Thứ Tư, 15 tháng 8, 2007

Đặc sản Phú Quốc

PHÙ SA LỘC

Anh bạn tôi có thói quen là tới bất cứ nơi đâu cũng đều nhất quyết phải đi chợ cho bằng được vì, theo anh, đó là linh hồn văn hóa của địa phương. Nghe bùi tai, tôi hào hứng cùng anh tham quan chợ Dương Đông (Phú Quốc, Kiên Giang)

Sau khi điểm tâm ở resort Sao Biển, anh và tôi từ chối lời mời hấp dẫn tham quan nhà thùng – nơi cho ra lò những chai nước mắm làm vang danh đất đảo khắp trong Nam ngoài Bắc, kể cả ở nhiều nước trên thế giới - để đi chợ. Gởi chiếc xe gắn máy Nhật mới cáu thuê từ mấy ngày qua nơi điểm giữ xe đầu chợ, không thấy phiếu phiếc, hỏi mới biết xứ này chẳng nơi nào có thứ “giấy tờ” như vậy, nhưng cứ yên chí lớn dạo chợ thỏa thích.

* Đòn bánh hình tam giác:

Dương Đông là ngôi chợ lớn nhất của “đảo ngọc”, nằm ngay trung tâm thị trấn, suốt ngày tấp nập kẻ bán người mua, hàng hóa không thiếu thứ gì so với đất liền. Những thứ được bày bán trong nhà lồng phần lớn là quần áo, vải vóc, mỹ phẩm, hàng xa xỉ ngoại nhập, không nên tìm hiểu làm gì, mất thời giờ. Điều khiến chúng tôi không cất bước đi được là trước cửa chợ có hai bà bán bánh tét không gói theo kiểu thông thường của cả nước, mà gói theo hình tam giác cân, bằng thứ lá lạ hoắc. Hỏi ra mới biết đó là bánh tét mật cật.

Chợt nhớ, hồi ở đất liền, cô bạn cứ nhắc chừng, ra Phú Quốc phải thưởng thức và mua bánh tét mật cật đem về, nếu không sẽ là thiếu sót “nghiêm trọng”, bởi đây là loại bánh “đặc sản độc quyền” của địa phương. Bánh tét mật cật có ba chủ bán ngay hai bên cửa chợ, đều là những cụ già ở tuổi huốt “thất thập cổ lai hi”. Bà cụ Lê Thị Thảo, 86 tuổi, bà cụ Nguyễn Thị Liễu cũng “xem xem” số tuổi ấy ngồi bán cạnh nhau. Hai bà cụ rất thân tình với khách, đã đành, mà còn thân tình với nhau. Hỏi bên này mà mua bên kia cũng hổng mích lòng. Cũng không có gì lạ vì hai bà cụ là sui gia.

Cả hai bà cụ đều vui miệng cho biết bán loại bánh gia truyền tại chợ này trên 20 năm nay. Rồi giảng giải: Mật cật là loại cây lá xòe như lá cọ, mọc đầy trên dãy núi Hàm Ninh. Thông thường, người ta dùng lá mật cật để chằm nón lá. Nhưng với ba bà cụ này, lá mật cật được dùng để gói bánh tét thay cho lá chuối “truyền thống”. Trước tiên, các bà phơi lá mật cật hơi héo cho cọng và lá mềm, không rách khi gói. Sau đó, lá được rửa, lau sạch bằng lớp dầu. Gói một đòn bánh tét bằng lá mật cật là một việc làm “tử công phu” vì mặt lá hẹp. Lại phải rất khéo tay với cọng lá mật cật không mềm như dây lác, buộc sao cho không chặt và không lỏng mới có được đòn bánh không khô hoặc nhão. Khó khăn hơn là đòn bánh dài khoảng 3 tấc này được gói theo dạng hình tam giác cân. Bánh tét mật cật làm từ nếp được lựa kỹ, không lẫn gạo, mới ngon. Sau khi “vuốt” sạch, để ráo, nếp được nhuộm màu bằng nước cốt lá bồ ngót cùng nước cốt lá dứa. Đậu xanh cà nấu nhừ cùng dây thịt mỡ làm nhưn. Bánh nấu chín có màu xanh như ngọc đẹp mắt vừa ngọt vị nếp, vừa bùi đậu xanh, vừa thơm hương lá dứa, béo thịt mỡ lại có tính giải nhiệt, ngừa và trị được mụt nhọt nhờ nước cốt lá bồ ngót. Đặc biệt, nếp không xào nước cốt dừa nên để được lâu ngày. Đòn bánh lớn 10 ngàn đồng, còn đòn nhỏ chỉ có 5 ngàn đồng. Đặc biệt các bà còn bán thêm bánh ú nước tro, một chục 10 ngàn đồng. Chúng tôi mỗi người mua vài đòn làm quà cho người thân và bè bạn ở đất liền ăn cho biết.

Cứ tưởng bánh tét mật cật là loại bánh mới có sau này, nhưng thực ra nó đã có từ gần một thế kỷ nay, mà “thủy tổ” và nguồn gốc của nó được hai nhà văn hóa Đông Hồ và Nguyễn Văn Kiểm tiết lộ trong bài “Cảnh vật Hà Tiên” đăng trên Tạp chí Nam Phong từ năm 1930: “Mồng 5 tháng 5, có bánh trạng gói bằng lá mật cật, bốn góc như bánh ú, nên có người kêu bằng bánh ú nước tro vì nếp trước phải ngâm nước tro mới được” (Nhiều tác giả, “Du ký Việt Nam”, tập I, Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm và giới thiệu, trang 538, Nhà xuất bản Trẻ, 2007).

* Tham quan “nửa” chợ:




Chợ Dương Đông “giàu có” nhất vẫn là các loại hải sản tươi và khô. Nhà lồng chợ chính bán “hàng khô”. Đối diện là hai khu chợ bán “hàng ướt” nằm quay lưng ra biển cho tiện việc lên xuống hàng bông và hải sản. Mỗi ngày, hải sản được chuyển lên chợ từ các tàu đánh cá tấp nập cập bến. Bao nhiêu là cá biển, từ con nhỏ xíu đến con “khổng lồ” e ấp nằm khoe mình trên mâm phủ đá trắng tinh. Nào cá chình, cá thu, cá thu ảo, cá nhồng, cá bớp, cá diễn, cá nhái biển, mực, các loại sò…, giá khoảng từ 20.000 đồng/ký tới 40.000 đồng/ký.

Cá thu về kho chung với ba rọi cùng chút tiêu bột sẽ khiến bữa cơm nhà bạn mặn mà vị biển. Cá diễn nếu được nấu ngót, chiên lạt, nướng muối ớt cũng đều phục vụ hạnh phúc gia đình bạn bằng một bữa ăn ngây ngất chân răng. Cô chủ sạp mua bán hải sản Thanh Long sau khi làm một màn “gia chánh bỏ túi” cho hai chúng tôi bèn cười rất có duyên “tiếp thị” một cách hấp dẫn: sẽ “đóng thùng” các loại cá mua, chở ra tận sân bay, bến tàu giao đúng giờ hẹn rồi mới nhận tiền. Nếu ở Thnh phố Hồ Chí Minh, sẽ gởi hng bằng my bay tới nh. Vừa nói, cô vừa quấn con cá nhồng dài sọc (cỡ 1,4m) bằng nhiều lớp băng keo vàng. Trong khi đó, anh chàng người làm nhanh tay cho các con cá khc vào thùng mốp, đậy nắp thùng lại, kéo băng keo vàng rẹt rẹt quấn kín mít xung quanh. Làm ăn lớn, sạp này còn bán các loại tôm và chả cá.

Chả cá Phú Quốc là đặc sản độc đáo, chiên ngay tại chỗ. Cứ nhìn chảo dầu sôi sùng sục, những miếng chả cá đường kính khoảng 2 tấc từ từ vàng ruộm, bóng dầu, chỉ nhìn đã thấy ngon mắt lắm rồi. Nhưng sẽ “ngon mũi” hơn khi mùi thơm đặc trưng của cá biển phả ra khiến bụng dạ ta nôn nao. Cô Út Mùa, chủ sạp chuyên kinh doanh mặt hàng này, dẻo miệng mời chúng tôi mua rồi nhanh nhảu cắt từng miếng chả cá vừa mới chiên xong đưa tận tay chúng tôi: “Mấy chú ăn thử, bảo đảm không ngon không lấy tiền”. Không cưỡng được sức quyến rũ của miếng chả, chúng tôi cắn một miếng nhỏ, dầu mỡ bóng lưỡng môi mép, nhai và nghe hương vị đại dương mềm ngọt quến trong răng. Cô tiếp thị tiếp: “Một miếng chả chỉ có 10 ngàn đồng được làm bằng cá thu ảo và cá nhồng. Mua đi, con sẽ đóng gói gởi máy bay hoặc tàu đò theo chân các chú”…

Cồi biên mai (gân nối 2 mảnh vỏ của một loại sò biển có tên là Biên Mai)

Di theo con đường trước mặt chợ là màu xanh ngắt của những hàng rau quả củ, phần lớn “nhập” từ đất liền. Mới có mấy cơn mưa đầu mùa mà ở đây người ta bán đầy dẫy nấm tràm. Những tai nấm một mặt màu trắng sữa đục, mặt kia màu cà phê sữa đậm viền trắng được ngâm trong thau nước, gợi thèm. Ai đã một lần được thưởng thức nấm tràm xào thịt ba rọi, nấu canh tập tàng hoặc nấu cháo hải sản… thì sự quyến rũ của nó mãnh liệt lắm! Vị đắng của nấm thấm đẫm mặt lưỡi, chóp chép miệng vài cái sẽ nghe hậu ngọt lọt tót tới dạ dày. Ăn loại nấm mọc lẫn trong lá mục dưới gốc tràm hoang dã này đầu đêm giấc ngủ đến lúc nào không biết. Tôi nhấp nhổm muốn mua để được thưởng thức lại hương vị độc đáo của loại nấm giòn ngọt kỳ lạ này nhưng sợ loại hàng có chứa nước sẽ gây trở ngại khi đi đường. Cô chủ mau miệng giới thiệu loại nấm tràm khô, tiện hơn. Chợt nhớ những tai nấm tràm khô mua ở chợ Rạch Giá năm rồi, về nhà rửa hàng bao nhiêu nước vẫn còn cát, tôi lắc đầu. Cô bán hàng chỉ “mánh”: “Dễ ợt, rửa bằng nước nóng là xong ngay”. Lại “móc túi” đáp ứng thú ẩm thực của mình.

Nấm tràm


Nhiều hơn nấm tràm là không biết bao nhiêu chỗ bán xoài. Xoài thanh ca trái dài nhỏ, không đẹp mắt với màu vàng chín cây tự nhiên. Nhưng nhiều người nói, cũng như sầu riêng, xoài thanh ca Phú Quốc có hương vị độc đáo của biển đảo Tây Nam đất nước, hèn gì có đông khách lựa mua. Trái rừng tuy khiêm tốn nhưng tạo cảm giác hoang dã. Đó là những trái chùm trái tím đậm phủ lớp phấn mỏng, nhỏ hơn trái nho, có tên ngồ ngộ là đuồng đuông. Nhá thử, ngọt lịm. Còn dâu rừng từng chùm xanh lè nghe đâu vị ngọt chua thanh cũng là loại hàng “hút” dân thành phố khi tới đảo.

Trái đuồng đuông

* Văn hóa đảo

Đến chỗ giữ xe, nhác thấy tụi tôi, cậu thanh niên phụ trách mau mắn dẫn xe ra tận lòng đường giao rồi nhắc chìa khóa tôi quên giữ khi nãy vẫn còn nằm trong ổ. 1.000 đồng/chiếc là công sắp xếp xe cho có trật tự, tránh nắng mưa và công dẫn vô dắt ra, chớ ở đây chưa bao giờ có vụ mất cắp. Nhớ lại lần dựng xe đầu tiên khi tới khách sạn, tôi quen tay khóa cổ, cô tiếp tân thoáng thấy mỉm cười bảo một câu rất “khó chịu”: “Đừng khóa cho dễ dẫn (xe)”. Làm theo mà hồi hộp muốn chết. Té ra tập quán này không chỉ mới có mà từ xưa người Phú Quốc đã có đời sống văn hóa văn minh tốt đẹp này. “Ở Phú Quốc phần nhiều là đều còn giữ được cái phong tục, cái đức tính cổ thời, rõ là cái xã hội “gia vô bế hộ”. Nhà ở không bao giờ thấy có làm cửa, những nhà hào phú muốn làm cửa là cho tốt coi chớ ban đêm cũng vẫn không khóa. Cửa bỏ ngỏ mà không bao giờ có kẻ trộm. Gián hoặc mấy mươi năm mới xẩy ra một đám trộm thì đó là người nội địa ra mà thôi”. Đông Hồ đã viết như vậy trong bài “Thăm đảo Phú Quốc”, đăng trên Tạp chí Nam Phong năm 1927 (SĐD, tập II, trang 263)./.


Không có nhận xét nào: