Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2007

“Cánh đồng bất tận” đi chơi Hàn Quốc


Ngày 1-10, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư sang Hàn Quốc dự lễ ra mắt và giao lưu bạn đọc nhân dịp tác phẩm “Cánh đồng bất tận lần đầu tiên được dịch sang tiếng Hàn và phát hành ở Hàn Quốc.

Mấy tháng trước, nhà thơ Chim Trắng đã cùng dịch giả là nhà văn Ha Jae Hong, nhiều lần về Cà Mau, làm việc với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư về kế hoạch giới thiệu “Cánh đồng bất tận với độc giả Hàn Quốc.

TruyệnCánh đồng bất tận lần đầu xuất hiện trên tuần báo Văn Nghệ vào tháng 8-2005, sau đó Báo Tuổi Trẻ trích đăng lại; năm 2006 được tặng giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, khi tác giả Nguyễn Ngọc Tư 30 tuổi.

Về sự kiện này, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư chỉ nói “Đó là chuyện bình thường”, rồi lẳng lặng rời Cà Mau về Sài Gòn bay sang Hàn Quốc theo lời mời của phía bạn. (Cùng đi với chị, còn có hai nhà thơ Thu Nguyệt, Chim Trắng và họa sĩ Trần Luân Tín, người vẽ minh họa cho “Cánh đồng bất tận tiếng Hàn).

Trước khi đi, Nguyễn Ngọc Tư có gởi email cho tôi bài “Lời ngỏ” viết cho bản dịch này và cả bài tham luận chị dự tính sẽ đọc tại buổi giao lưu tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Là vì tôi cứ hỏi, làm sao mà dịch giả chuyển ngữ được văn phong rặt Nam bộ của “Cánh đồng bất tận”; làm sao mà họ lại chọn truyện này; khi qua bển, Nguyễn Ngọc Tư sẽ nói gì với bạn đọc Hàn Quốc… Bây giờ, xin trích vài đoạn trong bài “Lời ngỏ” ấy:

“Đã có nhiều câu hỏi đặt ra, tại sao tôi viết “Cánh đồng bất tận”. Tôi nói rằng tôi muốn vượt qua mình, muốn thử sức mình, muốn làm mới mình. Nhưng tôi cũng tự hỏi, tại sao tôi viết “Cánh đồng bất tận”. Ký ức giả vờ thản nhiên kể tôi nghe một câu chuyện trong kho tàng văn học cổ, chuyện rằng người vợ có chồng đi chinh chiến, đêm đêm nàng chỉ bóng nàng trên vách, bảo với đứa con, kia là cha con. Khi người lính trở về, đứa bé không nhận cha, nó nói nó đã có cha, đêm đêm vẫn đến. Và người mẹ đã trầm mình dưới lòng sông để chứng minh sự tiết hạnh, trong sạch của mình. Người ta thường quá tự tin vào mắt, vào tai mình, người ta không dè dặt trước chữ “biết”.
Xin cảm ơn nhà văn Ha Jae Hong, người đã quan tâm và dịch “
Cánh đồng bất tận”, một tác phẩm dày đặc thổ ngữ Nam Bộ (mà một số vùng mìền khác của Việt Nam còn cảm thấy… khó hiểu). Chúng tôi đã có nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi với nhau, đôi khi chỉ vì một vài thổ ngữ lạ, và tôi đã thấy người dịch không làm một công việc bình thường với sự cần mẫn bình thường, tôi nhận được ở anh một tấm lòng nhiệt thành, tâm huyết, một sự thấu hiểu, đồng cảm lớn giữa người viết và người đọc.
Hàn Quốc, với tôi là một đất nước xa xôi về mặt địa lý nhưng không xa lạ, nên tôi rất vui khi bản dịch ra ngoại ngữ đầu tiên của “
Cánh đồng bất tận” là tiếng Hàn, bởi tôi nghĩ người Hàn, như người Việt, sẽ có một sự đồng cảm đặc biệt với tinh thần Á Châu sâu sắc, kín đáo và dịu dàng…”.

Sau ngày giao lưu, tôi gởi email hỏi thăm tình hình, Nguyễn Ngọc Tư chỉ nói “Bạn đọc Hàn Quốc cũng hơi bị… khoái CĐBT”, rồi la trời chuyện giá dịch vụ Internet, điện thoại… ở bển quá mắc. Hôm sau, ngày 5-10, vào Internet, đã thấy hai tờ báo Hàn Quốc là Korea TimesKorea Herald viết bài khen Cánh đồng bất tận. Tờ Korea Times còn đăng kèm bìa sách Cánh đồng bất tậntiếng Hàn và hình tác giả đứng trước một nhà hàng ở Seoul.

Sau chuyến đi này, có thể nhà văn Nguyễn Ngọc Tư sẽ viết tiểu thuyết với đề tài phụ nữ Việt Nam lấy chồng người nước ngoài - như chị cho biết theo như lời trích dẫn của báo chí Hàn Quốc. Có thể như vậy mà cũng có thể không. Bởi vì trước khi đi, chị đã tâm sự trong blog của mình: “Có gì ở bên ngoài biên giới của lòng tôi? Có gì ở bên ngoài biên giới của đất nước tôi? Có gì ở bên ngoài biên giới? Tôi phải đi thì mới biết được”.

“Có gì ở bên ngoài biên giới của lòng tôi?”. Không biết giờ đây, lời độc thoại ấy có gặp được bạn bè? Hay vẫn là tâm trạng cô đơn của tác giả Cánh đồng bất tận như trong tham luận chị đã viết, mà ở phần kết, buồn lắm:

“Nghề viết, văn chương vốn gây nhiều ngộ nhận, ngô nhận liên tiếp ngộ nhận. Ngộ nhận ngay từ trên tác phẩm, là sự thất vọng bàng hoàng giữa ý tưởng và thể hiện thực tế, giữa cuộc sống bề bộn nóng hổi và sự xa lạ lạnh lẽo của trang viết, giữa thực tài và mơ ước, khát vọng văn chương, giữa cái cảm giác của một người viết ra tác phẩm và của một người đọc để nhìn nhận nó một cách khách quan.

Tôi luôn tự hỏi, mình đã đủ tỉnh táo chưa, đầu mình đã đủ lạnh chưa cho một trái tim quá nóng? Những trang viết này có làm mình xấu hổ không, có đi vào lòng người không, có khiến người ta nhớ không? Tôi đã làm mọi cách để không phải vướng vào một ngộ nhận sơ đẳng nhất, nhưng dễ giết chết người viết văn nhất, đó là ảo tưởng về mình. Thực tế, trong văn học không hề có đỉnh cao nào, và tôi chỉ là người ngơ ngác bên chân núi.

Tôi sợ mất mình, sợ lạc mình ở một nơi mà cả đời không tìm lại được vì cái ngộ nhận ngây ngô đó”.

Ngày 8-10, tôi nhận được email từ Nguyễn Ngọc Tư: “Đã tới Jeji. Ở đây ba ngày, rồi đi Busan ba ngày nữa. Sau đó về Sài Gòn”. Tôi nghĩ vui mà không hồi âm cho tác giả: Cánh đồng bất tận” lại trở về nhà”.


Huỳnh Kim


___

Ảnh: Trương Công Khả

Không có nhận xét nào: