Thứ Năm, 17 tháng 1, 2008

Website SCL: đường truyền tình cảm vô biên!

Trang 32 eChip xuân Mậu Tý 2008 với bài “WEB SÔNGCỬULONG, đường truyền tình cảm vô biên!” là một xác nhận nhà thơ Lê Chí đã từ bằng C vi tính (thấy máy tính là… xê ra, từ dùng của nhà thơ Phù Sa Lộc) lên bậc cao hơn (?). Dẫu thấy máy tính là xê ra nhưng ông là linh hồn của một trong những website văn học có số người truy cập hàng ngày rất cao từ nhiều nơi trên thế giới. Mời nghe ông tâm sự (bài gốc):

Lê Chí


.Cổ tích thời đại số
Bây giờ nhớ lại…Nào là chương trình này, chương trình nọ, rồi ổ cứng ổ mềm, lại “mail”, lại “web”…toàn những tiếng mới nghe lần đầu, lạ quơ lạ quắc. Nói theo cách bây giờ thì thật tình lúc đó tôi còn “vô cảm” lắm. Bởi có bao giờ nghĩ mình sẽ “rớ” tới những thứ này. Vậy mà tình thế xô đẩy. Không còn cách thối thoát, tôi vào cuộc từ cái bất đắc dĩ đó.

Manh nha khởi đầu là cuộc hội thảo thơ Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra tại thành phố Cần Thơ vào ngày 24 tháng 9 năm 2003.
Làm thế nào để thơ và tác phẩm văn học vùng sông nước này đến được với nhiều người? Trong tham luận của mình, nhà thơ Nguyễn Trọng Tín ao ước có một website. Nói vậy, chớ mấy ai để ý đến việc này.

Trưa hôm sau, tôi cùng nhà văn Lê Văn Thảo và nhà thơ Nguyễn Trọng Tín trên đường tới Long Xuyên (An Giang), bỗng nhận được cú điện thoại không quen. Từ đầu dây bên kia, một giọng khá trẻ bảo sáng nay vừa đọc báo Thanh Niên thấy nói về website cho văn học đồng bằng và người ấy tự giới thiệu mình làm việc ở công ty phần mềm ITI, sẽ sẵn sàng giúp làm việc ấy. Bất ngờ quá. Rất mừng, nhưng cũng rất phân vân, chưa biết trả lời thế nào. Có cuộc hẹn sau đó tại thành phố Hồ Chí Minh. Thú thật, trong đầu tôi lúc bấy giờ chưa hình dung được diện mạo của web sẽ như thế nào. Vậy là khoảng một tuần sau, cuộc gặp diễn ra tại chi nhánh ITI ở đường Lê Lai, quận Nhứt. Cùng có mặt trong cuộc gặp lần này, có nhà văn Vũ Hồng từ Bến Tre lên. Tiếp xúc với chúng tôi là anh Nguyễn Hòa, giám đốc công ty. Chỉ có Nguyễn Trọng Tín và Vũ Hồng biết vi tính kha khá, còn tôi thì đúng là người… “chưa biết gì”. Cái chánh là nghe anh Nguyễn Hòa trình bày dự định thiết lập và vận hành trang web. Rất nhanh chóng, viêc thiết kế thử nghiệm cũng loáng thoáng bắt đầu từ hôm đó. Thế là website SÔNGCỬULONG (http://www.vannghesongcuulong.org.vn) ra đời.

Có web rồi mà bài vở, nhứt là tác phẩm của các tác giả vùng đồng bằng hãy còn thưa thớt lắm. Ban Liên lạc chúng tôi ra sức “kêu gọi” mọi người chịu khó gởi bài về. Phần lớn việc vận hành web lúc này nhờ ITI đảm trách. Còn chúng tôi cố gắng theo dõi nội dung của mạng. Nỗi lo tiếp theo bây giờ là làm sao có được giấy phép của Bộ Văn hóa-Thông tin. Hội Nhà văn Việt Nam đã có văn bản đồng ý cho chúng tôi tổ chức trang web để đáp ứng yêu cầu hoạt động văn học khu vực. Nhưng để SÔNG CỬU LONG danh chánh ngôn thuận thì nhứt thiết phải có giấy phép về mặt quản lý nhà nước. Trong cuộc chạy tiếp sức này, phải nói là rất may mắn, chúng tôi còn nhận được sự trợ giúp không nhỏ của nhà thơ Nguyễn Duy, giám đốc khách sạn Sài Gòn-nhà văn Lê Thành Chơn, giám đốc công ty ITI-Nguyễn Hòa. Kết quả không phải chờ lâu, vào giữa tháng 3 năm 2004, website đã nhận được giấy phép của Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Thông tin-Truyền thông). Trong thời gian này thì việc tập tành “gõ phím” của chúng tôi cũng đã có phần khá hơn. Tuy vậy, mỗi lần mở email nhận thư, bài, đôi khi phải đổi phông chữ, rồi trả lời tác giả, biên tập, chuyển tới chuyển lui, vẫn còn “luộm thuộm” lắm.

.Những bàn tay trắng nắm chặt nhau
Nhưng không có sự giúp đỡ nào là không có giới hạn. Đã đến lúc Ban Công tác Nhà văn đồng bằng sông Cửu Long (trước là Ban Liên lạc) phải đảm trách hoàn toàn việc vận hành trang web của mình. Và thật sự chúng tôi đã nhận lấy trách nhiệm đó trước bạn đọc. Trong năm thành viên hôm nay gồm có: nhà văn Nguyễn Thanh, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, nhà văn Vũ Hồng, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và tôi, thì nhà văn Vũ Hồng là người đam mê và giỏi tin học hơn cả, nên từ đây anh là người gánh vác chủ yếu phần kỹ thuật cho trang web.

Dầu chưa thông thạo nhiều về máy tính, nhưng dần dần chúng tôi cũng không còn phải quá lo lắng. Hàng ngày nhìn trên MapLoco (mạng theo dõi hoạt động internet quốc tế) biết được những vùng nào trong nước và trên thế giới đã và đang truy cập website của mình. Với các nước láng giềng và gần hơn, có: Campuchia, Lào, Thái Lan, Singapore, Malaixia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Còn xa hơn thì: Australia, Pháp, Anh, Đức, Ý, Nga,Thụy Sĩ, Thụy Điển, Cộng hòa Séc, Canada, Mỹ, Brazin…Đến Honolulu, hòn đảo ngoài khơi Thái Bình Dương cũng có người tìm đến SÔNG CỬU LONG. Họ là người Việt định cư ở những nơi đó hay là người bản xứ? Dù ai đi nữa thì qua “dấu vết” truy cập cũng đủ làm cho chúng tôi rất vui và càng khích lệ công việc của mình. Vậy là ở những nơi đó, có người đã biết đến vùng đất cuối cùng của tổ quốc Việt Nam. Tuy còn rất khiêm tốn, hiện nay mỗi ngày website SÔNG CỬU LONG mới đạt được trên dưới ba ngàn lượt truy cập.


Ngày 17.01.2008 ngừơi xem SCL Online đến từ 24 nước

Đối với những người khác có lẽ không đền đỗi nào, nhưng với chúng tôi, thỉnh thoảng chợt nhớ, như chuyện nửa hư nửa thực. Thú thật, đã có những lúc…“oải” lắm. Bởi anh em chúng tôi, ngoài nhiệt tình muốn giới thiệu đất và người xứ sở mình với bè bạn khắp nơi, còn lại chỉ là những bàn tay trắng nắm chặt nhau mà thôi. Nếu không có được những tấm lòng đồng cảm và hào hiệp như anh Nguyễn Hòa-công ty ITI, nhà thơ Nguyễn Duy, nhà văn Lê Thành Chơn, nhà báo Huỳnh Kim và anh Trần Kim Đính, giám đốc công ty Metinfo ở Cần Thơ, thì chắc gì hôm nay chúng ta có được một SÔNG CỬU LONG để bạn bè trong và ngoài nước hàng ngày tìm đến. Nhiều lúc “lang thang” trên web, chúng tôi gặp biết bao dòng chữ ân tình, nhung nhớ quê hương của những con người xa xứ, họ đang ở những nơi rất đỗi xa xôi trên trái đất...

Như chuyện thần kỳ, chưa bao giờ thế giới này lại gần với nhau đến như vậy. Chỉ cách có một vài giây. Nó đang ở ngay đầu ngón tay của mỗi chúng ta đó thôi.

Nhân dịp xuân này, đúng là mùa xuân của máy tính (bởi là tết “con chuột” mà), chúng tôi chân thành cám ơn những người đã vì vùng đất được tiếng giàu tiềm năng, nhưng còn lắm gian truân này mà góp tay gầy dựng nên đường truyền văn hóa nghệ thuật - ấy cũng là đường truyền tình cảm vô biên…

_

Không có nhận xét nào: