Thứ Hai, 8 tháng 10, 2007

Đoạn trường thất thanh!

Tại văn phòng Sở Du lịch Cần Thơ chiều ngày 1.10.2007, một cuộc thảo luận sôi nổi giữa 9 doanh nghiệp lưu trú và lữ hành có tên tuổi của Cần Thơ cùng Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương Mại – Du lịch Cần Thơ (ITTPC) về việc chọn hình ảnh và phương án trưng bày cho gian hàng tham dự Triển lãm Du lịch quốc tế tại TP. HCM (ITE HCMC 2007, ngày 04-07.10). Không một ai nhắc đến chiếc cầu. Phác thảo thăm dò của METINFO cũng không thấy bóng dáng cầu như mọi khi. Không hẹn nhau mà mọi người trong phòng họp cùng có cảm giác hình ảnh chiếc cầu không còn hấp dẫn. Làm sao có thể mang một hình ảnh đang được xem như là thảm họa vào lúc này để khoe và mời gọi!



Từ cuối năm 2006, bắt đầu với việc chọn phối cảnh cầu Cần Thơ làm tranh quà tặng chính thức của ngành Du lịch thành phố Cần Thơ, chiếc cầu như một người thân quen được chờ đợi đã bao năm đang dần dần hiện ra trong tâm tưởng và trên sông Hậu. Bức phối cảnh có thấp thoáng cánh mai vàng (thêm vào) như lời chúc may mắn và chúc hanh thông. Càng cận ngày khai mạc Năm du lịch quốc gia mà cũng là năm khánh thành cầu, hình ảnh chiếc cầu (được chế biến nhiều kiểu khác nhau) càng được khai thác nhiều trên các phương tiện truyền thông của thành phố. Có những lúc nó thu hút mọi người từ sáng đến tối ở Đầm Sen khi được in trên một panô hơn 10 mét vuông. Trong lòng người Cần Thơ khi mỗi sáng, mỗi chiều nhìn ra sông thấy dáng chiếc cầu thấp thoáng qua làn sương thì sự náo nức làm người ta gần nhau hơn. Chiếc cầu không chỉ nối bờ sông mà nối cả lòng người.

Chết lặng! Chỉ có hai tiếng này mới nói hết được tâm trạng người Cần Thơ kể từ gần 8 giờ sáng 26.9.2007. Nhiều người Cần Thơ mãi mấy ngày sau mới cảm thấy được thảm họa lớn hơn họ tưởng. Ban đầu sự chú ý dành cho nạn nhân. Từ từ, khi mọi chuyện lắng xuống, người ta mới nghe lại chính mình. Dù ít hoặc nhiều ai cũng cảm thấy buồn, tiếc, ngạc nhiên. “Dư chấn” không chỉ là những tác động vật lý. Có cái gì đó vẫn tiếp tục sụp đổ trong lòng.

Người Tiền Giang và Vĩnh Long hãnh diện về chiếc cầu Mỹ Thuận. Cảm giác của người Cần Thơ có trọn vẹn sau này? Và mai sau khi qua cầu, có người Cần Thơ nào không cảm thấy chồn chân? Giờ đây các cơ quan chức năng đang vào cuộc. Rồi sẽ có câu trả lời vì sao có thảm họa, ai đã gây nên. Nhưng mãi sẽ không biết được vì sao người ta lại có thể làm như thế. Nỗi lòng này chỉ những người đã từng chiến đấu tại Điện Biên Phủ mới chia sẻ được. Khi run rẩy vì tuổi già trở về thăm lại chiến trường xưa, họ đã bàng hoàng nhìn tượng đài mà tự hỏi vì sao lại nỡ “ăn” vào cả bàn thờ? Cầu Cần Thơ là trái tim, là khúc ruột của cả đồng bằng, vì sao lại nỡ xé lòng người miền tây?



TKMX

Không có nhận xét nào: