao cấp, phải phục vụ ăn sáng đến 9 giờ 30, có nơi 10 giờ.

Theo hợp đồng, bữa tối hôm ấy cả đoàn ăn tại Resort C, vậy mà không hiểu sao người hướng dẫn tour của Vtour đưa chúng tôi đến tận Resort Đ, trong khi ai cũng đói, nhất là các em bé, vì đã hơn 18 giờ 30. Ăn một bữa mà phải “chạy tám quảng đồng”, đi và về hơn hai tiếng đồng hồ thì không nên chút nào! Vì thế xin đừng trách, nếu chúng tôi nghĩ rằng, không thể không có sự “móc nối”- từ nhẹ nhất mà tôi muốn dùng - giữa người dẫn tour và quản lý Resort Đ.

Cũng theo hợp đồng, Vtour phải đưa chúng tôi đến hải đăng Kê Gà nằm cách bờ biển Hàm Tân vài trăm mét, vậy mà chúng tôi chỉ được ngắm ngọn đèn biển trăm năm tuổi này từ xa do không thuê được thuyền thúng vì … “giá cao quá” (!)

Từ Kê Gà đến Resort Đ không xa nên chúng tôi im lặng khi người dẫn tour đề nghị đến đây ăn trưa trước khi về C trả phòng. Đến khi ngồi viết những dòng này cho Ẩm thực & Khách sạn, tôi vẫn chưa hết cái cảm giác buồn nôn khi nhớ lại bữa cơm “tranh ăn với ruồi” tạt Resort Đ, ruồi nhiều đến mức thố cơm chỉ là một màu đen động đậy, nhúc nhích; ruồi nhiều đến mức chúng phải “cạnh tranh” nhau lao vào nồi lẩu! Tôi hỏi một cô chạy bàn, sao không làm lưới chắn ruồi thì được trả lời đã báo cáo với lãnh đạo nhiều lần, lần nào cũng biểu chờ, chỉ khổ các cô bị khách “mắng vốn” hoài. Tôi lại nghĩ đến khách nước ngoài mà cũng “tranh ăn” với ruồi thì xấu cho cả ngành du lịch Việt Nam!

Chúng tôi tập trung tại sảnh lễ tân Resort C, chờ trả phòng, nghĩ rằng ít nhất cũng có một vị quản lý ra xin lỗi khách hàng vì sự cố mất nước và nước đục, nhưng chỉ có cô trực lễ tân cặm cụi thu tiền.

Có thể nói chuyến du lịch của chúng tôi đã thất bại, thất bại vì không được phục vụ đúng với đồng tiền bỏ ra…

Không có nhận xét nào: