Thứ Hai, 1 tháng 10, 2007

ĐI TRONG MÀU XANH MIỀN TÂY

Huỳnh Kim

“Đi trong màu xanh đồng bằng sông Cửu Long” là tên một tour du lịch sinh thái của Trung tâm điều hành du lịch Cửu Long (Vĩnh Long). Rời bến đò du lịch thị xã Vĩnh Long, chúng tôi đã theo chân một đoàn du khách Mỹ…

Trời chạng vạng, chiếc vỏ lãi tấp vào cầu tàu nhà sàn ông Mười Đậy. Bảy thầy trò giáo sư Raymond F. Turner thuộc đại học Naval Academy (Mỹ) ào lên nhà sàn. Thoáng một cái, đã thấy ba chàng trai và ba cô gái thay đồ tắm, nhảy ùm xuống sông. Còn thầy Turner thì mắc võng ngoài hiên nhà, nhâm nhi bia 333, thích thú nhìn các học trò đang bơi lội đùa giỡn dưới sông.

Từ sáng tới giờ, họ đã đi một tua kỳ thú. Rời thị xã Vĩnh Long, thăm lò gốm Hiệp Lợi ở huyện Long Hồ, rồi băng ngang sông Cổ Chiên mênh mông sóng gió phù sa, “đột nhập” vào cù lao An Bình chằng chịt kênh rạch và sum suê cây trái, hoa kiểng. Bữa trưa, ông chủ nhà vườn Mười Hưởng “đãi” năm món đặc sản cù lao, dẫn khách đi thăm bốn hecta vườn nhãn và nghe ông kể chuyện ba đời làm vườn mà nay tới đời ông thì kể đã gần 70 năm. Chiều đi tiếp tới nhà vườn ông Sáu Giáo, thưởng thức cái đẹp của “văn hóa kiểng miền Tây” tràn trề quanh chỗ khách ngồi. “Đổ bộ” xuống xuồng chèo len lỏi trong những con rạch nhỏ rồi lại lên thuyền máy “thả rong” tà tà theo ánh hoàng hôn để tới nhà ông Mười Đậy đặng thưởng thức tiếp cái thú ăn ngủ nhà sàn và nghe ca nhạc tài tử .

Hình như cái gì cũng lạ với các du khách Mỹ này. Sao mà ở đâu cũng gặp nụ cười rồi những cái vẫy tay chào thân thiện của người dân địa phương, dù chỉ lướt qua, như là hình ảnh các em nhỏ ngồi ngất ngưởng ở đầu mũi xuồng chạy ngược chiều. Sao cây trái tốt tươi mà xóm làng lại yên ả như thế. Sao có cây kiểng, bên ba nhánh, bên bốn nhánh rồi bên năm nhánh… Người hướng dẫn du lịch giải thích đó là chủ nhà vườn muốn thể kiện cái đạo “tam cương, ngũ thường”, “tam tòng, tứ đức”… của người xưa. Hoặc là vì sao dưới những rặng bần xanh um, thấy rừng rễ bần tua tủa mà không nghe người ta gọi “rễ bần” lại kêu “cặt bần”. Tức thì người hướng dẫn du lịch đọc lên hai câu ca dao đối đáp: “Sóng đánh cặt bần run lẩy bẩy, gió đưa dái mít giẫy tê tê” để nói rằng, cái nết văn hóa khẩn hoang Nam bộ nó phong phú, đa dạng như chính cảnh đất trời, sông nước mà du khách đang quyện lẫn vào…

Khi ông Mười Đậy vừa chuẩn bị xong ghế bố, mùng mền và tuyên bố sẽ đãi khách một bữa cơm chiều “đạm bạc” có cá tai tượng kho tương, tôi hỏi Turner với tư cách là giáo sư kinh tế học đã từng tham chiến ở Việt Nam: “Nhà sàn đơn sơ, đất trời rộng mở như vầy, liệu có hiệu quả kinh tế hay không trong mở mang du lịch?”. Turner: “Đừng cải thiện thêm ngoài những gì trong nhà đã có. Cải thiện nữa thì sẽ làm hỏng môi trường sông nước là cái mà du khách quốc tế cần. Tuyệt nhất vẫn là con người Việt Nam, rất thân thiện, rộng mở và lịch sự. Chúng tôi đã đi từ miền Bắc vào và tôi chọn tua Vĩnh Long để sinh viên có thể đến hằng năm vì đây là điểm du lịch khá đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

Turner nói, chỉ nên thêm điểm tham quan để du khách hiểu thêm truyền thống, văn bóa đồng bằng. Chuyện này thì anh Việt Tuấn, Giám đốc Trung tâm điều hành du lịch Cửu Long đã “có kế hoạch”. Anh Tuấn bảo, sẽ tiếp tục duy trì tốt mối quan hệ làm ăn với hơn 50 đơn vị lữ hành trong nước và với nhiều chủ nhà vườn ở cù lao An Bình. Sẽ làm thêm các chương trình du lịch trên sông nước gắn với giữ môi trường sinh thái thật tốt để du khách hòa mình với thiên nhiên, hiểu thêm đời sống thường nhật của người dân Nam bộ. Tỉ như đưa khách xem các lò gốm, lò cốm, lò bánh tráng, lò gạch, lò rèn, chằm nón, chằm lá, làm vườn, làm lúa, giăng câu bắt cá, ca nhạc tài tử, chơi hoa kiểng…

Lúc này thì sáu anh chị sinh viên mà hai năm nữa sẽ tốt nghiệp, vừa bơi xuồng về, trên tay mấy cô gái lủng lẳng những chùm nhãn da bò hái được dọc bờ sông. Erin Elizabeth Orlich, giơ chùm nhãn lên: “Thật tuyệt! Nhưng mà mỏi tay lắm vì cây dầm nặng quá!”. Hổng dè điều đó lại trở thành sáng kiến mới của Hoàng Trần Anh, người của công ty du lịch Mỹ Global Spectrum có văn phòng đại diện tại Đà Nẵng và là đơn vị tổ chức chuyến lữ hành này: “Chúng tôi sẽ bàn với Công ty Du lịch Vĩnh Long mở thêm các tuyến bơi xuồng cho du khách quốc tế. Sông nước ở đây rất đạt cho yêu cầu đó, lại có thể khai thác quanh năm. Chỉ cần cải tiến cây dầm cho nhẹ hơn. Có thể tháng tới sẽ đi khảo sát các tuyến sông và đặt làm một loạt cây dầm bằng nhôm đúng tiêu chuẩn dầm bơi thể thao quốc tế”.

Đêm hôm đó, tới nửa đêm thầy trò Turner còn mắc võng ngoài hiên. Chắc là cái không khí tràn đầy tình cảm của buổi tối nghe ca nhạc tài tử rồi cùng nhau ca hát trên nhà sàn trong âm vang tiếng máy nổ ghe xuồng xuôi ngược dưới sông, đã làm đắm lòng du khách.

Sáng bữa sau, anh Lý Hoàn Cảnh, Phó giám đốc Trung tâm Điều hành du lịch Cửu Long thông báo tin sốt dẻo: sẽ ghé thăm UBND xã Hòa Ninh ở giữa cù lao để đoàn tặng anh nông dân nghèo Ngô Ngọc Kiệt một chiếc xuồng và một tay lưới trị giá ba triệu đồng. Giáo sư Turner nói: “Vì sao ta không làm du lịch từ thiện trong một thế giới đang quá nhỏ hẹp bởi công nghệ Internet. Cái chiếc tam bản đó là quà tặng của sinh viên trường chúng tôi”. Anh Lý Hoàn Cảnh nói: “Nhận được fax du khách có nhu cầu này, tụi tôi bàn với xã chọn người và đi đặt đóng thuyền ngay. Cũng là chuyện mới trong nghề du lịch xanh của mình”.


Tặng quà xong, chúng tôi chia tay nhau; thầy trò Turner đi tiếp tới chợ nổi Cái Bè bên Tiền Giang trước khi về lại TPHCM. Anh Lê Hoàng Minh, Phó bí thư Chi bộ xã Hòa Ninh đã làm ba cô gái xúc động với ba chùm hoa hoàng hậu vàng rực mà anh hái tặng khách ngay trước sân trụ sở xã. Còn tôi, quay trở về Cần Thơ sông nước với những dòng “lưu bút” trong sáng, dễ thương của những người bạn mới. Xin chép lại, gửi tặng bạn đọc vài dòng trong số đó.

“Cho tới giờ, tua đồng bằng sông Củu Long là tua hấp dẫn nhất trong hành trình của tôi. Người dân ở đây thật kỳ diệu, hào phóng và thân thiện. Có thể cảm nhận được cái đẹp của đồng bằng ngay trong sông nước, cây xanh và bầu trời khoáng đãng. Người hướng dẫn thật tuyệt, vì ảnh hiểu biết vùng này tường tận. Còn thức ăn thì khỏi chê. Ngay từ những trái dừa nước đầu tiên bà con mời mình, đã làm cho tôi hiểu rằng, nó thuần túy Việt Nam biết chừng nào. Chỉ hai ngày thôi mà tôi thấy cảm mến nơi này quá đỗi. Nếu tua dài hơn nữa thì chắc là tôi khó mà xa rời nơi đây”. (Travis Bohlinger).

“Đồng bằng sông Cửu Long là nơi mà du khách phải tới. Người dân thật là rộng lượng và hiếu khách. Sự thanh bình ở đây là cả một kho báu. Như là có một ý nghĩa khác nằm ngoài cuộc sống của đồng bằng. Đồng bằng này là viên ngọc của Việt Nam. Mình chẳng thể nào quên được cái đêm ngủ trên nhà sàn. Chủ nhà hiền lành, tốt bụng. Thức ăn quá ngon và những bài ca tài tử, những câu chuyện giải trí mới tuyệt làm sao. Xin cảm ơn một quê hương tươi đẹp. Sẽ chẳng thể nào quên…”. (Erin Elizabeth Orlich)./.

____________

“Nguyên văn” ý kiến của 6 bạn sinh viên ấy như sau:

+ Mr.TRAVIS BOHLINGER: The Mekong Delta tour was the most fasvinating part of my trip so far. The people here are magical, full of generosity and so willing to talk. The beauty of the Delta is constantly visible, from the water, to the lush greenery and amazing skylines.
The tour operators themselves were wonderful. They made us very comfortable, and their knowledge of the area was extensive.
The food was great. Stating out with coconut jiuce soon after we embarked let me known that this tour was genvinely Vietnamese, without any Americanication to spoil it.
The length of the tour was perfect. I am glad that we were exposed for only a couple of days, because any longer than that it would have been very hard to leave these people and the incredible area of the world that they live in.

+ Ms KRISTY NISTLER: Everyone in the Delta seemed so friendly. I felt like I had stepped into a different world. It was great to eat fresh fruit right off of the tree and fresh fish from the water. That is something that we cannot get in the United States.

+ Mr DAVID NEALL: The trip on the boat through the Mekong Delta was an experience that I’ll never forget. The scenery along the river is beautiful, but what is more beautiful is the people. They lead such simple lives and it brings them such joy to see new people. The rough, hard-working faces light up when you wave or smile. Seeing the characteristic of the people here makes me want to change a lot of the things I see + do in US. I definitely plan on coming back to Vietnam.

+ Mr EDWARD HAN: I am continually amazed and delighted by the people of the Mekong. Everyone is so rich with findness that it is overwhelming.

+ Ms LESLEY ALEXANDER: This trip has been amazing. I have read books and watched movies about Vietnam, but seeing the country and the people with my own eyes has taught me so much. The land is breathtaking, the people are friendly, and the food is wonderful. I don’t want to leave!

+ Ms ERIN ELIZABETH ORLICH: The Mekong Delta of Vietnam is a “must see” for all visitors. The people are so generous and peaceful. The tranquility is a treasure. There is a different meaning of life down here in the Delta. We swam in the river and asleep under a blanket of stars. I had no sense of time the whole duration of our visit, but it didn’t matter. I let myself get lost in the scenery and screnity of the Delta. The Mekong is a jewel of Vietnam. I will always remember my visit to the house on stilts. Our host was very kind and generous. The food was delicious and the entertainment was excellent!
Thank you for shawing with us your beautiful home. You will be rememberd.

Không có nhận xét nào: