Thứ Ba, 4 tháng 9, 2007

VƯỜN ĐOM ĐÓM Ở CÁI SÂU


Đom đóm là loại côn trùng thuộc bộ cánh cứng, có khả năng phát sáng dưới bụng do hai chất men tác dụng với nhau khi có oxy. Đom đóm đẻ trứng ở trong đất, trứng nở thành sâu rồi hóa nhộng, nhộng nở thành đom đóm rồi bay lượn lập lòe với một làn ánh sáng huyền ảo. Mùa hè là thời kỳ đom đóm trưởng thành, những đom đóm phát sáng là đom đóm cái, đom đóm đực không phát sáng. Nhờ những đặc điểm đó đom đóm đực dễ dàng nhận ra người bạn tình của mình mà tìm đến ve vãn.

Gần đây các nhà khoa học Nhật đã ghép gen quy định sự phát sáng của đom đóm vào cây lúa. Lúc được ghép gen này điều phát sáng trong tối. Thành công này giúp dò vị trí gen lạ được gép vào chổ nào, rất có ý nghĩa với sinh học hin đại.

Một nữ du khách Nhật cho tôi biết đom đóm là một côn trùng vô hại, nhưng không biết vì sao ở đất nước cô, loài đom đóm đang gặp nguy cơ tuyệt chủng, nên người Nhật rất quý và tìm cách bảo vệ chúng. Chính vì thế mà du khách Nhật đến Cần Thơ đều rất thích tham quan đom đóm phát sáng.

Tôi làm quen với các cô gái hướng dẫn du khách tham quan chợ nổi vườn trái cây bằng đò, đó là cô Hà, Út ,Thảo. Các cô thường ngồi trước cửa khách sạn Tây Hồ. Hầu như các cô điều biết tiếng Anh, riêng cô Thảo thì biết thêm tiếng Nhật nên dễ dàng tiếp xúc thân thiện với du khách Nhật để chào mời các tour tham quan chợ nổi vườn trái cây. Đăc biệt là tham quan vườn đom đóm.

Bến Ninh Kiều lúc 17 giờ 30 cô Thảo cùng với cô gái Nhật bước xuống đò, tôi cũng vội vàng bước theo. Đò chạy dọc vào miệt Cái Nai, Cái Da rồi qua rạch Cái Sâu. Đò chạy chầm chậm len lỏi vào các rạch nhỏ vừa lúc màn đêm buông xuống. Chúng tôi mắt hướng về những vòm cây đang lập lòe ánh sáng vàng xanh mát dịu.

Cô Nikashuki nói với chúng tôi bằng tiếng Anh đại ý: Ngồi trên đò giữa bầu trời đêm vắng lặng, nhìn ngắm những ánh sáng lập lòe, tâm hồn cô thấy thanh thản bình yên, quên đi hết thời gian ồn ào ngột ngạt ngồi xe ở thành phố. Ánh sáng đom đóm giúp cô quay về với những hoài niệm xa xưa thời thơ ấu, và liên tưởng đến những ngày Lễ Giáng sinh, Tết ở quê nhà, cha mẹ cô gắn những chiếc đèn chớp sáng lên các cây tùng.

Không riêng gì cô gái Nhật, tôi cũng đang trở về với quá khứ thơ mộng. Vui hay sợ cũng vì đom đóm. Hồi nhỏ khi về quê mỗi lần đi xem hát ở đình về khuya, thấy những ánh sáng lập lòe bay như ma trơi, tôi sợ cóng giò đi không nổi, khi lớn tuổi hơn thì không còn sợ nữa mà thấy yêu thích đom đóm, chúng tôi bắt đom đóm cài lên tóc khi chơi cút bắt trong đêm hoặc bỏ vào bọc ni lon hay lọ thủy tinh làm đèn.

Mãi say sưa sống lại thời thơ ấu, tôi quên đi thời gian đang trôi không dừng lại. Cô Thảo hướng dẫn kêu cô lái đò cho nổ máy. Tôi nhìn đồng hồ, đã 20 giờ. Đò chạy ngược ra hướng Cần Thơ, khoảng 20 giờ 45 thì cập bến Ninh Kiều. Chúng tôi trở lên bờ quay về khách sạn Tây Hồ, ngồi trò chuyện, cô Nikashuki móc ví trả tiền cho cô Thảo với giá 1 giờ 3 USD, tổng thời gian vừa đi vừa về là 3 giờ. (giá 2003 - Mblog)

Tôi nghĩ chuyến tham quan thật thú vị vậy mà từ trước đến giờ mình hoàn toàn không biết, tuy đom đóm trưởng thành vào mùa hè, nhưng ở miệt Cái Sâu mùa nào cũng có đom đóm phát sáng. Đây là một lợi thế mà thiên nhiên đã ưu đãi ban cho. Một loại hình tham quan lý tưởng cho du lịch sinh thái, phù hợp với nhu cầu sở thích của du khách, đặc biệt là du khách Nhật.

Tôi chợt nhớ câu ca dao “Bần de đom đóm lập lòe. Thấy em nhỏ xíu anh ve để dành”. Tôi mong người dân ở Cái Sâu cũng sẽ “ve” con đom đóm để dành cho du lịch sinh thái, đừng vô tình phun thuốc diệt côn trùng ở những tàng cây có đom đóm cư ngụ.

HUỲNH DUY LỘC (Cần Thơ)

Không có nhận xét nào: