Thứ Tư, 17 tháng 10, 2007

Nhà thương

Lâu lắm rồi không còn nghe ai gọi bệnh viện nhà thương. Sao thế nhỉ? Cái tên gọi ấy nghe không sang trọng, bề thế và không được dùng trong các văn bản hành chính, nhưng nó biểu hiện sự tin cậy của dân chúng đối với nơi chăm sóc, chữa trị bệnh tật cho họ.

Ngày trước, có nhà thương công, nhà thương , lại có cả nhà thương thí. Người bệnh tuỳ chọn nơi chữa trị cho mình nơi thuận tiện, phù hợp bệnh tình và hợp... túi tiền. Vào nhà thương tư, bệnh nhân phải trang trải mọi chi phí điều trị. Đến nhà thương công, viện phí và công xá của thầy thuốc được "bao cấp" hoàn toàn, kể cả những loại thuốc chữa bệnh thông thường. Khi cần dùng đến những loại thuốc bệnh viện không có hoặc thuốc đặc trị, đắt tiền, người bệnh mới phải trả tiền mua thuốc. Nhà thương thí là nơi những người nghèo khổ, đói ăn phó thác sinh mạng cho các lương y cứu chữa hoàn toàn miễn phí, lại còn được nuôi ăn trong thời gian nằm viện.

Do có sự khác biệt về điều kiện và mức độ chăm sóc, hình thành những loại đối tượng "khách hàng" khác nhau của các loại nhà thương nói trên một cách tự nhiên, chứ không vì những quy định hành chính phân biệt hạng người, đối tượng nào thì được vào loại nhà thương nào. Nhưng dù có sự khác nhau về mức độ chăm sóc (tiện nghi phòng ốc, phương tiện và năng lực cứu chữa, điều trị), nhà thương nào cũng có những tấm gương sáng ngời y đức của người thầy thuốc. Có lẽ vì thế, trước đây dân gian thường gọi bệnh viện là nhà thương.

Dù chẳng muốn, trong chúng ta mấy ai không có lúc đau ốm, bệnh tật. Bệnh thì phải chữa chạy. Nhưng phải vào bệnh viện bây giờ là điều kinh khủng, vô cùng phức tạp. Người bệnh có bảo hiểm y tế phân vân không biết có nên trình thẻ bảo hiểm ra không. Vì họ biết chỉ được chi trả một phần nhỏ trong phí tổn điều trị, lại "được" liệt vào loại bệnh nhân "bao cấp"; thái độ chăm sóc của các y bác sĩ khác hẳn với loại "thượng đế" chi trả toàn phần.

Xin kể một chuyện "nhỏ". Sau hành trình từ Saigon ra Nha Trang bằng xe đò, một cô gái đã ngất xỉu khi về đến nhà. Tại bệnh viện đa khoa của tỉnh, cô gái ấy được chẩn đoán mắc bệnh phổi nặng. Sau hai tuần điều trị, bệnh ngày càng tăng. Một bác sĩ đưa cho người bệnh tấm danh thiếp và cho xuất viện. Người bệnh đến phòng mạch tư của bác sĩ ấy và được cho uống nhiều loại thuốc liều cao, nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm, sức khoẻ ngày càng suy kiệt. Một người quen đến thăm đã phát hiện người bệnh đang uống thuốc chữa cùng lúc nhiều căn bệnh khác nhau. Hoá ra vị bác sĩ nọ chữa bệnh theo chiến thuật "vãi đạn" lung tung, trúng đâu thì vi trùng chết đấy (hoặc người chết?). Gia đình tức khắc đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM) và chỉ hai tuần sau, cô gái bị sán vào gan hết bệnh, sức khoẻ nhanh chóng được hồi phục. Nếu không phát hiện kịp, cô gái tiếp tục thí mạng cho bác sĩ nọ kiếm tiền theo phương châm "không biết bệnh gì cũng chữa", thì đến nay chắc đã... xanh cỏ.

Ngày trước, khi bệnh nhân qua đời, bệnh viện thường có chỗ cho thân nhân họ tổ chức tang lễ, nếu vì lẽ gì đó không thể đưa về làm đám tại nhà riêng. Tất nhiên là miễn phí. "Nghĩa tử là nghĩa tận" mà. Chẳng lẽ sau bao năm sống, làm việc, đóng góp ít nhiều cho xã hội, người chết không được hưởng chút phúc lợi xã hội cuối cùng ư?

Thế nhưng ngày nay, sống trong cơ chế thị trường kiểu mới, nhiều bệnh viện không chịu thua kém các doanh nghiệp. Như ở bệnh viện đa khoa tại một thành phố biển xinh đẹp của miền Trung, nhà tang lễ được cho thuê tính giờ như sau: trong tám tiếng đồng hồ đầu tiên, mỗi giờ 30.000 đồng, bước sang giờ thứ 9 trở đi, mỗi giờ 20.000 đồng. Một đám tang tổ chức nhanh gọn trong 24 giờ phải trả 560.000 đồng. Quả là một khoản tiền không nhỏ! Nếu tang chủ phải chờ ngày giờ tốt hoặc thân nhân ở xa về mới động quan thì cứ đếm mỗi giờ thêm 20.000 đồng mà trả cho bệnh viện.

Với kiểu phục vụ như vậy, quả là khó có thể gọi bệnh viện là nhà thương như tiếng cửa miệng dân gian thuở trước!

Mai Lĩnh (2000)

Không có nhận xét nào: