Thứ Ba, 31 tháng 7, 2007

Đến Trà Vinh gặp Sóc Trăng

Phù Sa Lộc


Tưởng xa xôi nhưng lại hóa gần
Cũng những hàng sao hàng dầu sai trái
Thả theo gió cánh hoa bay mãi
Trong trời chiều xoay tít giữa cơn mưa

Nào khác chi đâu mấy mảnh đất giồng
Cái nắng mùa khô tơi từng hạt cát
Lưu luyến giữ chân khách
Khúc nhạc thiên nhiên tre hát muôn lời

Đã từng đến thăm chùa Dơi
Sao vẫn thích những đàn chim quần tụ
Trên ngọn sao cao ngọn dầu ồn ĩ
Mái chùa cong sư sãi áo vàng tươi

Sông vẫn xanh màu nước biển dịu hiền
Một mùa ngọt mùa sau hóa mặn
Đi qua những con đường thinh lặng
Áo trắng em là điểm sáng cuối chân trời

Khu chợ rộn ràng dậy một mùi hương
Thơm lựng mũi sao cầm lòng được
Ăn tô bún nước lèo đậm đà vị mặn
Ngọt lòng tôi thế hở người dưng?

Sao ngọt lòng đến vậy hở người dưng
Câu hát a-day và tiếng nhạc ngũ âm
Em mềm mại cánh tay làm mờ vầng trăng sáng
Có niềm vui nào hơn đêm lâm-thon

Tưởng xa xôi nhưng rất thật gần
Hai thị xã cách sông sâu đồng rộng
Bước ở nơi này cơ hồ như mộng
Chừng như mình đang sống ở nơi kia.
















Trà Vinh, 28-5-1987

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2007

CUỐI NĂM 2002, LÊN NÚI CẤM

Huỳnh Kim

Giữa mênh mông đồng nước lũ đang rút dần trong lòng tứ giác Long Xuyên, dãy núi Cấm xanh um vương mây mờ trên đỉnh, như giục lữ khách hãy nhanh chân hơn để leo lên với “cái nóc nhà của miền Tây lúa gạo”, xem ở trên đó bây giờ ra sao…

Gánh lên rồi gánh xuống…

Rời khu lâm viên dưới chân núi với trăm lời mời gọi mua “thuốc nam núi Cấm”, du khách bắt đầu “lấy lại phong độ” để leo nghìn bậc dốc. Càng lên cao càng dốc, có nơi chỉ vài trăm bước đã bỡ hơi tai, bèn ghé ngã lưng một lát trên những cái võng miễn phí của mấy hàng quán che chắn tạm hai bên đường, chen trong đá núi.

Lữ khách đến từ tứ xứ, có bữa chật lối đi, ráng vượt suối Thanh Long để lên viếng chùa Phật Lớn. Có những người già, miệng niệm Phật, tay chống gậy, lòng thành tâm lần từng bậc đá. Rộn ràng nhất là từng tốp thanh niên, nam có nữ có, mà đa phần là người dân tộc Khơme, làm nghề gánh mướn hàng hóa lên xuống núi. Bao nhiêu năm rồi, đây là con đường duy nhất với đội quân gồng gánh độc nhất, nối đồng bằng với xóm làng trên núi.

Hàng gánh lên có gạo, vật liệu xây dựng và hết thảy những gì mà sinh hoạt gia đình, xã hội cần. Hàng gánh xuống nhiều nhất là trái su, rồi củ cải trắng, đậu que, xà lách son, bắp, măng tre… Xuống tới chân núi đã có xe chực sẵn đưa đi Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ… Trái su núi Cấm ngon như su Đà Lạt chở về Sài Gòn, Chợ Lớn. Trên núi này, nhiều rẫy su giàu nổi tiếng là của ông Mười Lớn, ông Ba Cao, ông Năm Chí… nằm ven các mỏm Cao Đài, Vồ Đầu, Bồ Hông…

Chủ rẫy hoặc chủ hàng thuê người gánh mướn; có chừng 200 người chuyên nghề này. Thanh niên thì đa phần ở trần, gánh một gánh trái su nặng từ 50 tới 70 kí tùy theo sức lực, công gánh độ 200 đồng một kí, mỗi ngày một người lên xuống giỏi thì được hai chuyến, nhưng thường chỉ đủ sức làm một chuyến mất bốn, năm tiếng đồng hồ. Họ lầm lì gánh hàng, cứ năm, bảy chục bậc dốc thấy đổi vai một lần; nhìn kỹ chỗ vai trần người nào cũng u lên một cục to tướng.

“Con đường tơ lụa” này chắc vài năm nữa sẽ vắng dần, kiến trúc sư Huỳnh Khương, người đưa chúng tôi đi, nói như vậy. Huỳnh Khương đang làm việc cho khu nghỉ mát Victoria núi Sam. Chuyến này anh muốn thăm dò giá đất trên núi Cấm để kinh doanh du lịch vì con đường ôtô đang mở lên núi ở phía triền đông, sắp hoàn thành. (Để biết con đường này, mời đọc bài "Lên Núi Cấm - tháng 4.2007" của Phù Sa Lộc trong Mblog).

Hai ngàn, ba ngàn, bốn ngàn…

Dọc hai bên đường lên núi, có mấy chục hàng quán, bán đủ thứ: hàng mỹ nghệ đưa từ Sài Gòn, Châu Đốc… lên, gọi là “hàng lưu niệm”, rồi cà phê, nước ngọt, hủ tiếu, bánh xèo, thuốc nam… Có quán bán riêng từng loại, có quán bán “thập cẩm” đủ cả mấy món này. Hủ tiếu, 4.000đ/tô nóng hổi, nước ngọt, 2.000 - 3.000đ/chai có đá… toàn là sản vật mang từ đồng bằng lên.

Cái món “thuốc nam núi Cấm” được dân núi giới thiệu như là món đặc sản. Có hơn hai chục loại, có khi là cây củ mới được đào hái ngoài núi, có khi đã được chế biến thành bột đựng trong bao nilông, giá từ vài ngàn đồng đến vài chục ngàn đồng một món, chữa trị đủ thứ bệnh dù chẳng thấy có cơ quan y tế nào đóng dấu chứng nhận. Cô chủ quán Chờ Đợi, đọc tên một số loại “thuốc nam” bày bán ngoài sạp: củ ván bay, sâm hồng, mộc bá huê, bạch hóa thảo, cò sen, đỗ trọng, mã tiền, hà thủ ô…

Hấp dẫn du khách nhất có lẽ là món bánh xèo với cách tiếp thị bắt mắt. Trên các sạp tre lá sát lối đi, chủ quán bày ra hai, ba dĩa bánh xèo “mẫu” vàng rượm và thơm phức. Cũng là kiểu cách đổ bánh của dân đồng bằng, nhưng cái bánh xèo núi Cấm bé hơn một nửa, chưng cạnh một rổ rau núi lúc nào cũng tươi roi rói tới hơn một chục loại rau có tên ngồ ngộ: kim thất, ngành ngạnh, đọt bứa, bằng lăng, vông nem, rau nhái, chằm mồi…

Honda ôm, nhung nai, du lịch…

Qua dốc suối Thanh Long độ nửa giờ đi bộ, anh Huỳnh Khương nói: “Tới dốc 4000 sẽ có Honda ôm lên tiếp tới đỉnh núi”. Không ai đoán được làm sao mà người ta đưa xe máy lên tới nơi này. Chừng tới dốc 4000, gặp anh Tám Tí, chủ bãi xe ôm, mới biết: “Xe theo đường mòn chỗ đang mở lộ bây giờ, lên đây từ ba năm nay. Giờ thì toàn xe Trung Quốc hoặc Hàn Quốc. Có khoảng bốn chục chủ xe, mỗi ông chạy mỗi ngày kiếm cũng được hai, ba chục ngàn”. Giá khá cứng: chở một người, 10.000đ/3km, chở đôi thì còn 15.000đ, bởi vì xăng trên này tới 7.000đ/lít và xe chỉ “cày” toàn số 1 và số 2 mới leo dốc nổi.

Một "bạn đường" quá giang Huỳnh Kim

Anh Tám Tí chở hai chúng tôi trên chiếc Dream Trung Quốc, kiềm tay lái như kiềm cương ngựa, “phi” theo những con đường mòn lởm chởm đá giữa những cánh rừng keo tai tượng mát rượi. Bỏ qua chùa Phật Lớn, Tám Tí cắt rừng “phi” thẳng lên chùa Phật Linh đang xây dựng ở độ cao hơn 700m. Ngự trên triền núi giữa cánh rừng già đẹp kỳ vĩ, chùa Phật Linh đã xong phần chánh điện, nhà tăng ni, tháp chuông và tháp Quan Âm bảy tầng cao tới 40m. Thầy Hoàng Xuân, trị sự chùa, nói: “Bá tánh đóng góp lập chùa này. Mọi thứ đều được gánh lên từ dưới đồng bằng, kể cả mấy ngàn tảng đá granit. Nơi đây sẽ thu hút khách du lịch thích viếng cảnh chùa trên núi. Mà không hiểu sao, nhiều người, nhiều công ty dưới đồng bằng cũng thích chỗ vắng vẻ này, họ đã lên đây mua đất”.

Tám Tí, năm nay 36 tuổi, kể, hồi năm 76, anh bỏ Sài Gòn theo mẹ lên núi Cấm, mua gần hai mẫu đất chỉ có mấy chục ngàn đồng, giờ một công đất gần chùa Phật Linh, có chỗ kêu giá 40 triệu! Nói xong, anh đưa chúng tôi lên cao nữa, ra mỏm Vồ Đầu thăm ông Tư Việt, người giỏi trồng rừng và nuôi nai lấy nhung, rồi lại quẹo xuống đồi Thiên Tuế, thăm nhà ông Ba Bang để “làm một cốc rượu nhung nai đặng chia tay núi Cấm” như lời ông Ba Bang nhắn lúc sáng.

Ông Ba Bang đưa khách thăm khu vườn rộng hơn 10 hecta vừa trồng rừng vừa trồng cây ăn trái và nuôi nai, hươu, dê… Ông Ba năm nay 58 tuổi mà nom tưởng mới 48, gốc gác làm ruộng dưới huyện Châu Thành, An Giang. Ông nói vui: “Hồi xuân chắc tại nhờ mình sống với rừng núi trong lành, gần đây lại thêm nghề nuôi nai lấy nhung”. Không như ông Tư Việt nuôi có hai con nai, ông Ba Bang nuôi tới 10 con, mà một kí nhung nai bán được 1,5 triệu đồng, bao nhiêu cũng không đủ.

Ông Ba Bang đãi khách mỗi người chỉ một ly “xây chừng” rượu đế ngâm nhung nai: “Năm lít rượu này ngâm với một khúc nhung nai mà giá tới bốn triệu đồng lận. Không nên uống nhiều, nửa giờ sau là mấy ông biết “sức mạnh” của nó như thế nào!”. Rồi ông quay qua anh Huỳnh Khương: “Khi nào con đường lên núi mở xong, tôi sẽ cùng với ngành du lịch mấy ông đón khách tới đây. Tôi làm du lịch sinh thái, giữ nguyên như thiên nhiên, rừng nè, chim thú nè, cây ăn trái nè, câu cá nè. Câu cá trên núi cũng hay chớ, phải không?”.

Tiễn khách xuống núi, ông Ba Bang nói thêm: “Nhưng phải làm thêm trường học, bệnh xá cho núi Cấm. Chớ gì mà hơn 3.000 dân sống rải trên bốn ấp mới chỉ có một trường tiểu học, không có bệnh xá, bệnh hoạn thì phải khiêng xuống núi?”

NGẪM NGHĨ BÊN BẾN NINH KIỀU



1.

Cuối năm 2005. Gió mùa đông bắc lành lạnh tràn về bến Ninh Kiều, làm cho người đồng bằng sông nước cũng thích nghĩ ngợi lan man một chút. Không như mọi năm nhìn thấy sông Hậu mênh mông sóng nước, bây giờ đi qua phà Cần Thơ đã thấy xa xa giữa dòng sông chỗ cồn Ấu, bóng dáng những chiếc xà lan và dàn cần cẩu lênh khênh vươn lên trời. Công trình làm cầu Cần Thơ đang rộn ràng ở đó.

Một cây cầu mơ ước của người dân đồng bằng sông Cửu Long. Nó sẽ nối liền tuyến đường bộ huyết mạch này giữa miền Tây với cả nước, giữa Cà Mau với Lạng Sơn. Nó sẽ dài 2,7 km vượt sông Hậu, nhưng tổng chiều dài công trình lên tới 16 km với 13 cây cầu dẫn vượt qua những nhánh sông rạch chằng chịt ở hai bờ Vĩnh Long và Cần Thơ. Vốn đầu tư cho công trình này theo dự toán ban đầu lên tới 4.832 tỉ đồng, toàn là vốn vay ODA của Nhật. Và đã có một “làng chuyên gia” Nhật vừa mọc lên ở khu thương mại Cái Khế thuộc quận Ninh Kiều. Mong rằng từ năm 2008, khi cây cầu này xong, người ta sẽ giao thương xuyên quốc gia bằng đường bộ thông suốt và nhanh chóng, không còn cảnh qua sông phải lụy đò như mấy trăm năm nay.

Nhắc dông dài một chút về cầu Cần Thơ như vậy vì hồi giữa năm 2005, Chính phủ đã họp phiên đặc biệt về đồng bằng này với chủ đề giao thông vận tải và “chốt” lại rằng, nếu vùng sông nước này chưa giải quyết được chuyện giao thông (cùng với giáo dục và thủy lợi) thì còn lâu mới “bứt phá” đi lên kịp cùng cả nước. Và như vậy thì miền Tây Nam bộ cứ vẫn còn là cái “sân sau” của TP.HCM và miền Đông Nam bộ, như ví von của một số chuyên gia kinh tế từ hồi cuối thế kỉ 20, cách đây 5 năm. Đó vẫn là một cái sân sau của vùng nguyên liệu nông, thủy sản dồi dào nhưng với mức sống, trình độ học vấn… của 18 triệu người dân trong vùng thuộc loại thấp nhất nước.

Và nhắc lại cái số tiền vốn vay lớn như vậy cho công trình cầu Cần Thơ, ngẫm nghĩ rằng, cũng như hằng trăm dự án vay vốn khác hôm nay, là để đầu tư cho kinh tế xã hội nước nhà mai sau. Nhưng đó cũng có thể là “gánh nặng” cho những thế hệ công dân mai hậu nếu như nó không được chăm chút để sinh lợi - chưa nói tới chuyện làm thâm thủng những đồng vốn vay này.

Ở đời, muôn sự và muôn thuở, thường là như vậy: cái gì cũng có cái giá của nó.


2.

Tới cuối năm 2005, 13 tỉnh, thành phố ở miền Tây Nam bộ, sau đại hội Đảng cấp mình, chỉ có Cần Thơ, An Giang và Tiền Giang là có tân bí thư Đảng vì cả ba vị cựu bí thư ở đó đều đã tới tuổi nghỉ hưu. 10 vị cựu bí thư tỉnh ủy còn lại đều tái đắc cử nhiệm kì 5 năm tới. Mong rằng, trong 5 năm nữa, tất cả 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng vốn nổi danh là “trọng nghĩa khinh tài” này thực sự “đổi đời”, theo trúng cái câu mà Đảng và Chính phủ thường nhắc là ráng làm cho “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. (Nói vui ngày Tết, “khinh tài” ở đây tức là coi tiền bạc không trọng mà phải biết quí cái cốt cách nhân nghĩa ở đời - nói như nhà văn Sơn Nam, “cái cốt cách người Việt Nam mình là nhân nghĩa”. Chứ không phải “khinh tài” ở đây lại được “vận dụng” là “coi thường” đồng tiền vốn liếng ngân sách, đồng tiền thuế má của dân, muốn xài làm sao cũng được!).

Người lãnh đạo nhiệm kì cũ mà làm tiếp thì chắc chắn là có kinh nghiệm - kể cả thành công lẫn thất bại. Người lãnh đạo mới lên hoặc mới về, hẳn là sẽ có những ý tưởng mới, sáng kiến mới, chủ trương mới. Chỉ mong rằng, cái tài và cái đức của mỗi người hòa quyện dồi dào vào nhau, lấy đức làm gốc; và biết dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cá nhân. Và nếu các vị lãnh đạo chủ chốt của từng tỉnh, thành phố miền Tây Nam bộ, trong 5 năm tới, càng biết “chơi” với nhau, tức là biết liên kết vì đại cuộc trong thời kì hội nhập ngày càng có nhiều gay go thử thách này, thì đó quả là phước đức cho muôn người.

Xin kể một thí dụ về hai vị tân bí thư Đảng mà chúng tôi gặp tại Cần Thơ hồi cuối năm 2005. Họ từng là bạn học ở Học viện Nguyễn Ái Quốc từ những năm 79-81, và theo như họ kể, thường xuyên vừa xếp hàng vừa học bài để mua nước mắm, dầu lửa… theo tem phiếu của thời bao cấp. Đó là ông Nguyễn Tấn Quyên, Phó ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương về, trúng cử Bí thư thành ủy TP Cần Thơ. Còn ông Nguyễn Minh Triết, tái đắc cử Bí thư thành ủy TP.HCM. Bữa đó, ông Nguyễn Minh Triết thay mặt Bộ Chính trị đi chỉ đạo Đại hội Đảng bộ TP Cần Thơ. Trong trả lời phỏng vấn của chúng tôi, cả hai vị này đều hứa hẹn là sẽ lãnh đạo hai thành phố liên kết với nhau mạnh hơn, cụ thể hơn để hai bên cùng phát triển, cùng có lợi mà riêng với Cần Thơ thì không chỉ phát triển vì Cần Thơ mà còn vì cả vùng đồng bằng sông Cửu Long và vì cả nước, bởi Cần Thơ cũng là thành phố trực thuộc Trung ương như TP Hồ Chí Minh.

Trong chuyện này, nhớ nhất một ý nhấn mạnh của Bí thư thành ủy TP.HCM: “Cần Thơ nên mạnh dạn thuê những người có khả năng giúp thành phố hoạch định chiến lược phát triển”. Và một ý tương tự của tân Bí thư thành ủy TP Cần Thơ: “Thực tế thì Cần Thơ đang “quá tầm với” trong chuyện qui hoạch và quản lí qui hoạch, cho nên có thể phải thuê chuyên gia giỏi ở trong và ngoài nước lo tiếp. Phải làm sao được như ở Amsterdam của Hà Lan, đi dạo trong thành phố mà thấy nước sông trong veo và sinh động như là nước đang chảy ngoài sông Hậu vậy”.

***

… Ngồi bên bến Ninh Kiều một chiều cuối năm, nhớ lại những chuyện đại loại như vậy, tự dưng thấy nhè nhẹ thương yêu ở trong lòng, thấy cuộc sống quanh mình như sinh động hơn, thấy sóng nước ở cuối dòng Mekong như cường tráng hơn khi đổ ra biển lớn.

Cần Thơ, cuối năm 2005

LÊN NÚI CẤM, THÁNG 4-2007

Đầu tháng 4, ĐBSCL có nơi nóng hơn 36 độ C. Ngày ngủ không yên. Đêm trằn trọc, tươm tướp mồ hôi. Nóng quá, rủ nhau lên núi Cấm thăm “nóc nhà miền Tây” cao hơn 700 mét thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang...

“Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”


Đoàn chúng tôi gồm sáu người lên đường bằng Honda ôm. Con đường lên núi Cấm rộng 6 mét bề ngang, khởi công từ năm 2005 nhưng tới nay mới làm xong được hai phần ba. Chỗ đổ bê tông xi măng, chỗ tráng nhựa, còn có nhiều đoạn lổn nhổn đá tảng nằm lăn lóc. (Con đường bài "Cuối năm 2002, lên núi Cấm" vừa nhắc tới. Anh Phù Sa Lộc không đi đường bộ như này mà đi xe ôm ngay từ đầu, ở phía đông núi Cấm – HKim).

Lên tới ngã ba vồ Thiên Tuế và chùa Phật Lớn, tuy vẫn là con đường mòn của nhiều chục năm trước nhưng lại hết sức thú vị với những ai muốn sống với cảm giác mạnh. Các tay xe ôm “địa hình” xuất sắc vượt qua đoạn đường dài hơn hai cây số bằng cách phóng ào ào trên con đường ngoằn ngoèo đất đá xuyên qua những cánh rừng bạt ngàn.

Anh Nguyễn Văn Út Em, 27 tuổi, đã có ba năm chạy xe ôm sau nhiều năm làm đủ thứ nghề nuôi vợ cùng hai con nhỏ, nói: “Xe chạy đường núi này phải xoáy nòng, đôn dên, thắng bự hơn bình thường và phải bảo dưỡng thường xuyên mới an toàn. Em đã xì bớt hơi bánh xe, tăng phuộc để “sư phụ” đỡ bị xóc trên con đường đau khổ này”. Rồi anh tiếp: “Nghiệp đoàn xe Honda khách Lâm viên núi Cấm có 500 xe, thu nhập bình quân của mỗi người sau khi trừ chi phí còn khoảng 30.000-40.000 đồng/ngày. Lúc này đang có khách nên tụi em tranh thủ chạy từ 3-4 giờ sáng tới 10- 11 giờ đêm. Đông khách nhất là tháng Giêng, Tư, Bảy, Tám và tháng Mười Âm lịch. Người ta đi hành hương theo “vòng tròn khép kín”: từ miễu Bà Chúa Xứ núi Sam lên núi Cấm rồi qua Hà Tiên”. Nhìn cảnh người xe tấp nập không giống lần trước đã đến đây, tôi ngạc nhiên hỏi, Út Em vui miệng: “Bữa nay đông khách vì nhằm ngày kỷ niệm trận đánh cuối cùng với thực dân Pháp của Đức Cố Quản”. Anh Tư Hiệp trong đoàn chúng tôi cười mỉm chi: “Nói vậy nhằm tránh việc đề cập ngày giỗ (20 và 21-2 Âm lịch) của ông Trần Văn Thành, lãnh tụ nông dân đánh Pháp với trận Bảy Thưa nổi tiếng cả nước”.

Xe vun vút phóng như coi thường con đường quanh co nhỏ hẹp, lồi lõm với nhiều bất ngờ phía trước. Tôi càng “lạnh mình” hơn khi Út Em rồ mạnh tay ga cho chiếc xe lao lên con dốc đứng khoảng 35 độ. Tiếng máy xe gầm rú như tiếng máy bay phản lực... Xe tới chân đường lên điện Bồ Hong, Út Em hoàn thành phân nửa chuyến đi, bởi sáng hôm sau sẽ trở lại đón tôi. Giá đi về qua đêm 80.000 đồng lên tới chân điện Bồ Hong. Nếu đi tới chùa Phật Lớn thì 50.000 đồng trong ngày, qua đêm 60.000 đồng, khứ hồi. Đó là giá chở một người. Còn giá chở hai người một xe thì chưa nắm. Chuyện xe chở hai người không hề hiếm ở chốn “thâm sơn cùng cốc” này.

Chợ trên núi

Ấp Vồ Đầu (xã An Hảo), gần chùa Phật Lớn, có ngôi chợ hai dãy nhà khoảng năm căn đâu mặt, áp mái vào nhau, ở giữa là con đường được thiên nhiên “trải” những tảng đá lớn nhỏ, gập ghềnh, phải cẩn thận bước mới không bị sẩy chân. Phố chợ bán đủ mọi thứ phục vụ khách phương xa. Tiếng chén đũa chạm nhau vui tai từ những chiếc bàn gỗ tuềnh toàng trong mấy quán sá. Tiếng ca hát phát ra từ mấy chiếc ti vi chạy bình ắc quy...

Điện Bồ Hong ở cùng ấp Vồ Đầu có 11 hộ thì chín hộ bán quán. Anh Nguyễn Kim Hạnh, 27 tuổi, em một chủ quán tại đây, cười hãnh diện: “Có thể nói “dưới trần” có gì thì trên này có nấy”. Anh hơi quá lời nhưng thật ra cũng không đến nỗi. Giống như khu chợ gần chùa Phật Lớn, phố chợ Điện Bồ Hong bán từ “cây kim tới sợi chỉ”. Tủ kiếng trưng bày la liệt hàng hóa. Bên trên tủ là những chiếc mâm lớn đầy ắp thức ăn. Cái bếp gas xì xì ngọn lửa xanh lè làm nóng những món ăn của khách, nhất là tráng những cái bánh xèo vàng hươm, ngó qua đã thấy thèm. Nhưng thèm nhất là mấy rổ rau rừng đầy ắp, tươi xanh ăn kèm với thứ bánh dân dã này. Bánh nóng hổi, vành bánh giòn rụm. Rau mát lạnh tay, nào ngành ngạnh, kim thất, đọt bứa, bằng lăng, cát lồi... Chấm miếng bánh gói đủ rau vào chén nước mắm tỏi chanh ớt, cho vô miệng là cảm nhận được các vị chua, cay, đắng, ngọt thấm sâu vào tận dạ dày.

Ngon không kém là cơm. Những hạt cơm khô, tơi, như cơm tấm, càng nhai càng nghe nước bọt quến vào chân răng vị ngọt, thoảng thơm hương vị lạ. Hỏi ra mới biết đó là gạo lúa sóc - loại lúa đồng bào dân tộc Khmer trồng sát chân núi, mỗi năm một mùa, không sử dụng thuốc trừ sâu hay phân hóa học. Cơm trên núi hầu như bán đồng giá. Cơm tương (chay) với tàu hủ chiên, kho hoặc su su (măng) xào, 5.000 đồng/dĩa. Cơm mặn với sườn cốt lết, rau hoặc thịt kho hột vịt, 10.000 đồng/dĩa. “Sang” hơn, cơm mặn với cá mòi, hột vịt, một món xào, 20.000 đồng một phần. Không dùng cá mòi, 15.000 đồng. Cô Nguyễn Thị Bích Thảo, chủ quán trên Điện Bồ Hong, nói: “Mắc nhất là nước, giá 50.000 đồng/mét khối. Mấy bữa trước tới 70.000 đồng/mét khối. Nước hạ giá vì có một cơ sở cạnh tranh với giếng nước tụi tui mua từ nhiều năm qua là ở miễu Mười Cô phía bên dưới”. Giá nước mắc vậy nên nước tắm phải trả 2.000 đồng/thùng 5 lít.

Du lịch bên tượng Phật

Tượng Phật tọa lạc bên khu hồ Thủy Liêm, gần đỉnh núi. Còn nhớ mấy năm trước, từ khu phố chợ gần chùa Phật Lớn, tôi đã nhìn thấy trên vòm cây xanh rậm rịch những thanh thép nhô cao. Người ta nói đang thi công hạng mục xây dựng khu Phật đài. Bây giờ, tượng Phật Di Lặc đã xong. Anh Đặng Trung Hành, người bán ảnh tượng đài Phật Di Lặc ngay trong bệ đài, cho biết: “Tượng do Ban Huấn tự chùa Phật Lớn làm chủ đầu tư, cao 33,60 mét, chân bệ mỗi cạnh 30 mét, tọa lạc trong khuôn viên rộng ước 8 héc ta, được khởi công ngày 8-11-2003. Đây là tượng Phật cao nhất Đông Nam Á với kinh phí trên 5 tỉ đồng. Tượng có bảy tầng lầu; trong lòng tượng, phía trước phần trệt giả thạch nhũ, tạo cảnh quan đẹp mắt; còn lại sẽ là nơi sinh hoạt Phật sự.

Cảnh quan đẹp và hấp dẫn không kém là chùa Vạn Linh, ngoài chánh điện, Quan Âm các, chùa còn có ngọn tháp Cửu Trùng gồm bảy tầng, cao 40 mét, mỗi tầng thờ một tượng Phật cỡi mãnh thú cao 2 mét bằng đá Thanh Hóa được điêu khắc tinh xảo. Tháp cao vời vợi nổi bật trên nền rừng cây xanh phía hậu liêu. Khách tấp nập cúng viếng.

Chùa Vạn Linh và khu tượng đài Phật Di Lặc nằm một bên cánh cung hồ Thủy Liêm. Hồ Thủy Liêm rộng trên 5,4 héc ta (kinh phí xây dựng 8 tỉ đồng), được khởi công từ tháng 3-2005, dự kiến hoàn thành vào đầu mùa mưa này để cung cấp nước sinh hoạt cho 500 dân ấp Thiên Tuế và phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho du khách. Khi chùa Phật Lớn được xây dựng lại cùng với khu danh lam thắng cảnh bên hồ này, thì đây sẽ là điểm tham quan du lịch, hành hương hấp dẫn.

Trên ngọn núi này, đi bất cứ đâu cũng đều có hàng quán, nhà trọ. Giá phòng trọ mắc nhất là nhà trọ Bích Thủy, 50.000 đồng/phòng/đêm. Các nhà trọ khác đều cùng một giá 5.000 đồng/người/đêm. Giá này chủ quán không được “rớ” tới dù mùng mền, chiếu gối là của họ. Sụp tối, trưởng ấp tới “kiểm tra” khách, thu tiền. Anh Nguyễn Kim Hải, chủ một nhà trọ, cho biết: “Đó là cách lấy thuế buôn bán của tụi tui”. Những căn nhà mái tôn, vách tôn nằm chen nhau với những sàn gỗ tạp trải dài theo hông nhà là nơi khách nghỉ qua đêm. Võng treo khắp nơi, tha hồ nằm cho đã lưng. Mùng, gối, chiếu để sẵn, cứ việc lấy mà ngủ.

Hai giờ chiều, chúng tôi tranh thủ tắm. Nói vậy chớ chỉ xối qua quýt thùng nước lạnh như ướp đá rồi nhanh chóng mặc lại quần áo. Năm giờ chiều, tiếng máy phát điện ba bên bốn phía nổ phành phạch, cảm giác như ngồi tàu đò trên sông. Gió thổi mạnh. Hơi lạnh phả trong không gian. Tất cả các tấm rèm tôn của quán hạ xuống. Mấy người bận áo gió ngồi nhâm nhi ly cà phê đen coi ti vi.

Càng về tối, số người bận áo ấm càng nhiều và càng có nhiều đoàn phật tử cử hành lễ bái trên ba đài Ngọc Hoàng Thượng đế, Diêu Trì Phật mẫu và Cửu Huyền trăm họ. Thầy giáo Nguyễn Minh Châu ở trường Tiểu học “B” An Hải, nói: “Các anh có để ý thấy dọc theo đường lên núi dây nhợ giăng hoặc cột trên thân, cành nhánh cây không? Đó là dây do người hành hương buộc nhằm gởi gắm những khó khăn, bệnh tật của mình lại núi cao”.

Đang nằm đắp mền thiu thiu ngủ, tôi bị anh Hai Thám trong đoàn chạy tới kêu: “Lẹ lên, cứ như là ở xứ Ngàn lẻ một đêm”. Tôi lẹ chân theo anh, bước chếch lên chỉ mấy bậc cấp, thấy trên đài Ngọc Hoàng Thượng đế (nơi cao nhất núi Cấm, 716 mét) đã chật kín những thiện nam tín nữ đang kính cẩn hành lễ, khởi đầu cho hai lễ tiếp theo ở đài Diêu Trì Thánh mẫu và đài Cửu Huyền trăm họ.

Trong ngọn gió chướng thổi lồng lộng, trong mây mù quần đảo khắp nơi, tàn nhang bay tung tóe, ngọn lửa nến bập bùng và những bóng người áo tràng trắng, tràng lam, tràng vàng thành tâm vái lạy, múa may. Trong tiếng kinh cầu thê thiết ngân nga là tiếng áo mưa du lịch mặc chống gió reo phần phật...

MỘ ÔNG HÀM


Cầu Kè (Trà Vinh) có một giá trị nghệ thuật độc đáo là mộ ông Huỳnh Kỳ. Đây là một trong 10 đại địa chủ ở miền Tây Nam bộ - người đã mua chức huyện thời Pháp thuộc, huyện Hàm, gọi là ông Hàm. Ông mất năm sáu mươi tuổi, chôn cách thị trấn Cầu Kè khoảng 4km bên quốc lộ 54 về phía Hựu Thành (Trà Ôn, Vĩnh Long). Mộ nằm trên gò đất cao khỏi đầu người, được bao bọc bằng những tán xoài rậm rạp. Trong khuôn viên, cạnh nhà mồ có một hồ nước trong xanh. Hai bên đường dẫn vào nhà mồ là hai hàng trụ đèn lồng thẳng tắp như hàng lính chào. Nhà mồ gồm 5 tòa lục giác bao quanh một nhà lục giác ở giữa, tất cả đều cao khoảng 4 tầng lầu (12m) trên nền cao trên 1m. Tháp nào cũng có nóc nhọn như tháp, nhìn xa như lâu đài phương Tây. Nhà lục giác ở giữa là nơi có mộ của ông Hàm, hai bên là mộ hai vị phu nhân. Mỗi góc tường sát nóc các tòa tháp là một vị thần đầu chim giang tay chống đỡ mái, theo nghệ thuật chùa Khmer. Những kèo, vì được chạm trổ công phu. Các tường bên trong nhà mồ ngoài các bức chân dung của ông Huỳnh Kỳ, và hai phu nhân, còn lại đều là những họa tiết tinh xảo, kể cả trần tiết. Nhìn toàn diện, mộ ông Hàm ngoài giá trị nghệ thuật giữa hai nền văn hóa Hoa – Khmer, hai tộc người ngụ cư lâu đời ở xứ này làm ăn, buôn bán với người Việt còn có phong cách Việt và phương Tây. Tất cả đều do nhóm thợ Sóc Trăng, Cần Thơ khởi công năm 1944, hoàn thành năm 1947, do ông Trần Công Quan ở Sài Gòn vẽ kiểu, xây dựng bằng xi măng Hải Phòng.

Ngày nay mộ ông Hàm sau nhiều chục năm dâu bể đã là chốn hoang tàn. Cỏ cây dại mọc lấn sát chân nhà mồ. Nhà mồ bị dân cư xung quanh lấy gỗ, gạch, sắt, trẻ con phá phách bôi xóa các họa tiết trên vách, sắp thành phế tích! Thiết nghĩ, nên cho sửa chữa cấp thời từng bước vừa biến nó thành một điểm dã ngoại những ngày cuối tuần cho người địa phương cũng như cho du khách sau này vừa bảo vệ một tác phẩm nghệ thuật có lẽ độc đáo nhất nước ta. Bên cạnh đó, còn có nhà ông Hàm ở tại trung tâm thị trấn, được xây cất năm 1924 cũng theo phong cách Việt, Hoa, Khmer và phương Tây. Nhà đang xuống cấp, nhưng bề ngoài vẫn giữ được vẻ tráng lệ của nó. Mong rằng ngôi nhà này sẽ được trùng tu để trở thành khách sạn hoặc điểm tham quan quý hiếm của Cầu Kè.

PHƯƠNG KIỀU

Sinh viên Mỹ với đờn ca tài tử


Huỳnh Kim

Tuần rồi (tháng 6.2005) ở Đại học Cần Thơ có ba sinh viên Mỹ học bốn tiết chuyên về đờn ca tài tử Nam bộ. Đây là một phần nhỏ trong "học kỳ mùa xuân" của nhóm sinh viên Mỹ đầu tiên tới học tại Đại học Cần Thơ, gồm các môn về sinh thái và văn hóa đồng bằng sông Cửu Long (Mekong Delta: Natural and Cultural Ecology). Bốn tháng học, ngoài những giờ lý thuyết trong giảng đường, họ còn đi nghiên cứu thực địa ở nhiều nơi như tràm chim Tam Nông, Sóc Trăng, Cà Mau, Châu Đốc, chợ nổi Cái Răng… Để hiểu thấu vùng đất này, họ còn đi học thực địa thêm tại đồng bằng sông Hồng và cả ở Biển Hồ Campuchia.

Nói riêng chuyện họ học đờn ca tài tử Nam bộ. Một phòng học nhỏ của bộ môn Văn - khoa Sư phạm có đàn bầu, đàn sến, đàn tranh, song loan, ghi-ta phím lõm… trước bục giảng. Giảng viên là thầy giáo Lê Đình Bích - nhà văn và cũng là người có khiếu hát hò. Phụ họa cho thầy Bích là chị Ba Tuyết và anh Hồ Phước, những người dân bình thường ở Cần Thơ mê đờn ca tài tử, ban đêm hay đi đờn ca trên du thuyền Tây Đô ở bến Ninh Kiều. Ba học trò, có hai cô gái: Gina Quiram (Đại học Gustavus Adolphus), Ashley Elliot (SIT) và chàng trai Philip Arthur Moore thuộc Rice University ở bang Texas.


Ba sinh viên này đã đi từ lạ lẫm tới say mê trước những tiếng đàn, câu hát sinh thành từ cái nền nhạc "vọng cổ" bài Dạ cổ hoài lang của cụ Cao Văn Lầu sáng tác ở Bạc Liêu từ năm 1918. Họ hiểu rằng "vọng cổ" là "mong được nghe (tiếng) trống" do rút gọn từ Dạ cổ hoài lang, tức là "Đêm khuya nghe tiếng trống nhớ chồng" chứ không phải "cổ" là "xưa". Họ còn được biết rằng người Pháp trước đây rất lạ khi thấy ở đâu người bình dân Nam bộ cũng biết ca hát với những ngón đàn điệu nghệ, dù bà con không được học nhạc chuyên nghiệp và làm đủ thứ nghề khác nhau. Do vậy gọi tiếng đàn, giọng ca của họ là "đờn ca tài tử".

Các sinh viên Mỹ hiểu rằng, cải lương (trong đó có vọng cổ) ở Nam bộ đã ra đời từ thuở lưu dân đi mở cõi phương Nam. Và như lời thầy Bích: "Những sắc thái trang nghiêm của âm nhạc cung đình hòa với chất dân dã của bài chòi, xuân nữ… cùng tâm trạng của người rời bỏ quê hương đã sinh ra vọng cổ". Ba sinh viên Mỹ còn "nể" hơn khi biết cây đàn sến ở phương Nam là thoát thai từ cây đàn nguyệt của phương Bắc và giờ đây cùng với cây đàn ghi-ta phím lõm và chiếc song loan, đã trở thành "bộ tam" không thể thiếu trong bất kỳ một ban hát tài tử nào.


Các bạn Mỹ đã không hiểu nổi vì sao người nghe cứ vỗ tay hết sức "đã đời" mỗi khi chị Ba Tuyết hát dứt một câu trong sáu câu vọng cổ. Những câu chuyện thường ngày trong xóm làng cho tới những chuyện nhân tình thế thái xa xôi đều có thể dệt nên lời bài ca vọng cổ. Và vì vậy mà cũng không giống bất cứ loại hình sân khấu nào, người ta có thể đờn ca tài tử ở trong nhà, ngoài sân, trên đồng, dưới ruộng… chứ không nhất thiết phải xây rạp, dựng chòi làm sân khấu.


Giờ giải lao, cả ba sinh viên Mỹ thử khảy vài tiếng đàn tranh và đều than khó.

Thầy Bích kết thúc bốn tiết học: "Các bạn ra Trung, ra Bắc vẫn có thể gặp người ta ca vọng cổ. Khác với quan họ, chèo, bài chòi… không lan tỏa vào phương Nam, cải lương của phương Nam lại lan tỏa ra Trung, ra Bắc. Còn sân khấu? Ngay trước mặt các bạn cũng là một sân khấu. Thầy giáo cũng thành ca sĩ. Và ngay chị Vân Thanh, người hướng dẫn của các bạn, lúc nãy cũng xung phong hát bài dân ca Nam bộ Ru con theo tiếng đàn bầu đấy!".


Trước khi ra về, ba bạn sinh viên này có ghi lại cho tôi mấy dòng "cảm tưởng" vui vui. Ashley Elliott "Những ấn tượng này sẽ được tôi lưu giữ suốt cả cuộc đời". Philip Arthur Moore "Tôi đã được học một phần độc đáo về đời sống và văn hóa Việt Nam. Có cảm tưởng, ở Việt Nam, mỗi ngày tôi có thể học được một điều mới lạ". Còn Gina Quiram tỏ ra tâm đắc: "Loại hình âm nhạc này thật là đẹp. Các loại nhạc cụ thật độc đáo và đầy tính nghệ thuật, và ai cũng biết đờn ca một cách điệu nghệ. Tôi sẽ chia sẻ với bạn bè ở Đại học Gustavus Adolphus về cái môn đờn ca tài tử này".


Về phần người viết, chỉ hy vọng là hàng chục ngàn học sinh, sinh viên trong nước cũng sẽ có được những tiết học, cách học bổ ích như thế này - những tiết học mà hai trường Đào tạo Quốc tế SIT - School For International Training (Mỹ) - và Đại học Cần Thơ, đã bàn với nhau kỹ lưỡng từ hơn sáu tháng trước đây cho chương trình hợp tác đào tạo.


Ảnh: Truong Công Khả

(Bài đăng TBKTSG tháng 6-2005)

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2007

Chúc mừng khai trương PNC Cần Thơ


Sáng 28.07.2007, Công ty Văn hóa Phương Nam (PNC) đã khai trương siêu thị sách lớn nhất đbsCL tại 06 Hòa Bình, Cần Thơ.

PNC Cần Thơ là một trong các các đối tác lớn đã giúp METINFO phát hành bản đồ du lịch các loại trong hệ thống của PNC.



Bà Phan Thị Lệ đọc diễn văn



Bà Phan Thị Lệ cùng cắt băng khánh thành với tư lệnh Quân khu 9

Những độc giả nhanh chân nhất.


Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2007

MIỆT VƯỜN

Phù Sa Lộc

Lâu rồi gắn với phố đông
Loanh quanh chạy vạy giữa dòng khói xe
Ngất ngây một tán cây che
Và sung sướng với tiếng ve lạc loài

Bây giờ xa phố mới hay
Gió như ngựa sải từng bầy không cương
Bao la trời đất muôn phương
Cây xanh liền mắt mắt vương trái mùa

Ngồi trên vỏ lãi sóng đùa
Từng cơn nước tạt tưởng mùa mưa sang
Giữa lòng sông Hậu mênh mang
Hiểu ra nhỏ bé cái thân con người

Ấm sao là những tiếng cười
Lung linh ánh điện xóa thời đêm đen
Ai trên lộ cái, phải em
Cái cô thôn nữ mới quen trưa này?

Miệt vườn, hay thiệt là hay!


Thứ Ba, 24 tháng 7, 2007

cần thơ tôi và em

Huỳnh Kim


Bướm vàng đậu nhánh mù u
Lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn
(ca dao)



Em áo trắng đêm Cần Thơ
Tôi thành khách lạ ngu ngơ dọc đường
Một rằng thương hai rằng thương
Sao câu ca cứ vấn vương đôi bờ
Thế rồi ta đã hẹn hò
Đêm trăng sông Hậu con đò mênh mông
Đò ơi đừng đưa sang sông
Một người để một người trông một người
Tôi và em gặp nhau rồi
Tuổi ba mươi vắng những lời đẩy đưa
Tháng mười sớm nắng chiều mưa
Kiêu sa một chút cho vừa lòng nhau
Mình ngồi nói chuyện mai sau
Sông khuya vọng tiếng còi tàu buông neo


















Ảnh:
Trương Công Khả

Cần Thơ, tháng 10-1987

Hẹ nước “chân quê”

Cứ sau vài trận mưa đầu mùa, các thửa ruộng vùng đất ngập phèn lênh láng nước. Đó là lúc những cây hẹ nước bắt đầu đâm tược. Chẳng mấy chốc, cọng hẹ đã mọc dài chừng năm sáu tấc, mặt lá rộng cỡ bề ngang một ngón tay. Đó cũng là lúc bọn trẻ chúng tôi bắt đầu đi “thu hoạch” loại rau trầm thủy này. Nói vậy cho oai chớ thật ra trong những buổi không có giờ học, ở đồng quê thời xa xưa chẳng có gì chơi, chúng tôi rủ nhau giải trí một cách hơi… có ích. Năm ba đứa bạn, quần cụt, áo thun, dầm chân trong những miếng ruộng, mắt láo liên tìm trong lòng nước từng đám hẹ oặt òa ngọn lá sau những cử động bước chân của chúng tôi. Vậy là khom mình xuống, thò tay nhổ từng đám lá hẹ khỏi mặt đất ruộng. Khi nhổ được số lá hẹ như mong muốn, chúng tôi thơ thới hân hoan mang về nhà khoe như một công lao quan trọng…


Hẹ nước là một loài rong không chỉ mọc ở ruộng nước mà còn hiện diện ở các kênh mương, đầm nước vùng đất phèn. Cũng như lúa trời (lúa ma), loài rau hoang dại này mọc nhiều ở khu vực Đồng Tháp Mười. Nơi nào nước sâu, chảy mạnh và nhiều thì lá hẹ nước có màu xanh đậm và to bản hơn, xốp hơn, giòn hơn và thơm hơn là hẹ mọc ở đáy mương. Nhổ hẹ nước về, người ta cắt bỏ nguyên phần gốc, rễ, đem rửa sạch. Hẹ nước được người ta dùng ăn sống như một loại rau, chấm nước cá kho, thịt kho…nhưng ngon nhất là chấm mắm kho.

Mắm kho trước kia, bây giờ là lẩu mắm, là món thường ngày của người dân miền Tây Nam bộ. Đi kèm với món ăn làm nên danh tiếng xứ này là một “tập đoàn” rau và bông hết sức “tầm cỡ”, nhưng thiếu sự hiện diện của hẹ nước thì coi như “bỏ đi”! Cảm giác ngon miệng của các loại rau, bông khác chấm mắm kho, lẩu mắm là chuyện ai cũng biết. Nhưng cái ngon của hẹ nước chấm măm kho, lẩu mắm mới là đặc biệt. Vì, lúc mới ăn chẳng cảm thấy gì đặc biệt nhưng càng nhai càng nghe vị ngọt rất đặc trưng của nó lẫn vị mặn ngọt của nước món ăn, thấm dần, thấm dần vào dạ dày.


Chính vì vậy mà từ nhiều năm nay, dược sĩ Nguyễn Văn Bé, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười – Remedica - ở tận xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An đã biết khai thác hẹ nước. Ngoài nhiệm vụ Bộ Y tế giao, ông còn tổ chức du lịch sinh thái trong bốn tháng mùa nước nổi. Đến đây, mùa này, ngoài việc được đi xuồng ba lá trên những con kinh dài mút mắt uốn khúc theo bìa rừng, những bầy le le, vạc, gà nước, cò ma, cò trắng, bạch hạc (giang sen), điên điển, sếu đầu đỏ, bồ nông… bay liệng hoặc đậu trến các cành cây…, khách còn được ông Bé khoe ở dưới ao có một loại rau đặc biệt chỉ có trong mùa nước nổi. Đó là cây hẹ nước, chấm với mắm kho ăn hết chỗ chê! Và, chỉ với mỗi món ăn đậm chất Nam bộ ấy mà ông Bé đã “hớp hồn” biết bao du khách khi đến với khu du lịch hoang dã này.

Ngọn rau hoang dại trên mâm cơm đạm bạc của người nghèo vùng đất chua phèn nay đã có bán tại chợ Một Tháng Năm, thị xã Vị Thanh, Hậu Giang. Dù rất xa lạ với người Sài Gòn nhưng hẹ nước đã dần thu hút khẩu vị của họ khi đã có mặt tại chợ An Lạc với giá 6.000 đồng/ký. Nó sẽ trở thành đặc sản với dân thành thị vì vừa ngon, bổ, rẻ lại vừa rất an toàn.

Bài, ảnh: PHƯƠNG KIỀU

Hai bên cửa khẩu Mộc Bài

Sáng ngày 27-9-2006, Việt Nam và Campuchia khánh thành cột mốc đầu tiên trên tuyến biên giới hai nước ở cửa khẩu Mộc Bài - Bavet thuộc hai tỉnh Tây Ninh và Svay Rieng. Chiều hôm đó, đã thấy nhiều du khách chụp hình kỉ niệm tại đây. Cột mốc này nằm trên tuyến đường xuyên Á. Hai bên cột mốc, đang mọc lên hai khu kinh tế cửa khẩu mà mỗi bên, có một dáng vẻ riêng…

Huỳnh Kim

Tưng bừng casino

Trước sự kiện này một bữa, một ngày cuối tháng 9-2006, chúng tôi thuê xe ôm lên tới bến phà Neak Loeung, cách biên giới khoảng 110 cây số. Anh Val Thi, chạy xe ôm kiêm phiên dịch, rủ đi tiếp 60 cây số nữa tới Phnom Penh nhưng tôi quyết định quay về để kịp ngủ đêm tại Bavet. Ở bến phà Neak Loeung, thấy xe đò xuống phà mà hành khách vẫn ngồi đầy trên mui; vài em nhỏ bán vé số (có cả vé số của tỉnh Tây Ninh) nói được tiếng Việt. Suốt hành trình, không gặp người ăn xin.


Chiều tối về tới Bavet, chúng tôi gặp lại những chiếc xe tải lớn từ Phnom Penh qua, đang đổ hàng cách cửa khẩu vài cây số. Những lô hàng rượu, thuốc lá, quần áo, giày dép… từ Thái Lan về nhanh chóng được chuyển vào các căn nhà nằm ven quốc lộ 1. “Nó sẽ được xé lẻ băng đồng về Mộc Bài chứ không đi qua cửa khẩu” - anh Val Thi giải thích.

Từ cửa khẩu ngược lên chừng năm cây số, điện đã sáng trưng một vùng biên giới, các khu casino bắt đầu vào ca đêm. Ngoại trừ casino Las Vegas đang xây dang dở ở gần trường đá gà có tên là Xuyên Á, các casino khác lộng lẫy ánh đèn màu mà dù ở cách xa vài trăm mét vẫn đọc rõ tên: Volvo, New World, Bavet Mộc Bài, Kings Crown, Ma Cau…

Chở tôi chạy trong mưa đêm rả rích, anh Val Thi nói: “Dân Bavet mua điện kéo từ bên Tây Ninh qua nhưng họ xài điện sang hơn dân Mộc Bài”. Thật ra, cũng như bên kia đường biên giới, sau lưng những “khu kinh tế” cặp hai bên quốc lộ như thế này là những cánh đồng lúa và xóm làng nghèo khó; nhiều nhà chưa có điện, phải thắp sáng bằng bình ắc-qui.

Tối hôm đó, chúng tôi ghé vào hai khu casino Bavet Mộc Bài và Kings Crown, mỗi nơi độ nửa giờ. Trời mưa mà người từ cửa khẩu vẫn đổ qua đông, lớp đi xe hơi, lớp chạy xe gắn máy. Trong casino Kings Crown, có gần 1.000 người đang quây quần bên các sòng bài; bên kia có khoảng 500 khách. Anh Val Thi nói: “Hơn 90% khách là từ Việt Nam qua. Nhiều người chơi thâu đêm suốt sáng. Họ được phục vụ miễn phí khách sạn và ăn uống tại chỗ”. Chen trong đám đông, bám theo tôi là một cô gái khá xinh mang bản tên Khmer mà nói tiếng Việt giọng ngọt ngào: “Đổi đô-la chơi bài đi anh”.

Tối bữa đó, trong căn nhà trọ bình dân cách cửa khẩu chừng bảy cây số, anh Val Thi cho biết Chính phủ Campuchia chỉ cho mở casino ở các cửa khẩu biên giới giáp với Việt Nam và Thái Lan. Còn ông To Oun, chủ nhà trọ, thì cho hay giá đất ở đây ba năm trước, một mét tới (1 mét x 50 mét) 200 đô-la Mỹ, còn bây giờ là 10.000 đô-la. Ông To Oun cũng nói, khu casino này còn được “tiếp sức” bởi nhiều nhà đầu tư nước ngoài; như ở trên cánh đồng lúa gần nhà ông, một ông chủ Đài Loan đã thuê 20 héc ta đất để xây nhà máy sản xuất xe đạp xuất khẩu.

Xếp hàng… giảm giá

Trước khi sang Campuchia, chúng tôi đã ngủ hai đêm ở nhà trọ Tiến Dũng thuộc xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, cách chợ đường biên Mộc Bài gần hai cây số. Ông Xiêm, chủ nhà trọ, cho biết nhà của ông cũng như toàn bộ dân cư ở xã này sẽ phải di dời khi khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài mở rộng. Ông Xiêm nói: “Chưa ai chịu giá đất đền bù tối đa chỉ 125.000 đồng/mét vuông. Vì họ lo sẽ giống như hàng trăm hộ đã ra đi hai năm trước đây, bây giờ nhiều người không chạy xe ôm thì hàng ngày phải đi xếp hàng giảm giá”.

Cái cảnh “xếp hàng giảm giá” này đã quá quen thuộc với người dân địa phương. Hôm đó là thứ hai, mới 8 giờ sáng đã có gần 1.000 người xếp hàng trước cổng khu thương mại Mộc Bài. Bên trong là siêu thị Thế kỉ Vàng, siêu thị Smiling và chợ đường biên Mộc Bài với những kho hàng nhập khẩu bán miễn thuế. Lúc đầu không phải xếp hàng; nay thì mỗi người, bằng chứng minh thư hoặc hộ chiếu, được cấp một phiếu mua hàng miễn thuế trị giá 500.000 đồng trong một ngày. Đa phần dân nghèo ở đây chuyên đi xếp hàng thuê để mua rượu ngoại và phụ tùng xe gắn máy Thái Lan; mỗi ngày một người kiếm được khoảng 10.000 đồng. Trong khi đó, đội quân xe ôm đông khoảng 300 người, chạy giỏi một người kiếm được 80.000 đồng/ngày.

Thấy chúng tôi loay hoay chụp hình, một ông nông dân chìa tấm chứng minh thư tên Nguyễn Văn Lung ra, mời: “Tôi mua rượu cho anh nghen. Trả tôi 8.000 đồng thôi”.

Ông Đặng Xuân Đức, Giám đốc Công ty Chợ Đường biên Mộc Bài nói rằng nên tăng lên hai triệu đồng cho mỗi phiếu mua hàng giảm giá để người dân nghèo và cả doanh nghiệp được lợi hơn. Công ty của ông đã đầu tư vào đây hơn 35 tỉ đồng, thu hút 70 doanh nghiệp thuê mặt bằng kinh doanh hàng miễn thuế. Tháng 8-2006, các doanh nghiệp này bán hàng được hơn 25 tỉ đồng. Ông Đức nói, ngoài ba kho hàng đã đầy kín, sang năm công ty sẽ xây thêm hai kho nữa.

Bên kia con đường xuyên Á đối diện khu chợ này là một trung tâm thương mại vừa kinh doanh vừa xây dựng. Trên cánh đồng lúa rộng gần 50 héc ta ngày nào, giờ đây đã là Trung tâm Thương mại Hiệp Thành.

Đi tắt qua cổng siêu thị Thế kỉ Vàng, chúng tôi gặp trụ sở Ban Quản lý khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài nằm gần trụ sở hải quan và biên phòng. Ông Dương Thành Vấn, trưởng phòng Kế hoạch và đầu tư của ban này, cho biết cả khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài sẽ rộng hơn 21.000 héc ta, bằng một nửa diện tích hai huyện Bến Cầu và Trảng Bàng, với các khu công nghiệp, khu thương mại, khu dân cư và khu du lịch sinh thái.

Ông Vấn nói: “Hiện nay đang làm khu thương mại và đô thị 1.355 hécta nhưng ngân sách tỉnh và nhà đầu tư mới đền bù được hơn 400 héc ta; nhiều nơi còn “da beo” vì kẹt cơ chế đền bù giải tỏa và chưa có cơ sở hạ tầng”.

Về chuyện “xếp hàng giảm giá”, ông Vấn cho biết máy tính ghi nhận mỗi ngày có khoảng 4.000 khách, riêng chủ nhật có tới 10.000 khách tham gia, trong đó chỉ có 10% là từ Campuhcia qua. “Chúng tôi mong muốn đảo ngược tỉ lệ này, 90% khách từ phía Campuchia qua thì mới đúng nghĩa là khu kinh tế cửa khẩu” - ông Vấn nhấn mạnh.

Bài này đăng TBKTSG tháng 10-2006


Xem thêm: “
BÁO CÁO KẾT THÚC KHÓA HỌC IMAGING OUR MEKONG 2006 – 2007dạng slideshow hoặc sách điện tử.

Đồng sàng dị mộng

Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long (Mekong Tourism Association - MTA), một tổ chức chưa chính thức ra mắt nhưng đang gây xôn xao trong giới. Trầy trật hơn một năm, nay MTA đang chuẩn bị cho đại hội ra mắt. Cho đến nay, các câu hỏi MTA sẽ mang lại gì, tác động của nó lên hoạt động du lịch tại đồng bằng sông Cửu Long ra sao vẫn còn là một ẩn số.


Du khách này đang nghĩ gì? Anh ta sẽ quay lại không?

Thật vậy, vẫn còn nhiều băn khoăn khi nhìn sự hình thành của MTA:

  1. Là một hiệp hội ngành nghề nhưng số quan chức du lịch (quản lý nhà nước) chiếm đến một nửa của Ban chấp hành. Liệu sẽ có chung một hướng nhìn và cách nhìn giữa một bên lợi nhuận là mục tiêu và một bên nhiệm vụ chính trị là mục tiêu? Nên chăng thuê Tổng thư ký chuyên trách và chuyên nghiệp?
  2. Được gì khi là hội viên MTA? Thực tế, để tiến đến giai đoạn cuối này, MTA đã rất gian nan trong qua trình hình thành. Khi 13 tỉnh, thành phố không tự mình thương lượng được, nhờ có sự xúc tác của VCCI Chi nhánh Cần Thơ (và tài trợ của EU) mới xong. Một trong những nguyên nhân là số sáng lập viên mãi không đủ theo quy định. Doanh nghiệp lữ hành, lưu trú 13 tỉnh, thành phố không hào hứng vì thiếu thông tin và cả lòng tin. MTA là đũa thần?
  3. Trong những mục tiêu của MTA, tạo liên kết khai thác thị trường du lịch ĐBSCL là chủ đề lâu nay bàn mãi vẫn không thấy đường ra. Đây là mục tiêu khó thực hiện nhất. Giám đốc một công ty du lịch băn khoăn: “Làm sao được khi 13 địa phương gần như cùng khai thác một thị trường, một dịch vụ, buộc ngồi chung với nhau nhưng luôn lấn cấn nhau như đòn kích bên hông?”. Sao chép tour, phá giá dịch vụ, cạnh tranh không lành mạnh… là chuyện thường tình.
    Chỉ là một quán cafe, không quảng cáo, đứng ngoài các sự kiện
    nhưng Sinh Cafe là người đang làm mưa làm gíó mảng tour giá rẻ tại Việt Nam


  4. Chưa ra đời nhưng MTA có một giấc mơ lớn là hình thành một công ty cổ phần du lịch có khả năng hoạt động toàn vùng, khu vực và quốc tế. Cám dỗ của giấc mơ này là nó rất hấp dẫn.

    Sẽ bình thường nếu có những cá nhân, doanh nghiệp cùng bỏ vốn lập một công ty như thế, nhưng một hiệp hội gồm những thành viên lúng túng triền miên (và ngày càng xa hướng đi chính: hoạt động thương mại nhiều hơn hoạt động lữ hành), nay lại choàng một cái áo lớn hơn và hệ lụy pháp lý là một nội dung cần cân nhắc trước quyết định này.
    Hơn nữa, gần nhau, hiểu nhau, tin nhau cùng tạo một cơ sở dữ liệu chung về hệ thống danh thắng, dịch vụ có lẽ là mục tiêu dễ thực hiện và cần thiết nhất.

  5. Kinh phí hoạt động sẽ là một vấn đề tùy theo nó diễn ra như thế nào. Cần bao nhiêu hội viên thì hội phí đủ tự trang trải chi phí hoạt động? Nếu như một số hiệp hội khác, phải tự kiếm tiền để tồn tại thông qua việc cung cấp dịch vụ tư vấn và đào tạo… thì không khéo lại tạo ra một doanh nghiệp thay vì một hiệp hội. Thật ra, nếu tạo được lòng tin và sự hưởng ứng của hội viên thì bản thân MTA sẽ tạo được kinh phí rất lớn qua chính hoạt động của mình.
  6. MTA sẽ tồn tại (có hiệu quả) trong bao lâu? Trở nên ra sao?

Dù như thế nào thì mọi chuyện vẫn còn ở phía trước và MTA cũng chỉ có ý nghĩa khi du khách được hài lòng khi đến với hội viên MTA hơn nơi không phải là hội viên.