Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2007

SIM LO BÌNH BÁT


CÚC TẦN

Thị trấn nhỏ Cầu Kè (Trà Vinh) quê tôi là nơi cộng cư của 3 dân tộc anh em: Kinh, Hoa và Khmer. Có lẽ nhờ thế mà những món ăn đậm đà bản sắc văn hóa của từng dân tộc đã trở thành món ăn “ruột” của tôi từ thuở ấu thời, trong đó có sim lo.

Một tô "sim lo"

Nếu như sim lo của người Kinh được hình thành bằng bắp chuối xắt nhỏ nấu với đầu hoặc xương cá khô, thêm chút mắm, bỏ gia vị, rau om và nhiều ớt thì sim lo của người Khmer được chế biến khá phong phú. Dù nấu với thực phẩm thực vật nào, sim lo của người Khmer quê tôi cũng đều lấy mắm prohok làm chuẩn. Có thể nói, mắm prohok quê tôi ngon hơn mắm prohok ở các địa phương khác. Trong khi đồng bào dân tộc Khmer An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau sử dụng mắm prohok làm bằng cá đồng thì người Khmer quê tôi lại làm mắm prohok bằng cá biển. Vị cá biển và công thức ủ gia truyền, vệ sinh đã khiến prohok quê tôi có vị mặn ngọt ngon không nơi nào có được. Mắm được nấu cho nhừ, lược bỏ xương, sau đó mới cho vài cọng sả đập dập, rau, cá lóc hoặc tép bóc vỏ vào. Nấu với bầu, bạn sẽ có món sim lo bầu vừa ngọt vừa mát miệng rất dễ ăn. Mùi thơm và vị mặn của mắm thấm vào từng miếng bầu mềm mụp, vào từng thớ cá, con tép, ăn quên thôi.

Lá "ưng à co" (mỏ quạ)

Nhưng món sim lo làm hơi công phu là khi nấu với bình bát. Bình bát là loại dây leo mọc hoang, lá hình ba góc bầu màu xanh đậm (trái giống như dưa chuột, nhỏ cỡ ngón tay út). Cùng với bình bát còn có măng xắt lát mỏng và nấm rơm. Nếu thêm vài bông và đọt “ưng à co” (mỏ quạ - một loại dây leo), hương vị sẽ tuyệt vời hơn. Tất nhiên không thể thiếu cá lóc hoặc tép bóc vỏ. Ngồi trước tô canh bốc hơi nghi ngút, tỏa mùi thơm “nức mũi”, giằm trái ớt hiểm, bạn sẽ “tiết tâm linh” ngay. Gắp một đũa vừa lá bình bát, vừa măng, vừa nấm rơm,vừa lá và bông “ưng à co” có lẫn miếng thịt cá lóc cho vào miệng. Chầm chậm nhai, bạn sẽ nghe chất ngọt mặn và mùi thơm của mắm, vị cay ấm của sả, vị cay nồng của ớt làm ngất ngây khứu giác và vị giác. Chan miếng canh vào chén, lùa miếng cơm vào miệng, nhai, vị ngọt của tinh bột làm đê mê đầu lưỡi. Món này ăn vào ngày nắng nóng sẽ khiến lỗ chân lông bạn túa mồ hôi, còn ăn vào ngày mưa lạnh thì giúp cơ thể bạn ấm lên một cách thú vị.

Về đây, bạn sẽ được thưởng thức đặc sản “nhớ đời” này với cơm hoặc với bún cùng một ít rượu nếp rặt đục ngầu bảo đảm say không xỉn.


Ảnh: Metinfo

Không có nhận xét nào: