Quê tôi nằm cách kinh thành Huế độ mười kilomet về phía bắc, là một làng thuần nông chuyên sống về lúa nước, có con sông Bồ ôm gọn cánh đồng làng, có lũy tre xanh lung linh đáy nước vào những đêm trăng. Tuy không giàu có, làng cũng được liệt vào hàng đủ ăn đủ mặc trong vùng. Để nhớ ơn tiền nhân khai lập đã bao đời nay, cứ mỗi năm hai lần (xuân thu nhị kỳ) vào lúc nông nhàn giữa vụ chiêm và đầu thu vụ trái là làng tổ chức lễ tế Thành Hoàng và các vị thần khác để dâng lễ vật cầu cho một vụ mùa tới đầy may mắn, dân chúng được sống an lành hạnh phúc.
Ngoài việc tâm linh, còn là khát vọng đời sống tinh thần và liên hoan ẩm thực toàn làng. Qua đó, người dân quê tôi luôn sống đoàn kết thương yêu nhau, cùng nhau chia sẻ vui buồn, nhọc nhằn trên đồng ruộng, trao đổi cho nhau kinh nghiệm mùa màng những mâu thuẫn trong đời sống hằng ngày được tháo gỡ và cơ hội cho nhiều mối tình quê thắm duyên tiến tới chuyện cau trầu. Tùy theo huê lợi thu được hàng năm của số ruộng chuyên dùng mà làng quy định số ngày cấm lửa bếp trong dân, thường từ ba đến bảy ngày, những diễn ra lễ tế không được ai nấu nướng bếp nhà, tất cả tập trung ăn uống ở đình làng, người già yếu không đi được có con cháu mang về.
Gần đến ngày đó, thôn xóm được dọn dẹp sạch sẽ, ngoài đồng mồ mả được dẫy chạp gọn gàng, quanh sân đình dựng nhiều rạp, kê nhiều bàn ghế, cổng làng và cổng đình đã kết dựng long môn bằng những thân cau kết tàu dừa cùng dây tơ hồng, cờ phướn tung bay rực rỡ, trong đình ba gian bài vị và hai hàng thập bát binh khí đã được sơn son thiếp vàng, chuông trống, bù rù, phèng la đã sửa giọng, trâu bò thịt cột đủ dưới các gốc sầu đông ngoài khuôn viên đình, hậu cần chuẩn bị xong là làng khai hội.
Bọn tôi còn nhỏ, chẳng được sắp đặt việc gì, đó là những ngày đầy kỷ niệm, vui còn hơn Tết, được nghỉ học (trường làng đã được trưng dụng), suốt ngày quanh quẩn bên lễ hội, hết xem tế lễ lại rủ nhau chơi các trò đánh bi, ném quay, đánh căng, ô quan, cướp cờ, ăn no nê rồi nhảy xuống sông chơi những trò chơi dưới nước như lặn bắt, ném bóng, thi vượt sông. Người lớn ngoài số chuyên trách lễ tế, còn lại thay phiên nhau làm xong công việc được cắt cử, sau đó tập trung đầu làng tham gia hoặc tổ chức chơi những trò chơi như : Bài chòi, bóng chuyền, ném bi sắt, cờ tướng. Tối đến họ đánh bài, xóc đĩa, tài xỉu, xì lát ăn tiền theo quy định của làng không mang tính sát phạt.
Sáng tinh mơ tôi thức dậy, không thấy mạ ở nhà, biết mạ đã đi tham gia nấu nướng phục vụ lễ tế, tung tăng chân sáo tôi ra đình làng, ở đó mọi người đang ăn sáng, trừ những vị cao tuổi và người có chức sắc, còn lại tự phục vụ, tôi sà vào cùng những đứa bạn đang sì sụp húp cháo nước xít, hương vị của loại cháo này có mùi thơm của nếp, bùi đậu xanh, béo ngậy của váng mỡ, ngọt của nước luộc thịt cùng tất cả thịt vụn thừa khi chế biến, cháo có màu mận nhạt bởi huyết ứ lấy ra từ ngực heo bò khi mổ, cháo đang nóng trước khi ăn cho một ít ngò gai và rau răm thái nhỏ sẽ dậy mùi rất thơm, đó là mùi đặc trưng của cháo nước xít. Đang đói mà ăn cháo này, húp đến đâu mát ruột gan đến đo, khỏe hẳn ra, đủ năng lượng cho tôi tha hồ nghịch ngợm.
Những ngày làng tổ chức lễ tế, hàng sáng điểm tâm xong chúng tôi thường rủ nhau lên đình xem các bậc cao niên tổ chức lễ tế. Nhìn vào đình tôi thấy ba gian điện thờ chưng đầy vật phẩm, đèn nến sáng trưng, khói nhang nghi ngút. Với đầu óc của đứa trẻ chưa đủ mười tuổi như tôi, thêm lời kể của bà nội và dặn dò của mạ và trước sự cung kính của những vị cao tuổi khiến tôi không đủ can đảm nhìn thẳng vào các bài vị, với tôi sau làng khói nhang đó là cả một thế giới tâm linh đầy huyền bí. Theo lời bà nội thì đình có ba gian thờ, giữa thờ Thành hoàng, hai bên là hai vị Khai Canh (canh tác), Khai Cơ (cơ nghiệp) phía sau là các vị hiển linh khác. Hai vị Khai Canh, Khai Cơ có miếu riêng nên mỗi lần lễ tế phải tổ chức lễ đưa rước.
Hôm nay, trước sân đình ban lễ tế đang khởi hành rước hai vị thần về. Dẫn đầu đoàn rước là vị chủ lễ dễ nhận biết qua trang phục truyền thống (áo dài, khăn đóng) màu đỏ cam có thêu chữ “Thọ” lớn giữa ngực, tiếp là các tộc trưởng trang phục như vị chủ lễ chỉ khác ở màu xanh biếc, theo sau là một chiếc kiệu có bốn người khiêng. Kiệu được làm bằng gỗ có màu sắc tao nhã không cầu kì, trên đặt một chiếc ghế như một chiếc ngai, trước ngai là một chiếc bàn nhỏ để đặt hương án và tế phẩm, kiệu được hai người cầm hai chiếc tán lớn màu vàng có tua ngũ sắc đi kèm hai bên che mưa nắng, tiếp theo là ban nhạc hiệu và đoàn người áo dài khăn đóng cầm cờ ngũ sắc trật tự đi hai hàng hộ tống. Cuối cùng là những bọn nhóc chúng tôi, hôm nay đứa nào cũng sạch sẽ, đi đứng trật tự có hàng lối không xô đẩy và ồn ào như mọi khi.
Đoàn rước đi đến miếu thì tiếng nhạc im. Chỉnh trang lại lễ phục, vị chủ lễ tiến lên trước miếu, các tộc trưởng tách hai hàng nghiêm trang đứng hai bên, kiệu được đưa gần sau lưng vị chủ lễ, nhạc hiệu nổi lên bốn người khiêng kiệu đồng loạt làm các động tác thuần thục “vai, eo, nài” đặt kiệu xuống đất. Khi hương đèn đã thắp lên thì vị chủ lễ sì sụp lạy, miệng lâm râm khấn vái nói lý do xin rước ngài về đình, tiếng bù rù rền như sấm nghe như từ dưới đất chui lên, là lúc vị chủ lễ cung kính bưng bài vị ngài đặt lên ngai và bát nhang đặt lên án hương trên kiệu, một hồi trống lệnh vang lên kiệu được đưa lên vai, đám rước lùi ra sân, vòng lại tiến thẳng về đình dưới sự điều khiển của ban nhạc lệnh, nghe quen từ xa dân làng cũng biết đám rước đang đưa hay tiễn căn cứ vào nhặt khoan của tiếng trống hay độ rền của tiếng bù rù.
Nhìn vẻ nghiêm trang của đoàn người đi rước, từng bước đi trịnh trọng và cẩn thận của những người khiêng, chắc kiệu nặng lắm! trong đầu tôi tưởng tượng có một vị thần to lớn, oai phong lẫm liệt đang ngồi trên đó, khiến tôi càng tin lời mạ dặn dò khi đi qua các miếu phải cung kính, cúi đầu đi nhanh, không được nhìn thẳng vào chính điện để tránh sự quở phạt của thần linh và còn bao nhiêu điều mạ dặn “không nên” đối với thế giới tâm linh mà mạ tưởng tượng ra. Tôi còn nhớ có một hôm đi ăn giỗ về chạng vạng tối, nghe tiếng chuông chùa đổ, mạ vội kéo tôi đi nép bên đường mặc kệ gai tre và cây xấu hổ dưới đôi chân trần. Mạ nói thời khắc đó các vị thần đang dẫn âm binh đi tuần.
Theo lễ rước về đình, bọn trẻ chúng tôi chờ xem luôn lễ khai mạc. Sau lễ là một bữa liên hoan đáp ứng lòng mong đợi của người nông dân sau bao ngày vất vả một nắng hai sương trên đồng ruộng. Tôi nghe người lớn ví von bữa liên hoan này đối với người nông dân như “đất khô vô phở” (nước vào ruộng hạn).
Ban tổ chức cắt cử chuẩn bị nhân lực từ mấy ngày trước, bắt đầu từ khuya sao cho đến gần trưa đã đâu vào đó. Trên các điện thờ vật phẩm đầy đủ, dưới nhà bếp xôi đã đựng đầy các thúng, thịt thái đầy các nong nia, các nồi quân dụng xương hầm, thịt xáo đã sôi rúc rích. Tiếng cười nói, tiếng va chạm vật dụng, mùi thơm của thức ăn lan tỏa cả góc làng.
Mặc dù phải thức thâu đêm làm việc, nhưng trên khuôn mặt của các chàng trai, cô gái làng không lộ vẻ gì mệt mỏi bởi qua ánh mắt lanh lẹ, nụ cười duyên dáng của họ khi trò chuyện. Chắc đây là cơ hội để họ chứng tỏ mình, các cô trổ hết tài nấu nướng, các chàng ra sức tháo vát. Lúc này tôi mới hiểu câu tục ngữ mà bà tôi thường khuyên bảo các cô, chú tôi khi chọn vợ, chồng: “Trai khôn tìm vợ chợ đông/ Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân”.
Trên đình vị chủ lễ rà soát lại vật phẩm. Các tộc trưởng và bô lão trong làng đã tề tựu đầy đủ đứng vào hàng ngũ theo từng họ tộc của mình từ cao xuống thấp, kéo dài từ điện ra cuối sân cách nhau một tầm lạy. Tiếng trống, tiếng chiêng nhẹ nhàng vang khẽ rồi rõ dần, dẫn nhịp đi vào lễ tế.
Vị chủ lễ đốt nhang xong quỳ xuống lạy dâng sớ (đại ý báo cáo thành quả mùa màng trong mùa qua và xin ban cho dân làng gặp may mắn, an lành, hạnh phúc). Mỗi khi chuyển sang một điều xin, một khoản việc thì chủ lễ lạy một lạy, theo tiếng trống mọi người vừa lạy theo và cùng tung hô “Hơn bái” vang dội cả một góc làng kết hợp với tiếng bù rù Ù Ù tạo ra một không khí vô cùng trang nghiêm và huyền hoặc.
Ấn tượng nhất là lễ tế Mao Huyết. Lúc này cạnh sân đình, nơi một sân đất nằm dưới hàng sứ già đang nở bông trắng rực, bốn lực điền dẫn vào một con trâu tơ được ăn no, tắm sạch. Bằng những động tác thuần thục họ đã quật ngã, mổ lấy huyết từ ngực và lông ở đầu đựng vào chiếc khay chuyên dùng, trao cho một người mặc lễ phục đang chờ sẵn. Người này đội chiếc khay trên đầu đi lên điện tế đứng vào vị trí ấn định.
Một hồi trống và bù rù vang lên, cả sân đình im phắc. Người đội tế phẩm quỳ xuống. Tiếng vị chủ lễ xướng lên “Mao huyết tế” vừa dõng dạc, vừa nghiêm trang, kéo dài như tiếng hát. Nghe một tiếng trống, tất cả những người tham gia đồng loạt nhái to theo vị chủ lễ, cứ như vậy lặp lại ba lần, âm thanh theo gió lan trên mặt sông vang to cả một vùng rộng lớn.
Nhắc đến chuyện làng tế ở quê tôi là khơi dậy cả một rừng kỷ niệm đầy cảm xúc. Tùy theo thời điểm và hòan cảnh mà người làng tôi lưu giữ những mảng hồi ức khác nhau, từ chuyện hẹn hò của những cặp vợ chồng đã nên đôi lứa trong mùa lễ hội cho đến những chuyện cười ra nước mắt
Như chuyện chú T muốn có tiền chơi bài phải dùng kế làm tê liệt ý chí vợ. Đang xung trận chú bỏ ra ngoài. Chờ lâu quá thím T đi tìm, ra vườn thấy chiếc quần của mình bị máng ở gốc mít mà tiền mất hết biết mình bị mắc mưu, thím chạy ra làng túm cổ chồng kể tội trước mặt mọi người làm mọi người được một trận cười bò...
Rồi chuyện O T đi tìm con chơi trong lễ hội, trời tối sợ ma, mặc dầu trong tay đã cầm cây đèn bão, để an toàn hơn o T đã nghĩ ra một cách trị ma độc đáo là tuột quần xuống. Khi gặp người đi ngược chiều dừng lại hỏi thăm, o quên kéo quần lên. Mọi người hỏi, o thật thà nói: “Cái ni con chi … cũng sợ chứ đừng nói ma”. Chuyện đã làm cho mọi người vừa dị vừa cười đến xỉu luôn.
Những năm đình làng tôi bị trưng dụng làm kho thóc hợp tác xã, ruộng tế của làng sung công, do không quen phương thức sản xuất mới nên dân quê tôi đói lắm, thanh niên quê tôi ao ước một bữa ăn làng tế, lúc đó ký ức hiện về, cả đám thiếu niên chúng tôi ngồi quây quần bên những chiếc mâm đầy xôi thịt, vị ngọt của thịt, bùi của xôi, những trò chơi nghịch ngợm thuở nhỏ. Những kỉ niệm đó đã theo tôi suốt cuộc đời đầy phong trần, rong ruổi khắp mọi miền đất nước. Tuyệt nhiên tôi không tìm lại được ở đâu hương vị của ngày xưa.
______
Ảnh: Lương Quang Tuấn
Gần đến ngày đó, thôn xóm được dọn dẹp sạch sẽ, ngoài đồng mồ mả được dẫy chạp gọn gàng, quanh sân đình dựng nhiều rạp, kê nhiều bàn ghế, cổng làng và cổng đình đã kết dựng long môn bằng những thân cau kết tàu dừa cùng dây tơ hồng, cờ phướn tung bay rực rỡ, trong đình ba gian bài vị và hai hàng thập bát binh khí đã được sơn son thiếp vàng, chuông trống, bù rù, phèng la đã sửa giọng, trâu bò thịt cột đủ dưới các gốc sầu đông ngoài khuôn viên đình, hậu cần chuẩn bị xong là làng khai hội.
Bọn tôi còn nhỏ, chẳng được sắp đặt việc gì, đó là những ngày đầy kỷ niệm, vui còn hơn Tết, được nghỉ học (trường làng đã được trưng dụng), suốt ngày quanh quẩn bên lễ hội, hết xem tế lễ lại rủ nhau chơi các trò đánh bi, ném quay, đánh căng, ô quan, cướp cờ, ăn no nê rồi nhảy xuống sông chơi những trò chơi dưới nước như lặn bắt, ném bóng, thi vượt sông. Người lớn ngoài số chuyên trách lễ tế, còn lại thay phiên nhau làm xong công việc được cắt cử, sau đó tập trung đầu làng tham gia hoặc tổ chức chơi những trò chơi như : Bài chòi, bóng chuyền, ném bi sắt, cờ tướng. Tối đến họ đánh bài, xóc đĩa, tài xỉu, xì lát ăn tiền theo quy định của làng không mang tính sát phạt.
Sáng tinh mơ tôi thức dậy, không thấy mạ ở nhà, biết mạ đã đi tham gia nấu nướng phục vụ lễ tế, tung tăng chân sáo tôi ra đình làng, ở đó mọi người đang ăn sáng, trừ những vị cao tuổi và người có chức sắc, còn lại tự phục vụ, tôi sà vào cùng những đứa bạn đang sì sụp húp cháo nước xít, hương vị của loại cháo này có mùi thơm của nếp, bùi đậu xanh, béo ngậy của váng mỡ, ngọt của nước luộc thịt cùng tất cả thịt vụn thừa khi chế biến, cháo có màu mận nhạt bởi huyết ứ lấy ra từ ngực heo bò khi mổ, cháo đang nóng trước khi ăn cho một ít ngò gai và rau răm thái nhỏ sẽ dậy mùi rất thơm, đó là mùi đặc trưng của cháo nước xít. Đang đói mà ăn cháo này, húp đến đâu mát ruột gan đến đo, khỏe hẳn ra, đủ năng lượng cho tôi tha hồ nghịch ngợm.
Những ngày làng tổ chức lễ tế, hàng sáng điểm tâm xong chúng tôi thường rủ nhau lên đình xem các bậc cao niên tổ chức lễ tế. Nhìn vào đình tôi thấy ba gian điện thờ chưng đầy vật phẩm, đèn nến sáng trưng, khói nhang nghi ngút. Với đầu óc của đứa trẻ chưa đủ mười tuổi như tôi, thêm lời kể của bà nội và dặn dò của mạ và trước sự cung kính của những vị cao tuổi khiến tôi không đủ can đảm nhìn thẳng vào các bài vị, với tôi sau làng khói nhang đó là cả một thế giới tâm linh đầy huyền bí. Theo lời bà nội thì đình có ba gian thờ, giữa thờ Thành hoàng, hai bên là hai vị Khai Canh (canh tác), Khai Cơ (cơ nghiệp) phía sau là các vị hiển linh khác. Hai vị Khai Canh, Khai Cơ có miếu riêng nên mỗi lần lễ tế phải tổ chức lễ đưa rước.
Hôm nay, trước sân đình ban lễ tế đang khởi hành rước hai vị thần về. Dẫn đầu đoàn rước là vị chủ lễ dễ nhận biết qua trang phục truyền thống (áo dài, khăn đóng) màu đỏ cam có thêu chữ “Thọ” lớn giữa ngực, tiếp là các tộc trưởng trang phục như vị chủ lễ chỉ khác ở màu xanh biếc, theo sau là một chiếc kiệu có bốn người khiêng. Kiệu được làm bằng gỗ có màu sắc tao nhã không cầu kì, trên đặt một chiếc ghế như một chiếc ngai, trước ngai là một chiếc bàn nhỏ để đặt hương án và tế phẩm, kiệu được hai người cầm hai chiếc tán lớn màu vàng có tua ngũ sắc đi kèm hai bên che mưa nắng, tiếp theo là ban nhạc hiệu và đoàn người áo dài khăn đóng cầm cờ ngũ sắc trật tự đi hai hàng hộ tống. Cuối cùng là những bọn nhóc chúng tôi, hôm nay đứa nào cũng sạch sẽ, đi đứng trật tự có hàng lối không xô đẩy và ồn ào như mọi khi.
Đoàn rước đi đến miếu thì tiếng nhạc im. Chỉnh trang lại lễ phục, vị chủ lễ tiến lên trước miếu, các tộc trưởng tách hai hàng nghiêm trang đứng hai bên, kiệu được đưa gần sau lưng vị chủ lễ, nhạc hiệu nổi lên bốn người khiêng kiệu đồng loạt làm các động tác thuần thục “vai, eo, nài” đặt kiệu xuống đất. Khi hương đèn đã thắp lên thì vị chủ lễ sì sụp lạy, miệng lâm râm khấn vái nói lý do xin rước ngài về đình, tiếng bù rù rền như sấm nghe như từ dưới đất chui lên, là lúc vị chủ lễ cung kính bưng bài vị ngài đặt lên ngai và bát nhang đặt lên án hương trên kiệu, một hồi trống lệnh vang lên kiệu được đưa lên vai, đám rước lùi ra sân, vòng lại tiến thẳng về đình dưới sự điều khiển của ban nhạc lệnh, nghe quen từ xa dân làng cũng biết đám rước đang đưa hay tiễn căn cứ vào nhặt khoan của tiếng trống hay độ rền của tiếng bù rù.
Nhìn vẻ nghiêm trang của đoàn người đi rước, từng bước đi trịnh trọng và cẩn thận của những người khiêng, chắc kiệu nặng lắm! trong đầu tôi tưởng tượng có một vị thần to lớn, oai phong lẫm liệt đang ngồi trên đó, khiến tôi càng tin lời mạ dặn dò khi đi qua các miếu phải cung kính, cúi đầu đi nhanh, không được nhìn thẳng vào chính điện để tránh sự quở phạt của thần linh và còn bao nhiêu điều mạ dặn “không nên” đối với thế giới tâm linh mà mạ tưởng tượng ra. Tôi còn nhớ có một hôm đi ăn giỗ về chạng vạng tối, nghe tiếng chuông chùa đổ, mạ vội kéo tôi đi nép bên đường mặc kệ gai tre và cây xấu hổ dưới đôi chân trần. Mạ nói thời khắc đó các vị thần đang dẫn âm binh đi tuần.
Theo lễ rước về đình, bọn trẻ chúng tôi chờ xem luôn lễ khai mạc. Sau lễ là một bữa liên hoan đáp ứng lòng mong đợi của người nông dân sau bao ngày vất vả một nắng hai sương trên đồng ruộng. Tôi nghe người lớn ví von bữa liên hoan này đối với người nông dân như “đất khô vô phở” (nước vào ruộng hạn).
Ban tổ chức cắt cử chuẩn bị nhân lực từ mấy ngày trước, bắt đầu từ khuya sao cho đến gần trưa đã đâu vào đó. Trên các điện thờ vật phẩm đầy đủ, dưới nhà bếp xôi đã đựng đầy các thúng, thịt thái đầy các nong nia, các nồi quân dụng xương hầm, thịt xáo đã sôi rúc rích. Tiếng cười nói, tiếng va chạm vật dụng, mùi thơm của thức ăn lan tỏa cả góc làng.
Mặc dù phải thức thâu đêm làm việc, nhưng trên khuôn mặt của các chàng trai, cô gái làng không lộ vẻ gì mệt mỏi bởi qua ánh mắt lanh lẹ, nụ cười duyên dáng của họ khi trò chuyện. Chắc đây là cơ hội để họ chứng tỏ mình, các cô trổ hết tài nấu nướng, các chàng ra sức tháo vát. Lúc này tôi mới hiểu câu tục ngữ mà bà tôi thường khuyên bảo các cô, chú tôi khi chọn vợ, chồng: “Trai khôn tìm vợ chợ đông/ Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân”.
Trên đình vị chủ lễ rà soát lại vật phẩm. Các tộc trưởng và bô lão trong làng đã tề tựu đầy đủ đứng vào hàng ngũ theo từng họ tộc của mình từ cao xuống thấp, kéo dài từ điện ra cuối sân cách nhau một tầm lạy. Tiếng trống, tiếng chiêng nhẹ nhàng vang khẽ rồi rõ dần, dẫn nhịp đi vào lễ tế.
Vị chủ lễ đốt nhang xong quỳ xuống lạy dâng sớ (đại ý báo cáo thành quả mùa màng trong mùa qua và xin ban cho dân làng gặp may mắn, an lành, hạnh phúc). Mỗi khi chuyển sang một điều xin, một khoản việc thì chủ lễ lạy một lạy, theo tiếng trống mọi người vừa lạy theo và cùng tung hô “Hơn bái” vang dội cả một góc làng kết hợp với tiếng bù rù Ù Ù tạo ra một không khí vô cùng trang nghiêm và huyền hoặc.
Ấn tượng nhất là lễ tế Mao Huyết. Lúc này cạnh sân đình, nơi một sân đất nằm dưới hàng sứ già đang nở bông trắng rực, bốn lực điền dẫn vào một con trâu tơ được ăn no, tắm sạch. Bằng những động tác thuần thục họ đã quật ngã, mổ lấy huyết từ ngực và lông ở đầu đựng vào chiếc khay chuyên dùng, trao cho một người mặc lễ phục đang chờ sẵn. Người này đội chiếc khay trên đầu đi lên điện tế đứng vào vị trí ấn định.
Một hồi trống và bù rù vang lên, cả sân đình im phắc. Người đội tế phẩm quỳ xuống. Tiếng vị chủ lễ xướng lên “Mao huyết tế” vừa dõng dạc, vừa nghiêm trang, kéo dài như tiếng hát. Nghe một tiếng trống, tất cả những người tham gia đồng loạt nhái to theo vị chủ lễ, cứ như vậy lặp lại ba lần, âm thanh theo gió lan trên mặt sông vang to cả một vùng rộng lớn.
Nhắc đến chuyện làng tế ở quê tôi là khơi dậy cả một rừng kỷ niệm đầy cảm xúc. Tùy theo thời điểm và hòan cảnh mà người làng tôi lưu giữ những mảng hồi ức khác nhau, từ chuyện hẹn hò của những cặp vợ chồng đã nên đôi lứa trong mùa lễ hội cho đến những chuyện cười ra nước mắt
Như chuyện chú T muốn có tiền chơi bài phải dùng kế làm tê liệt ý chí vợ. Đang xung trận chú bỏ ra ngoài. Chờ lâu quá thím T đi tìm, ra vườn thấy chiếc quần của mình bị máng ở gốc mít mà tiền mất hết biết mình bị mắc mưu, thím chạy ra làng túm cổ chồng kể tội trước mặt mọi người làm mọi người được một trận cười bò...
Rồi chuyện O T đi tìm con chơi trong lễ hội, trời tối sợ ma, mặc dầu trong tay đã cầm cây đèn bão, để an toàn hơn o T đã nghĩ ra một cách trị ma độc đáo là tuột quần xuống. Khi gặp người đi ngược chiều dừng lại hỏi thăm, o quên kéo quần lên. Mọi người hỏi, o thật thà nói: “Cái ni con chi … cũng sợ chứ đừng nói ma”. Chuyện đã làm cho mọi người vừa dị vừa cười đến xỉu luôn.
Những năm đình làng tôi bị trưng dụng làm kho thóc hợp tác xã, ruộng tế của làng sung công, do không quen phương thức sản xuất mới nên dân quê tôi đói lắm, thanh niên quê tôi ao ước một bữa ăn làng tế, lúc đó ký ức hiện về, cả đám thiếu niên chúng tôi ngồi quây quần bên những chiếc mâm đầy xôi thịt, vị ngọt của thịt, bùi của xôi, những trò chơi nghịch ngợm thuở nhỏ. Những kỉ niệm đó đã theo tôi suốt cuộc đời đầy phong trần, rong ruổi khắp mọi miền đất nước. Tuyệt nhiên tôi không tìm lại được ở đâu hương vị của ngày xưa.
______
Ảnh: Lương Quang Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét