Thứ Năm, 4 tháng 10, 2007

Những con số bất ngờ

Lê Quý Đôn nếu sống lại lúc này thì ông sẽ làm gì? Khó mà biết được, nhưng nhiều khả năng là sau khi định thần để hiểu tình hình và hoàn cảnh thì một trong những việc đầu tiên nhà bác học này sẽ làm là đi học sử dụng máy tính. Khó mà tưởng tượng thời buổi này có những nhà khoa họcViệt Nam không biết dùng máy tính! Thậm chí nhiều hơn như vậy không kết nối internet!


Theo tin các báo (*) về hội thảo diễn ra ở Hà Nội ngày 12.7.2005 bàn về chế độ chính sách đối với Giáo sư (GS), Phó giáo sư (PGS) Việt Nam hiện nay, lãnh đạo Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước vừa thừa nhận tình trạng có tới một nửa số giáo sư và phó giáo sư không dùng máy vi tính và không dùng cả internet. Qua khảo sát 360 GS và 1.100 PGS, còn tới 30,3% GS, 28,5% PGS không dùng máy vi tính. Và chỉ có 41,7% GS; 53,3% PGS sử dụng Internet.

Thông tin nói trên khiến nhiều người giật mình và nghĩ ngợi. Hóa ra, lâu nay các chương trình phổ cập tin học, Internet đã có một "lỗ hổng" quan trọng. Các nhà quản lý, giáo dục và cả các doanh nghiệp cứ chằm hăm lo đưa công nghệ mới về vùng sâu vùng xa lo cho mấy "ông Hai lúa", lo cho thanh thiếu niên từ nông thôn tới thị thành mà quên các cụ, các ngài khả kính. Thật đắc tội! Vô cùng đắc tội!!!

Nói thì nói vậy, chứ ai dám nghĩ đến chuyện tổ chức các lớp học để dạy... quý thầy cơ chứ?!

Qua báo chí, bàn dân thiên hạ từng xúc động biết bao khi thấy những sinh viên, học sinh nghèo khổ và ngay cả những người người khuyết tật nỗ lực vượt qua những khó khăn vật chất, trở ngại về khiếm khuyết thân thể để học hỏi và ứng dụng các tiện ích của máy vi tính, Internet để nâng cao kiến thức, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Nông dân khắp nơi trong nước đã tiếp cận tin học, tìm kiếm thông tin qua mạng để học tập lẫn nhau kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi. Nhiều thương nhân, nhà sản xuất vừa và nhỏ cũng đã gặt hái thành quả kinh doanh qua việc quảng bá thương hiệu và tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước. Đó là chưa kể các doanh nghiệp đã có những bước ban đầu chuẩn bị cho tiến trình hội nhập thị trường quốc tế theo xu hướng phát triển thương mại điện tử. Và, cũng đã vài năm nay, người dân bình thường cũng dần quen với các khái niệm về mô hình chính phủ điện tử, quốc hội điện tử v.v...

Vậy chẳng lẽ các nhà trí thức tầm cỡ - có hàm có vị - lại có thể dửng dưng với nỗ lực hiện đại hóa đất nước sao? Cứ tạm cho rằng các GS, PGS không cần đến máy tính và Internet để bổ sung kiến thức cho bản thân thì các vị cũng nên sử dụng công nghệ này để phổ biến, chia sẻ tri thức của mình cho cộng đồng. Công nghệ thông tin là một phương tiện rất hữu hiệu để trao đổi thông tin, có thể ứng dụng trong việc giảng dạy từ xa, thảo luận liên quốc gia, giảm bớt nhu cầu di chuyển không cần thiết (tiết kiện thời gian, tiền bạc...) cho các cuộc họp, hội thảo...

Hay vì những điều chưa hợp lý trong chế độ chính sách hiện nay đối với GS, PGS Việt Nam là nguyên nhân chính khiến các vị gặp khó khăn, không có điều kiện sử dụng máy tính, Internet, dù rất muốn?!


Bài và ảnh
Mai Lĩnh

___________________________________________________

(*) Thanh Niên, VietNamNet (12-7-2005) và Tiền Phong (13-7-2005)


Không có nhận xét nào: