Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2007

LÁ BÀNG

Thuở tôi còn nhỏ, cứ mỗi độ cuối năm khi cha tôi xăm xoi chăm sóc mấy khóm hoa cúc, thược dược và vạn thọ chuẩn bị chơi xuân thì tôi lại cùng đám trẻ trong xóm hào hứng theo dõi những chiếc lá bàng chuyển màu và lần lượt lìa cành theo những đợt gió đông.


Nhà tôi ở gần ngôi chùa nhỏ có hai cây bàng cổ thụ xoè tán phủ rợp khoảng sân rộng, là nơi đám trẻ con chúng tôi thường tụ tập chơi đùa. Mấy tháng xuân, lá bàng xanh tươi ken kín tán cây; hàng ngày, có những người xách sào đến hái lá bàng về dùng gói xôi bán lẻ. Khoảng giữa hè, khi quả bàng vừa già tới, chúng tôi lén ông từ già ném đá để nhặt quả bàng, đập vỡ hạt moi tí mộng bàng nhấm nháp vị chát cho hết những buổi trưa hè oi ả. Thu về, lá bàng bị sâu đục thủng lỗ chỗ không dùng gói xôi được nữa, những quả bàng chín vàng bắt đầu rụng. Quả bàng lúc này thoảng chút hương thơm, đến lượt đám con gái đập quả để ăn mộng bàng. Bọn con trai không thèm nhặt mà chỉ thích trò ném đá nghịch ngợm. Mùa đông tới, những chiếc lá bàng chuyển sang màu vàng, cam rồi đỏ thắm trên nền trời xanh thẫm. Lá rụng đầy sân chùa. Lá rơi, chao nghiêng nhẹ nhàng. Hàng ngày, ông từ quét dồn lại góc sân chờ khô để đun bếp. Chúng tôi vừa thích thú ngắm nhìn cảnh những chiếc lá lần lượt lìa cành với chút cảm xúc lâng lâng tiếc nuối khi trên những cành cây khẳng khiu chỉ còn lưa thưa dăm chiếc. Những ngày cuối đông, khi chiếc lá cuối cùng rụng xuống, hàng loạt chồi non nhú ra rồi nhanh chóng phủ lên tán cây những chiếc lá xanh mướt như thay chiếc áo mới đón xuân về.


Lớn lên xa nhà, tôi chợt nhận ra mình đã "nghiện" cái thú nhìn lá bàng rơi và cảm nhận sự huyền diệu của chu kỳ thời tiết của đất trời. Không cần phải chờ ngắm mai vàng nở, tôi đón tin xuân từ những chiếc lá bàng.


Nhưng rồi, những cây bàng cổ thụ ngày một mất dần. Loài cây này có cái tội là bộ rễ của nó phát triển "vô tổ chức" làm hỏng lề đường và tán lá chiếm quá nhiều không gian là những thứ ngày càng trở nên quý hiếm trong những đô thị đang phát triển. Người thành phố ngày nay có kiểu cách chơi cây xanh cũng khác. Họ thuê người lên núi bứng những cây vạn tuế đem về trang trí ngoại thất. Lạ mắt và chiếm ít diện tích đất. Nội thất nay đã có cây giả, hoa giả giống y thật để sống chung với không gian được điều hoà bằng máy. Đành vậy. Chỉ mong sao giữa phố phường còn sót những mảnh đất không có ai thèm xây khách sạn, nhà hàng. May ra sau này, trẻ con còn biết đến những chiếc lá bàng đổi màu, và báo tin xuân sắp về vào những ngày cuối đông lạnh lẽo.

Mai Lĩnh

Không có nhận xét nào: