Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2007

Trách nhiệm doanh nhân

Bài viết dưới đây của nhà báo Hồ Hùng đã đăng tải trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn số: 43-2007 (879) - Ngày: 18-10-2007.

Mblog đăng lại như là ý kiến đầu tiên theo gợi ý của ông Võ Hùng Dũng, giám đốc VCCI Cần Thơ nhằm tiếp tục cuộc thảo luận về TÂM, TÀI, TRÍ, DŨNG của doanh nhân mà buổi tọa đàm với nhà sử học Dương Trung Quốc đã mở đầu.
Kính mong được sự hưởng ứng của doanh nhân đồng bằng và những người quan tâm đến một tầng lớp vừa được thừa nhận chưa lâu, đang tiến vào giai đoạn xây dựng ”một đội ngũ, một tầm nhìn”.



Hồ Hùng

Tuần rồi, nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ đã tổ chức buổi tọa đàm bàn về bốn chữ “tâm, tài, trí, dũng” của doanh nhân thời nay. Tại buổi tọa đàm, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Tâm, tài, trí, dũng đã đúc kết trong đời sống phát triển của Việt Nam, chứ không phải của riêng giới doanh nhân. Đó là phẩm chất chung của dân tộc, tạo nên những đóng góp lịch sử. Còn doanh nhân? Trước khi là doanh nhân, họ đã là công dân Việt Nam. Và khi trở thành doanh nhân, thời nay họ sẽ là lực lượng phải thể hiện những điều đó trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước”.

VCCI Cần Thơ trao giải Doanh nhân tiêu biểu năm 2007
khu vực địa phương nhân ngày Doanh nhân Việt Nam

Bà Phạm Thị Việt Nga – Tổng giám đốc
Công ty cổ phần Dược Hậu Giang đang phát biểu

Doanh nhân không thể thiếu bốn yếu tố tâm, tài, trí, dũng, bởi nó quyết định nhiều đến khả năng lãnh đạo, sự thành bại trong kinh doanh. Không tài, thiếu trí thì đừng nghĩ đến chuyện lèo lái doanh nghiệp. Còn có tài, có trí, có tâm nhưng không có “dũng” thì làm sao dám quyết định, dám làm những chuyện dù mạo hiểm nhưng có thể mang về thành công rực rỡ. Nhưng nếu một doanh nhân hội đủ cả ba yếu tố tài, trí, dũng mà thiếu cái tâm thì rất dễ rơi vào cảnh cạnh tranh, làm ăn bất chính.

Rất khó để có một định nghĩa đầy đủ về chữ tâm, bởi nó bao hàm cả những quy chuẩn về đạo đức kinh doanh, về lối sống, nếp nghĩ, cách làm việc... “Thấy nhân viên mình ngày càng có thu nhập cao, đi xe tốt nhiều, mình thấy vui, cũng là thể hiện cái tâm”, bà Phạm Thị Việt Nga, Giám đốc Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, ví von. Hay một doanh nghiệp làm tốt vấn đề xử lý nước thải, khói thải... để không gây ảnh hưởng đến cộng đồng, đó cũng là thể hiện cái tâm. Nói nôm na như ông Hồ Trọng Khải, Giám đốc bán hàng khu vực ĐBSCL của PepsiCo: “Tâm là mong muốn hướng thiện, luôn hướng về số đông chứ không nghĩ riêng cho cá nhân mình”.

Sự cố tại công trình cầu Cần Thơ vừa qua, cũng cho thấy nhiều doanh nghiệp đã thể hiện rõ cái tâm. Chỉ hơn một giờ sau khi những khối bê tông đổ ập xuống, nhiều thành viên của Công ty cổ phần Dược Hậu Giang đã có mặt, sẵn sàng hiến máu cứu người... Rồi những ngày sau đó, danh sách các doanh nghiệp hỗ trợ tiền, quà cho gia đình các nạn nhận cứ ngày một dài thêm ra. Nhiều doanh nghiệp đóng góp một cách tự nguyện chứ không cần ai kêu gọi!

Nhưng cũng từ sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, chuyện một số công nhân tham gia thi công không được mua bảo hiểm... cũng được phát hiện. Rồi chuyện nhiều doanh nghiệp vô tư xả nước thải chưa qua xử lý ra sông... gây ô nhiễm nghiêm trọng hay chuyện các doanh nghiệp bắt tay nhau nâng giá sản phẩm, bắt chẹt khách hàng... Tất cả phải chăng là do doanh nhân thiếu cái tâm?

Cái tâm của doanh nhân không chỉ cần được thể hiện với doanh nghiệp, với công nhân hoặc khách hàng của mình, mà còn phải thể hiện cả với cộng đồng và xã hội. Doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo không thể cứ tích trữ cho đầy kho rồi mong chờ khi thiên tai, mất mùa xảy ra để tung ra bán giá cao làm giàu, nhân viên mình rủng rỉnh túi... mà còn phải nghĩ đến hàng triệu nông dân dãi nắng dầm sương.

Tuy nhiên, một doanh nhân có tâm, muốn làm “người tốt”, trong nhiều trường hợp cũng không phải dễ. Theo ông Khải: “Thấy bất công, muốn lên tiếng cũng khó vì sợ bị trả thù, bị trù dập”. Phải chăng vì vậy nên rất hiếm khi doanh nhân đứng ra công khai phản đối một dự án hay công trình nào đó dù biết rằng nó ảnh hưởng đến môi trường, đến người dân.

Trong những trường hợp như vậy, trách nhiệm thuộc về chữ “dũng” của doanh nhân, nhưng nguồn gốc đôi khi lại là do cơ chế với nhiều quyền lực chi phối, làm doanh nhân nản lòng.

Phá rừng, đê bao ngăn dòng chảy... để rồi khi thiên nhiên “nổi giận”, lũ lụt, thiên tai xảy ra, doanh nhân lại hỗ trợ, quyên góp cho người dân. Đừng để xảy ra nghịch lý này, khi thay vì hoan nghênh cái “dũng” ban đầu của họ, chúng ta lại chỉ biết đòi hỏi và cổ vũ cái “tâm” nơi họ.

____

Ảnh: Hồ Hùng

Xem thêm:
Blog của Dương Trung Quốc
Chúng ta còn nhút nhát lắm!

Tải về:
Danh sách doanh nhân tiêu biểu năm 2007
tại đồng bằng sông Cửu Long


2 nhận xét:

HONG HANH nói...

Danh sách doanh nhân tiêu biểu của VCCI chưa chuẩn vì những lỗi cơ bản: 1. Thành phố Cần Thơ chứ không phải tỉnh Cần Thơ; danh sách của tỉnh Bến Tre lập lại hai lần trong văn bản.
Ai soạn thảo mà kỳ dữ vậy trời !
Chuyên nghiệp một tí đi.

Mblog nói...

Chân thành cảm ơn nhà báo Hồng Hạnh (báo Thanh Niên)đã góp ý về danh sách doanh nhân đbsCL, đây là văn bản gốc và Mblog đã điều chỉnh các lỗi mo-rát cùng sơ suất khác trong file tải về.