Thứ Tư, 19 tháng 9, 2007

PHÚ QUỐC MÙA HOA SIM

Phương Hà


Ra khỏi phòng đợi sân bay Phú Quốc, bị vây chặt bởi tài xế xe taxi và xe ôm, tôi chỉ thoát ra được khi “ừ đại” với một gã mặt mày không dữ dằn lắm. Lần đầu đến thị trấn Dương Đông, lại không có bản đồ hòn đảo này nên tôi bảo gã taxi đưa đến Văn phòng Hội Nông dân huyện Phú Quốc, đường Nguyễn Trung Trực, còn xa hay gần sân bay thì chịu. Gã taxi chạy lòng vòng, tôi sinh nghi, nhắc lại nơi cần đến lần nữa, gã bảo Dương Đông mới được đặt tên đường, nên phải tìm. Chạy một hồi, tôi lại thấy cổng sân bay. Thì ra Hội Nông dân cách sân bay chưa đến 300 mét! Buộc phải trả tiền theo giá của gã taxi mà bảng hiệu thuộc Tổng công ty Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất - Chi nhánh Phú Quốc, tôi thề không bao giờ sử dụng dịch vụ “chém khách” này nữa!

Bà bạn Nguyễn Thị Ghiêm - Chủ tịch Hội Nông dân Phú Quốc, nghe tôi kể chuyện bị taxi “ăn gian”, cười buồn, nói: “Dân tứ xứ đổ về Phú Quốc làm ăn, nay đã trên 8 vạn người, không ít kẻ chụp giựt khách du lịch. Hạt tiêu tại vựa cao lắm 70 ngàn một ký lô, ra chợ, tiểu thương bán cho khách du lịch trăm hai, trăm ba; mực khô cũng vậy, một ký lô đắt hơn mua ở Sài Gòn đến vài chục ngàn đồng - Bổng chị vui hẳn lên - Nói vậy chớ Phú Quốc không đến nỗi làm anh thất vọng; rừng, biển nguyên sơ, tha hồ thưởng ngoạn, dân cố cựu sống dưới các chân núi thật thà, hiếu khách lắm - Rồi đột ngột chị hỏi - Anh có thích hoa sim không? Phú Quốc đang mùa sim tím…”…

Đang mùa sim tím… Bốn mùa sim tím 1969 - 1972, chiều chiều trong trại tù binh Cây Dừa, tôi thả hồn thang thang chân núi Đồi Sim tím biếc chiều hoang biền biệt, ngay ngoài lớp lớp dây thép gai mà mơ ngày tự do… Cám ơn Ghiêm đã nhắc đến cái màu tím thủy chung 35 năm trời tôi mong nhớ ấy…

Như hiểu thấu lòng tôi muốn sống trọn vẹn mấy ngày với Phú Quốc, Ghiêm bảo lấy xe máy của em, tự đi...

Thế là hơn tiếng đồng hồ sau khi xuống máy bay, tôi bắt đầu lang thang giữa hòn đảo có hình dáng châu Mỹ Latin, chiều dài 50 km, chiều rộng nơi rộng nhất phía bắc đảo 28 km, nơi hẹp nhất phía cảng An Thới 3 km, một vòng đảo khoảng 180 km là bao trọn 593 km vuông. Tôi hiểu cái khoảng cách ấy là tính trên thực địa, chứ Phú Quốc mới có một con đường trục từ thị trấn Dương Đông đến thị trấn An Thới mà khó khăn lắm hai ô tô tải loại vừa mới tránh nhau được, còn đường từ huyện lỵ đến Cửa Cạn, Gành Dầu, Bãi Thơm… thì gần như mới san nền, mưa lầy nắng bụi, ngổn ngang hố ụ. Cha sanh mẹ đẻ cho cái tánh thích xê dịch, ham coi ngó những vùng đất chưa biết, lại thôi thúc tôi đến những nơi ít ai đến. Phú Quốc có đến 99 ngọn núi, hùng vĩ nhất là dải Hàm Ninh kéo dài 14 km, có ngọn Núi Chúa cao nhất đảo, 565 mét so với mặt nước biển. Sao lại 99 ngọn mà không phải 100? Truyền thuyết kể rằng, 50 triệu năm trước, Phú Quốc có đủ 100 ngọn núi, mỗi ngọn do một con chó thuộc giống chó có xoáy trên sống lưng và lông sống lưng chỉa ngược về phía đầu, canh giữ. Tiếc thay, có một con chó sợ độ cao, mà đã là chó Phú Quốc thì chạy trên cheo leo ngàn trượng cũng không ngợp, nên “không hoàn thành trọng trách”, để cho lâm tặc đốn hạ một cây hoàng đàn dã ngàn năm tuổi, làm ông Tạo Hóa giận, dìm luôn ngọn núi ấy xuống biển. Chín mươi chín ngọn núi còn lại đến nay vẫn bạt ngàn xanh 529 loài thực vật bậc cao và chứa trong lòng chúng 151 loài động vật, trong đó có loài chó xoáy gần như độc nhất trên thế giới không sợ độ cao, sinh sôi nẩy nở từ 99 con chó còn lại. Phú Quốc là một hòn đảo chỉ có rừng già nguyên sinh với hai con sông Dương Đông, Cửa Cạn và hàng trăm con suối lớn nhỏ thoát nước mùa mưa, trữ nước mùa khô. Rồi khoảng 350 năm trước, lác đác có con người, con người sinh đẻ nhanh hơn con vật, tinh khôn hơn con thú, đã làm chủ hòn đảo này. Tiếc thay, do chỉ cách đất liền khoảng 25 hải lý (khu vực thị xã Hà Tiên), rồi có sân bay Rạch Giá nửa giờ bay, sân bay Tân Sơn Nhất một giờ bay, nên con người ra Phú Quốc ngày càng đông, phá sạch một phần ba rừng mưa nhiệt đới để trồng cây lương thực, trồng tiêu và làm nhà… May thay Phú Quốc không nằm trong đất liền nên đến giờ vẫn còn 31.422 hecta rừng nguyên sinh thuộc Vườn Quốc gia và 6.122 hecta rừng vùng đệm, tức là hòn đảo này đang giữ được gần hai phần ba diện tích rừng, rừng đúng nghĩa chứ không như ở các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc, rừng chồi tái sinh lác đác vẫn được báo cáo trăm phần trăm nguyên trạng như đất trời sanh ra! Quả thật là quá muộn, vì nghe nói đến cuối năm 2007, rừng Phú Quốc mới được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển Thế giới!

Suối Tranh


Không biết có ai yêu rừng như tôi, yêu rừng còn bởi ơn rừng. Mở mắt chào đời tôi đã ngước lên chiêm bái dãy Trường Sơn chỉ cách đồng bằng Quảng Trị “một khâu rựa”, theo cách đo đường của đồng bào dân tộc Vân Kiều, nghĩa là chỉ một buổi lội bộ. Không rừng thì quê tôi không có nước để cấy lúa, không có nước uống trong mùa gió lào 40 - 43 độ nóng. Rồi những năm lội dọc Trường Sơn trong cuộc chiến tranh giữ nước vừa qua, nếu không rừng, tôi và đồng đội không thể qua được những cơn đói quay đói quắt nhờ môn thục, cua đá; không có rừng thì không giữ được mạng sống vì bom đạn đối phương ùng oằng tùng chiu suốt ngày đêm. Tôi ơn rừng còn bởi rừng che chở cho tình yêu của em dọc dài Trường Sơn để ngày hòa bình nên vợ nên chồng… Tình rừng đưa tôi đến với Phú Quốc nên từ chối mọi tour du lịch, trước hết tìm đến suối Đá Ngọn, một con suối rất ít dấu chân người, khuất lấp dưới những tầng cây trải dài từ hai ngọn núi cách Dương Đông mươi cây số ngoài, bởi tôi nghe một người quen ở đảo vào Sài Gòn kể rằng, chính ở dòng suối này, một thanh niên Thanh Hóa nhập cư Phú Quốc “bất hợp pháp” bắt được con ba ba 25 kg, vác ra nhà hàng thị trấn bán 2 triệu đồng làm món nhậu, kiểm lâm phát hiện, phạt 3 triệu đồng, trục xuất về đất liền. Ai đó nói ngày xưa Phú Quốc có cọp, có voi cũng có cái lý của họ, dù không chính xác, nhưng đến bây giờ Phú Quốc còn những con ba ba vài chục ký lô, những con trăn, con rắn lớn đến “thành tinh”, chứng tỏ môi trường sinh thái nơi đây còn khá nguyên vẹn. Bằng chứng là suốt chiều dài mười mấy km ngược suối Đá Ngọn, cảnh quan đẹp đến mê hồn với chồi biếc đan vòm trên những cây cổ thụ; xen tiếng chim họa mi như giọng nữ cao sang trọng là tiếng cúc cu xao lòng nỗi nhớ cố hương, là tiếng chim “khó khăn khắc phục” hay “bắt cô trói cột”, tiếng tắc kè “sáp hè sáp hè” hay “sắp về sắp về” da diết chẳng khác giữa Trường Sơn đại ngàn những tháng năm chưa nhiều bom đạn. Không còn rừng nguyên sinh không bao giờ có những âm thanh ấy, không bao giờ có dòng nước đầu mùa mưa mà tung bọt xuống những vũng xanh ngời sáng da con gái lén đám lính trận chúng tôi tắm truồng như thưở nào Trường Sơn…

Tôi tìm về Cửa Cạn theo hướng hương hoa tràm nồng ấm lan tỏa hai mươi mấy cây số xa khi lắc rắc mưa. Tìm hương tràm lại được gặp cái màu tím hoa sim mỏng tang mà thủy chung, từng neo vào lòng tôi trên “Cung đường Đỏ” A Lưới, A Sầu về Huế; Hải Lâm, Triệu Thượng về thành cổ Quảng Trị những chiều chiến tranh thấp thỏm trinh sát chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân 1968…Hằng trăm hecta tràm gió, loại tràm làm ra tinh dầu chữa bá bệnh, những vạt sim quả mọng tím môi người cái vị chát chua ngọt bùi rồi đây sẽ nhường chỗ cho những sân golf xanh màu xanh giả tạo với những bãi cỏ tỉa tót, những hồ nước bé tẹo… Đang mùa sim tím… Em nhắc tôi… Không phải nhắc đến loại rượu sim nổi tiếng mấy năm nay mà chỉ Phú Quốc mới có, mà là mùa hoa sim tím đảo vào đầu mùa mưa để oi ả mùa khô giáp Tết ta cho quả. Lạ lùng thế Phú Quốc ơi, sao không như ở miền Trung, hoa sim tím vào cuối xuân để cuối hè sang thu cho quả mọng? Vì sao hằng trăm hòn đảo của tổ quốc mà chỉ Phú Quốc mới có nhiều sim?

Tôi tìm về Cửa Cạn bởi văng vẳng tiếng sủa đanh gọn của giống chó Phú Quốc mà một anh bạn trí thức là nhà nhiếp ảnh nghệ thuật của Sài Gòn những năm đầu thập niên 70 thế kỷ trước, hòa bình cưới một cô giáo Việt Cộng, cả hai chán nản nhân tình thế thái, kéo nhau ra Phú Quốc, nuôi để kiếm sống. Có thể nói anh yêu chó, mà phải là chó Phú Quốc, không thua gì tôi yêu rừng. Nhà anh tạm bợ bên một con rạch đầy vơi theo con nước biển, trong ngoài toàn chó là chó, như anh nói, nuôi để lưu giữ nguồn gene quý hiếm, ai biết chơi và mua đúng giá thì bán. Anh biết nhiều chuyện về giống chó Phú Quốc làm tôi kinh ngạc. Thì ra những nhà quý tộc chuyên chơi chó ở châu Âu, nhất là Pháp và Bỉ, thế kỹ XIX đã xếp chó Phú Quốc vào loại chó săn thỏ, là loại chó nhanh nhẹn nhất, có độ bền sức chạy hơn chó berger Đức, hơn chó digo châu Úc, dù đã được thuần hóa. Thỏ không thể đua tốc độ với chó nhưng biết cách chạy dích dắc, đặc biệt là ngoặt hướng rất đột ngột làm chó vồ trượt, thậm chí gãy chân, nhưng không thể thoát khỏi chó Phú Quốc! Anh lấy cho tôi xem cuốn sách Les Races de Chiens của bá tước Henri de Bylandt - một quý tộc dòng dõi danh tiếng ở Hà Lan, xuất bản tại Brussels năm 1897, là cuốn sách được xem như “bách khoa toàn thư” về các loài chó quý trên thế giới, trong đó khẳng định chó Phú Quốc là loài chó thuần chủng bản địa, chẳng phải là hậu duệ hay lai tạp bất cứ giống chó nào, nhỏ con nhưng săn mồi hay nhất trong các loại chó, dù được nuôi nấng mấy đời, thả vào hoang dã vẫn tự kiếm sống, điều mà các loài chó khác không làm được.

Chó Phú Quốc

Sau khi ở Phú Quốc về, tôi đến trụ sở Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh nghe Giáo sư Dư Thanh Khiêm, Viện trưởng Viện Giáo dục Woluwe Saint Pierre, Vương quốc Bỉ thuyết trình về chó Phú Quốc dưới “khẩu hiệu” Chó Phú Quốc - niềm tự hào của chúng ta, loài vật mà ông đã nghiên cứu hàng chục năm qua. Ông nói về giống chó quý này có nhiều điều trùng hợp với anh bạn mê chó của tôi. Ông dẫn chứng hai con chó Phú Quốc sinh năm 1892 có lông màu lửa, con đực tên là Mango (Xoài), con cái tên là Banane (Chuối), đem về Pháp khi hai tuổi, được tuyển chọn tham gia triển lãm chó quốc tế ở Anvers, Bỉ trong hai ngày 15 - 16 tháng 7 năm 1894 mà catalogue còn lưu giữ đến ngày nay, được xếp vào một trong những giống chó quý và nổi tiếng nhất thế giới, được tặng huy chương hạng nhất, là huy chương đầu tiên trên đấu trường quốc tế của Việt Nam, được đấu giá mỗi con đến 25.000 quan Bỉ, gấp mấy trăm lần giá các con chó khác cùng dự thi, tính ra giá trị tiền bây giờ là 15 tỷ đồng!

Tôi tin kiến thức về chó Phú Quốc của anh bạn, tin kiến thức về chó Phú Quốc của giáo sư Dư Thanh Khiêm, nên càng tin khi nghe một lão nông ở ấp Cây Thông Trong dưới chân núi Chóp Chài kể rằng, những năm chiến tranh chống Mỹ, vùng này là căn cứ của lực lượng kháng chiến, cả quân, cả dân luôn thiếu thực phẩm nên thường thả chó xoáy vào rừng kiếm “chất tươi” sau khi đã “dặn” chúng săn thỏ, săn mễn hay săn chồn…Thường thì chúng thực hiện y chang mệnh lệnh nhưng cũng có hôm gặp con mồi bự quá, như con nai chẳng hạn, biết không thể tha về được nếu giết chết, cả bầy chó dẫn đầu, chặn đuôi, ngoặt phải, quẹo trái lùa con vật về tận chòi canh rẩy cho chủ làm thịt! Tôi hỏi có còn hậu duệ của đàn chó ấy, lão nông buồn rượi mà rằng, chiến tranh, giặc dã làm con người ly tán, con xoáy cũng tứ tán, bây giờ tìm được con chó Phú Quốc thuần chủng không dễ. Tôi lại hỏi, con xoáy quý như vậy, tại sao trong đất liền, ngay Hà Tiên cũng rất hiếm, lão nông thủng thẳng kể: “Từ nhỏ, qua đã nghe ông nội nói chó xoáy rời Phú Quốc thì khó sống lắm, vì chúng nhớ đảo mà phát bệnh. Mấy ông Tây thực dân muốn đem con xoáy về châu Âu phải mang theo một ít đất và nước Phú Quốc, đất thì để nơi con xoáy nằm, nước thì lâu lâu cho con xoáy uống. Không có đất và nước cố hương, chăm sóc cách mấy con xoáy không chết cũng còi cọc”.

Tôi tin những chuyện mà lão nông kể là có thật, bởi đặc biệt như loài chó xoáy thì con người có quyền “nhân cách hóa” chúng…

Ra Phú Quốc, với tôi không chỉ để hiểu thêm một hòn đảo của tổ quốc mà còn tìm về với kỷ niệm đau buồn hơn bốn năm tù ngục tại đây. Trong đợt 2 cuộc tổng tấn công của Quân Giải phóng Miền Nam vào các thành phố lớn do đối phương kiểm soát, tháng 10/1968, tôi bị sư đoàn Kỵ binh bay số 1 quân lực Hoa Kỳ bắt tại chiến trường Trị - Thiên - Huế. Sau khi tra khảo đủ cách tại thành cổ Quảng Trị, Mang Cá Huế, Non Nước Đà Nẵng, không moi được thông tin bí mật nào, tháng 1/1969, đối phương đày tôi ra Trại giam tù binh Cộng sản Phú Quốc, thường gọi là Nhà lao Cây Dừa, ngay dưới chân núi Đồi Sim, cách cảng An Thới cực nam đảo 5 km. Trại Cây Dừa rộng đến 4 km vuông, chia làm 6 khu, mỗi khu có 4 phân khu, mỗi phân khu có 6 tiểu khu, lúc đông nhất (từ năm 1972), nhốt 42.000 tù binh Quân Giải phóng. Bốn vạn hai ngàn tù binh, tức đủ quân thành lập một quân đoàn, lại toàn là sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ thiện chiến, trung kiên nên đối phương phải tổ chức canh gác rất nghiêm cẩn với 4 tiểu đoàn quân cảnh trực tiếp, một hải đoàn hải quân, một phi đội trực thăng, 2 đại đội pháo 105. Trại giam rộng mênh mông xám lạnh một màu sắt thép, từng phân khu một tua tủa dây kẻm gai 8 lớp, nhiều tầng và chòi canh dày đặc, ban đêm chói lòa đèn pha và tiếng chó gầm gừ, tiếng ngổng khục khạc tuần tra. Cơm gạo hẩm không no với mắm thối, quần áo rách te tua, đòn roi tóe máu… chúng tôi chịu được do lòng tự trọng của người yêu nước, nhưng bắt chúng tôi chào cờ ba sọc, hô “Đả đảo Cộng sản” thì thà chết chứ không bao giờ khuất phục. Hơn 4.000 đồng đội tôi từ khắp mọi miền đất nước đã bị bắn chết vì đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, tức đòi quyền sống tối thiểu của con người; vì vượt ngục; vì bị tra tấn bằng những cực hình như bỏ trong thùng phi bịt kín vừa lăn vừa dộng bằng dùi sắt, nhốt vào chuồng cọp quây bằng thép gai, không ngồi, không nằm được, chỉ khom khom, lại bị nhỏ nước tong tong suốt ngày đêm, mỗi ngày một nắm cơm gạo mục với muối hột, cho đến lúc kiệt sức; bị đóng đinh rỉ sét dài 10 phân xuyên bàn tay, bàn chân găm chặt xuống mặt bàn… Sau này có kẻ bảo đó không phải là tội ác mà vì chiến tranh nên bắt buộc hành động như thế, thì chính kẻ đó hoặc là bào chữa cho chính tội ác của mình, hoặc là mơ hồ, lẫn lộn phải trái. Sau ngày giải phóng miền Nam, do nghề viết báo mà lội khắp miền Nam, lội ra cả nước ngoài, tôi đã gặp một số sĩ quan an ninh quân đội, quân cảnh quân lực Việt Nam Cộng hòa đã khảo tra tôi ở Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng; ở Trung tâm thẩm vấn Việt - Mỹ tại đường Tô Hiến Thành; ở Trung tâm thẩm vấn CIA tại Bến Bạch Đằng (Sài Gòn), tôi không còn hận thù họ, nhưng họ lại sợ tôi trả thù… Đó cũng là hậu quả của chiến tranh, nó dai dẳng như là chất độc màu da cam ngấm vào cơ thể, truyền từ đời này sang đời khác! Đau đớn thế thế hệ chúng tôi!

Trại tù binh Phú Quốc là một chứng tích chiến tranh, đáng lẽ ngay sau ngày giang sơn thu về một mối, phải giữ lại nguyên trạng ít nhất một tiểu khu, tiếc thay không ai làm việc đó, để dân trong đất liền ra, để các đơn vị hải quân, pháo binh bảo vệ đảo giở hết, đào bới hết mọi thứ bán phế liệu. Mãi 10 năm sau, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, lãnh đạo huyện Phú Quốc mới giật mình mình đã để mất một di tích có một không hai, vội vã phục chế, nhưng lại phục chế quá sơ sài với hai nhà giam, một tháp canh trông hiền lành như chòi giữ rẫy, mấy hàng rào thép gai thấp dưới đầu gối, bị cỏ phủ kín, chỉ có ngôi nhà “lưu niệm” là “hoành tráng” một cách vô duyên với ngói đỏ, tường trắng, với một số hiện vật phục chế sai nguyên mẫu, mà kinh phí đến hơn 7 tỷ đồng!

Tôi đau đáu lật giở tập giấy phô-tô danh sách 42.000 tù binh từ một bản gốc mà ai đó trong chúng tôi, khi vượt ngục hay trao trả tù binh mang được về đất liền, tìm bạn tù tên Tuấn, một sinh viên Sài Gòn gia đình rất giàu có, đấu tranh quyết liệt với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu trong phong trào học sinh - sinh viên, bị bắt đày ra Phú Quốc, vượt ngục, bị lính canh bắn chết ngay ngoài hàng rào. Đã nhiều lần gia đình và người yêu từ Sài Gòn ra thăm, khuyên nhủ chào cờ ba sọc để được bảo lãnh về, Tuấn vẫn kiên quyết theo con đường mình đã chọn là dấn thân vì nền độc lập dân tộc, vì thống nhất đất nước. Tuấn đã tan vào Phú Quốc 35 năm mà giờ đây, đứng ngay nơi bạn ngã xuống, tôi vẫn thấy hình bóng thư sinh mà vô cùng mạnh mẽ của Tuấn… Tôi đau đáu lật giở tập danh sách tù binh tìm Thành, Linh, Khoa, Thiện, Cáp, Đa, Đáng…, những bạn tù bị bắn nát người trong một cuộc đấu tranh đòi thi hành Công ước tù binh Genève 1950… Tôi đau đáu lật giở tập giấy tìm cái tên giả của tôi, tìm số tù mà tôi phải mang suốt hơn 4 năm…

Thế hệ cha anh của tôi chết gần hết, thế hệ tôi đang như tảng nước đá cứ tan dần, thì rồi đây con cháu chúng ta không thể hình dung sự thâm u, hà khắc của nơi giam giữ, khảo tra hàng vạn người yêu nước, nếu khu di tích trại tù binh Cây Dừa cứ mãi “hiền lành” như thế này. Một phần lịch sử của cuộc chiến tranh vệ quốc hầu như không được giữ gìn cẩn thận thì làm sao mong mỏi sẽ là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, làm sao nói rằng đây là một bảo tàng chiến tranh để thu hút du khách khi hòn đảo này trở thành thiên đường du lịch?

Cửa Cạn

Ngày 5/10/2004, Chính phủ ban hành Quyết định 178/2004/QĐ-TTg “Phê duyệt Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đển năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020”, trong đó “ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với giữ gìn cảnh quan và môi trường sinh thái. Tập trung sức xây dựng đảo Phú Quốc thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, giao thương quốc tế lớn, hiện đại…, từng bước hình thành một trung tâm du lịch, giao thương mang tầm cỡ khu vực, quốc tế…”. Theo đó, đến năm 2010, hình thành được một số khu du lịch và vui chơi giải trí chất lượng cao, hằng năm thu hút 300 - 350 ngàn khách; đến năm 2020, Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch sinh thái phát triển ở trình độ cao nhất nước, ít nhất có vài triệu lượt du khách mỗi năm.

Bãi Trường


Để biến kế hoạch tầm quốc gia này thành hiện thực, có bao nhiêu việc phải làm, trước hết là xây dựng cơ sở hạ tầng mà hiện nay, ngoài một sân bay nhỏ, cũ kỹ, không có hệ thống đèn cho máy bay đáp ban đêm, hằng ngày nhiều nhất có 5 chuyến bay đến, trên dưới 300 hành khách; một con đường trục Dương Đông - An Thới không đủ tiêu chuẩn hai làn xe; một hồ chứa nước mới đủ nước cấp cho cư dân thị trấn Dương Đông; một vài khách sạn và resort dọc theo Bãi Dài, Bãi Thơm. Hết! Phải có đường không, đường thủy, đường bộ, điện, nước, hệ thống xử lý nước thải, rác thải thì mới nói đến các khu du lịch hiện đại với những resort, khách sạn 4-5 sao, 3 sân golf 920 hecta… Chỉ một sân bay, một con đường vòng quanh đảo 4 làn xe 180 km đã mười mấy ngàn tỷ đồng đầu tư, rồi chục con đường nhánh nối với đường trục xuyên đảo, nối các khu du lịch, đặc biệt trước mắt phải có 50 MW điện từ các nhà máy điện trên đảo cũng phải chi nhiều ngàn tỷ đồng, rồi tiến đến kéo điện từ lưới điện quốc gia ra đảo bằng cáp ngầm tốn trên 200 triệu USD; và trong vài năm tới, phải có thêm hồ chứa nước Cửa Cạn, Rạch Cá, Suối Lớn… Tóm lại, theo tính toán sơ bộ, suất đầu tư phục vụ du lịch cho một hecta trên đảo Phú Quốc phải là 1,3 triệu USD, một số tiền mà không kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài thì không thể có đủ. Vậy nhưng hiện nay mới có 121 nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng vốn 33.070 tỷ đồng, trong đó 12 dự án được chấp thuận, còn lại phải chờ quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết 16 khu du lịch trên đảo. Còn ba năm nữa đến năm 2010, bấy nhiêu công việc xem ra không thể hoàn thành ngay cả khi có đủ tiền. Điều đáng lo nhất là trước Quyết định 178, hòn đảo này đã làm du lịch không có quy hoạch, đẩy giá đất những nơi “đắc địa” lên 25 - 30 tỷ đồng một hecta, cao hơn những nơi tương tự ở đất liền nhiều lần! Rất nhiều người giàu khắp đất nước, đặc biệt ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đổ ra Phú Quốc kinh doanh đất, kẻ trở thành triệu phú Mỹ kim, kẻ trắng tay, thậm chí vào tù. Cơn “sốt đất” ở Phú Quốc đến nay vẫn chưa hạ nhiệt, nhưng không thể tăng được nữa, cứ nằm im chờ, ngay cả những khu đất đã biết chắc không nằm trong quy hoạch du lịch, thậm chí nằm trong vùng sản xuất nông nghiệp, cứ hoang hóa dần. Sự lãng phí đất đai như thế không biết đến khi nào mới chấm dứt! Hòn đảo hiền hòa, dân tình chất phác, mươi năm trở lại đây đã xuất hiện những cán bộ hư hỏng kiểu như Đỗ Tố, Lê Minh Dũng - chủ tịch, phó chủ tịch huyện bao chiếm, bác chác đất trong các khu quy hoạch du lịch, chia chác đất cho người nhà (đã bị tù trên 10 năm); đã xuất hiện đội ngũ chuyên đeo bám khách du lịch để làm tiền, tỷ như du khách muốn đi từ Dương Đông xuống An Thới 40 km bằng xe 4 chỗ hay 16 chỗ phải trả ít nhất 300 ngàn đồng một người, đi câu mực vài tiếng đồng hồ khi đêm xuống phải chịu giá một ghe nhỏ vài triệu đồng; đã xuất hiện những người bán “đặc sản” mà gói mực khô chỉ có vài con lớn và khô “làm mặt”, bán nước mắm pha nước muối với bột ngọt và phân urea; đã xuất hiện những gã taxi giả bộ không biết đường trong cái thị trấn bé tẹo để “chém” những vị “khách quý” như tôi! Đã… “Thiên đường du lịch” Phú Quốc còn rất lâu mới có và có thể không bao giờ có nếu chính quyền tỉnh Kiên Giang thiếu kiến thức du lịch, nếu những người có trách nhiệm với hòn đảo không biết bảo vệ quyền lợi chính đáng của du khách, nếu tình trạng “ăn xổi” không sớm chấm dứt.

Hàm Ninh


Cái màu tím nao lòng tím trời tím đất của hoa sim ven chân núi Đồi Sim, ven triền núi Cửa Dương nhắc tôi giờ phút chia tay Phú Quốc, giúp tôi thoát ra những ý nghĩ nặng nề về bao điều chưa tốt của hòn đảo đã trở thành một phần cuộc đời tôi. Phải, Phú Quốc không đến nỗi làm anh thất vọng, như Ghiêm nói, nhưng để có một Phú Quốc nguyên sinh trên rừng dưới biển được tô điểm thêm những công trình hiện đại, thật hiện đại thì chắc phải kiên nhẫn chờ, chờ lâu lắm… Mà đã biết chờ đợi tức là biết hy vọng, phải không em?…

Phú Quốc- Sài Gòn, tháng 6-2007

____
Ảnh:
www.metinfo.vn, DiệpMai

Mời đọc thêm: Chiều tím hoa mua? trong blog này.


2 nhận xét:

nguyễn trung nói...

Tôi được biết sách của Bá tước Henri de Bylandt trên thế giới rất hiếm vậy làm sao ông nhiếp ảnh kia có được? Sách Les races de chiens dày bao nhiêu trang vậy? Bià như thế nào? và ở chỗ nào Bá tước "khẳng định chó PQ là loài chó thuần chủng bản địa"? Bạn có biết định nghĩa của chó thuần chủng là gì không? Khóac lác chỉ là nối giáo cho những người đang cố tình phá hoại chó PQ mà thôi!

Unknown nói...

Tôi rất thích bài viết "PHÚ QUỐC MÙA HOA SIM" của tác gỉa Phương Hà. Những gì bạn miêu tả về Phú Quốc thật đẹp như tôi đã nghĩ. Nhưng cũng giống Nguyễn Trung tôi thật hoài nghi quyển sách "bách khoa toàn thư của Bá Tước Henri de Bylandt người Hà Lan ấy mà người bạn của tác giả có, nó thuộc loại vô cùng hiếm- xuất bản từ những năm 1897(112 năm tính đến năm hiện tại). Hay đó chỉ là một sao chép của quyển sách đấy mà thôi? Và theo tôi được biết thì trong quyển sách đó ông Bá tước ấy không khẳng định chó Phú Quốc là chó thuần chủng bản địa.