Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2008

Cồn thời hội nhập


Vũ Thống Nhất


Cồn ngày nay đã phá được thế cô lập giữa sóng nước trùng trùng, hội nhập với “thế giới bên ngoài”. Hạ tầng cơ sở, trình độ dân trí cũng như chất lượng cuộc sống của dân cồn đã khác lắm rồi.

Sóng dậy đất cồn
Bây giờ, ngồi nhậu, thấy người bảnh bảnh nói ở cồn Khương thì dân Cần Thơ biết ngay mình đang “hân hạnh” được diện kiến đại gia. “Liếc qua, cũng biết riêng tiền xây cũng phải lấy từ 6 – 7 con số trở lên. Mỗi lô đất diện tích từ 1.000 đến 1.500 m2. Không đại gia sao rớ nổi?”, anh C, có người quen vừa mua lô đất bên đó nói. Ngôi biệt thự mang dáng dấp của một cung điện thời “Aibaba” ở cuối đường có thông tin lên đến…hai triệu USD! “Mỗi cây cột đá trị giá từ 7.000 đến 10.000 USD. Toàn bộ biệt thự có đến trên 57 cột đá lớn nhỏ. Hai con sư tử đá mỗi con cũng 200 triệu…”.



Từ nội ô, theo đường Cách Mạng Tháng 8, qua cầu Linh Thành là lọt vào cồn Khương. Dự án “Khu biệt thự cồn Khương” (rộng 8,7 ha với 36 nền biệt thự, 1 nhà hàng) có địa thế “tiền lộ, hậu sông” hội đủ đặc trưng của vùng sông nước với không gian thoáng đãng, không khí trong sạch, những rặng dương xanh xào xạc ven sông. Khó ai ngờ chỉ mấy năm trước, cồn Khương vẫn heo hút tuy chỉ cách nội ô bằng con rạch Khai Luông rộng chưa đầy trăm mét. Cán bộ phường, giáo viên mỗi khi sang cồn phải mất gần 10 phút ngồi ghe hoặc phà. Quanh năm suốt tháng chỉ có tiếng sóng nước sông Hậu oằm oặp bao quanh với nhịp sống trầm lặng của nghề làm vườn làm rẫy. Đây là dự án được đánh giá vào loại thành công nhất tại thành phố trung tâm đồng bằng: là khu biệt thự cao cấp đầu tiên, triển khai nhanh nhất, kiến trúc đa dạng nhất, đắt giá nhất. Cái hiện đại quấn quít với thiên nhiên. Giữa nắng gió lồng lộng, cồn vẫn là thế giới riêng, là sự an bình, trong lành, rũ bỏ sự ồn ào náo nhiệt của thị thành. Một diện mạo mới cho vùng đất đông bắc Cần Thơ.

Rõ nhất, nóng nhất của đất cồn thời kinh tế thị trường chính là chuyện con cá tra, cá ba sa “vượt đại dương”, khuấy động cả thị trường thế giới. Mấy năm gần đây, làng bè tan tác, con cá được rước lên đất liền, chủ yếu là đất cồn nhờ nhiều ưu thế cạnh tranh vượt trội. Thế là dọc sông Hậu, sông Tiền giá đất cồn “trở mặt”, dậy sóng. lạ nhất từ trước đến nay. Đất cồn Khương khoảng 5 năm trước 100 triệu /03 công nay vọt lên 150 triệu /công (1.000 m2), kiếm cũng không dễ; cồn Sơn chỉ thấp hơn chút đỉnh. Cù lao Tân Lộc mới thất kinh: năm 2006 giá đất chỉ từ 50-70 triệu /công thì nay đã vượt lên 150-280 triệu /công tùy vị trí, tức khoảng 3 tỷ đồng mỗi hecta! Thời kinh tế hàng hóa, “Có ăn chẳng ngại đường xa”, dân đồng bằng còn “máu”, chơi không ảnh, lên mạng săn đất (cồn) đào ao…

“Em lên Sài Gòn có công chuyện gấp. Gặp anh sau”. Út Phương, một trong những tỷ phú đất cồn Tân Lộc đang ôm túi xách, áo bỏ ngoài quần lùm xùm gặp tôi ngay trên phà. Bên kia sông, tài xế của Phương đang nổ máy đợi sẵn! “Năm 2006 hắn xuất trên 4.000 tấn cá thịt, trừ hết chi phí còn lãi trên 4 tỉ đồng nhưng xứ này có tay nuôi cả chục hầm cá, mỗi hầm cả công đất(1.000m2), thu lãi hàng chục tỷ đồng mỗi năm”, ông Mười 73 tuổi ở cồn Tân Lộc còn “trích đọan” cho nghe vè con cá của ông: “Nghề đường không khá, tôi chuyển qua nuôi cá, đào ao/ Muốn phát triển mau mau/ Tôi đào ao lớn lớn/ Mỡ trắng mỡ vàng, tóc đà muốn bạc/ Tối ngày lảo đảo, đến các công ty/ Chân đứng chân quỳ, xin nhờ giúp đỡ…”. Bao huyền thoại quanh con cá Tân Lộc với các tỷ phú mang danh Út (Út Phương, Út Xem, Út Cây, Út Ba…) hay ly kỳ hơn có tay vì cá mắc nguy cơ hầu tòa, Ngân hàng xiết nợ nhưng nhờ “lì đòn”, chơi tiếp, vậy mà thắng, “hiện chả phải vài chục tỷ”, lẫy lừng khắp “lục tỉnh”. Thời sự nhất ở cồn đến nay vẫn chỉ quẩn quanh chuyện cá, từ cá mà tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở đây vào hàng nhanh nhất xứ đồng bằng. “Mỗi tháng riêng Công ty em rót cho cả huyện Thốt Nốt khoảng 2.500 tấn thì Tân Lộc đã “ăn” hết 1000 tấn”, một nhân viên kinh doanh thức ăn cho cá nói vậy. Nỗi buồn quẩn quanh lúa-màu-mía-cối đường…của ngày trước, nhắc lại, dân cồn chỉ cười lạt. Nghề nuôi cá tra vượt ra khỏi đất cồn, liên kết cả vùng, cả nước. Nhiều nông dân mở trang trại, lập trang web riêng, trở thành chủ doanh nghiệp lớn.

Thời hội nhập, đất cồn thay đổi nhanh chóng; nhà lầu, nhà kiên cố mọc lên từng ngày. Lừ lừ làm, lừ lừ chơi, đã chơi “phải đáng mặt chơi”. Có năm mấy đại lý xe hơi “xuống ruột, lên máu” khi các đại gia đất cồn “giăng hàng ngang” đi“mua xe hơi theo lố”. Gần đây họ lại chơi kiểu khác, “ác” hơn, đúng đặc trưng sông nước: ào ào sắm ca nô chạy bay tóc quanh cồn.

Dự án Quốc gia“Hệ thống cồn dọc sông Hậu”

“Cần Thơ đã hình thành được cá tính riêng với đặc trưng phát triển theo sông nước”, Giáo sư - Tiến sĩ kiến trúc Kelly Shannon (Vương quốc Bỉ), người từng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ kiến trúc về đề tài quy hoạch Cần Thơ nhận định. TP. Cần Thơ nằm bên bờ Tây sông Hậu, một trong hai nhánh lớn của sông Mêkông có chiều dài gần 60 km, chiều ngang 1,2-1,5 km, tương đương với hồ chứa nước rộng 72 km2, gấp 12,5 lần hồ Tây (Hà Nội) với dòng chảy vận hành liên tục theo chế độ bán nhật triều, không bao giờ có mực nước chết như các hồ chứa, tức lưu lượng rất dồi dào. Đặc biệt, trên sông có 5 cù lao, lớn nhất 3.268,40 ha (Tân Lộc- Thốt Nốt), nhỏ nhất là cồn Sơn (65 ha). Đây là những thắng cảnh ngoạn mục có giá trị sinh thái, nước ngọt quanh năm lại còn nhiều nét nguyên sơ.



Cù lao ngày nay đã phá được thế cô lập loi thoi giữa sóng nước trùng trùng, hội nhập với “thế giới bên ngoài”; phải phát triển được hạ tầng, nâng cao dân trí cũng như chất lượng cuộc sống. Dân đất cồn đã “ngộ” ra rằng muốn làm giàu không thể chỉ cặm cụi với vườn cây áo cá hay quanh năm lọ mọ ven sông quăng chài bắt cá. Cần phải tính xa hơn, bền vững hơn, phải lội ra “biển lớn”. Và bước đi đầu tiên phải xuất phát từ thế mạnh, chỉ có ở đây, đó là thiên nhiên trong lành, nguyên sơ, lồng lộng sông nước.

“Chỉ cần bán không khí cũng hốt bạc”, một nhà đầu tư Nhật Bản nhận xét và họ nhắm đến cồn Sơn (trên 80ha) nằm ngay phường An Thới - Quận Bình Thủy với ý định xây khu nghỉ dưỡng cho người cao tuổi. Một Việt kiều Mỹ và Công ty Trung Quốc lại khoái cồn Ấu, rộng trên 100ha nằm ngay ngã ba sông Hậu, đối diện bến Ninh Kiều thơ mộng, tuy nơi đây đã có khu du lịch Phù Sa(hơn 30ha) đang hoạt động khá hiệu quả. Cồn Khương có diện tích 250 ha đang là điểm nóng đầu tư du lịch của thành phố do được các nhà quy hoạch đánh giá là nơi có vị trí đẹp và lý tưởng nhất để phát triển khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng kết hợp với khu giải trí đa dạng, cao cấp của thành phố. Từ năm 1999, khu vực này đã được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái ở phía Nam (94 ha); khu biệt thự và vườn cây ăn trái ở giữa cồn (103 ha) và gần trọn phía bắc (80ha) được dành cho dự án xây dựng khu vui chơi giải trí (sân golf…) tầm cỡ Đông Nam Á với tổng vốn đầu tư trên cả ngàn tỷ đồng!

Để tạo thế bứt phá, gần đây, lần đầu tiên trên cả vùng sông nước Cửu Long, Cần Thơ đã có bước đi táo bạo với tầm nhìn mới: thành lập dự án Du lịch Quốc gia “Hệ thống cồn dọc sông Hậu”. Toàn bộ 5 cồn (tổng diện tích gần 850 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến trên 2000 tỷ đồng từ năm 2006 -2015) sẽ thành 5 khu du lịch chức năng và được nối thành tuyến du lịch độc đáo đồng hành với tuyến giao thông thủy quốc tế đã quy hoạch. Bước đầu sẽ tập trung xây dựng, khai thác các cồn có diện tích lớn theo hướng mỗi cồn là một làng du lịch với các công trình vui chơi giải trí đa năng, khu Resort, Motel vườn, khu Hội nghị hội thảo cao cấp, khu vườn sinh thái, thể thao nước, bến tàu du lịch quốc tế, khu nghỉ dưỡng, làng nghề…Thái Lan có hơn 1.3 triệu du khách hưu trí phương Tây lưu trú lâu dài. Họ là những người thích khí hậu (ấm áp), có nhiều thời gian và chỉ thích sống thoải mái; thường rời khỏi Châu Âu vào mùa đông, quay về vào mùa Xuân. Họ cần không gian yên tĩnh, thoải mái, thiên nhiên thuận lợi, không phiền toái, không ồn ào… Quy họach hệ thống giao thông thủy – bộ của đồng bằng đang tạo rất nhiều thuận lợi cho Dự án. Nằm trên tuyến đường thủy quốc tế sang Cămpuchia. Cầu Cần Thơ vượt sông Hậu, nằm ở mạn Nam thành phố, qua cồn Ấu. Cầu Cần Thơ 2 nằm mạn Bắc, nối bờ Đồng Tháp với bờ Cần Thơ, đoạn cù lao Tân Lộc. Phía Đồng Tháp sẽ nối vào tuyến N2 đi về TP. HCM, phá thế độc đạo từ ĐBSCL đi về TP. HCM và miền Đông Nam bộ.



Giá trị thẩm mỹ và tinh thần của làng quê thôn dã từng được coi là nét đẹp truyền thống trong khi nhà vườn cùng kiến trúc bản địa trên cù lao là nét riêng của Nam bộ và Cần Thơ. Khái niệm “GDP xanh” lồng ghép giữa mục đích bảo vệ môi trường song hành với nhiệm vụ phát triển kinh tế chính là điều tiên quyết cho đất cồn phát triển đúng hướng. Gìn giữ và thăng hoa đất cồn là trách nhiệm của cháu con những người mở đất./.

Không có nhận xét nào: