Thứ Ba, 29 tháng 1, 2008

tuyetdieu.com

Phù Sa Lộc

Anh bạn tôi là nhà báo, quen sử dụng máy đánh chữ từ khi còn trẻ. Khi tòa soạn bước đầu kế hoạch “vi tính hóa”, anh chẳng màng quan tâm, bởi “lưng lửng quan” nên anh đâu phải có bài theo định mức hằng tháng mà ban biên tập đã đề ra cho toàn bộ phóng viên. Tết năm đó, tổng biên tập yêu cầu anh viết báo xuân. Thì viết. Nhưng khi nhận lại bài viết, anh thấy nơi góc trái đầu trang, gần bên tít bài, có dòng chữ: “Nhanh chóng xóa mù vi tính” của tổng biên tập. Tự ái, anh dành ra một buổi học và thực tập cách nạp liệu. Dễ ợt. Phấn khởi, anh học cách save bài cùng một vài yêu cầu bức thiết mà anh cần biết để giải quyết những mắc mứu gặp phải khi biên tập bài cộng tác viên trên máy. Dần dà anh cũng học được khá nhiều điều bổ ích từ máy tính, do mấy phóng viên đệ tử chỉ dẫn.

Các bạn khuyên anh nên học một khóa vi tính nhưng anh chẳng quan tâm vì nghĩ mình chẳng sử dụng máy tính nhiều học làm chi cho mất công, nhất là cái đầu của mình như cái băng nhão, dung nạp những điều học được chẳng là bao. Phí công, hoài của!

Rồi cũng đến ngày anh về hưu. Lương hưu chẳng là bao, lại thiếu mất món tiền phụ cấp trách nhiệm khá lớn, anh phải viết bài gởi báo để kiếm thêm thu nhập. Vậy là anh mua cái USB, rồi lẩm nhẩm, thực hành các thao tác save bài từ máy vô USB và ngược lại, mất mấy buổi trời mới nhớ. Công việc đòi hỏi anh phải vô Internet mới có điều kiện tốt gửi bài cho các báo ở Thành phố Hồ Chí Minh, ở Hà Nội, bởi gửi bài bằng trang in hiếm khi được các họ sử dụng. Vì, bài viết nếu sử dụng được phải nạp liệu lại, sửa morasse lu bu, mất thời giờ rất nhiều. Vậy là phải học sử dụng Internet. Trầy trật mãi rồi anh cũng được mấy đứa con kềm cặp thành công. Gửi bài qua email quá tiện lợi. Dù đến tòa soạn “báo nhà” chẳng bao xa nhưng với phương tiện này anh khỏi mất công mặc quần áo, phóng xe đi. Bài báo và ảnh như bóng với hình. Đó là yêu cầu số một của các báo. Không có ảnh, bài hay cỡ nào cũng “vứt”! Nên anh phải sử dụng máy ảnh kỹ thuật số. Cái này dễ, chỉ cần đưa máy ảnh lên ngang mắt cân đối bố cục là bấm. Tuy nhiên để lưu ảnh vào máy tính anh phải nhờ con. Nhiều bữa không có đứa con nào ở nhà để nhờ lưu ảnh vào máy tính để gửi đi ngay, anh bực bội vô cùng. Không lẽ thúc thủ quy hàng? Anh nghĩ chắc nó cũng giống như save bài từ USB vô máy tính. Vậy là anh loay hoay làm thử. “Rùa” dẫn đường, anh thành công mỹ mãn.

Viết báo đòi hỏi phải có nhiều tư liệu tham khảo bổ sung nhằm nâng cao giá trị bài viết. Các bạn nói “gõ” Google một cái là có nhóc. Anh thử làm, quá đạt yêu cầu. Hàng bao nhiêu núi tư liệu giúp anh giải quyết nhu cầu bức xúc, điều mà trước đây anh phải ngồi hàng giờ, thậm chí có khi cả mấy ngày kiếm cho ra quyển sách, trang sách có tư liệu đó. Mà sách nhà anh thì đâu phải ít, lại “được” sắp xếp vô cùng lộn xộn bởi vợ và các con anh sau khi đọc xong! Như vậy không mất hứng viết cái mới lạ! Anh khoan khoái cười mỉm chi, từ nay ta đã có chiếc đũa thần, chỉ cần gõ một cái là nó “hóa” thành phép lạ ngay. Vậy là hàng bao nhiêu tạp chí, sách, báo tư liệu của anh trong phút chốc đã được cân ký lô cho đỡ chật nhà, bụi bặm, mối xông, vài ba tháng lại phải đem phơi nắng một lần nữa chứ. Tuyệt vời! Tuyệt vời hơn là vô Google, gõ bút danh anh một cái, hàng bao nhiêu bài báo của anh đều được sắp hàng tới mấy trang. Cha, cả thế giới đọc, sưu tra bài viết của mình. Hãnh diện thật. Khoái nhất là mấy bài viết của anh đã “mất tích” từ lâu, nằm chình ình trên website của một báo nào đó, chỉ cần “nhấn nhấn” mấy phát, a lê hấp nó đã chễm chệ vô kho lưu trữ của máy tính nhà anh rồi. Trên net, hầu như không thiếu tờ nào nên anh đọc “chùa” thoải mái. Tin tức cập nhật liền tù tì, nóng hổi, báo giấy làm sao bì. Hồi anh bị mất điện thoại, tính mua cái mới, con anh mở máy tính, truy cập net, ê hề hàng bao nhiêu chủng loại, từ giá bèo tới giá cứng, lại còn ghi rõ các chức năng của nó. Lạ một điều, truy cập tư liệu qua Google hoặc Yahoo! nếu gõ trật một chi tiết, hoặc sai chính tả, như có một con ma, nó nhắc nhở anh ngay để làm lại tốt hơn!...

Có Internet, đã hơn nữa, là anh còn liên lạc được với bất kỳ người bạn nào, ở bất cứ địa phương nào, kể cả nước ngoài, miễn anh chị ta có Internet. Cứ thăm hỏi nhau thoải mái, chẳng tốn là bao so với điện thoại. Hình ảnh chụp chung trong chuyến đi chơi đâu đó, về mail qua mail lại, lưu trong máy lâu lâu mở coi, còn được phóng lớn theo yêu cầu nữa chứ, sướng nào bằng. Sướng nữa là vừa viết bài vừa nghe nhạc từ máy tính. Ái chà, có người còn nói gắn cái webcam gì đó khi nói chuyện với nhau sẽ thấy được mặt nhau. Cái mới “độc”!

Với số vốn sử dụng máy tính và Internet như vậy, đi đâu anh cũng quảng báo sự tuyệt vời của nó với mấy ông bạn già. Nhưng kỳ cục, chẳng thấy lão nào hưởng ứng. Ai cũng ừ hử cho qua tang lề. Bực thật. Ngẫm nghĩ, anh mới biết, té ra cái đầu của họ đã “nhão” nên rất ngán sử dụng công cụ hữu ích hiện đại này. Giống như anh hồi trước kia thôi, không nhớ được nhiều động tác ra lệnh máy tính nên rất khổ sở mỗi khi ngồi vào máy. Rồi mọi bức bối cũng trở nên dễ chịu, khi anh bạn già của anh phát hiện một phương pháp học nhanh và dễ nhớ. Đó là học “tắt”, học với mấy anh làng nhàng, bấp bỏm vài ba “chiêu” sử dụng máy như mình, cách học “bình dân”. Còn làm theo cách dạy “hàn lâm” của mấy tay siêu máy tính thì dứt khoát sẽ khiến ta “nản lòng chiến sĩ”, “buông súng” là cái chắc vì phải đi qua nhiều công đoạn lu bu! Nhờ vậy mà anh học được khá nhiều điều để sử dụng máy tính được nhiều hơn. Mà máy tính thì còn có hàng hà sa số công năng khác mà anh chưa nắm hết, vừa tốt vừa xấu, đủ cả. Nó là thứ công cụ được anh tạm gọi là tuyetdieu.com.

Không có nhận xét nào: