Thứ Ba, 21 tháng 8, 2007

Ai về Cái Răng


Địa danh Cái Răng có từ lâu lắm rồi. Bao giả thuyết cùng giai thoại còn được truyền tụng đến tận bây giờ. Nhiều người kể rằng hồi đầu khẩn hoang có con cá sấu lớn lắm dạt vô đây, cái răng con vật nấn ná sao đó mà “cắm” lại với miệt đất này. Cụ Vương Hồng Sển, trong cuốn “Tự vị tiếng nói miền Nam” thì cho biết Cái Răng do chữ Khơme “karan” tức “cà ràng” (ông Táo). Đây là loại lò do người Khơme ở Xà Tón (Tri Tôn) nắn bằng đất, chụm củi, hình thù như con số 8 để nằm, một đầu là ba ông Táo lú lên cao đội nồi, đầu kia được nắn cái bụng chang bang chứa được tro nhiều, không rớt ra ngoài lại ấm cúng che kín gió mau chín mau sôi. Làm xong, người ta chất đầy “karan” vô ghe lớn rồi theo sông Cái đến chợ vùng này để bán, năm này qua năm khác và lâu dần người mình phát âm “karan” thành Cái Răng. Truy nguyên ra, trong sách Pháp, Le Cisbassac chẳng hạn… vẫn ghi: “Krêk karan: rạch Cái Răng”. Cụ còn khẳng định “một địa danh duy nhất dẫn đầu bằng chữ “CÁI” mà tôi chắc điển tích là do chữ “cà ràng” (cà ràng ông táo) mà có”. Dù gì đi nữa thì Cái Răng, Cái Sắn, Cái Tắc hay Cái Khế (ở ĐBSCL ít nhất có 160 địa danh mang chữ CÁI đứng đầu)… cũng đậm đặc âm hưởng của một vùng đất mới Nam Bộ với những bước chân âm thầm nhưng vững chãi của những lưu dân mở cõi phương Nam thủa nào.

Cái Răng “ôm trọn” cả văn minh sông nước (hai chợ nổi) lẫn văn minh miệt vườn (cam, quýt Phong Điền…) và đều phát triển ở trình độ cao, vang danh khắp “lục tỉnh” hàng trăm năm. Một tài liệu do người Pháp viết đã cho thấy hình ảnh Cái Răng thời trước khá sung túc: Chợ Cái Răng nằm gần Cần Thơ nhất, ngay cửa một con rạch cùng tên. Nhà nổi do chủ nhân là thương gia người Hoa, người Việt cất bằng tre hai bên con rạch san sát gợi nhớ đến làng nổi ở Châu Đốchò Cái Răng, chợ nổi Cái Răng, nem Cái Răng… là nét văn hóa, tạo bao bâng khuâng ngỡ ngàng cho khách thập phương. Tại chợ Cái Răng, rạng sáng 12.11.1945, đã chứng kiến trận tập kích oai hùng, đầu tiên của cả Nam bộ. Những liệt sĩ, ở ba miền Tổ quốc: Lê Bình quê tận Hà Tĩnh, Trần Chiên - Hà Nội, Bùi Quang Trinh và Cao Minh Lộc - Cần Thơ… mãi mãi nằm xuống cũng là văn hóa, là sức mạnh cội nguồn đất Việt.

Từ tên một con rạch bình dị của “dân ấp dân lân” thành tên chợ (dưới sông và trên bộ), tên Thị trấn rồi vụt lớn thành “quận” khi Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (2004) và đang hướng đến đô thị loại 1 năm 2009.

Theo quy hoạch, quận Cái Răng (cách trung tâm thành phố hơn ba cây số về hướng Nam) là một trong hai hướng phát triển chính của Cần Thơ. Vùng Nam sông Hậu- thuộc quận- không chỉ có các khu đô thị mà còn có khu công nghiệp tổng hợp mới (Hưng phú I – II rộng 975 ha); công viên văn hóa miền Tây; cảng quốc tế Cái Cui (công xuất 2,2 đến 2,5 triệu tấn/năm), cách xa cửa biển Định An đến 102 km. Đặc biệt, tại đây còn hiện diện công trình thế kỷ, niềm hy vọng của cả vùng sông nước: cây cầu Cần Thơ. Chiều chiều, trên sóng nước Cần Thơ vẫn ngọt ngào câu hò của bao thôn nữ “Có thương thì xin cứ đến chớ đừng vì lụy đò giang”... Cái Răng trở thành nơi đầu tiên đón nhận bạn bè gần xa đến với thành phố trung tâm đồng bằng.


Không có nhận xét nào: