Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2007

DLĐBSCL: KHỞI & ĐỘNG

* PHƯƠNG KIỀU

* Chuyển động những dự án liên kết:

Tôi phải vượt đoạn đường 150km, từ Cần Thơ đến Ba Động (Trường Long Hòa, Duyên Hải, Trà Vinh), để đến chia vui với bạn tôi trong ngày anh ấy bắt tay vào công việc mới. Đó là dự án hợp tác khai thác du lịch giữa Cần Thơ và Trà Vinh mà anh tâm đắc và bỏ công sức chuẩn bị nhiều tháng ròng. Đứng trước biển, trong ánh nắng chói chang của buổi chiều, mọi vất vả đường dài hầu như tan biến khi tôi đón nhận những ngọn gió Đông Bắc mát rượi từ trùng khơi thổi vào. Cảm giác hạnh phúc càng tăng lên khi buổi tối tôi được thưởng thức một bữa ăn tươi sống. Những con tôm sắt cháy mỡ giòn rụm, những miếng cá dứa nấu trái giác chua dịu, những con cá khoai nấu ngót tan trên lưỡi, tất cả như hòa trong vị cay nồng của loại rượu danh tiếng đất này pha chế theo công thức của người Khơ-me, -Xuân Thạnh lão tửu. Đặc biệt, những miếng dưa hấu ngọt lừ, “có cát” mà gần ba chục mùa Tết qua tôi mới lại có dịp thưởng thức. Ngà ngà say, ngủ trong ngôi nhà rông, tôi như chìm vào giấc mộng với tiếng rì rầm không biết của sóng hay gió biển lùa qua tàn lá cây dương. Tiếng rì rầm ấy như tiếng suối reo, nhè nhẹ và dịu dàng như tâm tính con người vùng ĐBSCL. Đó là một kỷ niệm khó quên, với tôi, về Ba Động, một “biển bạc” trong “rừng vàng” của du lịch ĐBSCL.

Để đánh thức tài sản vô giá “rừng vàng biển bạc” ấy, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã đồng ý cho Cần Thơ lần đầu tiên tổ chức Liên hoan Du lịch ĐBSCL – Mekong Festival – 2003 nhằm giới thiệu với khách trong và ngoài nước đại thể nét đặc trưng của khu vực. Đó là bước “khởi”, mở ra cánh cửa mới với sự liên doanh, liên kết các hoạt động du lịch nhằm giới thiệu và thu hút du khách đến đây ngày một nhiều hơn. Tiến sĩ Ernst Samueller, giáo sư giảng dạy du lịch thực hành về văn hóa của nhiều trường đại học ở châu Âu, cho biết, trong thời đại này, chỉ có sự hợp tác hữu nghị giữa các đối tác mới có thể giúp nhau vươn lên. Sự hợp tác này được 2 công ty du lịch Cần Thơ và Trà Vinh nắm tay nhau khởi động tại Ba Động từ đầu tháng 11-2003. Sau Ba Động, Cần Thơ sẽ còn liên kết với Bến Tre mở tua du lịch đi xuyên qua vùng đất giồng ven biển đồng bằng rồi sẽ tiến thêm bước nữa là khai thác tiềm năng du lịch phong phú và giàu có của Kiên Giang.

So với đất giồng miệt trên (Long An, Bình Dương), đất giồng ĐBSCL là loại non trẻ nhưng màu mỡ, là nơi cư ngụ lâu đời của người Khơ-me và Hoa. Đời sống văn hóa phong phú của người Khơ-me, người Hoa ở đây dễ gây ấn tượng mạnh mẽ đối với du khách phương xa. Nhớ hồi tháng 8-2003, theo lời mời của anh Diệp Thiệu Long, Phó phòng Văn hóa – Thể thao huyện Cầu Kè (Trà Vinh), tôi về dự Vu Lan thắng hội ở chùa Vạn Niên phong cung. Đây là lễ hội lớn nhất của địa phương, mỗi năm thu hút hàng chục ngàn người khắp nơi đổ về. Ngoài việc được thưởng ngoạn lễ hội văn hóa độc đáo của người Hoa, tôi còn được tiếp cận đời sống của người Khơ-me, được nhìn ngắm những bàn tay thoăn thoắt biến những cọng tre bóng mượt thành những nông ngư cụ xinh xắn, tinh xảo. Ở Cầu Kè (cũng như bất cứ phum sóc nào ở Trà Vinh), tôi cũng đã được thưởng thức những tô bún nước lèo, những tô lành canh, xim lo bình bát (giây) nấu măng tre nấm rơm mặn mà vị mắm sặt; đuông đất, bọ rầy dồn đậu phộng chiên mỡ; trái quách, trái viết, dừa sáp, bánh gừng; xem các buổi biển diễn dù-kê, a-day, rô-băm, thả đèn gió,… Lạ lẫm và hấp dẫn, làm sao không luôn hoài nhớ!

* Nở rộ các loại hình du lịch mới:

Ba tháng trước đây, khi diễn ra Liên hoan du lịch ĐBSCL, Khách sạn liên doanh Victoria Cần Thơ có quảng bá tua du lịch khám phá bằng xuồng kayak. Khách đi tua, mỗi người một chiếc xuồng, bơi ngang bến Ninh Kiều, vào sâu con rạch phường Hưng Phú, đổ ra Bùng Binh sông Cần Thơ, ngoằn ngoèo qua các con rạch mọc đầy những cây bần cổ thụ của cồn Ấu. Trong không khí hoang sơ, bạn được thưởng thức bữa ăn thời khẩn hoang với ếch nướng mọi, tôm lóng nướng lửa than chấm muối ớt; gà xé phay, thêm chút cháo gà dằn bụng và đưa cay với rượu trái cây trong tiếng nhạc lời ca của loại hình đờn ca tài tử cùng tiếng chim ríu rít đâu đây… Rời xuồng kayak, bạn tạt qua Khu vui chơi giải trí Tân Bình. Ở đây, khách được đi xe ngựa quanh các con đường rợp bóng cây ăn trái; xuống mương nơm cá, hái cù nèo, bơi xuồng ba lá, đi cầu khỉ,… Mới đây, Cần Thơ đang xúc tiến tổ chức tua du lịch xích lô. Ở Cần Thơ, ngoài việc đi du thuyền tham quan chợ nổi – nét văn hóa giao thương độc đáo vùng sông nước – bạn còn được tham quan làng nghề nông nghiệp và ngôi nhà rường hàng trăm tuổi ở Vườn du lịch Mỹ Khánh. Ngoài du thuyền ngày một tăng, sẽ có du thuyền Bassac chứa 40 khách, nhà hàng 25 ghế, đặc biệt còn có 6 phòng nghỉ đầy đủ tiện nghi. Du thuyền sẽ đưa bạn tham quan dài ngày các điểm du lịch của ĐBSCL, kể cả ngược dòng sông Hậu đến ngôi đền nổi tiếng thế giới, Angkor, của nước bạn Campuchia.

Sau Liên hoan du lịch ĐBSCL, nhiều tỉnh trong khu vực tổ chức các hoạt động nhằm thu hút du khách. Hội chợ thương mại Cà Mau – 2003, trong đó có du lịch qua Liên hoan Ẩm thực Cà Mau lần thứ tư diễn ra vào tháng 11. Liên hoan Văn hóa – nghệ thuật dân tộc Chăm tỉnh An Giang lần thứ 1-2003 diễn ra vào tháng 12, giới thiệu tiềm năng phát triển du lịch của huyện An Phú và kêu gọi đầu tư ở 3 điểm: Búng Bình Thiên, giồng Cây Da Khánh An, xóm Chăm Đa Phước. Búng Bình Thiên là một hồ thiên nhiên rộng đến 200ha, nước lúc nào cũng xanh trong, đầy tôm cá. Nơi đây sẽ được xây dựng bãi tắm, điểm bơi thuyền dạo hồ, đua thuyền. Quanh búng là những vườn cây xanh bóng mát, là nơi người kinh, người Chăm sinh sống với những lễ hội văn hóa, ẩm thực độc đáo. Giồng Cây Da có cây da hàng 500 trăm tuổi (có thể nói là đại cổ thụ của khu vực ĐBSCL), mọc trên gò đất cao, gió mát quanh năm. Tại đây sẽ được xây dựng những làng nghề thủ công, tổ chức những cuộc đờn ca tài tử thu hút du khách. Riêng xóm Chăm Đa Phước đã nổi tiếng từ nhiều năm nay, mỗi năm thu hút nhiều ngàn khách nước ngoài đến tham quan thánh đường Islam, cuộc sống của cư dân,… Khai thác du lịch 3 điểm trên là bước đột phá của An Giang, làm mạnh hơn thế mạnh vốn đã phong phú của vùng Bảy Núi.

Tuy nhiên ở khu vực phía Nam này còn 2 “vương quốc du lịch” nổi tiếng cả nước: Phú Quốc và Côn Đảo. Phú Quốc hiện nay là một trọng điểm du lịch, hấp dẫn nhiều nhà đầu tư liên doanh, liên kết. Ngoài đặc sản nổi tiếng lâu đời là tiêu và nước mắm, hiện nay Phú Quốc còn có một đặc sản độc đáo là rượu sim, được chưng cất bằng trái sim hoang dại, ngọt lừ và say đằm. Màu và vị rượu sim ngon không thua rượu vang Bordeaux nổi tiếng thế giới của Pháp. Năm 2002, Phú Quốc đón gần trăm ngàn lượt khách, trong đó phân nửa là khách quốc tế. Phú Quốc sẽ chuyển mình, trở thành "địa chỉ vàng" du lịch, khi vừa mới đây được Tổ chức Du lịch thế giới và các chuyên gia Cuba giúp quy hoạch thành trung tâm du lịch sinh thái chất lượng cao. Hiện tại, Phú Quốc đã có trên 50 doanh nghiệp đăng ký đầu tư, trong đó có 1 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư 100% vốn và 7 dự án được phê duyệt trên 200 tỉ đồng. Còn Côn Đảo, là một phần của tỉnh Hậu Giang cũ, điểm du lịch thuận lợi cho du khách ĐBSCL. Trong thời kỳ chiến tranh bảo vệ đất nước, Côn Đảo nổi tiếng là “địa ngục trần gian”. Đến đây, bạn được chứng kiến những nhà tù của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nhưng thích thú nhất là bạn được tận hưởng không khí yến ắng, trong lành của “vùng biển hoang sơ” với những rạng san hô uốn mình theo dòng hải lưu cùng hàng hà sa số bầy cá đủ màu bơi lượn đẹp mắt. Độc đáo nhất, Côn Đảo hiện là nơi duy nhất ở nước ta có sự hiện diện của loài bò biển quý hiếm mà bạn có thể gặp được khi thám hiểm đáy biển. Điều đáng tiếc cho khách lữ hành là Côn Đảo chưa được khai thác đúng giá trị của mình…

Những tháng cuối năm, Hà Tiên triển khai dự án lấn biển xây dựng khu đô thị du lịch mới rộng cả trăm hec-ta tại phường Pháo Đài. Đây là khu đô thị hiện đại phục vụ du lịch của tỉnh Kiên Giang và cả khu vực ĐBSCL. Dự án thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng các công trình có quy mô lớn và tiêu chuẩn cao cấp tạo thành tuyến du lịch thắng cảnh kết hợp với sinh thái biển hoàn chỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2010, dự kiến thu hút khoảng 1 triệu lượt khách/năm. Đó là điểm “sáng” trong tương lai du lịch khu vực này. Dù sau Liên hoan du lịch ĐBSCL đã có những bước khởi sắc nhưng so với cả nước vẫn còn là điểm yếu. Vì thế đòi hỏi ngành du lịch nơi đây phải phấn đấu rất nhiều mới thu hút du khách trong và ngoài nước đến ngày một đông hơn, xứng đáng là 1 trong vài trọng điểm du lịch của nước ta.*

Không có nhận xét nào: