Thứ Năm, 16 tháng 8, 2007

THƯ GỬI BÀ MƯỜI XIỀM!

PHONG ĐIỀN

(hiện ngụ tại phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ)

Bà Mười ơi! Xin tự giới thiệu ngắn nhé, tôi cũng là người đồng hương với bà. Không biết bà có rảnh đọc thư này không vì chắc hẳn lúc này bà rất bận. Sau khi tham dự Lễ hội Smithsonian ở Mỹ trở về, bà đã trở nên “nổi tiếng” bởi đã là người có công giới thiệu nhiều món ăn truyền thống Việt Nam cho người Mỹ. Nhất là gần đây, nhiều người càng chú ý đến bà hơn qua vụ “bị tranh chấp thương hiệu” mà nhiều phương tiện thông tin đại chúng phản ánh. Nào là người ta ép diện tích treo bảng hiệu của bà, buộc bà phải truyền nghề, không cho bà hợp tác với nơi khác… Thiệt vậy thì khổ cho bà quá!


Nhưng thiệt tình mà nói, Công ty Du lịch Phù Sa- nơi bị gán là “giành thương hiệu” với bà, chắc hẳn cũng ngỡ ngàng với lời cáo buộc, bởi trước đó khi đài truyền hình địa phương phát hình, người xem và đại diện Công ty cũng thấy rõ là bà cười tươi tắn khi ký hợp đồng. Tưởng là bà Mười đã có nơi có chỗ làm ăn ổn định, thu nhập cũng khá, ai dè…


Bây giờ, ngẫm kỹ lại, cái sai của Công ty này có lẽ chỉ là chuyện giành chỗ khuếch trương thương hiệu hoặc tính sai giá trị hợp đồng, hay là vài điều khoản nhỏ. Mà tất cả những thứ đó hai bên đều có thể ngồi bàn bạc lại. Có thể đó bà Mười ơi! Chứ chuyện “độc quyền” khai thác “thương hiệu” của bà là điều pháp luật trong nước và quốc tế không hề cấm, cũng như chuyện nhiều cầu thủ bóng đá nổi tiếng trên thế giới vẫn “bị” bắt buộc chỉ sử dụng giày của hãng Nike, Adidas… khi ra sân thi đấu nếu đã chấp nhận ký hợp đồng. Hay như trong nước, một ca sĩ nổi tiếng vẫn không thể hát cho tụ điểm nào đó vì phải lệ thuộc vào ông bầu, vào Công ty đã ký hợp đồng độc quyền… Chẳng có doanh nghiệp nào ký hợp đồng hợp tác, bỏ tiền ra mà không tính đến cái lợi của mình đâu bà ơi!


Bà Mười ơi, bà đã có thương hiệu như người ta nói? Thực ra, chắc bà không nghĩ đến điều đó vì bà vốn chỉ là một nông dân lam lũ, chất phác. Đúng là danh chánh ngôn thuận thì chưa vì bà vẫn đang làm thủ tục đăng ký. Nếu có chỉ là cái thương hiệu mà một số người vì qúa hâm mộ bà nên đã gán cho. Nói đúng hơn là bà chỉ mới nổi tiếng. Hãy vui lên nhé bà Mười vì điều đó! Nhưng tiếc rằng, bây giờ nếu có bà Xiềm lạ huắc lạ huơ nào đó ở miền Bắc, miền Trung, thậm chí ở ĐBSCL dựng quán lấy tên Mười Xiềm thì luật pháp cũng khó can thiệp. Chuyện tranh chấp kiểu này trước giờ không hiếm và chính quyền cũng bó tay nếu quán ăn dựng sau nhái tên quán ăn dựng lên trước đó!


Khi đặt chân lên máy bay đi Mỹ, chắc hẳn bà không nghĩ rằng mình đi làm một chuyện đến tầm cỡ gọi là vinh quang, vang danh… cho đất nước gì đâu. Theo tôi đoán, đơn giản bà tin rằng mình chỉ đi giới thiệu cho người Mỹ các món ăn dân dã, truyền thống tựa như một dạng giao lưu văn hóa giữa hai nước. Những người Việt định cư ở Mỹ thì có dịp nếm lại những món ăn quê mà nhiều người trong số họ chỉ còn nhớ trong hồi ức. Những ca sĩ, nghệ sĩ cải lương đi các nước biểu diễn lâu nay, cũng làm nhiệm vụ tương tự bà đó thôi, chỉ khác là người mang món ăn tinh thần, người mang những món ăn “chắc dạ”.

Và chắc hẳn bà cũng không nghĩ mình là nghệ nhân gì đâu, bởi những món ăn như bánh xèo, bánh tét, bánh da lợn… mà bà làm, rất nhiều phụ nữ trung niên hoặc lớn tuổi khác vẫn làm được. Chỉ có điều, kinh doanh những món ăn ấy chẳng có lời lãi gì nhiều nên nhiều người bỏ nghề. Còn bà, đeo đuổi bấy lâu nay thì đấy, cũng có giàu có gì cho cam. Nhưng qúy là ở chỗ bà vẫn đeo đuổi cái nghề kham khó ấy để nhiều người vẫn có dịp thưởng thức những món ăn dân dã tưởng đã gần “tiệt chủng”.

Có lẽ, mơ ước của bà bây giờ chỉ là được tiếp tục với nghề và cuộc sống khá hẳn lên. Bà chắc cũng chẳng ngờ mình vô tình bị rơi vào chuyện tranh chấp ì xèo như vậy. Có một điều phải nói thật với bà, nhiều doanh nghiệp ngấm nghé hợp tác, giúp đỡ bà chắc hẳn cũng ít nhiều ngán ngại sau sự kiện này, bởi biết đâu chừng họ lại bị gán cho hai chữ “lợi dụng” bà! Và đó là điều trước đây cũng như bây giờ, theo tôi nghĩ bà không hề muốn.

Bà Mười ơi, hãy tự tin vượt qua tất cả và hãy giữ nghề làm bánh truyền thống của mình bà nhé. Mong rằng mọi “sóng gió” nhân tạo sẽ qua. Khi có dịp tới Cần Thơ, tôi sẽ ghé quán của bà để thưởng thức món bánh mặn, bánh ít trần mà bây giờ hiếm có chỗ nào bán quá!

_____________________________
Entry liên quan:
Thương hiệu "Mười Xiềm"... thọ bao lâu?
Thư gởi bà Mười Xiềm
Câu chuyện về cái bánh xèo của bà Mười Xiềm
Bà Mười Xiềm bị "xộ"?


Báo chí:
Báo Cần Thơ
Báo Thanh Niên
Báo SàiGòn Tiếp Thị
Báo Người Lao Động


Không có nhận xét nào: