Thứ Ba, 29 tháng 1, 2008

“Chuyện tình” cây lúa nước



Huỳnh Kim

Năm 2007, gạo Việt Nam xuất khẩu được hơn 1,4 tỉ USD, chủ yếu từ các giống lúa cao sản mà bà con nông dân hay gọi là “thần nông”. Chuyện về “cái nền” của các giống thần nông này là cả một câu chuyện tình nghĩa. Nhân ngày Xuân, mời bạn đọc Mblog nhín chút thì giờ, nghe câu chuyện ấy…

Năm 1992, tốt nghiệp thạc sĩ ở Thái Lan, năm 2005 lấy tiến sĩ ở Nhật với đề tài về vai trò của nông dân trong phát triển nông nghiệp và nông thôn ở ĐBSCL, tới giờ, Nguyễn Ngọc Đệ vẫn đam mê câu chuyện dân dã ấy, câu chuyện mà tôi xin lấy tựa cho bài báo này: “Chuyện tình cây lúa nước”. Một ngày cuối năm 2007, anh Đệ tâm sự:

- Tâm huyết của tôi là muốn cho con cháu đời sau biết được gốc tích của mình. Tôi rất mong có kinh phí để làm bài bản hơn việc sưu tầm các nông cụ truyền thống của ĐBSCL. Thí dụ như mời những nông dân cố cựu thao tác để ghi lại hình ảnh, câu chuyên; cả những ngày lễ hội làm mùa của nông dân. Để sau này còn có thể hình dung ra được cái lịch sử trồng lúa nước ở ĐBSCL.

Tết này, anh Đệ bước sang tuổi 52, sau hơn ba chục năm gắn bó với công việc nghiên cứu cây lúa. Anh đang là Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL thuộc trường Đại học Cần Thơ. Trung tâm này đang lo việc tư vấn trong các lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn, từ chuyện qui hoạch thủy lợi, sản xuất… cho tới sản phẩm, thương hiệu. Dù vậy, nhóm của anh vẫn đeo đuổi công việc thầm lặng mà anh tâm huyết.


TS Đệ & cái “sà ngom” bắt cá của nông dân Khmer


* Gìn giữ lúa mùa

Gốc con nhà nông, từ 10 tuổi anh Đệ đã đi ruộng tiếp gia đình ở Mù U, Ba Càng, Vĩnh Long. Tới năm 1979, tốt nghiệp kỹ sư trồng trọt Đại học Cần Thơ ra trường làm nghiên cứu cây lúa cho tới giờ, anh nhận thấy diện tích lúa mùa ngày càng thu hẹp. Anh kể: “Ý tưởng đầu tiên của nhóm nghiên cứu, hồi đó do thầy Võ Tòng Xuân dẫn đầu, là nếu không sưu tập, giữ gìn thì lúa mùa sẽ mất vì lúa thần nông với các kỹ thuật mới, sẽ thay thế dần. Vậy là lập ra nhóm bảo quản, sưu tầm giống lúa mùa. Hiện nay đã có trên 1.600 giống lúa cổ truyền của ĐBSCL đã được sưu tập và Đại học Cần Thơ đã lập ra ngân hàng giống lúa”.

Có những giống vẫn tồn tại như Tài nguyên, Nàng thơm chợ Đào, đặc biệt là giống Nanh chồn rất nổi tiếng trước đây, gạo thơm, hạt nhỏ, dài, hơi qướt, giống như cái nanh con chồn. Giống này trước có gốc ở Bà Rịa, Vũng Tàu nhưng dần dần được trồng ở vùng ven biển Tiền Giang, Long An. Những giống khác hiện nay không sản xuất nữa do dài ngày quá như Ba kiếu, Ba trúc, Gẫy xe hoặc mấy giống lúa nổi. Còn giống Huyết rồng thì hiện nay Long An đang có kế hoạch khôi phục.

Mỗi vùng có một giống lúa thích nghi. Các vùng trước đây ở ĐBSCL đều canh tác nhờ nước trời; không có hệ thống thủy lợi, người ta phải dựa vào các chế độ nước, đặc biệt là mưa và lũ, để xuống giống cho phù hợp. Chọn giống cũng phải tùy thuộc theo chế độ nước để làm.

Xưa, những vùng từ An Giang, Đồng Tháp cho tới Thốt Nốt trở lên biên giới, nông dân dùng các giống lúa nổi. Giống này độc đáo là có khả năng chịu nước. Tới mùa nước nổi, nước lũ tràn về, với những giống lúa mùa thường, mặc dù cao cây nhưng không có khả năng vươn lóng để dưỡng nước thì bị nhận chìm; còn ở vùng lúa nổi, các giống này chịu được nước ngập trên ba thước. Trong điều kiện như vậy, nước lên tới đâu nó vươn lóng ngoi lên tới đó. Nhóm lúa nổi này có nhiều giống đặc thù như Nàng tây, Tàu binh, Huyết rồng, Lá rừng…

Các giống này do bà con chọn lọc trong tự nhiên, giống nào tồn tại thì giữ lại trồng. Lúc mới giải phóng, diện tích lúa nổi có trên 400.000 héc ta, năng suất từ 1-1,5 tấn/héc ta. Chất lượng gạo thì tùy giống. Như giống Nàng tây có hai dạng, gạo đỏ và gạo trắng; gạo trắng dân ưa hơn nên trồng nhiều. Còn trong nghiên cứu, giống lúa nào có hạt gạo đỏ thì chịu phèn, chịu mặn, chịu hạn tốt hơn.

Riêng giống Nàng thơm chợ Đào, tới giờ có thể coi là giống lúa mùa cho gạo thơm ngon nhất nước. Độc đáo là nó phải được trồng ở vùng Mỹ Lệ của huyện Cần Đước, tỉnh Long An; trồng chỗ khác chất lượng gạo không được như vậy. Gạo thơm, dẻo, có cái phần đục trong hạt gạo mà bà con hay gọi là hạt lựu.

Nàng thơm chợ Đào Nanh chồn, trong điều kiện canh tác bây giờ, có thể đạt được 4-5 tấn/héc ta. Đặc biệt nó chỉ trổ trong khoảng thời gian ngày ngắn, vào khoảng từ tháng 10 đến tháng 12 dương lịch. Ngày ngắn nhất trong năm là ngày 22-12; giống lúa mùa nào sau 22-12 chưa trổ bông thì không thể nào trổ nữa. Cho nên lúa mùa không thể trồng trái vụ được.

Với lúa mùa vùng trũng như ở Vị Thanh, Cần Thơ, Vĩnh Long trước đây, người ta làm lúa cấy hai lần. Cấy hai lần vì ở vùng trũng cần có cây mạ to để chịu đựng được nước. Người ta phải gieo mạ trên liếp, độ một tháng sau (khoảng tháng Sáu, tháng Bảy) thì nhổ cấy xuống những chỗ tương đối trũng bắt đầu có nước vào. Độ hai tháng sau, người ta bứng lúa lên bằng cái dao (vì cây mạ to) rồi cấy lại khi nước đã cao. Đặc điểm của lúa cấy hai lần là cây lúa cao, chịu được mực nước từ năm tấc đến một thước. Ở vùng ven biển như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Gò Công, do đất cao hơn, người ta chỉ cấy một lần.

Lúa mùa có nhiều đặc tính quí cần được bảo tồn. Nó rất hữu ích cho công tác lai tạo các giống lúa mới với những nguồn gien mới như chống chịu phèn, mặn, ngập nước; một số giống cũng chống chịu được một số bệnh phổ biến trên lúa. Có rất nhiều giống có phẩm chất gạo ngon, đặc thù mà các giống lúa thần nông bây giờ không thể so bằng, như dẻo và thơm.

Lâu nay các chuyên gia về cây lúa của Đại học Cần Thơ vẫn lo giữ gìn và khai thác các đặc tính quí của các giống lúa mùa này để phục vụ cho công tác lai tạo các giống lúa mới.

Các anh còn sưu tập cả giống lúa ma hoặc lúa trời. Đây là dạng lúa hoang mà có nơi còn gọi là lúa rung. Xưa nó mọc hoang ở các vùng đầm lầy; nay thì ven các bờ kinh rạch ở ĐBSCL hầu như chỗ nào cũng có, trừ vùng ngập mặn. Lúa hoang ở ĐBSCL sống trong mùa nước và khi tới mùa khô, nhờ cái thân ngầm còn ở trong đất, mưa xuống lại tiếp tục mọc lên. Nó trổ dài vào cuối tháng Chín đầu tháng Mười; khi hạt vừa chuyển sang màu vàng thì bắt đầu rụng. Lúa ma cũng giỏi chống chịu hạn, phèn và bệnh.

Ngày xưa tới mùa, người ta thường bơi xuồng vào đám lúa này. Một người bơi, một người cầm hai cây sào máng trên hai cái cột như cột chèo để đập từ ngoài đập vô, gom cho lúa rụng xuống xuồng. Một ngày cũng có thể kiếm được một hai giạ lúa, gạo ăn rất ngon.

Hiện nay nhóm của anh Đệ cũng đang sử dụng lúa ma làm gien cha mẹ để lai tạo ra những giống mới chống chịu được sự khắt nghiệt của thiên nhiên.


* Sưu tầm nông cụ

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Đệ cho biết, ngày xưa, cùng với việc chọn giống cho phù hợp với điều kiện canh tác thì những kỹ thuật canh tác cũng khác nhau ở từng vùng. Canh tác lúa nổi khác với canh tác lúa mùa cấy hai lần, lúa mùa cấy một lần. Đi kèm những kỹ thuật đó có những nông cụ khác nhau. Bảo tồn được giống rồi thì phải tìm cách bảo tồn được các nông cụ này. Anh Đệ nói: “Nếu không, 10 năm nữa nó không còn xuất hiện trên đời này thì con cháu mình cũng không biết ông bà tổ tiên hồi đó làm ruộng ra làm sao”.

Tâm huyết như vậy nhưng do không có kinh phí và cũng không có chương trình riêng, từ hơn mười năm nay, các anh cứ kết hợp đi công tác ở các địa phương để sưu tập. Khi sưu tập luôn ghi rõ nguồn gốc, lý lịch từng nông cụ.


TS Đệ & cái bừa


Hiện nay, trong gian nhà vốn là cái ga-ra xe hơi cũ của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, đã có hơn 120 nông cụ được sưu tập. “Chúng tôi muốn làm như một bảo tàng nông cụ sản xuất lúa của ĐBSCL, mỗi nông cụ đều có một câu chuyện riêng”, anh Đệ nói. Và thành thạo như một nông dân, anh vừa thao tác vừa giảng giải cho tôi xem vài nông cụ.

Như thu hoạch lúa, bây giờ làm lúa thần nông người ta dùng cái liềm để cắt. Nhưng trước đây làm lúa mùa, cây lúa dài, nhất là ở vùng lúa cấy một lần, cấy hai lần, lúa ngã rạp khi chín, thì phải có cái vòng gặt kéo lúa lên trước khi cắt. Cái vòng gặt của người Kinh khác cái vòng gặt của người Khmer. Cái nọc cấy cũng khác nhau tùy theo độ sâu mực nước, có cái dài hai tấc hoặc năm, sáu tấc. Nọc cấy chỉ có ở những vùng cấy hai lần và một số nơi cấy một lần. Anh Đệ kể: “Tôi nhớ hồi nhỏ, khi tôi nghiêng người cắm cái nọc đâm lỗ dưới đất để nhét cây mạ xuống, vì tay mình còn ngắn nên nước ngập tới lỗ tai”.

Đập lúa cũng có nhiều kiểu đập khác nhau. Trước đây ở vùng lúa nổi mỗi hộ làm tới 30-50 công nên cắt lúa xong người ta bó lại hoặc dùng cái cộ chất lúa lên cho trâu kéo về sân. Người ta phải chuẩn bị cái sân đất được nện cho bằng mặt rồi dùng cứt trâu quậy với nước trát như mình trát xi măng bây giờ để tránh kẻ nứt. Chất lúa lên thành đống rồi cho trâu hoặc bò đi đạp vòng vòng. Khi hạt lúa rụng ra hết người ta lại dùng cái mỏ sãy làm bằng cây mù u để dích rơm ra khỏi đống lúa, sau đó mới giê lúa.

Cách ra hạt nữa là đập bồ tại ruộng. Trong bồ có cái thang làm bằng tre già để đập bó lúa. Để giữ bó lúa, người ta có một dụng cụ đặc biệt là cái nịch gồm có hai khúc cây mù u nối với nhau bằng một sợi dây làm bằng yếm dừa. Cái đáy bồ thường đóng bằng gỗ mù u. Vách bồ thì đan bằng tre phết cứt trâu để trám lỗ cho lúa không rớt ra ngoài; vách bồ có thể cao hơn hai thước. Đập đầy bồ rồi xúc lúa bằng thúng ra phơi hoặc giê.

Lại có cái bàn nhổ mạ. Mạ lúa mùa rất cao, thường được gieo xuống ruộng có nước. Khi nhổ thì nhổ bằng tay rồi đập vào chân để rửa bùn ở gốc mạ, xong dùng cái bàn nhổ mạ để đặt lúa lên. Bàn nhổ mạ làm bằng tre, cao từ nửa thước đến ngang ngực, có một cái chân nhọn cắm xuống đất hoặc có bốn chân để như cái bàn.

Chỉ vào cái trục, anh Đệ kể: “Có lần cách nay hơn ba năm, đi công tác khuyến nông ở huyện Càng Long, Trà Vinh, tôi gặp một cái trục người ta bỏ bên một chuồng bò. Tôi hỏi ông chủ nhà sao anh hổng xài nữa, ổng nói bây giờ xài máy rồi, nuôi bò chỉ để lấy thịt lấy phân chớ không cày bừa nữa. Tôi mới hỏi mua để đưa về trường, ổng rất mừng khi biết mục đích của mình rồi cho luôn”. Anh nói tiếp: “Cái trục này có từ cả trăm năm nay rồi, từ hồi mình canh tác lúa mùa chuyển từ đất phát cấy, nhất là ở những vùng trũng quanh năm ngập nước, đất không khô không cày được, khi nước về người ta chỉ lấy cái phảng phát cỏ xong rồi cào cỏ ra, rồi phải trục đất để đất không cứng”.

Riêng cái dao bứng lúa anh mới sưu tập thì hiện nay ở vùng ven của U Minh Thượng dân còn cấy lúa hai lần nên hầu như nhà nào cũng có dao bứng lúa.

Hay như năm 1994, đi Châu Thành, Trà Vinh, anh Đệ sưu tập được cái vòng gặt của người Khmer. Ông nông dân Khmer thách: “Thầy gặt được tôi cho thầy cái vòng gặt này”. Anh Đệ gặt ngon lành, ông nông dân nói: “Tui hổng ngờ thầy ở Đại học Cần Thơ mà cũng biết gặt như nông dân”.

Công cụ làm đất cầm tay ở đây còn có xuổng, leng, cuốc tai tượng…. Công cụ làm đất do trâu bò làm có bừa, trục, cày… Anh Đệ giải thích: “Tựu trung có hai loại cày ở ĐBSCL. Thứ nhất là cày đỏi; cái lưỡi giống hình cái mỏ con cá trê, cái cày này đặc biệt là để phá lâm, phá đất cứng. Còn cày bình thường trên đất nhẹ thì gọi là cày chét, cái lưỡi bằng để cắt đất lật qua”.

Các đoàn khách nước ngoài tới đây làm việc hay đi du lịch, họ thích nhất là đi xem ngân hàng giống lúa và cái “kho” nông cụ này. Anh Đệ nói:

- Ngoài chuyện bảo tồn, chúng tôi còn nhắm tới chuyện dạy cho sinh viên. Chúng tôi đã đào tạo được hai khóa ngành phát triển nông thôn, cả đại học và cao học, cho gần 200 sinh viên. Có những sinh viên chưa hề biết có những nông cụ truyền thống như vậy.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Đệ kết thúc chuyện sưu tầm nông cụ của mình bằng một câu chuyện khác, cũng với cái giọng kề cà giản dị của một ông nông dân Nam bộ:

- Từ nhỏ tôi đi học một buổi, còn một buổi đi ruộng. Ba tôi làm được 20 công lúa mùa. Tới năm 1968, chính quyền trước họ phát động làm lúa thần nông, làm những điểm trình diễn giống IR-8 ở Vĩnh Long. Thấy giống thần nông ngắn ngày, năng suất cao, ba tôi muốn trồng thử vì trong vùng đó ai cũng làm lúa mùa cả. Làm lúa thần nông thì chỉ làm vào đầu mùa mưa khi mà mình chưa cấy lúa mùa. Thu hoạch xong hè thu thì ba tôi dành ra năm công đất làm lúa thần nông. Mình không kiểm soát được nước, chủ yếu cũng chỉ nhờ trời mưa, vậy mà năm đó lúa cũng trúng khoảng bốn tấn ngoài một héc ta. Lúc lúa chín sắp thu hoạch thì chim nó bu lại vì chung quanh hổng chỗ nào còn lúa mùa cả. Rồi thì nước lên, còn chừng hai tấc thì đụng bông lúa. Lúc đó ba tôi phải cất cái chòi lợp bằng rơm, sàn tre, cao hơn nước ruộng. Ba tôi cặm mớ cây xung quanh ruộng lúa chín rồi treo thêm mấy cái thùng, mấy cái lon rồi chuyền dây vô trong cái chòi này. Khi chim tới thì tôi kéo dây, vừa lắc vừa la. Rồi kèm theo cái nạn dàn thun để bắn đuổi chim…


_

Bài giống bài này, đã đăng trên giai phẩm Xuân Mậu Tý 2008 của Thời báo Kinh tế Sài Gòn.

Không có nhận xét nào: