Khi trở lại sống ở Cần Thơ, mỗi lần người chị họ lên thăm má tôi đều có mang theo một bó lá “lành canh”. Má con tôi mừng hết ý! Vậy là tôi có nhiệm vụ lặt lá “lành canh” còn má tôi thì nhanh nhảu đi chợ mua măm sặt, mấy tép sả, một ít nấm rơm cùng một con cá lóc. Rửa sạch lá “lành canh” rồi, tôi bằm nhỏ nó trên thớt. Mỏi tay nhưng miệng tôi ứa nước bọt vì đã “ngửi” được hương vị của “lành canh”. Má tôi luộc cá, nước sôi, vớt cá ra rỉa lấy thịt. Nồi nước ấy, má cho mắm vào, nước sôi, lược bỏ xác mắm, cho tép sả đập giập, nấm rơm và “lành canh” vào, nêm nếm vừa ăn. Nước sôi đợt nữa, dể lửa riu riu cho tới khi “lành canh” nhừ tắt bếp múc ra tô.
Đó là một tô canh trông chẳng hấp dẫn gì. Một màu xám sậm gần như đặc sệt, điểm mấy miếng cá lóc trắng xanh, mấy búp nấm rơm ửng màu đất, bốc hơi nghi ngút thơm mùi mắm. Múc từng muỗng canh chan vô chén cơm, dùng đũa lùa, nhai. Ngay lập tức cảm nghe vị đắng chua của “lành canh” lan tỏa khắp khẩu cái. Lát sau, vị ngọt của nấm, của thịt cá dần dần lấn át. Và, vị đắng của “lành canh” cũng lập tức biến thành hậu ngọt, càng chóp chép miệng càng nghe ngon ngọt thấm tận xương cốt hòa trong vị mặn thơm của mắm. Thật là ngon! Nhưng càng tuyệt diệu hơn khi nồi “lành canh” càng được hâm nhiều lửa càng đậm đà hương vị. Ăn bắt ngây!
Thời gian cũng dần qua. Má tôi mất. Người chị họ tuổi cao sức yếu không còn theo đò máy lên “bổ hàng” ở Cần Thơ nữa. Vậy là nỗi nhớ “lành canh” quay quắt trong lòng tôi. Chịu không nổi, tôi kêu vợ tôi mua mắm sặt, sả, rau đắng đất, nấu ăn cho đỡ thèm.
Rồi thời gian cứ trôi, duyên cớ nào đó lại đưa tôi về lại quê nhà sau chừng 50 năm xa cách. Đi ra chợ, ăn bún nước lèo “chân quê” chỉ có giá, hẹ cùng hai miếng huyết heo, ngon quá. Nhưng đã đời nhất là khi đi loanh quanh khu chợ, thấy một chị Khmer từ giồng Chông Nô (xã Hòa Tân) xuống bày độc một bó “lành canh”, tôi mừng hết lớn. Xề xuống, mua ngay, không cần trả giá. Thiếu nữ Khmer ngạc nhiên kêu lên: “Dớ…, Việt kiều mà cũng biết ăn lá này nữa quây!”. Tôi cười chẳng biết nói sao. Vậy là hành trang về nhà của tôi có món quà quê quý giá. Và tôi lại được hân hạnh thưởng vị đắng chua hậu ngọt của món ăn thấm đẫm vị đời. Nhẩn nha thướng thức “lành canh”, tôi thầm nghĩ Việt kiều gốc gác quê nhà làm gì có vinh hạnh được ăn món đồng quê chân chất này khi đang ở tận đẩu tận đâu xa mút tí tè trên trái đất này. Thương họ quá! Không láo ăn, tôi bắt chước má tôi “tập” các con tôi ăn thử. Đứa nào cũng nhăn mặt chê. Nhưng rồi dần dà, càng lớn lên, càng được “nếm” nhiều lần, chúng đều đâm ra ghiền món ngon quê nội xa vời.
Có một điều, thú thật, tôi chưa biết cây “lành canh” ra sao. chỉ biết đó là loại đại thụ, mọc trên đất giồng và hình như chỉ có ở quê tôi và một vài mảnh đất giồng trong địa phận tỉnh Trà Vinh thôi, mà người Khmer thị xã Trà Vinh gọi hơi “nặng” tiếng một chút là “lành cạnh”. Năm nay, nhân dự Vu Lan thắng hội ở thị trấn Cầu Kè, tôi có dịp đi tham quan chùa Pothiseray ở ấp Chông Nô 3 – ngôi chùa Khmer cổ kính có từ hàng mấy trăm năm – trong lúc vui miệng, tôi nhắc tới cây “lành canh” và được sư trụ trì nhiệt tình hướng dẫn đi xem. Đó là cái cây cao khoảng 5 thước, bị chặt ngọn và cành cho không bị gió thổi trốc gốc và mau đâm tược non. Lá “lành canh” mọc song song theo sống, giống lá bồ ngót, lá chùm ruột, lá điệp, nhưng mềm mại hơn. Sư trụ trì căn dặn khi nấu phải ngắt bỏ đọt non đầu nhánh khi nấu chín ăn mới không bị chua và nếu muốn giảm bớt vị đắng thì nên trụng sơ một lần nước sôi. Nhưng nếu ăn được vị đắng và vị chua thì quá tuyệt vời. Mấy người “con sóc” (bổn đạo) địa phương còn hiến thêm món giản tiện từ “lành canh”: Tuốt lá khỏi gân lá, rửa sạch, nấu với tép bạc đâm nát sẽ có món canh có lẽ không loại lá nào có được. Không biết lá này có giá trị dinh dưỡng ra sao, nhưng bất cần, vì với tôi, nó giúp có bữa cơm ngon miệng và nhất là có một giấc ngủ sâu. Vậy mới nhớ đời chớ!
1 nhận xét:
Trời ơi, bác Lộc viết làm tui nhớ... miền Tây quay quắt, dù cho đang ở trên đất này !
Đăng nhận xét