Xem thêm hình ảnh một ngôi nhà cổ đang tàn
tại Thốt Nốt (Cần Thơ) bên dưới.
Hàng đêm, trong các ngôi nhà cổ, đèn vẫn tỏ trên những án thờ. Nhưng tiếc thay, rất nhiều ngôi nhà cổ ở TP Cần Thơ nói riêng, các tỉnh ĐBSCL nói chung đang xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, những giải pháp căn cơ nhằm bảo tồn vẫn còn xa vời vợi...
Chỉ những vệt sơn trắng chạy dài đè theo vết nứt ngang vách tường, trên cột giữa, ông Dương Minh Hiển, chủ nhân nhà cổ Bình Thủy của dòng họ Dương danh tiếng trên vùng đất cổ nhất Cần Thơ, tần ngần: “Chống đỡ tạm thời thôi, nặng nhất là ngay dưới đòn tay, làm chạy ngói, thấm nước; vì kèo có nơi bị mối mọt; hệ thống máng xối liên hoàn hư rồi, nền cũng lún”.
Thời gian oằn nặng trên cả khuôn viên rộng hơn 8.000 m2 này: cặp rồng phụng uốn lượn quanh 4 cột tròn cùng hai câu đối trên cổng “tam quan” đã bay đâu mất; “Vườn lan Bình Thủy” đắm say ngày trước nay còn đâu; hơn 300 hình gốm xinh xinh gắn khéo léo trên hòn non bộ cao 2-3 mét chỉ còn trong ký ức; bên bể bơi cạn nước hai chú ếch đá trơ mắt ngồi nhìn nhau...
Dân gian có câu: “Nhất gian cô độc, nhị gian sầu, tam gian phú quý, tứ gian truân”. Thế nhưng ngôi nhà này còn độc đáo hơn với 5 gian, 136 tuổi. “Người tình” (L’ amant), bộ phim ăn khách tại nước ngoài, tôn vinh vẻ đẹp Nam bộ được quay ngay tại đây.
“ Tôi đã choáng mắt trước sự tráng lệ của ngôi nhà tuyệt vời này và mong muốn nhờ điện ảnh cho thế giới biết đến nơi đây”, J.J Annaud, đạo diễn bộ phim này thảng thốt. Nhà văn Sơn Nam, cố vấn đoàn làm phim lý giải rõ hơn: Ngôi nhà này đã xưa, nhưng rực rỡ, còn phảng phất không khí lạ, sức sống nào đó chợt bừng lên, phủi sạch bụi thời gian, tan biến rồi sẽ xuất hiện, mong manh với sự hỗ trợ của ánh sáng, góc độ của máy quay phim. Ông còn cho biết, khi dựng “L’ amant”, đạo diễn không chỉ kể lại mối tình sẽ còn làm rung động nhiều thế hệ mà còn có một trọng trách: cố gắng để 50 năm sau, khi người ta muốn biết về đất Nam bộ giữa hai cuộc chiến tranh, người ta sẽ xem phim của ông.
Ẩn trong ngôi nhà kỳ ảo vấn vương nét giao thời hai thế kỷ và buổi đầu giao lưu văn hóa Đông – Tây này là hệ thống vì, kèo xuyên trinh truyền thống; các tác phẩm điêu khắc gỗ rất tinh xảo tại đầu kèo, thành vọng, bao lam, liễn đối, đòn dong chạm lộng rồng phụng sơn son thếp vàng cùng rất nhiều cổ vật quý… Năm 1945, đắm đuối nghệ thuật chạm khắc nơi đây, một sĩ quan Pháp đã ngỏ ý mua một đoạn chạm khắc gỗ ở bao lam bên phải mang về Pháp. Hàng ngàn lượt khách trong ngoài nước mỗi năm “hành hương” về đây mong tận hưởng cái chất u hoài cổ kính cô đặc nắng gió phương Nam của ngôi nhà.
Ông Trần Bá Thế, 87 tuổi ở cù lao Tân Lộc quanh năm sóng vỗ, lọ mọ giữ kiếng dò đọc từng chữ bài thơ Lý Bạch được khảm xà cừ cả trăm năm trước vẫn óng ánh trên mặt tủ thờ. Ngôi nhà được thân sinh ông - Hội đồng Thoại - xây dựng từ năm 1918 có tường bốn mươi, cửa lá sách, nền cao ốp đá xanh, lợp ngói vẩy cá, các vòm cửa có phù điêu, hoa văn họa tiết…“ Nhà cổ thì nhiều nhưng hư hại muốn hết rồi”! Chỉ thêm mấy bước chân, cả chục ngôi nhà cổ của Hội đồng Vàng, Nghị Văn… khiến ta bàng hoàng với từng chùm dây leo loằng ngoằng thọc qua mái, thả dài theo vách, bò xuống cả nền nhà; cửa sắt nghiêng ngả, vách nứt tường xô…
“Cần Thơ hiện chỉ còn 72 nhà cổ, hầu hết đã biến dạng, xuống cấp trầm trọng”- cô Ngọc Hân, cán bộ phòng Quản lý di tích (Bảo tàng Cần Thơ) cho biết. Dãy 18 căn trên đường Phan Đình Phùng hiện chỉ còn 4 căn; dãy phố 5 căn liền kề trên đường Bùi Hữu Nghĩa - Bình Thủy nguyên là phố trệt của Hương Cả Ky và 4 ngôi nhà của anh em họ La nay là bệnh viện lao; “Vườn thầy Cầu” (149/38 Huỳnh Thúc Kháng), mô hình “Du lịch sinh thái” đầu tiên được Huỳnh Minh đưa vô sách sử gần như biến mất; nhà rội thuần Việt 3 gian 2 chái mái âm dương, mặt tiền song gỗ, lối đi bên hông chỉ còn đôi ba cái… Mà trách sao được khi gia chủ “lực bất tòng tâm” trước cơn lốc xoáy thị trường.
Năm 2002, ông chủ làng du lịch Mỹ Khánh bỏ ra 120 triệu đồng mua bằng được căn nhà ba gian hai chái xây năm 1906 từ cháu đại điền chủ Trần Hi Ngươn (làng Bình Thủy) đang xuống cấp nghiêm trọng, mang về phục chế, dựng lại phục vụ du khách. Ngôi nhà này dỡ ra chỉ mất 10 ngày nhưng làm lại cho đúng nguyên bản đi tong cả 4 tháng trời (mất hơn 1 tỷ đồng, riêng công thợ cả trăm triệu)! Hai phòng sau và bên hông căn nhà, nếu muốn nghỉ lại khách phải trả 300 ngàn đồng/phòng/ngày đêm, thế mà khách Tây vẫn đến nườm nượp.
Nhà cổ, làng cổ bên dòng Mê Công huyền thoại vẫn là điểm ngắm của du khách phương xa bởi nó lưu dấu giữa con người với thiên nhiên; chứa đựng những giá trị sáng tạo nghệ thuật, lịch sử, văn hóa của tiền nhân. Chuẩn bị cho năm Du lịch Quốc gia 2008 tại Cần Thơ, ông Dương Minh Hiển sửa lại vườn, đặt thêm ghế đá rồi “chơi” cái máy ảnh 8 chấm hiệu Canon mới cứng. Ông mơ ước biến khuôn viên 8.000 m2 này thành khu du lịch sinh thái, tái hiện nét sinh hoạt xưa.
Từ đầu năm, thành phố Cần Thơ đã phê duyệt Dự án nâng cấp làng cổ Bình Thủy - Lộ Vòng Cung, trong đó riêng trùng tu nhà cổ Bình Thủy khoảng 1,4 tỷ đồng. “Ngôi nhà còn được đề nghị xếp loại di tích cấp quốc gia nhưng cho đến nay đã thấy gì đâu. Nhà thì cổ mình lại già…” - giọng ông chùng xuống. Đã ngoài 80 tuổi, ông cụ vẫn lụi cụi mở cổng mỗi khi có khách.
“Nhà cổ Bình Thủy chính là 1/10 lý do khách đến ĐBSCL, là nơi đã đi vào văn học thế giới và sau đó là điện ảnh qua phim “L’amant” - GSTS E. Segemueller, người Đức, đã lưu ý như thế trong Hội thảo “Làm gì để phát triển du lịch Cần Thơ và các vùng lân cận”. Mất đi “cái riêng”, bản sắc này Cần Thơ như cô gái lỡ duyên, giảm hẳn lợi thế cạnh tranh! Hàng ngàn tỷ đồng đầu tư cho các khu dân cư, trung tâm thương mại – siêu thị… khiến thành phố trung tâm đồng bằng vụt trở mình nhưng những ngôi nhà cổ, “dòng chảy của quá khứ, hiển hiện cái hồn của miệt vườn, sông nước Cần Thơ xưa” lại đang tàn phai rất rõ.
Không chỉ Cần Thơ mà hàng trăm nhà cổ ĐBSCL đang đứng trước thách thức rất lớn. Bài học “Chợ nổi Ngã bảy” khiến ta giật mình, âu lo: có những giá trị văn hóa mất đi không dễ lấy lại được, cho dù đủ đầy vật chất. Nhà cổ nào cần đưa vào danh sách bảo tồn? Làm gì để giữ được nhà cổ giữa cơn lốc quy hoạch? Phục dựng ra sao để không mất nét sáng tạo, đầy tinh tế của cha ông? Nên chăng gấp rút xây dựng quy chế bảo tồn làng cổ, nhà cổ? Tái hiện cái hồn, chuyển giao di sản hiếm hoi của quá khứ cho mai sau là bổn phận của những thế hệ hôm nay.
Chỉ những vệt sơn trắng chạy dài đè theo vết nứt ngang vách tường, trên cột giữa, ông Dương Minh Hiển, chủ nhân nhà cổ Bình Thủy của dòng họ Dương danh tiếng trên vùng đất cổ nhất Cần Thơ, tần ngần: “Chống đỡ tạm thời thôi, nặng nhất là ngay dưới đòn tay, làm chạy ngói, thấm nước; vì kèo có nơi bị mối mọt; hệ thống máng xối liên hoàn hư rồi, nền cũng lún”.
Thời gian oằn nặng trên cả khuôn viên rộng hơn 8.000 m2 này: cặp rồng phụng uốn lượn quanh 4 cột tròn cùng hai câu đối trên cổng “tam quan” đã bay đâu mất; “Vườn lan Bình Thủy” đắm say ngày trước nay còn đâu; hơn 300 hình gốm xinh xinh gắn khéo léo trên hòn non bộ cao 2-3 mét chỉ còn trong ký ức; bên bể bơi cạn nước hai chú ếch đá trơ mắt ngồi nhìn nhau...
Dân gian có câu: “Nhất gian cô độc, nhị gian sầu, tam gian phú quý, tứ gian truân”. Thế nhưng ngôi nhà này còn độc đáo hơn với 5 gian, 136 tuổi. “Người tình” (L’ amant), bộ phim ăn khách tại nước ngoài, tôn vinh vẻ đẹp Nam bộ được quay ngay tại đây.
“ Tôi đã choáng mắt trước sự tráng lệ của ngôi nhà tuyệt vời này và mong muốn nhờ điện ảnh cho thế giới biết đến nơi đây”, J.J Annaud, đạo diễn bộ phim này thảng thốt. Nhà văn Sơn Nam, cố vấn đoàn làm phim lý giải rõ hơn: Ngôi nhà này đã xưa, nhưng rực rỡ, còn phảng phất không khí lạ, sức sống nào đó chợt bừng lên, phủi sạch bụi thời gian, tan biến rồi sẽ xuất hiện, mong manh với sự hỗ trợ của ánh sáng, góc độ của máy quay phim. Ông còn cho biết, khi dựng “L’ amant”, đạo diễn không chỉ kể lại mối tình sẽ còn làm rung động nhiều thế hệ mà còn có một trọng trách: cố gắng để 50 năm sau, khi người ta muốn biết về đất Nam bộ giữa hai cuộc chiến tranh, người ta sẽ xem phim của ông.
Ẩn trong ngôi nhà kỳ ảo vấn vương nét giao thời hai thế kỷ và buổi đầu giao lưu văn hóa Đông – Tây này là hệ thống vì, kèo xuyên trinh truyền thống; các tác phẩm điêu khắc gỗ rất tinh xảo tại đầu kèo, thành vọng, bao lam, liễn đối, đòn dong chạm lộng rồng phụng sơn son thếp vàng cùng rất nhiều cổ vật quý… Năm 1945, đắm đuối nghệ thuật chạm khắc nơi đây, một sĩ quan Pháp đã ngỏ ý mua một đoạn chạm khắc gỗ ở bao lam bên phải mang về Pháp. Hàng ngàn lượt khách trong ngoài nước mỗi năm “hành hương” về đây mong tận hưởng cái chất u hoài cổ kính cô đặc nắng gió phương Nam của ngôi nhà.
Ông Trần Bá Thế, 87 tuổi ở cù lao Tân Lộc quanh năm sóng vỗ, lọ mọ giữ kiếng dò đọc từng chữ bài thơ Lý Bạch được khảm xà cừ cả trăm năm trước vẫn óng ánh trên mặt tủ thờ. Ngôi nhà được thân sinh ông - Hội đồng Thoại - xây dựng từ năm 1918 có tường bốn mươi, cửa lá sách, nền cao ốp đá xanh, lợp ngói vẩy cá, các vòm cửa có phù điêu, hoa văn họa tiết…“ Nhà cổ thì nhiều nhưng hư hại muốn hết rồi”! Chỉ thêm mấy bước chân, cả chục ngôi nhà cổ của Hội đồng Vàng, Nghị Văn… khiến ta bàng hoàng với từng chùm dây leo loằng ngoằng thọc qua mái, thả dài theo vách, bò xuống cả nền nhà; cửa sắt nghiêng ngả, vách nứt tường xô…
“Cần Thơ hiện chỉ còn 72 nhà cổ, hầu hết đã biến dạng, xuống cấp trầm trọng”- cô Ngọc Hân, cán bộ phòng Quản lý di tích (Bảo tàng Cần Thơ) cho biết. Dãy 18 căn trên đường Phan Đình Phùng hiện chỉ còn 4 căn; dãy phố 5 căn liền kề trên đường Bùi Hữu Nghĩa - Bình Thủy nguyên là phố trệt của Hương Cả Ky và 4 ngôi nhà của anh em họ La nay là bệnh viện lao; “Vườn thầy Cầu” (149/38 Huỳnh Thúc Kháng), mô hình “Du lịch sinh thái” đầu tiên được Huỳnh Minh đưa vô sách sử gần như biến mất; nhà rội thuần Việt 3 gian 2 chái mái âm dương, mặt tiền song gỗ, lối đi bên hông chỉ còn đôi ba cái… Mà trách sao được khi gia chủ “lực bất tòng tâm” trước cơn lốc xoáy thị trường.
Năm 2002, ông chủ làng du lịch Mỹ Khánh bỏ ra 120 triệu đồng mua bằng được căn nhà ba gian hai chái xây năm 1906 từ cháu đại điền chủ Trần Hi Ngươn (làng Bình Thủy) đang xuống cấp nghiêm trọng, mang về phục chế, dựng lại phục vụ du khách. Ngôi nhà này dỡ ra chỉ mất 10 ngày nhưng làm lại cho đúng nguyên bản đi tong cả 4 tháng trời (mất hơn 1 tỷ đồng, riêng công thợ cả trăm triệu)! Hai phòng sau và bên hông căn nhà, nếu muốn nghỉ lại khách phải trả 300 ngàn đồng/phòng/ngày đêm, thế mà khách Tây vẫn đến nườm nượp.
Nhà cổ, làng cổ bên dòng Mê Công huyền thoại vẫn là điểm ngắm của du khách phương xa bởi nó lưu dấu giữa con người với thiên nhiên; chứa đựng những giá trị sáng tạo nghệ thuật, lịch sử, văn hóa của tiền nhân. Chuẩn bị cho năm Du lịch Quốc gia 2008 tại Cần Thơ, ông Dương Minh Hiển sửa lại vườn, đặt thêm ghế đá rồi “chơi” cái máy ảnh 8 chấm hiệu Canon mới cứng. Ông mơ ước biến khuôn viên 8.000 m2 này thành khu du lịch sinh thái, tái hiện nét sinh hoạt xưa.
Từ đầu năm, thành phố Cần Thơ đã phê duyệt Dự án nâng cấp làng cổ Bình Thủy - Lộ Vòng Cung, trong đó riêng trùng tu nhà cổ Bình Thủy khoảng 1,4 tỷ đồng. “Ngôi nhà còn được đề nghị xếp loại di tích cấp quốc gia nhưng cho đến nay đã thấy gì đâu. Nhà thì cổ mình lại già…” - giọng ông chùng xuống. Đã ngoài 80 tuổi, ông cụ vẫn lụi cụi mở cổng mỗi khi có khách.
“Nhà cổ Bình Thủy chính là 1/10 lý do khách đến ĐBSCL, là nơi đã đi vào văn học thế giới và sau đó là điện ảnh qua phim “L’amant” - GSTS E. Segemueller, người Đức, đã lưu ý như thế trong Hội thảo “Làm gì để phát triển du lịch Cần Thơ và các vùng lân cận”. Mất đi “cái riêng”, bản sắc này Cần Thơ như cô gái lỡ duyên, giảm hẳn lợi thế cạnh tranh! Hàng ngàn tỷ đồng đầu tư cho các khu dân cư, trung tâm thương mại – siêu thị… khiến thành phố trung tâm đồng bằng vụt trở mình nhưng những ngôi nhà cổ, “dòng chảy của quá khứ, hiển hiện cái hồn của miệt vườn, sông nước Cần Thơ xưa” lại đang tàn phai rất rõ.
Không chỉ Cần Thơ mà hàng trăm nhà cổ ĐBSCL đang đứng trước thách thức rất lớn. Bài học “Chợ nổi Ngã bảy” khiến ta giật mình, âu lo: có những giá trị văn hóa mất đi không dễ lấy lại được, cho dù đủ đầy vật chất. Nhà cổ nào cần đưa vào danh sách bảo tồn? Làm gì để giữ được nhà cổ giữa cơn lốc quy hoạch? Phục dựng ra sao để không mất nét sáng tạo, đầy tinh tế của cha ông? Nên chăng gấp rút xây dựng quy chế bảo tồn làng cổ, nhà cổ? Tái hiện cái hồn, chuyển giao di sản hiếm hoi của quá khứ cho mai sau là bổn phận của những thế hệ hôm nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét