Thứ Hai, 10 tháng 9, 2007

Dạo chơi Nam đảo


Phù Sa Lộc

Nam đảo Phú Quốc (Kiên Giang) có tới 21 hòn lớn, nhỏ.
Khám phá hết quần đảo này tốn bộn thời giờ,
nên chúng tôi chỉ có thể “cưỡi… tàu xem hoa”!

Từ thị trấn Dương Đông xuống Nam đảo là con đường đất đỏ rộng khoảng 6 thước được hoàn thành vào tháng 8-1973. Tuy con đường dài 30 cây số này có nhiều vũng nước nhưng lại hấp dẫn với cảnh quan hai bên đường. Bên trái là những đụn cát trắng lưa thưa những chòm cây xanh dật dờ trong gió muối, ẩn hiện mấy túp nhà ngư phủ. Bên phải, sau “tấm rèm” dừa là biển cả xanh trong với hàng hà những con sóng bạc đầu dữ dằn mùa gió Tây Nam vồ đập vào bờ. Xa tít cuối chân trời trong vịnh Thái Lan này, loáng thoáng những chiếc tàu biển tàu đánh cá nổi chìm trong nắng lóa.

* Mê cung dưới 3 thước nước

Từ cảng An Thới dưới chân nhìn lên núi Đèn thấy nổi bật ngọn hải đăng được xây dựng từ thời Pháp. Trên núi có điện thờ Kim Thuyền Hoàng mẫu. Trong khuôn viện điện có phiến đá to hình cá sấu và mộ Cô Chín - người sáng lập điện thờ. Từ đỉnh núi Đèn có thể nhìn bao quát cả vùng vịnh An Thới rộng lớn nhiều đảo lớn nhỏ vây quanh với vẻ đẹp nguyên sơ mà lộng lẫy, thi vị mà hùng tráng trong màu biển xanh trong có thể nhìn tận đáy.

Cảng An Thới lúc nào cũng tấp nập tàu thuyền: tàu đánh cá, tàu du lịch, tàu khách… lớn nhỏ đủ cả. Chúng tôi xuống chiếc tàu du lịch Quỳnh Thanh bằng composite, 24 ghế, cả toa lét tắm nước ngọt thay đồ, nơi nấu nướng phục vụ du khách vì tàu còn có tour đưa khách đi thẻ mực ban đêm. Tài công Trương Hải Tâm rất khó nhọc đưa tàu len lỏi qua những dây neo, những chiếc tàu cung cấp nước đá cho tàu đánh cá đậu san sát nhau, rồi ghé vào một trong bảy tám nhà bè. Anh Trịnh Việt Dũng, giám đốc Coral Tourist (Cửa Lấp, Dương Tơ, Dương Đông), tổ chức tour gia đình này, nhảy xuống sàn bè. Anh Trần Duy Quang, chủ bè cá, nhanh nhảu mời chào bằng cách dùng vợt xúc từng ngăn nuôi chứa hải sản thu mua của ngư dân, con nào cũng “sống nhăn”, coi đã mắt. Anh nói chắc giá: ghẹ 100.000 đồng/ký, cá mú 150.000 đồng/ký, bào ngư 120.000 đồng/ký, mực lá 40.000 đồng/ký, cá bốp 65.000 đồng/ký, mú sao 350.000 đồng/ký (mắc vì có đạm cao)…

Cách cảng An Thới chừng một hải lý, tàu bỏ neo bên hòn Dăm Trong. Đây là khu vực bảo tồn san hô và sinh vật biển quý hiếm rộng 144,4 hec-ta. Chỉ nghe tài công Tâm nói đã hấp dẫn lắm rồi. Anh Hưởng, phụ tàu, mặc áo phao, mang kiếng lặn, ngậm ống thở, cầm cây tre một đầu tách thành hình cái nơm, nhảy tòm xuống biển, lội ào ào vô sát bờ đá lô nhô viền dài chân hòn. Anh bắt một cách dễ dàng từng con cầu gai, cho vào cái nồi lớn thả lềnh bềnh trên sóng nước. Dũng trước khi nhảy ùm xuống biển căn dặn: “Đừng xài kiếng lặn nhỏ của tàu vì chẳng xem được gì. Chỉ có kiếng lặn lớn và ống thở mình mua ở thị trấn Dương Đông mới xem mãn nhãn “mê cung” này”. Dũng vừa ngâm mình trong làn nước ấm hỉnh vừa chăm chú thả câu. Có hai “con cá mồi”, vậy là mấy ông, cả mấy cô Sài Gòn e lệ, tám người, nổi máu mạo hiểm mặc áo phao, mang kiếng lặn lớn, ngậm ống thở, cẩn thận ra sau lái tàu theo cầu thang xuống biển, vớ ngay chiếc phao cột chặt thành tàu cho chắc ăn, bám lội tung tăng. Úp mặt xuống, dưới ba thước nước, trước mặt là một kỳ quan sống động chỉ có biển cả mới hào phóng ban tặng cho con người. Rạn san hô trăm màu ngàn sắc đong đưa trong làn nước biển xanh trong như pha lê, nhởn nhơ những con cá màu đen, màu đỏ, màu vàng, màu tím, tất cả đều bóng ngời như được làm bằng chất liệu sơn mài (*).

Chiếc tàu du lịch cùng hãng Quỳnh Thanh trên đường về bến, ghé chuyền ca-nô cho tàu chúng tôi. Khách du lịch bên đó vui miệng thăm dò: “Câu được nhiều cá hông mấy chú?”. Một người đùa tếu: “Tới sáu con lận”. Nào cá gốc, cá trào, đặc biệt là cá măng ếch - giống cá bống tượng nhưng cái đầu bự tùa dềnh, có ngạnh, trông rất dữ dằn - đựng trong thau nhôm. Ai cũng cười. Tài công Tâm chữa thẹn cho chúng tôi: “Thường, cá cắn câu vào buổi sáng và buổi chiều. Trưa mà câu được bây nhiêu là giỏi lắm rồi”. Bốn người còn lại trên tàu chúng tôi “nở mũi”.

* Tặng phẩm của biển

Tàu hướng về cực Nam đảo, vượt qua các kinh 1, kinh 2, kinh 3 và kinh 4. Kinh là hẻm nhỏ giữa hai hòn, nơi tàu bè được phép qua lại, còn khoảng cách giữa hai hòn đảo quá lớn tàu bè không được lưu thông vì rất nguy hiểm. Sóng nhấp nhô. Bên phải là hòn Dăm Ngoài, bên trái là mũi Ông Đội. Đây là mũi đất cuối cùng, đồng thời là điểm kéo dài nhất của Phú Quốc. Dũng kể một truyền thuyết: “Thuở ấy, Nguyễn Ánh đang neo thuyền tại đây thì bất ngờ bị quân Tây Sơn tiến đánh. Neo thuyền Nguyễn Ánh bị vướng đá ngầm. Viên cai đội Lê Văn Trị lặn xuống gỡ neo, thuyền vua mới kịp chạy thoát. Nhưng viên cai đội đã bị nước cuốn trôi mất xác. Khi trở lại, Nguyễn Ánh nhớ ơn cứu mạng, truyền tổ chức lễ truy điệu và đặt tên mũi đất này là mũi Ông Đội.

Vòng qua mũi Ông Đội, ngược lên hướng bắc, núi cao xanh ngắt cây rừng. Chân núi giáp biển lúc lúc khoe những bãi cát trắng hoang sơ không một mái nhà, không một bóng người. Trong chốc lát, tàu ghé vào bãi biển đẹp. Anh Hưởng cùng vài ông khách hăm hở chuyền sang chiếc tàu khách nhỏ đậu gần mấy tảng đá lớn để lên bờ. Anh thoăn thoắt leo bám từng tảng đá, dù “lão luyện” trong nghề nhưng vẫn bị hàu cắt đứt chân, máu ra xối xả. Ca nô mau chóng hạ thủy, đưa khách vô bờ, gặp ngay Giếng Ngự. Truyền thuyết kể rằng, trong lúc bôn tẩu quân Tây Sơn tới đây, không còn giọt nước cho quân sĩ, Nguyễn Ánh giậm chân chỉ mũi kiếm lên mặt đất làm bắn ra một dòng nước ngọt ngào đến nay vẫn còn tuôn chảy. Đó là Giếng Ngự ngang chừng 3 tấc, dài khoảng 4 tấc, phía trên có tấm bia xi măng hình chữ nhật (lớn hơn chút đỉnh) màu vàng khắc chữ đỏ: “Mũi kiếm đầu tiên của nhà Nguyễn”. Tất cả có lẽ do dân tự làm nên kém phần trang trọng xứng tầm giá trị lịch sử của nó. Lên lưng chừng núi, còn có một tảng đá màu hồng có hình chiếc ghế uy nghi quay lưng ra biển gọi là Ngai Vua. Cũng theo truyền thuyết, đây là nơi Nguyễn Ánh đã an tọa trong hồi bôn tẩu quân Tây Sơn. Nhận thấy bãi biển và mấy hốc đá, tảng đá bằng phẳng nơi đây có nhiều người ăn uống, nghỉ ngơi, nhất là khá ô nhiễm, chúng tôi quyết định trở lại tàu, đi thêm 20 phút nữa.

Bãi Sao là một trong những bãi biển đẹp nhất của Phú Quốc. Cuối bờ cát là bãi cổ An Yến với nhiều tảng đá hình thù kỳ dị, là nơi chim yến thường về làm tổ. Chúng tôi sang tàu nhỏ vô bờ. Bãi Sao, ra rất xa vẫn là bãi cát cạn, ngập không quá gối. Bước nhẹ chân vì sợ “đau” hàng triệu triệu những viên cát cát trắng sữa như e ấp nấp trong làn nước biển rất trong, trong ánh nắng lấp lánh tựa muôn vạn ngôi sao. Khu này thu hút khách đến bằng đường thủy và cả đường bộ với xe gắn máy, xe bốn chỗ, mười lăm chỗ đậu sau những hàng quán ồn ào. Kiếm mãi chúng tôi mới có được một quán khá ưng ý. Quán lá, bạt nhựa tạm bợ với bàn ghế tuềnh toàng. Quá trưa. Đói meo. Cơm, thức ăn do phụ tàu Kiểm nấu chín chuyển vô cùng chén đũa mượn quán nhanh chóng sắp lên bàn. Một bữa ăn giàu có, sang trọng, đậm đà hương vị biển, mà ở đất liền các nhà hàng nhất định sẽ tính giá “không gớm tay”. Nào ghẹ, cá mú, bào ngư mua; nào cầu gai, cá gốc, cá trào, cá măng ếch săn được, lớp nướng lớp hấp; lại còn mớ mực ống dồn thịt chiên vàng nhà tàu biếu. Tùy loại, chấm nước mắm cốt giằm ớt xanh hoặc muối tiêu chanh. Nhấm nháp vị biển, đưa cay bằng ly Simson - rượu sim gia đình sản xuất Dũng đem theo, giữa không gian khá hoang dã, thật thú vị. Anh bạn ở Sài Gòn bị bệnh gout lúc ra đây tuyên bố không dám “rớ” tới món hải sản nào. Vậy mà sau một hai chén cơm gạo thơm nóng hổi đựng trong bình trữ đá với xì dầu, không kìm được sức cám dỗ từ mùi thơm quyến rũ của các thức ăn cao cấp, anh đành “tạm quên” lời “đe dọa” của bác sĩ, gắp “không nương tay”… Ăn thỏa thuê, no nóc, thức ăn vẫn còn ê hề. Tiếc quá, mấy người gom vào túi nylon đem về.

Thư thả nằm võng ngắm trời nước bao la. Anh bạn Sài Gòn khác cùng mấy cô bé tắm biển săn cá khi nãy chưa đã thèm, hắng hái nhào xuống biển trầm mê say. Chuyển mưa. Biển mù mây đẹp khác thường. Cơn mưa rải bụi khắp vụng biển. Gió lất phất làm bay những chiếc lá tra rơi rụng quanh quán. Anh chủ nhanh tay nhặt cho vào bịch nylon. Xế chiều, mưa ngớt, chúng tôi lên tàu về bến cảng An Thới. Trong ánh nắng nhạt xiên xiên, núi xanh biển biếc có vẻ đẹp quyến rũ khác. Lúc lúc lại thấy một đàn cá liệt nhỏ như cá cơm lội theo tàu, cao hứng phóng khỏi mặt nước như lời chào tạm biệt chúng tôi sau gần một ngày vui với biển biếc, đảo xanh với những bãi cát trắng – là niềm nhung nhớ không khuây khi trở lại thành phố ồn náo, ngợp khói bụi và công việc túi bụi!

_______________________

(*) Theo thống kê, rạn san hô ở đây chiếm tới 41 phần trăm diện tích, có 89 loài san hô cứng, 19 loài san hô mềm. Sống lẫn trong rạn san hô là 125 loài cá, 132 loài thân mềm, 32 loài da gai và 62 loài rong biển, trong đó có nhiều loài quan trọng như trai tai tượng và ốc đụn. Người địa phương còn cho biết khu vực này thảng hoặc xuất hiện bò biển – dugong, một loài có tên trong Sách Đỏ.

Xem hình ảnh chuyến đi này trong loạt ảnh “Một ngày ở phía nam vịnh Thái Lan

Không có nhận xét nào: