Thứ Tư, 23 tháng 1, 2008

GSTS Võ Tòng Xuân: “Cần có một cuộc đổi mới thứ hai”

Huỳnh Kim

Năm 2006, kết quả khám sức khỏe cho 11 vị trong đoàn đại biểu tỉnh An Giang đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, thật bất ngờ, Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, khi ấy 66 tuổi, là người cao tuổi nhất đoàn lại có sức khỏe tốt nhất. Do vậy, khi hay tin Giáo sư Võ Tòng Xuân vừa bàn giao chức Hiệu trưởng trường Đại học An Giang để nghỉ hưu, nhiều người muốn biết, hiện nay nhà khoa học danh tiếng này đang làm gì vậy? Chúng tôi đã hỏi chuyện ông; và cũng như bao lần trước, tôi đều mở đầu câu chuyện bằng hai tiếng “Thưa Thầy”…



Không chỉ nhà báo Huỳnh Kim, nhiều người lớn tuổi khác vẫn kính cẩn "Thưa Thầy..."


* Thưa Thầy, Thầy vẫn đang sống và làm việc ở chỗ cũ, trong căn nhà công vụ của trường Đại học An Giang. Dường như công việc của Thầy hiện nay vẫn… bộn bề?

GSTS Võ Tòng Xuân: Hiện nay, tuy tôi thôi làm hiệu trưởng Đại học An Giang, bớt được trách nhiệm quản lý, nhưng các nhiệm vụ khác trong nước và ngoài nước tôi vẫn tiếp tục thực hiện. Tôi vẫn đang sống tại căn nhà công vụ của Đại học An Giang vì muốn tiếp tục giúp các cán bộ trẻ và sinh viên ở đây về mặt chuyên môn trong giai đoạn xây dựng cơ sở đại học mới mà tôi đã tham gia thiết kế. Và tôi vẫn thường xuyên thực hiện các trách nhiệm khác qua phương tiện thư điện tử. Ngoài ra, khi đến lịch của chương trình thì tôi sẽ đi họp quốc tế hoặc trong nước theo yêu cầu.

* Vậy một ngày sống và làm việc của Thầy hiện nay ra sao?


Ở tuổi lục tuần, thầy Võ Tòng Xuân vẫn ăn uống khỏe mạnh

GSTS Võ Tòng Xuân: Một ngày sống của tôi lúc nào cũng bận rộn, nhưng phải bảo đảm một sự điều độ cơ bản. Ăn, uống đầy đủ; mỗi sáng sớm, tôi uống nước hai trái chanh tươi trước khi ăn sáng và không hút thuốc, nhậu nhẹt thường ngày. Thể dục buổi sáng. Đọc báo điện tử Việt Nam, Anh, Mỹ. Đọc mục lục các tạp chí khoa học đến trong hộp thư điện tử và nếu cần xem chi tiết thì truy cập tiếp cả bài báo cáo. Đọc và trả lời các thư điện tử. Tiếp xúc với cán bộ trẻ và sinh viên khi họ đến tìm. Theo dõi các dự án nghiên cứu của trường và của tỉnh An Giang. Lên lớp khi đến lịch. Tiếp khách trong và ngoài nước khi có lịch họ đến. Đi họp trong hoặc ngoài tỉnh khi có lịch…

* Ở tuổi này, nhớ lại những điều tâm huyết đã đóng góp vào công cuộc đổi mới của đất nước, nhất là trong nông thôn nông nghiệp hơn ba chục năm qua, Thầy muốn nói gì?

GSTS Võ Tòng Xuân: Rõ ràng công cuộc đổi mới đã giúp đưa đất nước ta tiến lên phía trước trong mặt trận phát triển kinh tế xã hội. “Đổi mới” không tốn nhiều ngân sách nhà nước đầu tư nhưng thực chất chỉ cần sự thay đổi chính sách của Đảng và Nhà nước. Cũng con người này, cũng đất nước núi sông này mà từ một nước sản xuất quá kém, phải ăn đong, mặc thiếu, cái gì cũng hiếm có, đã chuyển sang một quốc gia sản xuất quá nhiều lương thực, thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới, chủ yếu là nhờ Đảng và Nhà nước đồng ý thay đổi chính sách nông nghiệp không tốn kém gì bao nhiêu cả. Tôi gọi đó là cuộc đổi mới thứ nhất.

Thành tích đó của nhân dân Việt Nam đã bắt đầu từ những đề xuất mạnh dạn của những người dám chịu trách nhiệm trước Đảng, đã lôi cuốn bà con nông dân chọn cách làm có hiệu quả hơn cách làm cũ. Và tôi rất hãnh diện đã đứng trong hàng ngũ những người dám chịu trách nhiệm ấy. Tôi và các bạn đồng nghiệp và hàng trăm sinh viên đã đưa giống lúa mới, kỹ thuật trồng lúa tiên tiến, giúp bà con nông dân sản xuất theo kiểu khoán hộ tại ấp Lung Đen, xã Kế An, huyện Kế Sách, tỉnh Hậu Giang năm 1979, nay thuộc tỉnh Sóc Trăng. Những kỹ thuật nông nghiệp khác đồng thời với sự phát triển các hệ thống tưới tiêu do ngành thủy lợi thực hiện, áp dụng nhiều hệ thống canh tác thích nghi từng kiểu sinh thái khác nhau đã tiếp tục được thầy trò chúng tôi giới thiệu cho nông thôn. Qua đó chúng tôi đã đào tạo được hàng trăm kỹ sư nông nghiệp, góp phần rất đáng kể cho công cuộc phát triển tiềm năng của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Những đóng góp khá ấn tượng khác có thể kể như loạt chương trình truyền hình “Khoa học kỹ thuật nông nghiệp” mà nguyên Thủ tướng Văn Kiệt thường kể lại: “các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, huyện mê hơn xem cải lương”. Hoặc cuộc mở đầu đối thoại với Chính phủ trên diễn đàn Quốc hội thay vì chỉ “giơ tay và vỗ tay” từ khi tôi tham gia lần đầu tiên năm 1981 với câu chuyện Nhà nước đã lãng phí vì phá các rừng tràm tại các vùng đất phèn nặng để thành lập các nông trường lúa Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên - Hà Tiên, U Minh… và tôi đề nghị Chính phủ khôi phục lại các vùng sinh thái này. Sau đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ đạo ngành nông nghiệp và lâm nghiệp xem xét lại vấn đề này. Hoặc một lần khác cũng trên diễn đàn Quốc hội tôi đã chứng minh Dự án Luật Thuế nông nghiệp của Chính phủ trình vào tháng 6-1991 sẽ làm cho nông dân nghèo thêm, và Thủ tướng Đỗ Mười lúc ấy đã xin rút lại Dự án, chờ nghiên cứu tiếp. Và hai năm sau, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp hợp lý hợp tình hơn.

* Thầy gọi đó là cuộc đổi mới thứ nhất. Như vậy, theo Thầy, nước nhà đang cần có thêm một cuộc đổi mới thứ hai để tiến kịp thiên hạ?

GSTS Võ Tòng Xuân: Cuộc đổi mới thứ hai rất cần thiết lúc này là phải cải tiến cơ bản và toàn diện cho giáo dục Việt Nam. Đây là vấn đề mà Đại hội Đảng lần IX đã nêu ra và Đại hội Đảng lần X đã tiếp tục kêu gọi, nhưng chúng ta mới chỉ thay đổi một cách vá víu chớ chưa cơ bản và toàn diện. Sản phẩm giáo dục của nước ta còn nhiều hụt hẫng so với các nước tiên tiến. Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đánh giá rằng hệ thống giáo dục Việt Nam chưa phải là nơi tạo động lực tối hảo cho sự nghiên cứu và phát triển đất nước và chưa làm được nơi ươm mầm cho các tài năng xuất chúng của quốc gia.

Đổi mới giáo dục sẽ phải bắt đầu từ bậc phổ thông, lần lên đến bậc đại học, trong đó sự đổi mới phương pháp đào tạo tại đại học sư phạm đóng vai trò then chốt. Nhưng rất tiếc là Nhà nước chưa thấy sự cần thiết đó. Và như thế chúng ta sẽ càng làm chậm đi tiến trình đổi mới. Hệ thống đào tạo của Việt Nam hiện nay, từ chương trình đào tạo quá nặng nề - có quá nhiều môn học lý thuyết, nhiều môn học không quan trọng cho ngành chuyên môn, gấp đôi thời gian lên lớp so với sinh viên các nước khác, đến cách dạy chủ yếu vẫn là đọc – chép, vì dạy theo kiểu mới như “lấy người học làm trung tâm” sẽ bị cháy giáo án, cho nên không phát huy được tính sáng tạo, suy nghĩ độc lập của người học. Trong khi đó, nhất là đối với những sinh viên xuất sắc, nhu cầu học cấp bách những kỹ năng cao cấp ngày càng tăng, nhưng bị hệ thống giáo dục kìm hãm, không phát huy được. Mọi sinh viên phải chờ nhau cùng đi lên chầm chậm, người muốn đi nhanh không có cách gì để đi trước được. Trong khi đó, hệ thống giáo dục ở các nước chung quanh Việt Nam đều đã chuyển từ lâu.

* Thầy có thể cho một thí dụ về cách đào tạo của các nước mà sinh viên không phải “chờ nhau cùng đi lên chầm chậm” như vậy?

GSTS Võ Tòng Xuân: Tôi xin lấy môt thí dụ thực tế để chứng minh điều đó. Cháu Trần Thanh Tâm, một nữ sinh xuất sắc của tỉnh An Giang, đã được học bổng của Chính phủ Singapore cho sang Singapore học lớp 10-12 theo hệ thống giáo dục quốc tế, đã đạt điểm A và A+ đối với tất cả các môn học. Tốt nghiệp trung học Singapore giỏi như vậy, cháu xin được học bổng của Đại học Cornell (Mỹ). Sang đấy, cháu học chỉ trong 3 năm (thay vì 4 năm) đã xong chương trình BSc về Toán học chuyên về “Operations analysis” tốt nghiệp hạng Summa cum laude, giải thưởng xuất sắc nhất toàn trường Mỹ. Đồng thời cháu được trường Cornell cho học bổng để tiếp tục chương trình MSc Toán học. Và chỉ trong 18 tháng sau cháu đã lấy xong bằng Master. Trong khi đang học Master, cháu Tâm nộp đơn xin việc làm, thì được 4 công ty dịch vụ tài chính của Mỹ nhận. Cuối cùng cháu Tâm chọn làm với Công ty Oliver Wyman Group (Financial Services) chi nhánh tại Singapore, lương khởi điểm 85.000 USD/năm, chưa kể tiền thưởng.

Tôi chắc chắn là, nếu cháu Tâm học trung học phổ thông ở Việt Nam, rồi ráng thi tuyển sinh vào một đại học nào đó, nếu đậu vào học thì cũng phải chờ 8 học kỳ trong 4 năm mới ra trường. Rồi phải chờ một thời gian sau mới nộp đơn xin học cao học, tốn ít nhất 3 năm (mặc dù chính thức chỉ qui định 2 năm) với tất cả các môn học chính trị, đọc một số sách chuyên ngành toán, rồi làm luận văn tốt nghiệp, chờ ra bảo vệ trước Hội đồng do Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định. Khi bảo vệ thành công, ra trường rồi không biết cháu Tâm sẽ được công ty nào mướn? Chắc chắn sẽ không có công ty Việt Nam nào biết đến cái ngành “Operations analysis” mà mướn người, ngay cả các công ty bảo hiểm của Việt Nam cũng chưa chắc cần chuyên viên ngành ấy.

Rõ ràng là chúng ta phải có một cuộc đổi mới thứ hai mới mong nhanh chóng đào tạo nhân tài theo kịp các nước tiên tiến.

* Riêng với ĐBSCL, Thầy thấy thế giới nhìn nhận vùng này ra sao? Và theo Thầy, hiện nay ĐBSCL đang đứng ở mức nào so với các vùng khác trong nước?

GSTS Võ Tòng Xuân: ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp và thủy sản quan trọng nhất Việt Nam, với diện tích và dân số tương đương nước Hà Lan ở châu Âu. Nhưng Hà Lan xuất khẩu 41,6 tỉ USD trong khi ĐBSCL chưa đạt 3 tỉ USD. Chúng ta chưa phát huy hết tiềm năng của ĐBSCL vì chưa đầu tư đúng mức cho cầu đường nông thôn, giáo dục và y tế.

Có thể nói, so với bảy vùng sinh thái trong nước, về giao thông, ĐBSCL đứng hạng thứ 6-7, giáo dục hạng 6-7, y tế hạng 4-5; sản lượng lúa thì đứng hạng 1 nhưng giá trị còn thấp; thủy sản hạng 1; cây ăn trái cũng hạng 1 nhưng giá trị thấp.

* Vậy thì theo Thầy, làm sao để ĐBSCL kịp đi lên cùng cả nước?

GSTS Võ Tòng Xuân: Ngoài sự đầu tư của Nhà nước vào cấu trúc hạ tầng, chúng ta cần những nhà tư bản được đào tạo cơ bản với kiến thức và kỹ năng kinh doanh để phát huy tiềm năng của ĐBSCL.

Doanh nhân và nhà quản lý phải có học bài bản mới dám tính toán kinh doanh, biết mở thị trường, hoặc tìm thị trường cho những sản phẩm của ĐBSCL để từ đó quay ngược lại, tổ chức cho nông dân sản xuất nông sản nguyên liệu cho công ty mình chế biến một cách hiện đại theo đúng yêu cầu về chất lượng, mẫu mã của khách hàng.

Doanh nghiệp của ĐBSCL không nên tranh mua, tranh bán theo kiểu thu gom, mà nên tổ chức kết hợp với hợp tác xã nông nghiệp hoặc cụm nông dân sản xuất nông sản nguyên liệu theo đúng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

* Để làm được như vậy, chắc hẳn phải kỳ vọng vào lớp trẻ nhiều hơn. Thưa Thầy, nếu tâm sự ngắn nhất với một người tuổi trẻ, Thầy sẽ nói điều gì?

GSTS Võ Tòng Xuân: Phải có nghị lực và sáng kiến. Phải sống điều độ để bảo đảm sức khoẻ thật tốt. Mình sống đâu chỉ vì mình.

***

Có dịp đọc một số báo cáo cá nhân, tôi không thấy GSTS Võ Tòng Xuân nhắc đến hai danh hiệu cao quí mà Nhà nước đã phong tặng mình - Anh hùng Lao động và Nhà giáo Nhân dân. Mà ông thường nhớ tên hàng loạt “công việc đang làm”. Thí dụ như: Uỷ viên Hội đồng quốc gia giáo dục; Uỷ viên Hội đồng Khoa học công nghệ quốc gia; Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư liên ngành nông lâm học; Uỷ viên Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước; Uỷ viên Hội đồng Chỉ đạo biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam. Với quốc tế thì: Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học kỹ thuật Australia; Ủy viên Hội đồng quản trị Viện Quản lý châu Á; Uỷ viên Hội đồng quản trị Tổ chức Dịch vụ quốc tế về tiếp thu và ứng dụng công nghệ sinh học nông nghiệp; Uỷ viên Hội đồng Cố vấn Diễn đàn Nghiên cứu các vấn đề phát triển châu Á; Uỷ viên Hội đồng quản trị Quỹ Rockefeller; Uỷ viên Hội đồng quản trị Trung tâm phát triển bền vững vùng lưu vực sông Mê kông; Uỷ viên Ban điều hành dự án Giám sát Hệ sinh thái sông Mê kông; Ủy viên HĐQT Trung tâm Phát triển Phân bón Thế giới; Chủ trì Chương trình “An toàn lương thực Tây Phi châu – Sierra Leone”…

Sáng ngày 24-12-2007, tôi gởi e-mail bản thảo bài báo này để Giáo sư Xuân xem lại trước khi chuyển về tòa soạn. Ngay trong đêm Giáng sinh ấy, ông đã hồi âm kèm mấy dòng ấm áp như thế này:

Kim mến,

Hồi chiều tôi đã bảo vệ thành công trước Hội đồng thẩm định của Bộ Giáo dục & đào tạo một dự án xin World Bank tài trợ cho Đại học An Giang. Có 4 trường mới mở khác cũng được vào bảo vệ. Kể như có một món quà Noel cho Đại học An Giang nhân dịp 8 năm thành lập (30-12-1999 ~ 2007).

Đêm nay là đêm Giáng sinh, tôi ngồi ở nhà khách Đại học Bách khoa Hà Nội để chỉnh sửa bài cho Kim. Có thêm vài tình tiết. Xong rồi. Gởi liền cho Kim đây.

Mong Kim có một đêm Giáng sinh êm ấm bên gia đình hạnh phúc.

Xuân

@@@@@@@@@

(Bài đăng báo Doanh Nhân Sài Gòn Xuân Mậu Tý 2008)

_________

GSTS Võ Tòng Xuân trong buổi chiêu đãi hải sản Phú Quốc của nhà hàng Vườn Táo tại văn phòng Metinfo.

Không có nhận xét nào: