Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2007

Vu Lan nhớ mẹ


Hải Sơn


“Một bông hồng cho anh, một bông hồng cho em và một bông hồng cho những ai đang còn mẹ...”. Mỗi lần nghe những ca từ này, nước mắt tôi cứ chực ứa ra, xúc cảm dâng trào và hình bóng mẹ lại hiện về. Mẹ mất khi tôi chưa kịp nhận ra không có gì thay thế được tình mẫu tử.

Mẹ lấy chồng sớm như nhiều cô gái nông thôn thời đó. Nghe mẹ kể, lúc đầu bà nội không bằng lòng cưới vì thấy mẹ nhỏ nhắn quá, sợ khó sinh đẻ. Ai dè! Mẹ cho ra đời đến 12 đứa con. Con đông, mẹ không thể làm gì khác hơn ngoài việc ở nhà chăm sóc con cái. Tâm trí tôi vẫn còn in đậm hình ảnh mẹ nằm hát ru mấy đứa em ngủ trên chiếc võng bên hiên nhà, dưới bóng mát của cây xoài lớn. Giọng hát của mẹ trầm buồn như ẩn chứa một tâm sự sâu kín.

Có một khoảng thời gian dài ba bị thất nghiệp. Từ một người chỉ quen việc nội trợ, mẹ phải thay ba gánh vác cuộc sống cơm áo cho cả gia đình. Những đứa con còn tuổi học trò ngơ ngác hụt hẫng, chưa đứa nào kịp hiểu mình nên làm gì để phụ giúp cha mẹ. Mẹ theo mấy bà hàng xóm bám lấy chợ từ sáng sớm cho đến lúc tắt nắng để mua đầu chợ, bán cuối chợ. Đôi chân vốn đã yếu vì bệnh thấp khớp được dịp hành hạ mẹ. Những lúc không lê bước nổi, chỗ nghỉ của mẹ là vỉa hè bên hông chợ. Lâu ngày chỗ này thành nơi mẹ bày vài cái áo, cái quần cũ chào mời khách, dẫu sao cũng có chỗ cho con cái biết mà tìm khi cần. Có vài lần chờ lâu không thấy mẹ, chúng tôi nháo nhào đi kiếm cho đến khi mẹ về nhà với vẻ mặt mệt mỏi, xanh xao. Tình cờ tôi biết, những lần như thế là mẹ đi “bán” máu. Số tiền bồi dưỡng của bệnh viện không nhiều, còn phải chia bớt cho “cò”, nhưng chắc mẹ nghĩ cũng giúp con cái no bụng được vài ngày. Thế đó! Tôi đã được hưởng từ mẹ những giọt sữa đầu đời và cả những giọt máu.

Mỗi lần giá cả tăng cao, đôi vai mẹ như oằn xuống hơn. Bữa ăn chung của gia đình thường chỉ có dĩa rau to và tô nước mắm chính tay mẹ pha chế thật ngon để bù vào sự thiếu vắng của thịt, cá. Sau này, dù được ăn ở nhiều hàng quán sang trọng nhưng tôi vẫn cảm thấy không nơi nào có được nước chấm ngon như vậy. Chỉ thỉnh thoảng, cả nhà mới được thưởng thức món cá linh rẻ tiền, kho thật nhiều nước để chấm rau ăn kèm. Nhà mình thời đó, có đủ gạo mới là điều quan trọng nhất.

Bữa ăn nào cũng vậy, mẹ xới chén cơm đầy cho ba và đám con, còn cái chén của mình mẹ luôn để trống. Có lần cơm cháy khét đen, mẹ dùng muỗng cạo bớt lớp ngoài rồi ăn chứ không bỏ di. Mẹ hay rưới nước mắm lên cho cơm cháy mềm lại. Mẹ bảo thích ăn cơm cháy hơn cơm trắng, lâu dần đám con cũng quen với chuyện đó một cách tự nhiên! Tôi nào biết, mẹ đang ăn miếng cơm cháy khô cứng với cái bao tử không lành lặn. Chưa bao giờ tôi nghe mẹ than thở. Suốt cuộc đời ngắn ngủi, dường như mẹ chỉ biết âm thầm hy sinh. Mãi sau này, tôi mới nhận ra mẹ mất sớm còn do sự vô tâm của những đứa con.

Mẹ bình thản đón nhận cái chết, dù đôi lần tôi nghe mẹ lẩm bẩm tiếc, sao cuộc đời quá ngắn ngủi. Hơn 20 năm, tôi vẫn day dứt với câu hỏi không có lời đáp: Mẹ mất vì căn bệnh nan y hay mẹ muốn sớm giã từ cõi đời để đám con mình khỏi phải nhịn ăn lo tiền thang thuốc…

Mười hai đứa con vẫn tụ về làm giỗ mẹ hàng năm. Vài đứa làm ăn khấm khá nên ngày giỗ luôn đủ món ăn ngon, khói nhang thơm bay nghi ngút. Nhưng tôi biết, nếu có cõi tâm linh và mẹ hiển linh mà về với con cháu, mẹ cũng chẳng màng đến món ngon vật lạ đang bày trước mắt. Chắc hẳn mẹ vẫn chọn miếng cơm cháy “ưa thích” lúc sinh thời, để nhường miếng ngon cho con mình. Những kỷ niệm về mẹ luôn là đầu câu chuyện, nhưng chưa một lần có đứa nào nhắc đến miếng cơm cháy của mẹ. Tôi không muốn buổi họp mặt thêm buồn, nên bao lần định kể rồi lại thôi, thâm tâm vẫn mong một ngày có đứa em nào chợt nhớ... và tôi biết mình sẽ còn phải khóc cho sự vô tâm ngày xưa!

Bao mùa Vu Lan không còn được hạnh phúc cài bông hồng trên ngực áo, nhưng trong tim tôi mãi có một đóa hồng tươi thắm. Tiếc là, tôi không còn dịp để nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi! Mẹ có biết là... con thương mẹ không?”.

_______________________________

Bài đã đăng trên TbKTSG
Số : 34-2005 (766) - Ngày : 18-8-2005
Ảnh: Văn Thành Châu

Không có nhận xét nào: