Thứ Tư, 10 tháng 10, 2007

Chữ quốc ngữ là chữ tượng hình?

Thư pháp bằng chữ quốc ngữ, tuy không mới mẻ nhưng gần 10 năm qua đã trở thành một trào lưu lôi cuốn nhiều người. Trào lưu này đã biến thành một lĩnh vực kinh doanh và đào tạo có lãi. Các “thư pháp gia” ngày càng đông. Thậm chí, một “Nhị thập bát tú” đã được thành lập (?). Giáo sư Trần Trí Dõi đã có ý kiến trên VieTimes qua bài “Không được mạo danh thư pháp để làm bẩn chữ Quốc ngữ!” về những điều không ổn trong sự mê say đang phát triển càng ngày càng bài bản.
METINFO cũng không thoát khỏi trào lưu này mỗi khi tránh dùng các bộ phông chữ được gọi là phông thư pháp thì bị khách hàng phản đối và sau đó rồi cũng phải phục vụ. Kể cả trong những đơn hàng không… “âm lịch” tí nào.

Thư pháp là một nghệ thuật viết chữ có trước tiên ở Trung Hoa cổ đại. Các dân tộc Á Đông đã đón nhận, kế thừa và phát triển theo bản sắc văn hóa của mình: Việt Nam (thư pháp), Triều Tiên (thư nghệ), Nhật (thư đạo). Gọi chung là thư pháp Á Đông. Theo Bách khoa toàn thư Việt Nam thì thư pháp là một nghệ thuật viết chữ xuất phát từ Trung Hoa và Ả Rập. Định nghĩa này công nhận hai loại chữ khác nhau có thư pháp riêng nhưng lại chỉ nói rõ về chữ tượng hình và thiếu sót khi lờ đi nghệ thuật viết chữ của các dân tộc khác ngoài Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam.


Hoàn toàn giống nhau về chữ,
chỉ khác nhau cái tâm, ý, khí, lực lúc viết


Vì vậy, định nghĩa này gây tranh cãi trên Wikipedia giữa một bên cho rằng thư pháp là nghệ thuật của mọi dân tộc; tùy theo loại chữ mà có thư pháp riêng của mình (calligraphy) và một bên chỉ chấp nhận thư pháp là thư pháp Á Đông (và rất lạ khi chữ quốc ngữ cũng được xếp vào đây miễn là viết bằng bút lông). Calligraphy (không được chấp nhận là thư pháp) “bị” xếp ngang hàng với nghệ thuật viết chữ đẹp (?) chỉ đáng dùng cho viết thiệp, kẻ chữ trang trí lặt vặt… (!?) Thật là rối tinh.

Ai cũng biết văn tự loài người gồm hai loại là tượng hìnhtượng thanh. Các “thư pháp gia hiện đại” đều có kiến thức rất sâu sắc về thư pháp (Á Đông). Tuy nhiên khi bàn luận, họ không đả động gì đến chức năng ký âm của chữ quốc ngữ mà chỉ thao thao về những kỹ thuật viết chưa bao giờ là dành cho nó! Cũng không làm rõ là thư pháp của các dân tộc khác không hề đi ngược và làm hỏng nét chữ của mình. Trong khi đó thư pháp chữ quốc ngữ đang đối lập với một trong những vấn nạn của ngành giáo dục Việt Nam là chữ học trò bây giờ xấu quá! Sau khi từ bỏ cái vô hồn của kiểu chữ mì tôm mấy năm trước, bây giờ học trò lại thạo quậy chữ hơn là nắn nót. Vấn đề có lẽ ở chỗ các thư pháp gia quốc ngữ này không đủ thời gian để học tiếng Hán - Nôm nên đành mượn chữ quốc ngữ để múa! “Hồn Việt” là lý lẽ chính của họ. Có bao nhiêu người trong các thư pháp gia quốc ngữ khi viết một văn bản thông thường có nét chữ rõ, đẹp?

Thư pháp, bất chấp được viết kiểu gì cũng phải được cảm trực tiếp và ngay lập tức. Chỉ những chữ tượng hình của những dân tộc Á Đông mới thể hiện được thư pháp kiểu Á Đông. Loại chữ này đã chuẩn từng kiểu dáng nét, số lượng nét, vị trí nét. Đặc biệt là dù bao nhiêu nét, mỗi chữ vẫn phải cố định trong một diện tích giống nhau cho toàn thể văn bản. Từng chữ (dù có bao nhiêu nét) đã là một hình vẽ hoàn chỉnh theo quy ước. Sự khác biệt của thư pháp và cũng là giá trị của thư pháp là ở tâm, ý, khí, lực người viết, hoàn cảnh viết, giấy bút, … những yếu tố tác động đến kết quả một bức thư pháp. Ta yêu hay ghét một bức thư pháp cùng với toàn bộ ý nghĩa ngay khoảnh khắc ta nhìn thấy trước khi (lý trí) ta nhận ra từng nét đã được “múa” ra sao. Tình và ý phải đến cùng một lúc.

Chữ tượng thanh không thể có thư pháp đẹp?


Trong khi đó chữ quốc ngữ (chữ la tinh) là ký hiệu dùng để ký âm. Để đọc được chữ quốc ngữ viết kiểu thư pháp Á Đông, ta phải lần mò từng nét mới nhận ra mặt chữ, sau đó mới ngắm kỹ “bức tranh”. Thường thì người viết phải… thuyết minh thêm (!) vì nhiều chữ không còn là chính nó nữa. Chữ la tinh tuân theo tỉ lệ, hình dáng, góc… Nó cũng có nghệ thuật viết chữ đẹp của mình. Nghệ thuật này vẫn bảo đảm được yêu cầu cơ bản của một bức thư pháp: cảm được cái đẹp và nghĩa của chữ ngay khi vừa nhìn thấy, không cần kể lể thêm! Vậy calligraphy và thư pháp chẳng phải là một sao? Có dân tộc nào không có nghệ thuật về chữ của mình?

Với những quy tắc chặt chẽ như thế này…

Cùng dụng cụ đa dạng như vầy…

Thì những tác phẩm này có phải là thư pháp?

Một số họa sĩ thỉnh thoảng có những sáng tạo bất ngờ khi phối hợp dáng chữ quốc ngữ qua nét bút lông mềm mại như thư pháp Á Đông thành những bức tranh ấn tượng. Những họa phẩm này đã đồng nhất hình với chữ, làm thăng hoa cho chữ được chọn. Điều này dễ hiểu vì thư họa đồng nguyên.

Chúa Jesus
họa sĩ Lê Vũ (Khánh Hoà)

Nhưng thực sự đây là tranh chứ không phải thư pháp. Vì để hoàn thành thì họ phải tính toán, chỉnh sửa rất nhiều lần khi… vẽ. Không phải chữ quốc ngữ nào cũng chuyển từ thư sang họa được. Trái với thư pháp (Á Đông) thứ thiệt: chỉ một lần viết và chữ nào cũng thể hiện được cái hồn mà thư pháp gia muốn thể hiện vì chỉ dựa vào cách viết cùng những yếu tố đã nói ở trên. Không cần phải cố vẽ thành cái gì cả!

Những bộ phông chữ “thư pháp” (thực ra thuộc nhóm brush script - nét viết bằng bút lông) cũng góp phần không nhỏ làm sinh động bộ phông tiếng Việt, nhưng phá cách quá đáng thì không ổn. Người xứ khác, biết các thứ tiếng Hoa, Triều, Nhật, Nôm sẽ thưởng thức được thư pháp Á Đông, chúng ta cũng thưởng thức được thư pháp các dân tộc khác nếu hiểu ngôn ngữ của họ. Ai dám chắc tất cả mọi người dù rành tiếng Việt có thể thưởng thức được thư pháp quốc ngữ?

Bạn mất bao lâu để đọc những chữ Việt này?

và... bạn có đọc được không?

Một chút hương vị lạ thì cũng tốt ở vài lúc, vài nơi nhưng thay thế hoàn toàn nguyên liệu mà vẫn không đổi tên thì khó thuyết phục.


Kiều Nương

2 nhận xét:

HONG HANH nói...

Chan thanh cam on bac Dinh da de "Dau xua Nam Bo" tren blog cua Metinfo.
Nay vi nhung ly do rieng tu bat chot xin bac Dinh xoa di "Dau xua Nam Bo" nhe !
Xin dung hoi ly do !
Cam on Metinfo nhieu nhieu.

Mblog nói...

Các bạn có thể tham khảo thêm về cuộc bàn cãi liên quan đến thư pháp chữ quốc ngữ theo các liên kết dưới đây

VieTimes: http://www.vietimes.com.vn/vn/nhietkevanhoa/3719/index.viet

An Ninh Thế Giới:
1. http://www.cand.com.vn/vi-VN/vanhoa/2007/10/76266.cand
2. http://www.cand.com.vn/vi-VN/vanhoa/2007/10/76640.cand
3. http://www.cand.com.vn/vi-VN/vanhoa/2007/10/76680.cand