Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2007

☼••|||°°DecoFan°°|||••☼


Một cô gái Chilê gởi spam đến Mblog. Ác nỗi là liên kết quảng cáo lại dẫn đến một phòng trưng bày mẫu thiết kế nột thất khó rời mắt ra được. Ai đến đây cũng tìm được ý tưởng mình cần: gia đình, doanh nghiệp… tại blog của designer tài hoa này.

Đặt hàng từ Chilê vừa khó khăn vừa… không quen làm (!), nhìn theo mà làm có lẽ dễ hơn! Thành thử Mblog quảng cáo không công chỉ mong các khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ… có thêm tài liệu nghiên cứu. Tiếp theo bài “Có “du” mà chưa có “lịch”, Mblog sẽ lần lượt giúp khách hàng một thư viện bao gồm danh sách những gợi ý qua công bố của người khác.

Tâm sự muốn gởi gắm cùng blog DecoFan này là làm sao cho du khách xem phòng ngủ của mình là nơi họ lấy lại năng lượng qua một ngày làm việc; di chuyển, nơi mọi mệt nhọc tan biến và có một giấc ngủ êm. Không còn gặp những chuyện đại loại như: trước khi ngủ phải đi đến cuối phòng để… tắt đèn sau đó không thấy đường trở về giường, xem tivi một lát là chóa lòa vì một ngọn đèn phía sau tivi rọi ngay mắt, máy lạnh thổi thắng lên chỗ nằm nên phải dịch giường ra nơi khác, rồi phòng tắm… nhiều chuyện lắm… và cuối cùng là phòng phải đẹp nữa!


Thứ Năm, 30 tháng 8, 2007

Có "du" mà chưa có "lịch"


Hòa vào thiên nhiên với đủ loại cây cỏ (mà đa số là bằng bê tông, nhựa), cổ hóa hoặc bình dân hóa cảnh quan, vật dụng, trang phục… đang là mốt tại nhiều cơ sở lưu trú và lữ hành. Không kể những nơi do giới nhà nghề thực hiện, số còn lại là những chắp vá nhiều lúc tréo ngoe. Đó là chỉ mới nói tới cơ sở hạ tầng, còn các sản phẩm du lịch khác được thiết kế theo chiều hướng này (sinh thái, về nguồn…) cũng có nhiều điều không ổn.

Chuyện là ở chỗ người thực hiện không rõ điều cần thể hiện dẫn đến sản phẩm như một phác thảo thô ráp. Cái sự du (của khách) với mong muốn mang lại cái lịch (lãm) cho họ không được thỏa mãn, sản phẩm sẽ bị quên và chán. Có một nhà hàng thường được những người sành ăn tìm đến khi đi Phú Quốc, vào lúc thực khách ăn tráng miệng, ông chủ nhà hàng đến ngồi cùng bàn rồi giới thiệu rõ từng món ăn đã được chế biến công phu như thế nào, kể cho họ vì sao dân đảo có nhiều món ăn độc đáo và rất ngon. Ông đã biến bữa ăn tối thành một trải nghiệm văn hóa ẩm thực xứ lạ cho du khách.

Nhằm giúp các nhà thiết kế sản phẩm du lịch (sờ được và không sờ được) có thêm tư liệu để thể hiện cái hồn nam bộ trong sản phẩm của mình, Mblog giới thiệu website hobieuchanh.com do Tiến sĩ Trang Quan Sen và nhiều người khác thực hiện. Bên cạnh việc cho phép tải bản in điện tử và bản âm thanh được thực hiện rất công phu, hobieuchanh.com còn có bản chú thích các phương ngữHồ Biểu Chánh đã sử dụng, rất nhiều trong số đó nay không còn dùng nữa.


"Cơm Điền chủ" một sản phẩm rất được ưa chuộng
tại
Làng du lịch Mỹ Khánh, Cần Thơ


Mblog

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2007

Dừa sáp Cầu Kè

Dừa sáp, chỉ có tại Cầu Kè, Trà Vinh, còn gọi là dừa đặc ruột. Cơm dừa sáp rất dày, phần còn lại sền sệt như kem. Giống dừa tại Trà Vinh lấy từ Campuchia (khoảng từ 1960). Mỗi cây dừa cho từ 90-100 trái/năm, nhưng chỉ có từ 30-40% là cho trái sáp. Giá từ 15.000đ đến 25.000đ/ trái. Đặc biệt, mùa Vu Lan năm nay giá nhảy lên 90.000 đ và sau đó là 150.000 đ/ trái!


Nước dừa sền sệt như kem

Du khách rất mê loại quà vặt này

Ông Thạch Chịa (Cầu Kè, Trà Vinh) kiếm hàng trăm triệu mỗi năm từ dừa sáp


Kiểu ăn đơn giản

Ly kem dừa này không phải ở đâu cũng có

Phù Sa Lộc

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2007

CHUYỆN DANH THIẾP


Phan Huê
Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt

Thời hội nhập, chuyện làm việc với người nước ngòai đã trở nên bình thường đối với các cơ quan nhà nước. Tấm danh thiếp tuy nhỏ nhưng là phần không thể thiếu trong các cuộc tiếp xúc đó.

Đa dạng về hình thức, phong phú về… cách dịch!

Nếu chịu khó sưu tập danh thiếp của các cán bộ làm việc cho cơ quan nhà nước chúng ta sẽ thấy được nhiều điều thú vị

Về kích cỡ: có danh thiếp khá lớn, có danh thiếp be bé; có người in ngang, có người in đứng. Cách trình bày và phông chữ cũng không mấy khi giống nhau; logo của ngành hay địa phương thì ít khi xuất hiện hoặc mỗi cá nhân tự sáng tạo theo cách riêng của mình!

Tuy nhiên nếu so với nội dung, thì sự “đa dạng, phong phú” kể trên dù sao cũng còn khiêm tốn.

Phần tiếng Việt của các danh thiếp hầu hết rất rõ ràng (tất nhiên) với tên đơn vị, chức vụ, các số điện thọai, thậm chí đôi khi cả địa chỉ nhà riêng. Nhưng qua phần tiếng Anh thì nếu …không biết tiếng Việt, khách sẽ rất khó để hiểu được đó là cơ quan nào, công chức sẽ tiếp họ thực sự phụ trách công việc gì! Điều này thật không đơn giản nếu đó là tra cứu trên danh bạ hoặc website.

Ví dụ: cùng là Sở Du lịch, nhưng có địa phương dịch là Tourism service, nơi thì Department of Tourism hoặc như ở một thành phố lớn, nó lại là Administration of tourism. Cùng là cục (thuộc bộ) nhưng có nơi dịch là department, nơi khác thì là national office hoặc agency. Đều là chuyên viên cơ quan nhà nước nhưng có ngừơi gọi mình là …Specialist, trong khi người khác xưng danh expert (chuyên gia) và lâu lâu mới có người chịu dùng từ khiêm tốn Government Officer (công chức nhà nước). Cùng là trưởng phòng, nhưng người thì director, người khác lại là manager hoặc head of…

Các danh hiệu như Nhà giáo Nhân dân, nghệ sỹ ưu tú, hoặc các chức danh trong quân đội, công an thì cũng mỗi nơi đều tự biên tự diễn theo ý mình, miễn sao có tiếng Anh trên danh thiếp … là vui rồi!

Tôi có biết một giảng viên tiếng Anh khá nổi tiếng của một trường đại học lớn nhất nhì TPHCM, nhưng ông nói ông không dịch được danh từ “ấp văn hóa” hay “ khu phố văn hóa”. Còn anh bạn tôi lại đánh đố một chuyên viên đang công tác tại Ban Chỉ Đạo Tây Nam Bộ “Dịch cái tên cơ quan anh sao cho người nước ngòai hiểu đó là cơ quan lãnh đạo cấp vùng”. Hầu hết tên các cơ quan của khối Đảng, đòan thể đều rất khó dịch vì không có từ tương ứng. Thật không dễ gì chuyển những danh từ như Ban dân Vận, Đảng Ủy Dân – Chánh – Đảng sang tiếng Anh, Pháp, Nhật mà người nước ngòai hiểu được, nhưng không vì vậy chúng ta để cho hai cơ quan có cùng tên trong tiếng Việt ở hai tỉnh, lại có tên khác nhau trong tiếng nước ngòai.

Danh thiếp không thể là chuyện nhỏ

Với những ví dụ nêu trên, người viết không nhằm nói ai dịch đúng hay sai, mà chỉ muốn đề cập đến một thực tại: hiện nay không có sự thống nhất dịch tên các cơ quan nhà nước và chức vụ ra tiếng nước ngòai. Bên cạnh đó, cùng với việc không ghi rõ công việc chuyên trách của những người có chức vụ giống nhau (ví dụ: cùng là phó phó giám đốc sở nhưng có người phụ trách tài chính, người phụ trách đầu tư; hoặc cùng là chuyên viên trong một phòng, nhưng có người lo hồ sơ, người lo giao tế bên ngòai), sẽ làm cho các đối tác quốc tế rất khó biết cơ quan nào và ai là người họ cần liên hệ.

Nên chăng cần có một cơ quan chịu trách nhiệm dịch tòan bộ các tên gọi và các chức danh của Nhà nước ra tiếng Anh như một văn bản chính thức, rồi công bố trên website cho cả nước thống nhất sử dụng? Xa hơn nữa, trên mỗi danh thiếp của công chức cần có biểu tượng như là một sự quảng bá thương hiệu cho địa phương hoặc ngành mình.

Nước ta đã gia nhập WTO, từ nay đối tượng tiếp xúc của các cơ quan nhà nước không phải chỉ có người trong nước, vì vậy xin hãy chú ý đến những tấm danh thiếp cỏn con có tiếng nước ngòai.

____________________________________________

Bài đã đăng trên TbKTSG
Số : 35-2007 (871) - Ngày : 23-8-2007

Tác giả: Phan Đình Huê
Công ty Dịch vụ - Du lịch Vòng Tròn Việt
62/9 Trần Bình Trọng, quận Bình Thạnh, TPHCM

Mobile: 091 3683 148
08. 515 39 35

____________________________________________

Tài liệu bổ sung:

Về việc trình bày danh thiếp
& thể hiện chức vụ bằng tiếng Anh trên danh thiếp


Thứ Hai, 27 tháng 8, 2007

Nhớ Mẹ mùa Vu Lan

Trần Kiêm Đoàn











Khi nắng xế bên hồ sen mãn nhụy

Hơi Hạ nồng lành lạnh thoảng hơi Thu

Mùa nhãn hết vỏ khô vàng dưới đất

Bầy dế mèn trũi mắt nhớ đêm mưa


Ngôi chùa cổ tiếng chuông chiều vọng tới

Mừng ân sư thêm tuổi Hạ cho đời

Thu lại tới mùa Vu Lan trở lại

Hoa nhà ai cài trắng rụng thay lời


Lưu lạc xứ người Thu xưa vẫn đến

Mẹ có về từ cuối nẻo chân quê

Thăm thẳm nhớ nửa đời sau vắng Mẹ

Hồn Vu Lan thương dáng cũ ai về


Đất vô tận Mẹ là hồn của đất

Trời bao la Mẹ là cánh chim mây

Nên hồn ấy chẳng bao giờ phai cũ

Và chim kia không xao xác lạc bầy


Rồi cũng đến tuổi Thu vàng tháng Bảy

Ngoái nhìn ta tóc bạc trắng bơ phờ

Trong hành lý tha hương còn giữ mãi

Hơi mẹ hiền manh áo cũ đơn sơ


Người ta dẫu có trăm ngàn vạn ức

Đời thênh thang lớp lớp nối phù vân

Nhưng chỉ có một Mẹ hiền duy nhất

Sáu mươi hai nhớ Mẹ mùa Vu Lan./.

_____________

Sacramento, mùa Vu Lan 2007


Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2007

Vu Lan nhớ mẹ


Hải Sơn


“Một bông hồng cho anh, một bông hồng cho em và một bông hồng cho những ai đang còn mẹ...”. Mỗi lần nghe những ca từ này, nước mắt tôi cứ chực ứa ra, xúc cảm dâng trào và hình bóng mẹ lại hiện về. Mẹ mất khi tôi chưa kịp nhận ra không có gì thay thế được tình mẫu tử.

Mẹ lấy chồng sớm như nhiều cô gái nông thôn thời đó. Nghe mẹ kể, lúc đầu bà nội không bằng lòng cưới vì thấy mẹ nhỏ nhắn quá, sợ khó sinh đẻ. Ai dè! Mẹ cho ra đời đến 12 đứa con. Con đông, mẹ không thể làm gì khác hơn ngoài việc ở nhà chăm sóc con cái. Tâm trí tôi vẫn còn in đậm hình ảnh mẹ nằm hát ru mấy đứa em ngủ trên chiếc võng bên hiên nhà, dưới bóng mát của cây xoài lớn. Giọng hát của mẹ trầm buồn như ẩn chứa một tâm sự sâu kín.

Có một khoảng thời gian dài ba bị thất nghiệp. Từ một người chỉ quen việc nội trợ, mẹ phải thay ba gánh vác cuộc sống cơm áo cho cả gia đình. Những đứa con còn tuổi học trò ngơ ngác hụt hẫng, chưa đứa nào kịp hiểu mình nên làm gì để phụ giúp cha mẹ. Mẹ theo mấy bà hàng xóm bám lấy chợ từ sáng sớm cho đến lúc tắt nắng để mua đầu chợ, bán cuối chợ. Đôi chân vốn đã yếu vì bệnh thấp khớp được dịp hành hạ mẹ. Những lúc không lê bước nổi, chỗ nghỉ của mẹ là vỉa hè bên hông chợ. Lâu ngày chỗ này thành nơi mẹ bày vài cái áo, cái quần cũ chào mời khách, dẫu sao cũng có chỗ cho con cái biết mà tìm khi cần. Có vài lần chờ lâu không thấy mẹ, chúng tôi nháo nhào đi kiếm cho đến khi mẹ về nhà với vẻ mặt mệt mỏi, xanh xao. Tình cờ tôi biết, những lần như thế là mẹ đi “bán” máu. Số tiền bồi dưỡng của bệnh viện không nhiều, còn phải chia bớt cho “cò”, nhưng chắc mẹ nghĩ cũng giúp con cái no bụng được vài ngày. Thế đó! Tôi đã được hưởng từ mẹ những giọt sữa đầu đời và cả những giọt máu.

Mỗi lần giá cả tăng cao, đôi vai mẹ như oằn xuống hơn. Bữa ăn chung của gia đình thường chỉ có dĩa rau to và tô nước mắm chính tay mẹ pha chế thật ngon để bù vào sự thiếu vắng của thịt, cá. Sau này, dù được ăn ở nhiều hàng quán sang trọng nhưng tôi vẫn cảm thấy không nơi nào có được nước chấm ngon như vậy. Chỉ thỉnh thoảng, cả nhà mới được thưởng thức món cá linh rẻ tiền, kho thật nhiều nước để chấm rau ăn kèm. Nhà mình thời đó, có đủ gạo mới là điều quan trọng nhất.

Bữa ăn nào cũng vậy, mẹ xới chén cơm đầy cho ba và đám con, còn cái chén của mình mẹ luôn để trống. Có lần cơm cháy khét đen, mẹ dùng muỗng cạo bớt lớp ngoài rồi ăn chứ không bỏ di. Mẹ hay rưới nước mắm lên cho cơm cháy mềm lại. Mẹ bảo thích ăn cơm cháy hơn cơm trắng, lâu dần đám con cũng quen với chuyện đó một cách tự nhiên! Tôi nào biết, mẹ đang ăn miếng cơm cháy khô cứng với cái bao tử không lành lặn. Chưa bao giờ tôi nghe mẹ than thở. Suốt cuộc đời ngắn ngủi, dường như mẹ chỉ biết âm thầm hy sinh. Mãi sau này, tôi mới nhận ra mẹ mất sớm còn do sự vô tâm của những đứa con.

Mẹ bình thản đón nhận cái chết, dù đôi lần tôi nghe mẹ lẩm bẩm tiếc, sao cuộc đời quá ngắn ngủi. Hơn 20 năm, tôi vẫn day dứt với câu hỏi không có lời đáp: Mẹ mất vì căn bệnh nan y hay mẹ muốn sớm giã từ cõi đời để đám con mình khỏi phải nhịn ăn lo tiền thang thuốc…

Mười hai đứa con vẫn tụ về làm giỗ mẹ hàng năm. Vài đứa làm ăn khấm khá nên ngày giỗ luôn đủ món ăn ngon, khói nhang thơm bay nghi ngút. Nhưng tôi biết, nếu có cõi tâm linh và mẹ hiển linh mà về với con cháu, mẹ cũng chẳng màng đến món ngon vật lạ đang bày trước mắt. Chắc hẳn mẹ vẫn chọn miếng cơm cháy “ưa thích” lúc sinh thời, để nhường miếng ngon cho con mình. Những kỷ niệm về mẹ luôn là đầu câu chuyện, nhưng chưa một lần có đứa nào nhắc đến miếng cơm cháy của mẹ. Tôi không muốn buổi họp mặt thêm buồn, nên bao lần định kể rồi lại thôi, thâm tâm vẫn mong một ngày có đứa em nào chợt nhớ... và tôi biết mình sẽ còn phải khóc cho sự vô tâm ngày xưa!

Bao mùa Vu Lan không còn được hạnh phúc cài bông hồng trên ngực áo, nhưng trong tim tôi mãi có một đóa hồng tươi thắm. Tiếc là, tôi không còn dịp để nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi! Mẹ có biết là... con thương mẹ không?”.

_______________________________

Bài đã đăng trên TbKTSG
Số : 34-2005 (766) - Ngày : 18-8-2005
Ảnh: Văn Thành Châu

BẾN MẸ

Trần Kiêm Đoàn

- Đừng ra xa nữa, coi chừng... hỏng cẳng chết trôi con ơi!

Nhớ ngày xưa, mẹ tôi vẫn thường nhắc tôi như thế mỗi buổi chiều ra tắm sông Bồ. Hai phần đời người đi qua. Mẹ tôi không còn nữa. Bến Dấu Hàn trên khúc sông Bồ viền quanh phía Đông làng Liễu Hạ năm xưa nay đã “cũ”. Tôi về thăm lại, chỉ còn thấy cỏ lùng, cỏ lát mọc um tùm. Thế nhưng tiếng vọng của Mẹ – bất cứ bà Mẹ nào trên trái đất – cũng đều là lời kinh ghi nhớ suốt đời cho những đứa con. Gã Đất Lành (Gable Goodearth), nhà tâm lý giáo dục Ireland, đã làm một cuộc thăm dò suốt 12 năm với gần 1026 tử tù trên khắp thế giới đã tìm thấy rằng, có hơn 810 người tù kêu tiếng cuối cùng là “Mẹ”, “Mẹ ơi!”, “Con thương Mẹ”, “Mẹ tha thứ cho con”! trước giây phút bị hành quyết.

Tử tù! Những tâm hồn bạo tàn, oan khiên, chai đá nhất cũng chỉ còn Mẹ là dòng tinh huyết cuối đời trước khi nhắm mắt buông tay.

Viễn khách, kẻ tha hương thường liên tưởng quê hương với Mẹ. Ngày còn Mẹ, mỗi lần về thăm quê có nghĩa là về thăm làng. Ngày vắng Mẹ, đứa con phương xa về thăm đất nước; đâu cũng là tổ quốc, làng cũ vẫn như xưa nhưng tôi vẫn cảm thấy hình như thiếu một chút chất men nồng đượm của quê nhà. Có lẽ vì quê hương là quê mẹ. Ngày vắng mẹ rồi, lòng mẹ trãi dài khắp mọi miền đất nước nên đâu cũng là…, mà cũng không là, trọn vẹn một quê hương!

Tiếng vọng lời dặn dò của Mẹ “coi chừng hỏng cẳng” cứ mãi theo tôi mà lớn, mà già, mà phấn đấu với đời, mà hiện hình với ngày tháng.

“Hỏng cẳng” với mẹ tôi là gặp vùng nước sâu trên sông, chân không đứng được trên đất sẽ bị uống nước, chết trôi. Hỏng cẳng giữa đời là chơi vơi không có chỗ đứng cho mình, cuộc sống sẽ bị chao đảo, mất chỗ dựa. Nhưng hỏng cẳng trong chính mình mới quả thật là bi kịch của đời sống.

Thời mới lớn, ngay cả khi biết bơi khá giỏi, đủ sức bơi ngang bơi dọc trên sông Bồ, sông Hương tôi vẫn còn lo… hỏng cẳng. Trong dòng nước tuy đã quen, nhưng khi bơi trên những tầng rong rêu xanh lè vờn qua, vờn lại dưới đáy sông, tôi vẫn cảm thấy rờn rợn khi tưởng tượng đến thế giới bí ẩn bên dưới. Có chăng những âm binh, ma rà, quái vật sẵn sàng kéo tôi về một thế giới khác. Lòng sông cũng như lòng người. Khi thấy được thì chẳng phải là điều đang thấy; khi dẫm chân lên hay sờ mó được thì nó biến tướng vô hình hay thiên hình vạn trạng.

Vào đời, tôi muốn cầu toàn nên lại càng thường xuyên bị… hỏng cẳng. Trễ là hỏng chân: Trễ giờ, trễ hẹn. Thiếu là hỏng cẳng: Thiếu thông tin, thiếu chính xác, thiếu của, thiếu người, thiếu tin tưởng. Mất là hỏng sạch: Mất công, mất thì giờ, mất việc, mất bạc, mất vui, mất sướng… đều là những khoảng trống làm hỏng chân, hỏng cẳng bất cứ khi nào.

Thằng Bờm còn có cái quạt mo để đổi. Thằng Cuội còn có gốc cây đa để ngồi. Người trần gian lên tới vua, quan, công, hầu, khanh, tướng… sau một đời đi qua, rồi cũng tan loãng như mây trên đỉnh núi. Bơ vơ. Bèo bọt. Không một chỗ nương thân. Tại sao tôi không có cái bến nào để tới, để dựa, để khỏi hỏng chân? Có dừng lại một chút với cơm áo, gia đình, cuộc sống thì liền theo sau là cả một chuỗi hỏng chân như kéo dài bất tận.

Mọi vật và mọi việc đổi thay như chong chóng mà tôi thì không tìm thấy một bến bờ nào để dựa hay ít nhất cũng có thể trú chân cho khỏi hỏng cẳng. Có chăng một nơi vượt ra ngoài mọi lý luận, định kiến và hoài nghi. Chỗ dựa cuối cùng không bao giờ đổi thay với cảnh, với tình, với người, với vật… làm ta hỏng cẳng là Lòng Mẹ. Nhưng chiều nay về làng cũ sau 25 năm sống lang bạt nơi quê người, Lòng Mẹ nơi xóm nghèo một thuở bỗng đi đâu. Gió Nồm cho Mẹ “dên” lúa vẫn về. Tiếng cu cườm gáy buồn và xa vẫn vọng tới. Nắng vàng tươi trẻ sớm mai vẫn già đi với màu chiều sẫm lại. Nơi quê Mẹ, đi đâu cũng có tình Mẹ mang theo. Tôi không cởi áo quần, nhông nhông nhảy xuống hụp lặn dưới sông Bồ hồn nhiên như xưa nhưng cái cảm giác “hỏng cẳng” chợt ùa đến. Tôi nhìn dòng sông quê hương vẫn còn rong rêu chờn vờn bên dưới. Tầm nhìn xa xôi bị ngắt quảng vì nhà cửa lác đác mọc lên bên ruộng lúa một thời xa tít tắp. Dư âm tiếng Mẹ thuở nào không còn đồng vọng. Đời có tươi thì có phai; tình có ấm lên thì có nguội. Vẫn biết thế nhưng tình cảm tự nhiên con nhớ Mẹ, thương Mẹ vượt ra ngoài biên giới chật hẹp của sự hợp lý và vô lý thường tình. Tôi muốn được gối ngủ trên phản gỗ hay giường tre có bàn tay phe phẩy cái quạt mo cau già của Mẹ. Tôi muốn ra bến Dấu Hàn để tắm nhưng có ai tắm được hai lần trên cùng một dòng sông. Sông Bồ còn đó, nhưng Mẹ không còn và bến xưa đã lấp.

Trái tim của Mẹ dẫu là uyên nguyên, là kim cương, là vĩnh cữu vẹn toàn, nhưng cũng phải đổi thay. Ngày Mẹ không còn nữa, dẫu lòng Mẹ có bao la trời biển thì cũng chỉ còn là một ý niệm đẹp. Dẫu có về Bến Mẹ thì vẫn bị lạc hướng vì không biết bến ấy nơi đâu.

Bến Mẹ, bờ xa tìm đâu cho thấy…

***

Có lần được xem một trò chơi cổ của xóm Ấn Độ, tôi nghe chùm âm thanh reo lên từng đợt từ miệng của đám trẻ: “Pa-ra-mi-ta! Ba la mật đa?!”

Khái niệm gốc của tiếng reo “Paramita” có nghĩa là “được rồi” hay “tới bến”. Cái “tới bến” đó đôi khi chẳng có gì to lớn hay kỳ vĩ mà đơn giản như hơi thở. Chỉ cần một hơi thở ra và thở vào lại được cũng là đã “tới bến” rồi. Bởi vì mỗi giây phút đi qua trên quả đất nầy đều có hàng trăm đứa trẻ sinh ra mà không thở vào được và có hàng nghìn con bệnh thở hắt ra rồi xuôi tay nín luôn, không còn được một hơi thở vào khi sự sống đã mất. Vì thế, một đứa trẻ kiểng chân, nín thở để ném được viên bi của nó vào mục tiêu trong cuộc chơi thi đua cũng kể là… tới bến rồi. Có những bến bờ không thấy được vì sự xung động nhẹ như sương ném xuống hồ. Hồ vẫn vắng lặng với tình cảm và tâm linh. Cái bến vô hình đầu tiên ấy là “Bến Mẹ”.

Bến Mẹ là bến yêu thương tròn đầy nhất giữa cuộc sống êm đềm và gai góc nầy. Nhưng rồi, Mẹ già, Mẹ cũng phải rủ áo ra đi. Bến Mẹ chỉ còn trong tâm tưởng của con! Mẹ về với những người muôn năm cũ.

Mùa Vu Lan, khi thu về, là mùa của Mẹ Việt Nam. Bóng dáng bà mẹ phương Đông không là mùa Xuân hoa phấn, mùa Hè rực rỡ như bà mẹ Mỹ châu hay mùa Đông cằn cỗi úa tàn như bà mẹ Phi châu. Mẹ Việt Nam là mùa Thu: Nắng thời xuân xanh của Mẹ đã nhạt màu vì gieo neo nuôi con. Thu quyến rũ vì Thu mong manh. Trời thu cao rộng và sâu thẳm. Mẹ mong manh vì nhân dáng Mẹ đã vàng phai; nhưng lòng mẹ càng xanh mướt mênh mông và sâu lắng vô cùng.

Vu Lan về khi cả thế giới đang vào Thu. Đi từ phương Đông về phương Tây mười lăm năm trước, lòng tôi đã từng ấm hoài khi còn Mẹ; nhưng năm nay, tôi cũng bay theo hướng mặt trời mà chỉ thấy màu nắng cũ buồn thiu khi Mẹ không còn.

Đâu đó, từ trong tâm thức, tôi nghe tiếng vọng “Bát nhã ba la mật đa – Prajna Paramita…”, một tuyên ngôn của đại trí tuệ chinh phục chính mình. Làm sao chinh phục được những xao động ngay chính trong lòng tôi; bắt thời gian của ngày xưa còn mẹ và hôm nay mẹ không còn dừng lại thành một điểm. Và nếu thời gian chỉ còn một điểm không có ngày xưa và bây giờ thì Mẹ nơi đâu? Vui, buồn; thương, ghét… không thể diễn ra cùng lúc mà phải có trình tự trước sau. Cho dẫu hít vào và thở ra hay viên bi rời tay đứa trẻ lăn vào lỗ thì cũng cần động tĩnh của thời gian và không gian.

Tuyên Ngôn Chinh Phục Chính Mình có giải quyết được gì trong dòng biến hiện không ngừng? Khi Bồ tát Quán Tự Tại – là Avalokitesvara, là Như Lai, là Tánh Phật, là Người Thật trong mỗi chúng ta – chinh phục được chính mình và về lại hoàn toàn tuyệt đối trọn vẹn với chân tính của mình thì chẳng cần gì cả. Cần gì mắt mới thấy; cần gì tai mới nghe; cần gì mũi để ngửi; cần gì lưỡi để nếm; cần gì thân để cho hay nhận; cần gì ý để suy nghĩ về ta… một khi ta đã là ta. Cái Ta chân nhân, trong suốt, rỗng lặng không còn cưu mang hai bờ đối nghịch. Không sinh thì có gì để mà diệt; không dơ thì đâu cần sạch; không tăng thì còn gì để mà giảm… nên mọi giá trị nhìn ngắm, cân đo, lớn nhỏ, đẹp xấu, thương giận cũng không còn.

Chiều Vu Lan, bao người thổn thức buồn thương vì mất Mẹ. Người ta bỗng hóa buồn vui vì tưởng tượng và khách thể hóa bóng mẹ, hồn mẹ với đóa hoa hồng. Cảm xúc thuần túy như rượu ngon, chẳng phá được nỗi buồn vì nỗi buồn như bóng đêm âm u. Chỉ có trí tuệ tuyệt vời mới tìm về được Mẹ. Trí tuệ bát nhã giúp người con đại hiếu Mục Kiền Liên tìm ra được mẹ Mục Liên Thanh Đề đang chịu đựng khổ đau dưới chín tầng địa ngục. Tuy gặp được mẹ rồi nhưng vẫn còn một vọng niệm ta và mẹ nên cơm hóa

thành than. Chỉ khi nào Mẹ có trong ta, ta có trong Mẹ; ta không tìm Mẹ, Mẹ không tìm ta mới gặp được Mẹ. Chỉ khi nào Mục Kiền Liên đứng trước cửa địa ngục A Tỳ mà thấy hết những linh hồn đau khổ bằng cái tâm của Phật - Bồ Tát mười phương; không phân biệt ta, người khắp cả chín tầng địa ngục thì lửa từ bi trí tuệ mới dập tắt được lửa tham ái vô minh. Dẫu có đệ nhất thần thông nhưng còn chấp ngã – chỉ biết khóc cho mẹ mình – thì thần thông ấy cũng sẽ trở thành vô dụng. Bài học Mục Kiền Liên là bài học nhân sinh, rằng, dẫu có tu đến bậc “thánh tăng” trước đôi mắt trần nhỏ bé của người đời mà vẫn còn cố chấp, ngã mạn, tham ái lợi quyền thì vẫn phải còn quay cuồng trong vòng ngũ thú: Tài ba cho lắm cũng đành bó tay khi cơm đến gần mẹ, cháy đỏ thành than vì lửa mông muội, vô minh phát ra từ chính tâm hồn mình. Khi nỗi suy tư về Mẹ gặp nỗi suy tư về ta dấy lên, hòa quyện vào nhau, phá tan thành quách thì hai bến bờ đối đãi cũng không còn. Tiếng chuông, Bến Mẹ, chỉ còn rỗng lặng hư không. Lửa cháy ngất trời hay mây trắng phiêu du trôi đi và chuyển hóa ngay trong lòng ta chỉ bằng một niệm…

Ta gặp Mẹ.

Khi cả tỷ - tỷ người nói lao xao mà cũng chẳng có ai nói với ai lời nào hết vì mỗi người đang tự nói với chính mình. Mỗi người tự chinh phục mình, dắt mình về Bến Mẹ. Gate, gate, paragate, parasamgate… Bồ đề tát bà ha! Đi, đi, đi cho tới bờ tới bến. Không huơ tay, kiểng chân; chẳng phải bước đi đâu cả mà giữ cho tâm hoàn toàn rỗng lặng, nuốt hết lời, hóa thân thành “tuyên ngôn chinh phục chính mình” với tâm không thành trí tuệ nên mới gọi là Tâm Kinh. Bát Nhã Tâm Kinh. Bến Mẹ đây rồi. Hạnh ngộ Mẹ ơi!

______________________

www.trankiemdoan.net
Trên đường Đài Bắc - San Francisco; mùa Vu Lan 2007

Shop hoa tươi đầu tiên của Cần Thơ lên mạng


Thúy Giang, shop hoa tươi đầu tiên tại Cần Thơ lên mạng nhận đặt hàng trực tuyến.

Nhân mùa Vu Lan và kỷ niệm 5 năm thành lập, Thuý Giang có chương trình khuyến mãi từ 10% đến 15% đơn hàng.

Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2007

Đọc sách báo và nghĩ vẩn vơ


Huỳnh Kim

Lâu ngày gặp nhau tại Cần Thơ, người bạn trung niên Sài Gòn hỏi:

- Dạo này ông sống ra làm sao mà thấy không còn sôi nổi lãng mạn như xưa nữa? Tôi trả lời:

- Ngoài chuyện biên tập bài vở thì dành thời giờ nhiều cho chuyện đọc sách báo và suy nghĩ vẩn vơ.

- Suy nghĩ vẩn vơ là suy nghĩ ra làm sao?

- Thí dụ như vầy: có bị xì-trét vì áp lực công việc quá thì thử nhắm mắt lại, nhè nhẹ hít thở thật sâu và tưởng tượng trái đất đang bay la đà trong vũ trụ chớ không phải nó đang đứng im lìm bất động như cái bàn cái ghế cái nhà cái cửa quanh mình. Có nghĩa là chính mình cũng đang là đà chuyển động trong mênh mông vũ trụ. Và có nghĩa là ta đang tồn tại một cách quá ư tràn trề ý nghĩa với cuộc sống bao la này.

- Ôi cái chuyện này nó xưa như… trái đất rồi, sao phải suy nghĩ tới nó trầm trọng điêu linh như vậy?

- Chính vì nó xưa như trái đất mà ta thường hay lỡ quên mất nó đi để rồi cái thân mình cứ cuốn theo xô bồ sự vụ việc hằng ngày tới chừng lên cơn xì-trét thì mới chợt nhớ ra.

- Những khi như vậy, đầu óc mình có tỉnh táo hay không?

- Rất ư là tỉnh táo say mê. Cảm thấy vạn vật quanh ta cũng đang kề vai sát cánh bềnh bồng sinh sôi nẩy nở với ta như vậy. Và rồi trăm lần như một, ta cảm thấy nằng nặng thương yêu cuộc sống này hơn. Mở mắt ra, nhìn lại công việc, ta nhè nhẹ nâng niu nó, từ tốn giải quyết nó với một tấm lòng rộng mở, vị tha ghê lắm.

- Có vẻ như là một kẻ mộng tưởng giữa cuộc sống kĩ thuật số tốc độ vô cùng thực tế bây giờ?

- Ngược lại, nó giúp cho mình ngày càng bản lĩnh tự tại hơn xưa. Mình sống vững vàng hơn và nhẹ nhàng hơn cái thời áo trắng học trò. Mình tự tín mà bước tới ngày mai. Như là dòng sông cứ trôi đi, chảy đi không bao giờ dừng lại và không bao giờ lặp lại; dẫu có lúc lặng lẽ hoặc thác ghềnh, sông vẫn cứ chảy trôi, từ một cội nguồn xa lắc để về lại với biển khơi.

- Trời đất! Quả là miên man suy ngẫm. Thế thì cái chuyện suy nghĩ vẩn vơ này nó liên quan gì tới chuyện đọc sách mỗi ngày?

- Đọc sách ư? Thế thì mời bạn thử đọc lại bài “Đọc sách, một công việc… thực tế” của nhà văn Nguyễn Danh Lam đăng trên Tập san Áo Trắng số 3 ra ngày 15-6-2007 đi. Tôi chia sẻ với nhà văn những điều tâm sự trong bài báo đó, bởi vì từ ngày còn là học trò cho tới giờ tôi cũng là gã mê sách như mê cái đẹp. Tôi thích nhất cái câu Nguyễn Danh Lam đã viết: “Kẽo kẹt đọc mỗi ngày, tôi học”.

Còn nó liên quan ra làm sao với chuyện “nghĩ vẩn vơ” ư? Xin kể bạn nghe hai chuyện.

Chuyện thứ nhất, tôi vừa đọc xong cuốn Người Quảng Nam của nhà thơ Lê Minh Quốc. Tôi cũng là dân gốc Quảng Nam, đã về “làm rể” đất Cần Thơ từ cả chục năm rồi, vậy mà đọc xong cuốn sách đó tôi đã nhẹ nhàng tự nhủ vẩn vơ: Lâu nay mình hay lây cái bệnh tình cảm phân biệt địa phương mà quên mất một chuyện hiển nhiên lịch sử là tất cả mọi người con dân nước Việt đang sống ở châu thổ Cửu Long này đều có gốc gác từ bờ bắc sông Lam. Bởi vì đa phần tổ tiên chúng ta ở đây là những người lưu dân miền Trung đi mở cõi phương Nam. Vậy thì mình phải sống làm sao cho nó xứng với một đồng bằng nở nang từ hơn ba trăm năm trước chớ?

- Còn chuyện thứ hai?

- Bạn có nhớ bài thơ này không:

Trái đất ba phần tư nước mắt

Đi như giọt lệ giữa không trung

Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa thì tác giả bài thơ vô đề tuyệt bút này là Huy Cận; và chính Huy Cận đã tặng cho thi sĩ Xuân Diệu, một bạn thơ thân thiết của mình, làm tác giả bài thơ ấy.

Ở đây tôi xin phép không luận bàn gốc gác bài thơ, mà chỉ xin la đà lãng đãng thưa rằng, nếu như không đọc sách báo và không “nghĩ vẩn vơ” trong cuộc sống này thì chắc là tôi đã khô héo đi bội phần bởi vì tôi chưa “chạm” được vào một bài thơ quá hay và một câu chuyện quá đã như rứa./.


(Bài đăng TBKTSG tháng 7-2007)


Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2007

Mùa lũ

Phù Sa Lộc


Nước ngập trắng đồng. Nước như dải bạc lóng lánh, chập chờn trong nắng. Nước mênh mông. Đẹp. Rất đẹp! Mùa nước nổi.

Rồi nước leo khỏi bờ đê. Nước tràn mặt lộ. Những gốc cây ngâm mình trong nước. Lâu dần, những thân cây lửng lơ phần ngọn, chơ vơ xanh tán lá trong con sóng dập dồn. Mùa lũ về!

Mùa lũ! Mùa nghỉ hè lần thứ nhì của lũ học trò nhỏ thượng ngồn sông Hậu, sông Tiền. Con đường đến trường không còn. Nước xóa. Chỉ còn những con đường nước với lối đi như vô tận. Bằng xuồng.

Sách vở cột lại. Đút đầu tủ. Treo trên xà nhà. Nhà biến thành chòi. Thoi loi. Đơn độc. Giữa mênh mông vô tận nước là nước. Biển nước. Biển nội địa. Biển ngọt.

Lũ học trò nhỏ không còn tung tăng ca hát vui chơi sân trường. Không còn những đêm quây quần bên nhau trên sân phơi nhảy lò cò, rồng rắn dưới ánh trăng xanh. Không còn những đêm cùng gia đình thảnh thơi xem tivi, nghe đài, chuyện trò mưa nắng, ôn lại kỷ niệm xa xưa. Đã hết!

Mưa. Mưa trắng trời. Cánh đồng chìm. Lúa non cắt vội. Nồi cơm lưng. Độn thêm khoai. Khoai úng nước. Sùng!

Những chiếc xuồng con bé bỏng với các em nhỏ xíu chống chèo. Rẽ sóng nước. Bờ điên điển xa. Xanh lá. Vàng bông. Bông vàng rực rỡ. Mùa vàng đẹp buồn.! Những ngón tay non tơ, vụng về ngắt, hái từng chùm. Từng chùm hoa quê hương vàng ánh. Đầy nhóc rổ. Đem về giúp mẹ. Bán. Nấu canh. Làm dưa. Cùng lắm: nấu cháo. Đỡ lòng!

Mùa lũ. Chật vật. Khốn khó. Mùa thất thu: nông sản và sự học!


Thứ Năm, 23 tháng 8, 2007

Một cơ hội được tư vấn miễn phí chất lượng cao có bảo chứng

Thời báo Kinh tế Sàigòn số 35-2007 (871) – (23-8-2007) giới thiệu một cơ hội được tư vấn miễn phí chất lượng cao có bảo chứng, Mblog mạn phép copy toàn văn như một tài liệu có ích cho quý khách hàng tham khảo và khai thác vì TbKTSG không giữ lâu trên mạng:



Sử dụng nhà tư vấn
PUM


Minh Lê


Làm kinh doanh khách sạn mà bán được nhiều phòng thì chẳng còn gì vui hơn. Thế nhưng ban quản lý của một khách sạn tư nhân ở vịnh Hạ Long lại không cảm thấy như thế. Du khách nước ngoài đến khách sạn tăng quá nhanh trong khi nhân viên lại chưa được huấn luyện đầy đủ để phục vụ theo tiêu chuẩn cần thiết. Không có đủ ngân sách để gửi nhân viên đi học, ban quản lý khách sạn này đã nhờ đến PUM . Không lâu sau, một chuyên gia nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực khách sạn người Hà Lan đã đến Hạ Long để tổ chức khóa huấn luyện cho các nhân viên khách sạn này. Khách sạn chỉ chịu chi phí ăn ở và đi lại cho chuyên gia trong thời gian ở tại Việt Nam, các khoản vé máy bay và phí tư vấn thì được miễn.


Việt Nam không phải là nơi duy nhất PUM đã gửi các chuyên gia tư vấn đến. Suốt 28 năm qua, nhiều tổ chức và doanh nghiệp trên thế giới đã thường xuyên tiếp cận PUM Netherlands Senior Experts khi cần một sự trợ giúp hiệu quả cho công việc kinh doanh. Từ quản trị công ty, quản lý tài chính, cho đến công nghệ thông tin, kỹ thuật, sản xuất, tiếp thị và bán hàng, ở lĩnh vực nào PUM cũng có thể cung cấp chuyên gia phù hợp với nhu cầu. Năm 2006 PUM hoàn tất 27 dự án tại Việt Nam, trong đó có dự án vừa đề cập ở trên.



PUM là ai?

PUM là một tổ chức độc lập của hơn 4.000 chuyên gia Hà Lan với sự hỗ trợ của Chính phủ Hà Lan và tổ chức VNO-NCW. Mỗi năm PUM thực hiện trên 2.000 dự án nhờ sự tham gia của các chuyên gia tự nguyện làm việc không nhận thù lao. Với vốn kiến thức và kinh nghiệm phong phú sau nhiều năm làm việc, những chuyên gia ở PUM muốn sử dụng kỹ năng của mình để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các nước đang phát triển.


Các chuyên gia PUM đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp bằng nhiều cách khác nhau. Tùy theo nhu cầu của doanh nghiệp, các chuyên gia sẽ:

- Phân tích, xác định vấn đề doanh nghiệp cần giải quyết và giúp doanh nghiệp tìm ra giải pháp.
- Truyền đạt bí quyết và kinh nghiệm về kỹ thuật và kinh doanh cho nhân viên doanh nghiệp.

- Giới thiệu, làm mẫu và hướng dẫn các kỹ thuật mới.

- Gợi ý các biện pháp nhằm làm tăng hiệu quả kinh doanh và bảo vệ môi trường.

- Giúp doanh nghiệp tạo mối liên hệ với các đồng nghiệp và khách hàng tiềm năng trong và ngoài nước.

- Các chuyên gia vẫn tiếp tục hậu thuẫn doanh nghiệp “từ xa” sau khi dự án hoàn tất nếu doanh nghiệp vẫn cần tư vấn.



Những điều cần biết

Để có thể nhận được sự hỗ trợ từ PUM , doanh nghiệp cần hội đủ các điều kiện dưới đây:

- Người Việt Nam sở hữu ít nhất 51% vốn của doanh nghiệp.

- Doanh nghiệp hoạt động từ hai năm trở lên.

- Số lượng nhân viên từ 10 đến 1.000 người.

- Doanh thu dưới 65 triệu đô la Mỹ/năm.

- Doanh nghiệp chấp nhận chịu chi phí ăn ở, sinh hoạt và di chuyển tại Việt Nam của chuyên gia.


Và điều kiện quan trọng nhất để có thể nhận được sự hỗ trợ từ PUM là hiệu quả dự án mang lại cho doanh nghiệp phải cao hơn tổng chi phí dự án (kể cả chi phí vé máy bay do PUM trả). Người Hà Lan nói chung rất thẳng thắn và đòi hỏi hiệu quả cao trong công việc. Đây cũng là đặc điểm củaPUM và các chuyên gia. Vì thế nếu muốn dự án được PUM chấp thuận nhanh, doanh nghiệp nên đề nghị những dự án có thời gian thực hiện từ 2 đến 6 tuần, có mục tiêu cụ thể. Doanh nghiệp của bạn có thể vào trang web của PUM ở địa chỉ www.pum.nl để tham khảo trước mẫu đơn. Mẫu đơn này có các câu hỏi chia thành năm phần, bao gồm chi tiết về công ty và dự án mà công ty cần sự hỗ trợ của PUM . Khi điền đơn bằng tiếng Anh bạn nên viết ngắn nhưng đủ ý.


Cuối cùng, doanh nghiệp của bạn nên chuẩn bị sẵn một nhân viên nói tiếng Anh lưu loát để thông dịch cho chuyên gia trong trường hợp các nhân viên có liên quan đến dự án không quen dùng tiếng Anh khi làm việc.


Ông Alex Peeters - điều phối viên của PUM ở ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia, cho biết PUM sẵn sàng trợ giúp các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn Việt Nam vừa trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). “Với những kinh nghiệm trong hai lĩnh vực xuất nhập khẩu, các chuyên gia có thể giúp doanh nghiệp Việt Nam xác định nhu cầu thị trường bên ngoài để tạo ra sản phẩm cạnh tranh cho xuất khẩu cũng như giúp doanh nghiệp xây dựng mối liên hệ với khách hàng tiềm năng trên thế giới. Các chuyên gia của chúng tôi cũng có thể tư vấn cho doanh nghiệp các cách cạnh tranh trong thị trường nội địa trước sự xâm lấn của các công ty nước ngoài khi Việt Nam mở thị trường theo quy định của WTO,” ông Peeters nhấn mạnh.



Các doanh nghiệp có thể liên lạc với PUM qua website www.pum.nl hoặc liên hệ trực tiếp với các đại diện của PUM tại Việt Nam:

- Hà Nội: ông Adrie van Gelderen,

điện thoại: (04) 8232564, 0903414043,

e-mail: adrie@fpt.vn

- TPHCM: ông Lex Kraaijo,

điện thoại: 0903755922,

e-mail: pumhcmc@gmail.com



Trái mây gai

Đây là loại trái cây mới xuất hiện trên thị trường địa phận tỉnh An Giang. Trái mây gai dính từng chùm khoảng 14 trái.Mỗi trái dài chừng 4 đốt ngón tay người lớn, bề hông lớn nhất khoảng 2 đốt ngón tay người lớn. Hình dáng và màu sắc trái mây gai giống như củ khoai lang như ngọc, vỏ màu tím nổi gân lấm tấm như hoa văn, giống vỏ trái vải nhưng có rất nhiều gai ngắn xù xì hơi mềm. Dùng dao cắt viền, hoặc dùng móng tay bóc vỏ trái, bày ra từ một tới ba múi có lớp thịt màu vàng, giống như màu trái chuối già nấu chín. Mỗi múi trái mây gai có từ một tới bốn hột màu sắc, hình dáng giống hột me. Cắn miếng cơm trái mây gai, nhai sẽ thưởng thức vị chua ngọt dịu, lạ miệng, hăng hăng mùi vị núi rừng hoang dã.


Theo một số người địa phương, trái mây gai là sản phẩm của loại mây gai (loại dây leo) có xuất xứ từ Thái Lan được “nhập” về qua ngả Campuchia, bán tại chợ Xuân Tô (huyện Tịnh Biên) với giá 20.000 đồng/ký. Dù là loại trái mới, nhưng với mùi vị đặc trưng, giải nhiệt tốt, trái mây gai đã nhanh chóng “chiếm lĩnh” thị trường thành phố Long Xuyên với giá cao hơn chút đỉnh là 28.000 đồng/ký tại khu chợ, còn trong Khách sạn – Nhà hàng Đông Xuyên giá tới 50.000 đồng/kg.


CÚC TẦN

Xuồng “năm quăng”


Đồng bằng sông Cửu Long nổi tiếng với sông rạch chằng chịt. Người bản địa dựa vào đây để khai thác vận chuyển, đi lại thông suốt bằng xuồng ghe. Vậy là các trại ghe xuồng đã mọc lên ở nhiều bến sông, từ nông thôn đến thành thị. Làng xuồng Ngã Bảy (Phụng Hiệp, Hậu Giang) ra đời từ hàng trăm năm nay. Đặc biệt, ở đây còn có một loại xuồng tên là xuồng “năm quăng”…


PHÙ SA LỘC


Tích xưa Theo “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức, đất Gia Định xưa, nay là Nam bộ, có nhiều công xưởng đóng ghe xuồng như: xưởng Chu Sư (trấn Phiên An), Thuyền Xưởng ở trấn Biên Hòa, xưởng Thủy Sư (trấn Vĩnh Thanh) hoặc Thuyền Xưởng ở trấn Hà Tiên… Để hoàn thành một chiếc ghe, người ta cần đến cây rừng. Mà, thuở xưa, cây rừng đâu hiếm. Nào sao, sến, dầu, vên vên, kiền kiền dùng làm ván be, nhưng tốt nhất vẫn là gỗ sao hoặc gỗ sến - những loại gỗ chịu nước rất tài tình. Để làm xà cong và tay lái, người ta dùng gỗ mù u. Còn gỗ bằng lăng làm mái chèo được đánh giá là số một. Làm neo, người ta đẽo lấy gỗ xoài. Sau khi đã chọn được cây, thợ bắt đầu cưa xẻ gỗ rồi tạo dáng từng bộ phận và lắp ráp chúng lại với nhau, theo trình tự: gác tiếp, ghim lô, xây mê, lên giàn đà, làm con lươn, vô be vành ấp vồ, đóng giàn cong, gác then, ấp khẩu, xây chậu mũi và chậu lại, làm mũi, lái, mui, hầm rồi sau cùng là xảm trét. Để xảm trét, người thợ tài hoa miệt này đã sử dụng cây sơn cảm lảm (bùi nhùi hay trám ở núi) trộn với dầu rái. Nhưng, để có một chiếc ghe ngon lành, mỗi trại đều có một bí quyết nghề nghiệp riêng mà người ta gọi là “mẹo”. Đó là kinh nghiệm của người thợ cả, là các thông số kỹ thuật đặc thù được áp dụng cho mỗi loại ghe xuồng cụ thể nào đó. Chính vì vậy mà có câu ca:

Làm ruộng ăn theo mùa

Làm ghe ăn theo mẹo

Theo tác giả Võ Công Nguyện trong bài “Nghề đóng ghe xuồng tại Nam bộ” thì ghe xuồng xưa được cư dân châu thổ đất Chín Rồng sử dụng phổ biến là xuồng ba lá (hay tam bản), xuồng vỏ gòn (hình dáng giống vỏ trái gòn) có kích thước nhỏ, kết cấu đơn giản (giàn đà, cong và ván be), kiểu dáng gọn nhẹ, chủ yếu để đi lại, chuyên chở từ nhà ra đồng ruộng, đến các tụ điểm vui chơi, giải trí, trao đổi, buôn bán rất thuận tiện với cuộc sống “trên bến dưới xuồng”. Xuồng ba lá hiện vẫn còn được nhiều người sử dụng và kêu theo quán tính, dù rằng chiếc xuồng mới đóng có số lượng ván be nhiều hơn 3, có thể là 5, hoặc 7, hoặc 9 tấm ván. Tuy nhiên giá của nó khá mắc, bét nhất là xuồng bằng cây bạch đàn giá cũng từ 1-1,5 triệu đồng một chiếc, tùy bề hoành. Cho nên, người thợ xuất sắc vùng sông Hậu đã nghĩ ra một loại xuồng mang tính “thời sự”, “ăn liền”, có giá trị “kinh tế thị trường” và được người có túi tiền eo hẹp ủng hộ hết mình. Đó là xuồng “năm quăng”.


“Năm quăng” Ngày xưa, mỗi lần ngồi xe đò ngang qua thị trấn Ngã Bảy, qua cầu hướng về Sóc Trăng, khách có dịp thỏa mắt ngắm nhìn hàng bao nhiêu trại ghe nằm san sát hai bên đường. Những tấm ván mới xẻ còn tươi nằm phơi mình trong ánh nắng mặt trời tạo thành cảnh quan thích thú, gọi mời một chuyến phiêu lưu sông nước sắp tới. Thợ xuồng ghe, mình trần đẫm mồ hôi, tay búa tay đinh, tay bào tay đục… miệt mài hoàn thành công việc của mình. Cảnh náo hoạt ấy cho biết Ngã Bảy là một làng xuồng nổi tiếng bậc nhất đồng bằng sông Cửu Long. Cũng như ghe Cần Đước, ghe Ngã Bảy “hùng cứ” nhiều phương trời của lưu vực sông nước mênh mông này và đã tạo nên thương hiệu uy tín nhất nhì trong làng ghe xuồng khu vực.

Ông Nguyễn Văn Be, 60 tuổi, sống tại đây từ nhỏ bằng nghề này, cho biết: Trước năm 1975, làng ghe xuồng Ngã Bảy có khoảng 30 hộ làm ghe tam bản (dài 4 mét), xuồng năm lá (dài 5 thước), xuồng câu (dài 4,2 thước) bằng cây núi mua ở Sài Gòn có nguồn gốc ở Tây Nguyên. Sau đó, họ trở thành xã viên hợp tác xã. Đến năm 1980, làm ăn lỗ lã, họ bung ra làm cá thể. Lúc bấy giờ, nguồn gỗ từ Tây Nguyên bắt đầu hiếm nên họ nghĩ đến việc tận dụng các loại cây tạp ở địa phương cho phù hợp hoàn cảnh kinh tế. Hiện nay, số hộ hoạt động sản xuất ghe xuồng dọc quốc lộ 1 A của thị xã Phụng Hiệp đã giảm đáng kể vì công việc làm ăn kém phát triển dù họ cố gắng nâng cao thương phẩm bằng cây rừng (trâm, trâm đỏ, bình linh, pê-răn…) nhập từ Indonesia. Cây kính trung (45-50cm) khoảng 3 triệu đồng một khối, là loại dùng làm trong xây dựng nhà cửa, đóng ghe, đóng vỏ cho chất lượng tốt. Một chiếc ghe dài 9-10 thước ông Be đóng cho khách giá khoảng 8 triệu đồng. Nhưng loại này chậm hàng vì ít người đặt. Bây giờ, “thời sự” nhất là loại xuồng “năm quăng”. Ông Be cười cho biết: “Năm quăng” có nghĩa là xài “một năm” thì “quăng” đi, mua chiếc khác. Nghĩ, uổng quá. Nhưng kỳ thật loại xuồng này lại quá phù hợp với túi tiền người nông dân, kể cả những chủ vuông tôm giàu có ở miệt Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... Ông tổ của chiếc xuồng “năm quăng” là ông Dương Văn Lạc (Hai Lạc), sinh năm 1954 tại ấp Cái Tắc, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Ông Hai Lạc theo cha ra tận Nha Trang học nghề đóng giường tủ. Năm 1975, rành nghề ông trở về quê nhà kiếm sống. Quá khó khăn, ông tới Ngã Bảy học cấp tốc nghề làm ghe xuồng rồi trở về mở trại. Rồi cũng gặp khó khăn vì dân nghèo quá, ghe xuồng mắc mỏ sao có tiền mua. Vậy là ông nghĩ đến một loại xuồng được thiết kế bằng cây vườn. Loại xuồng có giá cực rẻ ai cũng có thể mua được này chỉ xài một năm là “quăng” nên rất được nhiều người địa phương rồi cả vùng ủng hộ. Tên xuồng “năm quăng” có từ đó. Ông Nguyễn Văn Be bên những chiếc xuồng “năm quăng”.


Ông Nguyễn Văn Be trước đây làm ghe xuồng bằng cây núi, sau thấy mối lợi của xuồng “năm quăng” nên tóm ngay lấy cơ hội. Và ông đã thành công, từ năm 1978 đến nay, ông đã nuôi 8 con, 3 người đã ra riêng bằng nghề này. Trại của ông nằm bên bờ kinh xáng Sóc Trăng chạy ngang chiếc cầu đi vào nhà máy đường Phụng Hiệp. Ông nói: “Xuồng “năm quăng” được làm từ các loại cây: xoài, bạch đàn, gáo, sầu riêng, còng. Đầu tiên là xẻ ván dầy từ 1 đến 1,2 phân, phơi một nắng. Gặp tháng mưa thì để trong nhà hong gió chừng vài ba bữa, sao cho khi đóng ván không nhót, người sử dụng không gặp trở ngại”. Ngoài năm người con làm việc chung, ông Be còn mướn thêm một vài thợ phụ. Thợ ở đây làm bán thủ công, ăn theo sản phẩm nên làm việc không có giờ giấc nhất định. Anh Nguyễn Văn Tú, 37 tuổi, đã có 4 năm làm nghề, cho biết thu nhập bình quân của anh mỗi tháng cỡ 800.000 đồng. Gia đình anh sống được nhờ chị vợ buôn bán lặt vặt phụ thêm. Chính vì thu nhập bấp bênh nên thợ không mấy thiết tha với nghề, thợ giỏi chuyển sang làm việc khác. Nếu làm thẳng thét, mỗi ngày người thợ làm được một chiếc xuồng “năm quăng”, nhận 30.000 đồng tiền công, ăn cơm chủ. Anh Tú vừa đóng be xuồng vừa tâm sự: “Một tấc rưỡi tui đóng 3 cây đinh để đảm bảo an toàn. Có nơi người ta đóng hai cây đinh, xuồng mau vô nước”. Chỉ với vài ba mũi đinh cuối cùng là anh hoàn thành chiếc xuồng. Anh bảo: “Chỉ cần trét chai là xong. “Năm quăng” giá chỉ 120.000 đồng chiếc 3,5 thước, 170.000 đồng chiếc 4 thước và 200.000 đồng/chiếc 5 thước”. Trong khi chiếc xuồng sản xuất bằng cây núi, giá bét nhứt bằng cây bạch đàn giá cũng từ 1 triệu đồng đến 1 triệu rưỡi đồng/chiếc, tùy bề hoành lớn nhỏ. Còn xuồng composite “thời thượng” chỉ những người có tiền mới dám rớ, vì giá từ 7 triệu đến 8 triệu đồng/chiếc 6 thước. Anh Tú còn cho biết, nếu chịu khó o bế thì “năm quăng” cũng xài được lâu hơn: lắp vò (trét dầu chai), sẽ kéo dài tuổi thọ của nó thêm một năm nữa. Ông Be nói: “Năm quăng” giá bèo như vậy nên không cần công đoạn bào láng. Xuồng bán cho người dân vùng nông thôn sâu, những người bán rau cải dạo kinh rạch và những chủ vuông mua rải thức ăn cho tôm, chạy nhứt vào mùa nước nổi. Bình quân, mỗi tháng ông sản xuất theo đơn đặt hàng khoảng 20 chiếc “năm quăng”. Rời làng xuồng Ngã Bảy, dọc theo sông Long Thạnh, còn có một làng xuồng “năm quăng” hoành tráng, mỗi ngày cho ra lò tới 500 chiếc. “Năm quăng”, loại xuồng “thời sự”, loại xuồng “ăn liền” năng động này đang bắt đầu vào vụ khi mùa nước nổi sắp tràn đồng nhiều tỉnh đồng bằng sông nước Cửu Long.

Bún gỏi dà


Website của UBND tỉnh Sóc Trăng, trong phần giới thiệu văn hóa ẩm thực, ngoài những món ăn làm nên tên tuổi xứ này như bún nước lèo, bánh pía, mè láo, bánh cống Đại Tâm, bún xào Thạnh Trị còn có bún gỏi dà. Tuy website Sóc Trăng không nói rõ xuất xứ của món ăn “lạ tai” này nhưng theo tìm hiểu, chúng tôi biết được nơi khai sinh ra món ngon độc đáo ấy là thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên.


Mỹ Xuyên xưa kia được người khắp nơi biết tới với cái tên dân dã là Bãi Xàu, là một thương cảng sầm uất nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh. Trong cuốn Tự vị tiếng nói miền Nam của cố học giả Vương Hồng Sển giải thích: Bãi Xàu, địa danh của Sóc Trăng - tên nôm của huyện Phong Nhiêu thời đàng Cựu - thị trấn mua bán lúa gạo lớn trên con sông Mỹ Xuyên, nên gọi làng ấy là Mỹ Xuyên thôn. Sở dĩ bà con ta ngày nay quen gọi là Bãi Xàu, do phiên âm từ tiếng Khmer là srok Bày Chau, dịch nghĩa là sóc "ăn cơm sống" của người Khmer.

Tương truyền ngày xưa người Khmer, nhơn chạy giặc, đang nấu cơm nơi đây, bỗng nghe tin giặc kịp tới, nên hối hả ăn cơm sống để chạy nữa và lấy tích đó làm tên gọi.
Một tích khác, xưa có đám người vô rừng làm củi, đến chiều, hốt trứng rắn đem về, bỏ trứng vào nước luộc chưa chín thì cặp rắn thần về rượt cả bọn chạy trối chết. Lúc trở lại, lửa tắt queo, trứng rắn thần đã thâu, còn nồi cơm vẫn còn sống nhăn nên gọi Bãi Xàu. Tích rắn rượt để cướp trứng rắn nghe rùng rợn, khiến nhớ công lao khai khẩn đổ mồ hôi nước mắt vật lộn với tử thần rắn độc của người xưa. Nay trên đường từ chợ Mỹ Xuyên đi về Chợ Cũ Bãi Xàu xóm Phước Kiến, có tòa cổ miếu Ba Thắc, sau miếu còn thấy hang rắn và tương truyền đó là cặp rắn hổ ngựa của thần và dân quê mùa sở tại vẫn tin đó là cặp rắn lưu lai của cặp rắn thần đời xưa nhưng đã đi tu nên không thấy nữa.

Rời thành phố Sóc Trăng 5 cây số theo hướng Đông Bắc, đến thị trấn Mỹ Xuyên, đi trên con đường Bãi Xàu cũ ta sẽ gặp tấm bảng “Bún gỏi dà” treo khiêm nhường trước gian quán nhỏ. Trong khi chờ thức ăn dọn ra, bạn thư thả ngắm nhìn những tàn cây xanh mát phủ trùm quán, nghe thoang thoảng mùi vị thơm ngon của món ngon đang được những thực khách xung quanh thưởng thức với vẻ cảm khoái. Chẳng mấy chốc, món ăn nóng hổi được dọn ra.

Đó là những sợi bún tươi trắng ngần được trụng nóng trước khi cho thịt ba rọi xắt lát, tép bạc luộc vừa chín tới bóc bỏ vỏ làm mặt rồi chan xăm xắp nước lèo. Ngắt từng đoạn xà lách, rau thơm, nhúm giá sống cùng chút tương bằm và ớt bằm, bạn thong thả cầm đũa trộn đều, gắp ăn. Vị ngọt thơm của ba rọi, vị ngọt mặn của tép bạc, vị ngọt dai của tinh bột toát ra từ sợi bún, hòa trong mùi thơm của các thứ rau khiến bạn thích thú. Nhưng bữa điểm tâm của bạn thêm phần sảng khoái hơn khi húp một muỗng nước lèo. Đó là thứ nước vừa mặn vừa ngọt vừa bùi vừa thơm vừa thoảng chua, có lẽ ăn hoài không ngán. Giá năm ấy 10.000 đồng một tô.


Nhiều năm nay, bún gỏi dà đã làm cuộc hành trình đến quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, giúp một số người “ăn nên làm ra”. Dọc theo đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, bên phường An Hội, có mấy quán treo bảng bán món này. Con đường Hai Bà Trưng, phường Tân An, cũng có một chỗ bán với giá bình dân, xế chiều nào cũng tấp nập khách quen lẫn lạ. Đâu chỉ có vậy, bún gỏi dà còn “chễm chệ” ngự trên thực đơn Nhà hàng Hoàng Cung (Khách sạn Sài Gòn - Cần Thơ, đường Phan Đình Phùng, phường Tân An). Tuy cũng ngồi “lề đường” nhưng giá tới 16.000 đồng/tô. Chỗ ngồi lịch sự này giúp bạn thỏa thích ngắm nhìn đường phố; thức ăn được chăm chút ngon lành xứng tầm ba sao của khách sạn, được pha chế bằng bún gạo sợi nhỏ rứt, thịt heo khìa (?), cần tàu thơm thơm làm thông cánh mũi, tương xay, ớt xắt lát, đậu phộng rang giòn. Giá vậy đâu có mắc.