Thứ Tư, 9 tháng 1, 2008

NƯỚC ĐÃ ĐẾN CHÂN!

Ngành du lịch ĐBSCL sẽ có cơ hội có một không hai để tự quảng bá khi vùng này được chọn tổ chức sự kiện năm Du lịch Quốc gia Mekong- Cần Thơ 2008 với chủ đề “Miệt vườn sông nước Cửu Long”. Chỉ còn khoảng hai tháng nữa là đến ngày khai mạc (21- 2- 2008), nhưng không khí tại địa phương “chủ nhà”- thành phố Cần Thơ, vẫn cứ ung dung, đủng đỉnh.


Hồ Hùng

• Chờ đủ thứ!

Đã giữa tháng 12, nhưng đơn vị thi công cầu Cái Sơn (phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) dọn sạch phương tiện thi công, để lại hai bên bờ sông những đống cát đá, trụ bê tông ngổn ngang. “Họ nói đang… chờ UBND thành phố duyệt nâng giá công trình do vật liệu xây dựng đã tăng vọt, nên tranh thủ thi công nơi khác. Chẳng biết khi nào cây cầu này hoàn thành nữa!”, ông Nguyễn Văn Hồng, nhà sát chân cầu cho biết.
Đây là chiếc cầu thông thương tuyến lộ Vòng Cung, dẫn từ nội ô Cần Thơ đến vườn Du lịch Mỹ Khánh, nơi được chọn để tổ chức lễ hội “Trái ngon miền Tây Nam bộ” vào đầu tháng 5- 2008. Và suốt tuyến đường này, còn có thêm sáu chiếc cầu khác cũng rơi vào tình trạng thi công dở dở ương ương như vậy.

Giá như chi phí thực hiện những banner này chuyển thẳng cho Cần Thơ thì “không khí” sẽ có hồn hơn chứ không đơn điệu như vầy. Mặt khác một số quy chế về quảng cáo cần có sự điều chính riêng cho lễ hội vì chỉ được phép treo không quá 15 ngày thì quá ít.


Theo dự kiến, sẽ có hơn 60 lễ hội được tổ chức tại Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL trong năm Du lịch Quốc gia Mekong- Cần Thơ 2008. Nhưng để du khách đến với nơi này, hứa hẹn sẽ…đầy cam go vì sự thiếu phối hợp giữa ngành giao thông và du lịch. Như cầu Cần Thơ, sau sự cố sập cầu dẫn- theo ông Nguyễn Ngọc Đông, Vụ phó Vụ KH- ĐT (Bộ GT- VT): “Sớm nhất là cuối năm 2008 mới có khả năng thông cầu”. Còn sân bay Cần Thơ, ông Đông cho rằng với tiến độ hiện nay, khả năng sẽ thi công hoàn thành vào tháng 8 hoặc tháng 9- 2008. “Nhưng để đưa vào khai thác cần phải xem lại về thời gian”, ông nói.
Như vậy, du khách đến với năm Du lịch Quốc gia 2008 chỉ có hai lựa chọn, hoặc đi theo tuyến đường thủy, hay chọn cách “truyền thống” là ngồi xe theo tuyến đường “độc đạo” quốc lộ 1A! Tuy nhiên, đoạn quốc lộ 1A từ cầu Mỹ Thuận đến Cần Thơ, theo ông Đông có khả năng khởi công nâng cấp ngay sau Tết Nguyên đán tới và chỉ hoàn thành sớm nhất sau một năm, nên cũng hứa hẹn tạo nhiều nút “thắt cổ chai”, những đống ngổn ngang, bụi mờ mịt… gây ách tắc các phương tiện giao thông trong năm 2008. Ngoài ra, một số dự án đang thi công tại quốc lộ 80, 54, 61… nối liền một số tỉnh ở ĐBSCL cũng có khả năng chỉ hoàn thành vào năm 2009!
Đáng lo nhất là mới đây, tại hội nghị sơ kết công tác chuẩn bị năm Du lịch Quốc gia, ông Đinh Viết Khanh, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Cần Thơ cho biết, ngân sách Trung ương sẽ không hỗ trợ một đồng nào cho kinh phí tổ chức, thay vì mười tỷ đồng như dự kiến trước đây. Riêng phần vận động tài trợ, hiện Ban tổ chức cũng mới “nắm chắc” 4,4 tỷ đồng trong tổng con số dự kiến mười tỷ đồng. Như vậy, trong tổng kinh phí 30 tỷ đồng cho năm Du lịch Quốc gia, hiện Ban tổ chức mới chuẩn bị được gần một nửa!

Quyết tâm cũng thiếu

“Thái Nguyên trước đây thậm chí không có tên trong bản đồ du lịch, nhưng đến khi tổ chức năm Du lịch Quốc gia năm 2007, lượng khách quốc tế dự kiến đạt đến 26.000 người- tăng hơn gấp đôi so với năm trước. Hay như sau khi Quảng Nam được chọn tổ chức vào năm 2006, miền Trung đã phát triển du lịch rất mạnh, nhất là tại các tỉnh ven biển như Khánh Hòa, Quảng Nam,..”, ông Phạm Hữu Minh, Cục trưởng Cục Xúc tiến Du lịch (Tổng cục Du lịch Việt Nam) khẳng định.
Nhưng năm 2008, dường như địa phương “chủ nhà” lại chưa mấy hân hoan chào đón sự kiện này. Giám đốc một khách sạn lớn ở Cần Thơ bức xúc: “Đúng ra, phải hướng đến sự kiện này vào hai năm trước. Nhưng đến giờ, thậm chí nhiều chủ quán ăn, khu vui chơi, chủ khách sạn nhỏ… cũng chưa biết Cần Thơ sẽ tổ chức!”. Đến ngày 22- 5- 2007, UBND thành phố Cần Thơ mới có Quyết định thành lập Ban chỉ đạo và đến những ngày cuối năm, vẫn chưa thấy các băng rôn, tờ bướm…để quảng bá sự kiện này ngay tại nội ô thành phố. Trong khi đó theo ông Minh, sự đồng thuận, am hiểu và cộng tác của người dân là yếu tố quan trọng để tổ chức sự kiện này thành công.
“Đúng là không khí năm Du lịch chưa có! Và tôi rất lo vì đến giờ kịch bản đêm khai mạc vẫn chưa được duyệt thì làm sao tính đến chuyện tập dượt… để đảm bảo thành công”, ông Lê Thanh Quý, Giám đốc khách sạn Sài Gòn- Cần Thơ bồn chồn. Còn Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh du lịch khác, cho rằng nếu như có sự hợp tác mạnh giữa các địa phương vùng ĐBSCL và sự khẩn trương ngay từ đầu của nhiều quan chức tại Cần Thơ, có lẽ đã không phát sinh chuyện “nước đã đến chân” như bây giờ. Và sự gượng gạo để chữa cháy càng thể hiện rõ, khi danh sách 17 doanh nghiệp đạt danh hiệu “Uy tín thương mại” và “Sản phẩm uy tín thương mại” được Sở Du lịch công bố, không đạt được sự đồng thuận cao trong các doanh nghiệp ngành du lịch. Theo họ, có một số quán ăn, sản phẩm mà nhiều người ngay tại Cần Thơ còn chưa biết đến… thì làm sao được chọn để phục vụ năm Du lịch, quảng bá hình ảnh du lịch Cần Thơ?
Ông Khanh cũng thừa nhận, việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho sự kiện này đúng là còn chậm, nhất là xung quanh khu vòng xoay cồn Cái Khế- nơi tổ chức đêm khai mạc. Theo tính toán của Sở Du lịch, sẽ có 15.000- 20.000 người từ các nơi đổ về để dự đêm khai mạc- chưa kể lượng khách đến dự nhiều sự kiện khác trong năm. Và khi đó, theo ông Qúy, tình trạng “cháy” phòng sẽ diễn ra mà đến giờ vẫn chưa thấy Ban tổ chức đưa ra phương án giải quyết hợp lý. “Nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến Cần Thơ theo thông lệ cũng đã gây tình trạng “cháy” phòng ở nhiều khách sạn tại Cần Thơ trong suốt tháng 11 vừa qua”, ông dẫn chứng. Hiện tại, thành phố Cần Thơ chỉ có 129 cơ sở lưu trú du lịch với 3.152 phòng và 5.179 giường, trong đó chỉ có 25 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1- 4 sao./.

_________
Bài đã đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Số : 2-2008 (890) - Ngày : 3-1-2008
http://www.saigontimes.com.vn/tbktsg/detail.asp?muc=76&Sobao=890&sott=27


_

Không có nhận xét nào: