Thứ Hai, 29 tháng 10, 2007

Vác tù và cũng phải đóng thuế?

Hiện nay trong cả nước có 301 hội/hiệp hội hoạt động trên phạm vi quốc gia và 2.155 hội/hiệp hội hoạt động trong phạm vi địa phương. Các tổ chức hội/hiệp hội được thành lập theo Nghị định 88 của Chính phủ và Thông tư 01 của Bộ Nội Vụ. Một số hội được thành lập theo chỉ thị, quyết định của các cơ quan quản lý nhà nước. Một số hội khác ra đời do nhu cầu của doanh nghiệp, nhóm ngành nghề. Xét về yêu cầu phát triển, cả nhà nước và doanh nghiệp đều cần có hội/hiệp hội – tổ chức xã hội-nghể nghiệp. Trong thời kỳ hội nhập, vai trò của hội/hiệp hội ngày càng cần thiết, nhất là thời kỳ hậu WTO, do đó, nhà nước tích cực cải cách chính sách và luật pháp cho phù hợp với những thông lệ, cam kết đã thỏa thuận. Việc gì nhà nước không “bao cấp” được nữa thì giao lại cho hội/hiệp hội để các tổ chức này thực hiện nhiệm vụ trợ giúp doanh nghiệp. Vì thế, gần đây nhà nước đã chủ trương, tạo hành lang pháp lý khuyến khích việc thành lập hội/hiệp hội.

Hội thành lập không khó, quản lý cũng không khó, nhưng làm thế nào để hội tồn tại và phát huy được hiệu quả thì lại là một việc rất khó. Thảo luận về việc này đã có rất nhiều ý kiến về năng lực của các hội và của những người đang quản lý điều hành. Bài viết này không bàn đến điều đó. Vấn đề muốn đề cập ở đây là điều kiện pháp lý nào để hội/hiệp hội có thể “sống”, hoạt động tốt và phát triển. Nói cách khác, chúng tôi muốn bàn về câu hỏi: Hội/hiệp hội đứng đâu trong luật Việt Nam?

Để tổ chức bộ máy (tức nguồn nhân lực) và cơ sở vững vàng để hội/hiệp hội hoạt động đúng như bản chất của nó, điều kiện tiên quyết là kinh phí hoạt động. Không có kinh phí, hội/hiệp hội chỉ có thể “múa tay trong bị” và sẽ mai một dần dần. Đối với các hội/hiệp hội thành lập do ý chí của nhà nước, thì được cấp một khoản ngân sách nào đó cho những năm đầu tiên khi chưa tạo được nguồn thu. Đa phần các hội doanh nghiệp ở các tỉnh đều nằm trong dạng này. Nhưng cái khó cũng xuất phát từ đây. Khi còn ngân sách nhà nước thì hội/hiệp hội thực hiện được một số hoạt động nào đó. Đến khi hết nguồn “sữa mẹ” thì bắt đầu lúng túng, loay hoay và sống dở, chết dở ! Rơi vào tình trạng này, chính “bà đỡ” cũng lúng túng, vì không thể “đỡ” hoài được…

Hội/hiệp hội phải tự lập, tự tạo ra nguồn kinh phí để hoạt động, đó là điều cốt tử, không thể chối cãi được. Nhưng cũng từ đây, những hội đã tự tạo được nguồn kinh phí để hoạt động thì lại gặp trở ngại từ chính nguồn thu do mình tạo ra. Thông thường, nguồn thu của các hội/hiệp hội đến từ hội phí, và các hoạt động phục vụ hội viên như đào tạo, tư vấn, cung cấp thông tin... Những hoạt động này, theo Luật thuế được gọi là “dịch vụ”: “dịch vụ” tư vấn, “dịch vụ” đào tạo, “dịch vụ” cung cấp thông tin. Và đã là “dịch vụ” thì phải nộp thuế theo Luật Thuế Thu nhập Doanh nghiệp (TNDN) và trên mẫu biểu Tờ khai thuế hàng tháng, ở mục “Tên cơ sở kinh doanh” được điền tên Hội ABC gì đó (?). Lúc này, hội được coi như cơ sở kinh doanh (!) Nhưng nếu là cơ sở kinh doanh, theo lẽ công bằng, hội/hiệp hội phải được đối xử như doanh nghiệp và phải được miễn trừ thuế hai năm đầu mới thành lập. Tuy nhiên, khi trình bày yêu cầu này với cơ quan thuế, thì được trả lời: Hội có phải là doanh nghiệp đâu mà được miễn giảm thuế!

Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Cần Thơ sau nhiều lần gửi công văn đề nghị tới, lui cũng đành phải “theo” cách giải quyết của Cục Thuế Cần Thơ: Không được ưu đãi, miễn giảm thuế, vậy thì phải nộp thuế với “dịch vụ” làm ra tiền như đào tạo… Nhưng sau hai năm thực hiện các hoạt động đào tạo, quyết toán của dịch vụ đào tạo này là con số âm và do không có lợi nhuận nên không phải nộp thuế. Tưởng vậy là xong, không ngờ Cục Thuế Cần Thơ “quay qua” thu thuế đối với các khoản khác. Họ hướng dẫn: Các khoản thu từ tài trợ, hội phí được gọi là thu khác, và Hiệp hội phải nộp thuế TNDN cho phần thu khác này!

Cục Thuế bằng mọi cách phải “tận thu” nên đã vận dụng tất cả các văn bản luật hợp với “mục tiêu đó” để giải thích, trong khi theo nội dung các văn bản luật này, tư cách pháp lý của hội/hiệp hội và những quy định về tổ chức này lại quá mơ hồ !

Trong hệ thống pháp luật hiện hành, hội/hiệp hội doanh nghiệp hoặc ngành nghề được gọi tên là Tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Tất cả các hoạt động như đào tạo và tư vấn được “đặt” một cái tên chung là “dịch vụ”. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp không thành lập theo Luật Doanh nghiệp, nhưng khi “quản lý nó”, ngành thuế lại vận dụng thu thuế theo Luật Thuế TNDN như là một doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là, nếu hội/hiệp hội “được coi như” là doanh nghiệp để quản lý và thu thuế đối với các hoạt động có thu (dịch vụ), thì tại sao, ngành thuế lại không vận dụng những điều khoản chính sách ưu đãi dành cho loại hình “doanh nghiệp hội/hiệp hội” (?)

Trên thực tế, hoạt động có thu của hội/hiệp hội mang tính chất hoàn toàn khác hẳn so với dịch vụ của doanh nghiệp. Khi tổ chức một hoạt động có thu, mục đích chính và duy nhất của hội/hiệp hội là để hỗ trợ hội viên. Việc thu phí qua hoạt động đó chỉ đơn thuần là để bù chi và nó hoàn toàn khác với việc tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp từ các hoạt động dịch vụ, sản xuất, kinh doanh. Thêm nữa, nếu hoạt động này có mang lại một ít số dư hay lợi nhuận nào đó thì cũng chỉ nhắm tới mục tiêu tạo ra kinh phí, đảm bảo cho hội/hiệp hội tiếp tục duy trì hoạt động phục vụ hội viên tốt hơn. Số dư (nếu có) này tuyệt đối không phải để chia lãi cho các thành viên ban chấp hành hay hội viên như hạch toán của doanh nghiệp mà mục đích duy nhất, tối cao và cuối cùng của nó là nhằm bảo đảm sự tồn tại, phát triển của tổ chức. Thực tế đã minh chứng, không có một nguồn kinh phí ổn định thì hội/hiệp hội không thể hoạt động. Kinh phí càng dồi dào thì điều kiện để phục vụ hội viên doanh nghiệp càng lớn hơn. Có lẽ nào Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Cần Thơ nên làm theo lời khuyên của cán bộ Cục Thuế: Cứ xài trong năm cho hết đi thì khỏi đóng thuế !?

Trong một cuộc hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giữa các hội/hiệp hội vùng ĐBSCL tổ chức tại Cần Thơ trong tháng 9 vừa qua có sự tham gia của đại diện AmChamPhòng Công nghiệp Thương mại Đức tại VN, các đại biểu từ hội/hiệp hội các tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang, Tiền Giang đã được nghe lời khuyên của đại diện AmCham: Để có kinh phí hoạt động, các hội hãy vận động cơ quan Thuế giảm thuế cho doanh nghiệp tham gia hội/hiệp hội, số tiền thuế được giảm sẽ sử dụng nộp hội phí cho hội/hiệp hội như ở Mỹ đã làm.

Thiết nghĩ với số lượng hội/hiệp hội trong cả nước như trên và còn sẽ gia tăng trong thời gian tới, Quốc hội cũng cần sớm ban hành luật về hội để tạo cơ sở pháp l‎ý cho tổ chức này hoạt động. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu tính chất phi lợi nhuận của tổ chức “xã hội- nghề nghiệp” này để giúp hội có điều kiện tự đứng vững trên đôi chân của mình!

Hội mạnh thì doanh nghiệp hội viên được lợi, nhà nước được lợi!

Nguyễn Mỹ Thuận
Tổng Thư k‎ý
Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Cần Thơ.

___

Đọc thêm:

Chúng ta còn nhút nhát lắm
Trách nhiệm doanh nhân

Không có nhận xét nào: