Thứ Hai, 6 tháng 8, 2007

Kể chuyện nhà văn Sơn Nam

Huỳnh Kim

(Vài mẩu chuyện khó quên với
tác giả Hương rừng Cà Mau)

“Đừng đạo đức giả”

Năm 1975, gia đình nhà văn Sơn Nam còn ở trong con hẻm nhỏ đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình. Nhà tôi cách nhà ông ba căn; bà con trong hẻm hay kêu ông là “ông Tám”, tôi cũng gọi ông là “chú Tám”. Sống trong con hẻm đó, đa phần là dân miền Trung gốc Quảng Nam như tôi, nên có chuyện gì liên quan tới tánh nết người Nam bộ, tôi hay “trà dư tửu hậu” với ông để… so đọ lại với những nhân vật trong tập truyện Hương rừng Cà Mau của ông. Năm 1976 khi nhập ngũ, tôi cất trong ba lô cuốn truyện chứa bao nhiêu số phận con người và tập quán phương Nam hấp dẫn ấy với hi vọng thế nào mình cũng có dịp… gặp họ.

Tới năm 1986, nhà xuất bản Trẻ muốn tái bản Hương rừng Cà Mau nhưng tác giả không còn cuốn nào để đưa đi in lại. Tôi tặng ông cuốn sách có nhiều kỉ niệm đó, bản do Trí Đăng in trước 1975 - nơi tôi làm thợ xếp chữ và tự mình xếp chữ tập truyện này (hồi xưa còn xếp chữ chì chứ chưa xếp chữ vi tính như bây giờ). Tới chừng sách in ra, ông để dành một cuốn, chờ tôi về nghỉ phép, ký tặng bằng bút bi màu… đỏ. Giờ tôi còn giữ cuốn sách in trên giấy vàng khè này. Góc bìa sau sách đề giá 25 đồng, trên có in bức kí họa tác giả, dưới chú thích: “Sơn Nam tên thật Phạm Minh Tày, sinh năm 1926 tại làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá (Kiên Giang). Tham gia kháng chiến chống Pháp, công tác văn nghệ tại Khu 9. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam…”.


Tánh tình giản dị của “chú Tám” và những nhân vật trọng nghĩa khinh tài trong Hương rừng Cà Mau thấm thía quá; cái tánh hay “lý sự Quảng Nam” trong tôi nghe chừng cũng bớt dần. Nhưng tới khi cấp trên giao nhiệm vụ về Quân khu 9, tức vùng đồng bằng sông Cửu Long, công tác thì tôi thấy vừa mừng vừa lo. Mừng vì nghĩ là từ đây mình sẽ được sống với cái không khí của… hậu Hương rừng Cà Mau. Còn nỗi lo thì tôi đem đi hỏi ông: “Chú Tám ơi, tôi sắp về miền Tây công tác. Tôi nên sống làm sao đây?”. Cũng như mọi lần, ông nói liền chẳng cần suy nghĩ: “Đừng có đạo đức giả”.

Cho tới giờ, đã xuất ngũ và trải qua lắm cay đắng ngọt bùi ở nhiều vùng trong nước, tôi nghiệm lại, cái điều mà nhà văn Sơn Nam nói đó, quả là chí lý.

“Đó là cái đạo”

Năm 1993, Hội Văn nghệ tỉnh An Giang mở trại viết. Nhà văn Sơn Nam nói chuyện về kinh nghiệm viết văn, xong ông theo một tốp đi thực tế ở vùng tứ giác Long Xuyên. Ngồi xe ôm, ông luôn nhắc: “Chạy chậm thôi nghen”, vì ông không biết chạy xe hai bánh mà chỉ thích đi bộ. Ở xã Tây Phú, huyện Thoại Sơn, trong khi chúng tôi cứ loay hoay với mấy cái báo cáo sơ kết, tổng kết về chuyện đi khai hoang vùng tứ giác, thì nhà văn Sơn Nam đã lội lòng vòng quanh chợ xã. Quay về, ông chỉ hỏi anh bí thơ xã mấy câu mà nghe xong thấy… quá nể: “Có gái giang hồ vào tứ giác tìm tình yêu hay không?”; “Có người nông dân bất mãn? Có anh cán bộ cường hào?”; “Điện thoại bàn đã gọi ra quốc tế nhưng sách báo về xã sao thấy còn ít quá?”…

Khi nghe anh bí thơ xã kể chuyện bà con nông dân lập miếu Thần Nông, 17 tháng 3 âm lịch hằng năm họ cúng tạ ơn trời đất, tổ tiên và cây lúa, nhà văn Sơn Nam nói: “Đó là đạo. Làm ruộng là đạo, giữ đất là đạo. Khuyến nông tức là cách giữ đạo làm nông, thì dân mới giàu mạnh được. Tôi lội chợ Tây Phú, thấy có đánh bi-da, có tiệm vàng, có cái kéo rèn từ Phú Tân đưa qua, có bộ xa-lông tre lấy mẫu từ Mộc Hóa, có cô bán quán quê Đồng Tháp, có thầy giáo quê Thanh Hóa… Người tứ xứ về tứ giác sinh cơ lập nghiệp, thì cần giữ cái đạo làm người, thì kinh tế thị trường ở đây mới nên bộ mặt nông thôn mới”.

Khi ghé thăm chùa, thăm khu di chỉ văn hóa Óc-Eo, cánh nhà báo chúng tôi lăng xăng hỏi nhà chùa đủ chuyện thì nhà văn Sơn Nam lặng lẽ thắp nhang trước bàn thờ Phật, cúng dường nhà chùa và bố thí cho người nghèo chung quanh chùa.

Chuyến đi đó, chúng tôi học được từ nhà văn Sơn Nam nhiều chuyện. Cả trong chuyện viết báo, mà cho tới giờ, với tôi, ông là người thầy với lời dạy ngắn gọn, dễ nhớ nhưng khó thực hành: “Cố gắng viết ngắn. Câu nào cũng có thông tin”.

“Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”

Đó là câu cuối trong bài thơ không đề viết “thay lời tựa” cho cuốn Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam. Bài thơ dài 28 câu viết về cái thuở tiền nhân xưa từ miền Trung tha hương vào khai hoang mở cõi phương Nam. Đó là một bài thơ độc đáo hiếm thấy của nhà văn Sơn Nam mà nhiều người đã thuộc lòng vì cái điệu buồn chất chứa trong từng âm điệu, câu chữ.

Nhưng có lẽ ít ai biết bài thơ đó nhà văn viết khi nào và ở đâu. Một hôm, tôi nhớ vào ngày 15-1-2001, ông ghé thăm báo Cần Thơ và nhắn tôi qua chơi. Tôi chở ông về nhà mình, giở cuốn Hương rừng Cà Mau có chữ ký tặng bằng mực đỏ của ông ngày nào, rồi hỏi:

- Bài thơ này chú Tám làm hồi nào vậy?

Ông nheo nheo mắt, nói:

- Viết từ năm 1961, trong nhà tù Phú Lợi. Hồi đó chính quyền Sài Gòn bỏ tù cái tội mình vẫn theo kháng chiến.

Rồi ông ngồi chép lại cả bài thơ trên mặt sau một tờ lịch lớn. Nét chữ của một ông già 75 tuổi mà bay bướm quá chừng. Cuối bài thơ, ông ghi: “Viết thơ này từ năm 1961, nay chép lại tặng Huỳnh Kim, bờ sông Hậu”. Tôi đã nhờ thợ phủ la-mi-na và ép tờ lịch ấy lên một tấm gỗ để lưu giữ được lâu dài bút tích của nhà văn Sơn Nam.


Tôi treo kỉ vật này trên tường kế bên kệ sách và gắn kề bên nét chữ của ông, một chiếc lá cây khô hoang dã đã lìa cành tự khi nào. Chiếc lá ấy, nét chữ ấy, mỗi lần nhìn lên, như nghe có tiếng người xưa vọng lại:

Trong khói sóng mênh mông

Có bóng người vô danh

Từ bên này sông Tiền

Qua bên kia sông Hậu

Mang theo chiếc độc huyền

Năm tháng đã trôi qua

Ray rứt mãi đời ta

Nắng mưa miền cố thổ

Phong sương mấy độ qua đường phố

Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê

***

… Tết Bính Tuất 2006 này, nhà văn Sơn Nam thọ tám mươi. “Muốn về Cần Thơ phải có người đưa chớ không đi một mình được nữa”. Hồi trong năm, ông nói như vậy khi dẫn ông băng qua lộ, thấy ông bước hơi run và ớn xe cộ. Lâu lâu về Sài Gòn, tôi hay ghé thư viện phường 7, quận Gò Vấp thăm ông. Chỗ đó, sáng nào ông cũng ghé vào, uống cà phê, đọc sách báo và trà dư tửu hậu với bất kì ai./.

(Bài này đăng Báo Xuân Bính Tuất 2006, TBKTSG)

Không có nhận xét nào: