Thứ Ba, 16 tháng 10, 2007

MẸ TÔI


Mai Lĩnh

Người thầy đầu tiên, người đã giáo dục tôi làm người là một phụ nữ mù chữ. Đó là mẹ tôi. Càng lớn khôn, từng trải, tôi càng nghiệm ra mẹ là người-thầy-suốt-đời của tôi. Ơn sinh thành tựa trời biển, ơn dưỡng dục càng lớn lao vô vàn.

Mẹ tôi sinh ra trong một gia đình nông dân ở vùng quê nghèo ven sông Hồng, bên bờ Hát Giang - một con sông chỉ còn lưu lại tên tuổi trong sách vở - đã bao đời sống nhờ lúa, ngô, khoai. Mẹ tôi không được học hành, không biết lấy một chữ trong quyển Tam tự kinh, không ráp được vần với những con chữ A, B, C… trong sách quốc ngữ; mẹ tôi chỉ được học làm người bằng lời dạy của cha ông và tiếp thu kiến thức qua những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ trong kho tàng văn học dân gian. Thế thôi.

Vậy mà cuộc sống lặng lẽ, giản dị của bà lại thể hiện bao điều mà tôi đã mất thì giờ tìm tòi, nghiền ngẫm những điều tưởng như cao siêu trong sách vở.

Không một lời răn nào cho con cái về nền nếp, gia phong, không một lời khuyên các con về ý thức trong quan hệ gia đình và xã hội, nhưng cách sống của mẹ tôi đã giúp con cái hấp thụ những bài học từ tấm gương của bà. Một tấm gương về đức "nhẫn" và hạnh “trên kính, dưới nhường”.

o0o

Những thành tựu khoa học, kỹ thuật luôn hứa hẹn đem lại cho loài người một cuộc sống văn minh, một xã hội công bằng. Lao đầu vào học tập để mong có một cuộc sống khá hơn về nhiều mặt so với thế hệ cha ông là điều biết bao thanh niên hằng mong, ấp ủ. Rồi lại lao vào đời với những tính toán khôn ngoan để giành phần thắng trong cuộc sống, hầu mong đạt sở nguyện hay lấp đầy tham vọng. Đến một lúc nào đó, bỗng dưng người ta thấy hụt hẫng khi nhìn lại mình.

Mỗi lần như thế, tôi lại chợt nhớ đến hình ảnh người mẹ suốt đời lặng lẽ sống, lặng lẽ hy sinh. Hy sinh cho gia đình, cho chồng, cho con dường như là lẽ sống, là cách để bà vượt lên trên những hỷ nộ ái ố trong cuộc nhân sinh. Hy sinh - đó là từ tôi nói về mẹ - nhưng tôi chắc một điều là chính bà không hề nghĩ đến chuyện hy sinh mà coi đó như một lẽ thường, cái lẽ sống không cần phân tích, lý giải; và biết đâu, bà đã tìm thấy hạnh phúc của người “tri túc”. Điều này thật không dễ nhận ra.

Mẹ tôi đã sống giản dị đến mức tẻ nhạt, nhưng tôi đồ rằng không dễ dàng để có thể sống như thế. Phải chăng, văn hóa nông thôn Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - mà ngày nay chúng ta thường nhìn về thời ấy với vẻ thương hại, tội nghiệp cho sự lạc hậu của xã hội ngày ấy - đã tạo ra cái hạnh sống giản dị như mẹ tôi? Có thể bà đã không thể sống giản dị như thế nếu được học hành và đọc được những tư tưởng, học thuyết trong sách từ Khổng, Lão... đến Marx, Engels hay Sartre, Heghen, Krisnamurti, Hermann Hesse v.v...

Mọi thứ triết lý ấy chỉ có tác dụng để cho con người cãi nhau suốt đời, chẳng ai chịu ai... để thỏa mãn cái sân si "chỉ mình tôi đúng" của con người. Chưa kể chuyện người ta nhân danh "triết lý", "chủ nghĩa" này nọ để xúi đồng loại giết nhau vì không chịu quy phục.

Cập tuổi lục tuần, mồ côi mẹ gần 30 năm rồi, tôi như vẫn bơi giữa biển u mê về cái lẽ sống đơn giản của mẹ tôi. Thêm một mùa xuân, lại thêm một tuổi, tôi viết những dòng này như một nén hương tưởng nhớ mẹ với sự hổ thẹn của một người con - vẫn tưởng là mình may mắn hơn mẹ - vì từng được cắp sách đến trường.

(Nha Trang - Xuân Ất Dậu)

________

Ảnh: Phạm Đình Quát

1 nhận xét:

HONG HANH nói...

lâu lắm mới thấy một bài hay !