Thứ Năm, 25 tháng 10, 2007

Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương


Chỉ với 150.000 đồng, cuốn sách 416 trang này sẽ giúp cho câu chuyện của hướng dẫn viên du lịch thêm phần sinh động, mới mẻ qua các phát hiện của Nguyễn Đắc Xuân khi đưa khách đến Thùa Thiên - Huế.



Làm dân nước Việt không ai không tự hào Việt Nam có Hoàng đế anh hùng Quang Trung. Thế nhưng lăng mộ của ông đã bị nhà Nguyễn “tận pháp trừng trị”, xoá bỏ hết dấu tích trên thực địa và trong sử sách từ hồi đầu thế kỷ XIX. Dân chúng bị cấm nhắc đến. Bởi thế từ mấy thế kỷ qua không một ai còn biết nơi ông đã được táng ở đâu. Nặng lòng với ý tưởng “Sống cái nhà, già cái mồ”, người dân Việt ước mong làm sao tìm cho được dấu tích lăng mộ vua Quang Trung để hằng năm đến thắp cho ông một nén hương. Từ sau khi nhà Nguyễn - kẻ thù của Phong trào Tây Sơn, suy tàn (cuối nửa đầu thế kỷ XX), nhiều nhà sử học trong và ngoài nước mới dám bỏ công đi tìm. Nhưng vì tài liệu lịch sử đã bị nhà Nguyễn hủy diệt, mọi dấu tích trên thực địa liên hệ đến Phong trào Tây Sơn nói chung và Quang Trung nói riêng đều bị thay đổi, bị che giấu, bị khoá chặt nên các nhà sử học phải bó tay. May sao, tôi không xuất thân là nhà sử học, tôi chỉ là một người nghiên cứu Huế. Để phục vụ nghiên cứu Huế, ngoài tài liệu lịch sử tôi còn sưu tập được nhiều tài liệu địa lý lịch sử, văn học cổ, ngôn ngữ dân gian, thảo mộc học, khảo cổ học, Dịch học v.v.có liên quan đến lịch sử văn hoá Huế. Những thông tin liên quan trực tiếp và gián tiếp đến lăng mộ vua Quang Trung trong các tư liệu ngoài sử học mà nhà Nguyễn không thể xoá hết đã giúp tôi phục hồi lại được những chỗ bị che giấu trong tài liệu lịch sử, chú giải được những bí ẩn trên thực địa để cuối cùng có thể khẳng định được Cung điện Đan Dương - lăng mộ vua Quang Trung đã từng toạ lạc trên ấp Bình An thuộc phường Trường An Thành phố Huế ngày nay. Công trình nghiên cứu của tôi kéo dài trên hai mươi năm, căn cứ trên hàng trăm tài liệu khác nhau, với hàng năm điền dã, nhiều lúc gặp khó khăn đến ngộp thở, kết quả được in thành một cuốn sách dày 416 trang, khổ 16 x 24... Bây giờ những bí ẩn, khó khăn, lắc léo liên quan đến lăng mộ vua Quang Trung đã được giải mã. Sự kiện lịch sử nầy đã trở nên thật đơn giản. Độc giả có thể hiểu nó một cách dễ dàng qua bản tóm tắt sau đây:

Như lịch sử đã ghi, chúa Nguyễn Hoàng vào Nam năm 1558, đến năm 1601, ông cho xây chùa Thiên Mụ bên bờ bắc sông Hương. Nhưng mãi đến năm 1635, người cháu nội của ông là Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1635-1648) mới xây dựng Thủ phủ của xứ Đàng Trong ở Kim Long, phía dưới Thiên Mụ chừng vài cây số. Đóng Phủ tại Kim Long các chúa nhận thấy địa thế ở đây hết sức xinh đẹp, thuận lợi trong việc luyện tập thủy quân, tiện đường ra Bắc-vào Nam. Chỉ có một điều bất tiện là “trời hành cơn lụt mỗi năm” khiến cho Phủ chúa nhiều khi bị nước lũ đe dọa đến tính mạng. Khắc phục điều bất tiện ấy, vào năm 1680, chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) cho xây dựng một hành cung tại một địa điểm kín gió, cao ráo, có đủ các yếu tố cát địa trên gò Dương Xuân bên bờ nam sông Hương. Hành cung được đặt tên là Phủ Dương Xuân. Từ đó, vào bốn tháng mưa gió, bão lụt cuối năm, các chúa đều lên ngự ở đó. Trải qua thời gian, Phủ Dương Xuân không ngừng được trùng tu, mở rộng mang tính lịch sử. Dưới thời chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), chúa sùng đạo Phật nên cho lập thêm một ngôi chùa nhỏ ở gần Phủ mà về sau có tên là chùa Thiền Lâm. Năm 1695, Chúa mời Hoà thượng Thích Đại Sán từ Trung Quốc sang hoằng dương đạo Phật. Hoà thượng làm quốc khách nên được trú tại chùa Thiền Lâm ở gần Phủ chúa ở Dương Xuân. Chùa Thiền Lâm bỗng nhiên được nâng cấp trở thành một ngôi đại tự để phục vụ cho đông đảo tăng khách và Phật tử các nơi đến thọ giới. Vào năm 1700, Phủ Dương Xuân được đại trùng tu. Trong khi đào đất sửa Phủ, lính thợ của cơ Tả thủy bắt gặp một cái ấn khắc bốn chữ “Trấn Lỗ Tướng Quân”, chúa mừng cho đây là một điềm lành nên đổi tên Phủ thành Phủ Ấn. Tuy vậy, dân chúng đã quen gọi tên cũ nên Phủ vẫn mang tên Dương Xuân. Đến đời chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Hoạt (1738-1765), chúa xây dựng Đô thành Phú Xuân, xây dựng nhiều cung điện khác như điện Trường Lạc, hiên Duyệt Võ trên cánh đồng Bầu Vá bên bờ nam thượng lưu sông Hương, và nâng cấp Phủ Dương Xuân thành một cung phủ nguy nga tráng lệ. Vào mùa đông năm 1749, chúa Võ Vương đã tiếp nhà buôn Pháp nổi tiếng Pierre Poivre ở đây. Lần đầu tiên một cung phủ của các chúa Nguyễn được ghi chép, mô tả tỉ mỉ trong Kỷ hành (Voyage) của một người phương Tây. Đến năm 1774, Thuận Hoá - Phú Xuân dưới thời Định Vương Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777) lọt vào tay quân Trịnh. Nhiều cung phủ ở hai bên bờ sông Hương bị quân Trịnh phá dỡ để lấy gỗ làm củi đốt. May sao, riêng Phủ Dương Xuân là nơi tạm trú của quan quân chúa Trịnh nên chưa bị phá. Năm 1774, Lê Quý Đôn được chúa Trịnh cử vào làm Hiệp trấn Thuận Hóa, ông đã kịp thời ngăn chặn được các cuộc phá hoại. Phủ Dương Xuân thoát khỏi sự đe dọa của ngọn lửa vô minh. Năm 1786, Nguyễn Huệ từ Qui Nhơn thúc quân Tây Sơn ra giải phóng Phú Xuân. Chỉ qua một đêm hàng vạn quân Trịnh trong và ngoài Đô thành Phú Xuân bị tiêu diệt. Thây chất thành đống. Nguyễn Huệ lên lập hành dinh ở Phủ Dương Xuân. Nơi đây tránh được sự ô nhiễm của xác chết, có độ cao lý tưởng, lại gần đường thượng đạo ra Bắc vào Nam, thích hợp với đội quân phần đông là người sơn cước và đàn voi chiến của người anh hùng áo vải cờ đào. Chưa kịp thu dọn tàn dư cuộc chiến và ổn định tình hình ở Đô thành Phú Xuân, Nguyễn Huệ -theo sự tham mưu của Nguyễn Hữu Chỉnh - tiếp tục thúc quân ra Thăng Long thực hiện việc “Phù Lê diệt Trịnh”. Hoàn thành được nhiệm vụ lịch sử, Nguyễn Huệ dẫn quân trở lại Phú Xuân mang theo nhiều vàng bạc châu báu của Bắc Hà và công chúa Lê Ngọc Hân. Để cất giữ của cải mới chiếm được, Nguyễn Huệ cho xây chung quanh Phủ Dương Xuân một bức thành cao trên 6m. Ông ở trong Phủ Dương Xuân với bà vợ chính họ Phạm, còn công chúa Ngọc Hân ông bố trí trú trong chùa Kim Tiên ở chếch về phía tây bờ nam con suối chảy trước Phủ. Con suối soi bóng chùa Kim Tiên nên dân gian gọi là Suối Tiên. Công chúa lưu trú trong chùa Kim Tiên nên cũng có một biệt hiệu là “bà chúa Tiên”. Nguyễn Huệ cho đại trùng tu Phủ Dương Xuân. Đến cuối năm 1788, ông lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung, công chúa Ngọc Hân được phong Bắc cung Hoàng hậu, Phủ Dương Xuân được xây dựng lại và được đặt tên là Cung điện Đan Dương. Các quan văn võ Trần Văn Kỷ, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Ngô Văn Sở, Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Lê Chất...đã nhiều lần đến chầu vua Quang Trung ở Cung điện Đan Dương. Theo tập quán phương Đông, một ông vua lên ngôi xong là tính đến chuyện xây lăng mộ (Tức vị trị quan). Vua Quang Trung không có ý định đóng đô ở Phú Xuân nên chưa tính đến việc xây lăng mộ ở đây, ông cho xây gấp Phượng hoàng Trung đô ở quê gốc Nghệ An của ông.

Từ cuối năm 1790 trở đi, nhiều sự kiện lịch sử xảy ra liên tiếp làm cho vua Quang Trung phải căng sức đối phó: Cuối năm 1790, vua Quang Trung đòi nhà Thanh phải trả lại đất 6 châu thuộc Hưng Hóa đã bị nhà Thanh chiếm. Nhà Thanh lấy cớ là cương giới đã xác định nên không trả. Vua Quang Trung quyết tâm củng cố quân đội và thực lực trong nước để đòi cho kỳ được phần đất đã mất. Tháng 6 năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung đã cử Võ Văn Dũng dẫn đầu một sứ đoàn sang Trung Quốc để cầu hôn và đòi đất. Giữa hai thời điểm ấy, lại còn xảy ra nhiều sự kiện đau đớn: năm 1791, bà chính hậu họ Phạm - người được vua Quang Trung sủng ái nhất, qua đời. Sự kiện này làm cho vua Quang Trung “đau đớn đến phát điên”. Anh ông là Nguyễn Nhạc tưởng ông chết bèn dẫn một đoàn quân trực chỉ ra Thuận Hoá để “tiếp thu Phú Xuân”. Không ngờ, khi ra gần đến An Cựu, Nguyễn Nhạc mới biết mình nhầm và quay đầu trở lại. Sự kiện đó chứng tỏ mâu thuẫn nội bộ trong Phong trào Tây Sơn đã lên đến đỉnh điểm. Nguyễn Vương ở Gia Định nắm được thời cơ, đích thân dẫn 128 chiến thuyền bất ngờ tiến công lực lượng thủy quân hùng mạnh của Nguyễn Nhạc ở cửa biển Thi Nại (Quy Nhơn). Toàn bộ ghe và khí giới của Nhạc bị đốt cháy, bị phá hủy hoặc bị cướp đi... Đối phó với tình hình chính trị quá căng thẳng, vua Quang Trung ngã bệnh. Vào ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (tức 16-9-1792) vua băng. Để giữ kín sự kiện nầy với những lực lượng thù địch như ở phía bắc với Trung quốc, phía nam với Nguyễn Vương, trong nội bộ với Nguyễn Nhạc và với cả các Thừa sai Thiên Chúa giáo ở phường Đúc chỉ cách Cung điện Đan Dương vài cây số, triều Quang Toản đã quyết định bí mật táng vua Quang Trung ngay trong khuôn viên Cung điện Đan Dương. Từ đó Cung điện Đan Dương trở thành Lăng Đan Dương của vua Quang Trung như Ngô Thì Nhậm nhiều lần nhắc đến. Vua Quang Toản lên ngôi mới ở tuổi lên mười, mọi quyền hành đều nằm trong tay cậu của vua là Bùi Đắc Tuyên. Quang Toản được ngồi trong thành Phú Xuân bên bờ bắc sông Hương, Bùi Đắc Tuyên với chức Thái sư chiếm chùa Thiền Lâm bên cạnh Lăng Đan Dương làm dinh phủ. Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm phải làm việc với Bùi Đắc Tuyên trong ngôi chùa lịch sử nầy. Đến năm 1795, Bùi Đắc Tuyên bị đảo chính bắt dìm nước chết, một số tướng lãnh như Ngô Văn Sở, Lê Chất quay theo Nguyễn Vương. Những bí mật chung quanh lăng Đan Dương không còn giữ được nữa. Đến năm 1799, Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân qua đời, theo nguyện vọng của bà, triều Quang Toản cho táng bà bên cạnh lăng Đan Dương. Nhưng sau đó, Đô đốc Hài đã bí mật kịp đưa hài cốt của bà về chôn ở làng Nành Bắc Ninh dưới danh nghĩa một người bình dân. Cuối năm 1801, Nguyễn Vương về lại Phú Xuân, vì “chín đời mà trả thù”, Vương cho quật phá Lăng Đan Dương, “bổ săng, bêu đầu ở chợ”. Năm 1802, Nguyễn Vương lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long, ông và các đời vua con cháu ông đã “tận pháp trừng trị” nhà Tây Sơn bằng nhiều biện pháp: 1. Giết hết bà con dòng họ của anh em nhà Nguyễn Tây Sơn, 2. Đập phá chôn sâu dưới đất tất cả những vật liệu liên quan đến Cung điện Đan Dương; 3. Cấm ngặt dân chúng không được lai vãng đến vùng cấm địa nầy; 4. Đổi tên vùng Long Sơn Lâm Lộc thuộc xã Dương Xuân có Lăng Đan Dương thành ấp Bình An thuộc xã Phú Xuân; 5. Xoá hết văn bia chùa Thiền Lâm và viết Đại Nam nhất thống chí đổi địa chỉ chùa Thiền Lâm ở ấp Bình An xã Phú Xuân chuyển qua xã An Cựu; 6. Quật mã Công chúa Ngọc Hân ở làng Nành vất xuống sông; 7.Phủ Dương Xuân của các chúa Nguyễn đã trở thành Cung điện Đan Dương - Lăng Đan Dương, Lăng Đan Dương của vua Quang Trung đã bị đập phá chôn sâu dưới đất, trong Đại Nam nhất thống chí nhà Nguyễn phải lập lờ viết rằng, nơi xây dựng Phủ Dương Xuân đã mất tích vì “binh loạn” với Tây Sơn nên “không biết ở đâu” (Tự kinh binh loạn kim thất kỳ xứ).

Qua “kho” tư liệu Huế học của tôi, văn thơ Ngô Thì Nhậm - Phan Huy Ích cho tôi biết lăng mộ vua Quang Trung trong Cung điện Đan Dương và ở gần chùa Thiền Lâm, bản sách địa lý lịch sử Đại Nam nhất thống chí soạn thảo dưới thời Tự Đức và bản khắc in dưới thời Duy Tân có một độ lệch cho tôi biết địa chỉ chùa Thiền Lâm ở ấp Bình An đã bị “ghi nhầm” qua xã An Cựu, bút ký Kỷ hành của nhà buôn Pháp Pierre Poivre cho tôi biết vị trí và địa thế của Phủ Dương Xuân mà nhà Nguyễn đã ghi là “mất tích”.v.v. Những thông tin ấy tập trung vào khu vực bốn chùa Thiền Lâm - Vạn Phước - Diệu Đức và Kim Tiên ngày nay. Bí ẩn của hàng trăm viên đá táng, đá tảng, đá tấm, đá khối, đá viên đủ cỡ phát hiện trong khu vực nầy, (đặc biệt dưới lòng đất nền chùa Thiền Lâm), từ đầu thế kỷ XX đến nay bỗng được chú ý đến nguồn gốc của chúng. Trong khu vực nầy lại có nhiều giếng cổ mang tên “giếng loạn”, nhiều gốc hoa đại cổ thụ chứng tỏ khu vực nầy đã từng là một vùng cung điện có liên hệ đến Tây Sơn (loạn), đã từng có hàng trăm người ở. Về phong thủy, vị trí trung tâm khu vực ấy có một dòng nước chảy từ trái sang phải, có đủ yếu tố “cát địa” tả Thanh long, hữu Bạch hổ, tiền án, hậu chẩm đầy đủ. Hiếm có một nơi nào gần bờ sông Hương có vị trí tốt và đẹp đến như vậy. Tôi có thể khẳng định đã tìm được dấu tích Cung điện Đan Dương - Sơn lăng của vua Quang Trung - hậu thân của Phủ Dương Xuân.

Tìm được dấu tích của Cung điện Đan Dương, giải mã được nhiều bí ẩn trong lịch sử, trong văn học cổ, trong văn học dân gian, trong lịch sử chùa Thiền Lâm v.v... và đặc biệt giải mã được một bí ẩn hàng đầu của lịch sử dân tộc: Lăng mộ vua Quang Trung ở đâu?

Huế, tháng 10-2007

Nguyễn Đắc Xuân

_____

Đặt mua sách tại: 9/1 Nguyễn Công Trứ, thành phố Huế (giá bìa bao gồm cước bưu điện)

ĐT: 054.823009 - DĐ: 0914.20.39.44 - E-mail: gactholoc@yahoo.com

Số tài khoản: 016 100 0137 476 - Ngân hàng Vietcombank, chủ tài khoản: Nguyễn Đắc Xuân

Không có nhận xét nào: