Thứ Năm, 19 tháng 7, 2007

"Tác chiến" ở miền Tây

Miền Tây Nam bộ chằng chịt sông rạch, đầy ắp nắng gió, nghĩa tình và... rượu đế nên cánh nhà báo chúng tôi sau mỗi chuyến đi thường nghe trong con người mình lâng lâng tình cảm.

Huỳnh Kim

1.

Nhớ hồi năm 1993, cỡi xe Honda cánh én "phi" một mạch từ Cần Thơ tới Châu Ðốc, vượt sông Hậu rồi sông Tiền để ra biên giới Tây Nam thuộc tỉnh Ðồng Tháp viết phóng sự về huyện mới Tân Hồng ở dọc biên giới với Campuchia.

Làm việc với UBND huyện, ôm một mớ số liệu về diện tích khai hoang và năng suất làm lúa thuộc hạng nhất nhì vùng biên giới Tây Nam hồi ấy. Lại cắt đường đồng từ thị trấn Xa Rài ra cửa khẩu Dinh Bà trong lãng đãng không khí nghèo khó và buôn lậu. Cái háo hức lúc đầu về thành tích khai hoang làm lúa trúng mùa ở biên giới tự dưng tan dần trước cảnh dân tình nghèo khó dù chỗ nào đi qua cũng thấy lúa tràn đồng.

Trên đường rời cửa khẩu về, xe bị xì bánh sau. Gần bốn giờ chiều mà trời biên giới vẫn nắng gắt. Ngặt một cái, xóm làng hai bên đìu hiu, khô khốc và suốt hơn bốn cây số đường quê, không có chỗ nào vá xe. Dẫn bộ rã người mới hiểu ra rằng, thiếu dịch vụ tới mức này thì cái điều người dân nói với mình từ sáng tới giờ quả là "chân lý": dù có làm lúa trúng cũng không cứu nổi cái nghèo.

Về gần tới thị trấn, có một điểm vá xe. Nhà như chòi. Chỉ có ông chủ gầy gò đeo kiếng cận và con chó vàng thiêm thiếp ngủ bên cái vỏ xe treo lủng lẳng. Té ra ông chủ từng là thầy giáo từ Cao Lãnh lên đây dạy học cả chục năm rồi. Vợ và đứa con gái nhỏ đi ruộng chưa về. Tôi khoe về những con số khai hoang của huyện. Ông chủ lầm lì vá xe. Nửa giờ sau tôi chia tay ông thầy giáo già trước tuổi. Ông đòi tôi phải uống với ông một ly "xây chừng" rượu đế, rồi nói: "Tôi quý chú em. Nhớ ly rượu này, đừng có say xỉn mà nghèo đói. Tôi chỉ xin lưu ý chú em một chuyện mà lâu nay tôi ngẫm nghĩ hoài, chắc là trúng: xứ sở mình có làm lúa giỏi tới đâu cũng khó giàu có được".

Chuyến công tác đó, rời vùng Ðồng Tháp Mười, tôi đi tiếp ba ngày nữa về vùng tứ giác Long Xuyên thuộc hai tỉnh An Giang và Kiên Giang. Xong tôi viết bài “Ðồng bằng ơi!” gửi đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Tôi nhớ cái "tứ" tôi gửi gắm trong bài báo đó là đồng bằng sông Cửu Long ơi, người ở đâu trong đất nước mình khi mà đi đâu cũng chỉ thấy người ta ca... "bài ca cây lúa"?

2.

Lụt lội ở miền Tây không giống như ở miền Trung quê tôi. Quê Quảng Nam của tôi, tới mùa lũ lụt, chỉ cần qua một đêm nước dâng tràn bờ sông Thu Bồn, là đã thấy "đỉnh lũ" và bao nhiêu cảnh tang thương kéo dài hàng tháng trời sau đó. Mùa lụt lội ở miền Tây, kêu là mùa nước nổi. Con nước từ sông Mêkông tràn đồng Campuchia rồi tràn qua biên giới Tây Nam và... lừ đừ tràn ngập ruộng đồng các tỉnh trong vùng từ hai dòng sông Tiền, sông Hậu, kéo dài vài tháng. Các tỉnh ở thượng nguồn ngập nước, An Giang, Ðồng Tháp, Long An... rồi tới Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang... Năm lụt lớn, thậm chí mấy tỉnh ven biển như Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau cũng bị nước tấn công.

Tôi nhớ nhất kỷ niệm "tác chiến" trong hai mùa nước nổi ở miền Tây. Năm 1994, báo Tuổi Trẻ nhờ tôi "làm gấp" một bài khi hay tin nước đã tràn đồng mấy huyện đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu. Tôi đón xe đò tới Châu Ðốc vào quãng 11 giờ trưa. Thấy cảnh nước đã lé đé bờ sông thị xã và mênh mông trước mặt, tôi tạt vào bưu điện Châu Ðốc fax về (lúc đó chưa có e-mail) đề nghị tòa soạn cho "rao" trước, mời bạn đọc đón xem phóng sự trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật bài “Lũ lụt ở hướng An Giang". Sau đó, tôi vọt qua huyện An Phú, cùng mấy anh ở huyện đội chạy vỏ lãi khắp nơi, chỗ nào cũng mênh mông đồng nước, không biết đâu là sông Tiền, sông Hậu, đâu là ruộng vườn trước đó. Thích nhất là gặp được một đám cưới trên hai chiếc vỏ lãi đang ngược lên biên giới. Giữa trùng trùng nước lụt đỏ ngầu phù sa, bà con mình vẫn thảnh thơi dù đỏ, dù xanh, mâm lễ, cười nói vui vẻ đi rước dâu bằng vỏ lãi.

Tối bữa đó trời mưa tầm tã, tôi về tới Sài Gòn khoảng gần 11 giờ khuya và thức viết xong bài phóng sự với chùm ảnh rước dâu, kịp sáng bữa sau gửi Tuổi Trẻ Chủ Nhật như đã hứa.


Tới mùa nước nổi năm 2000, miền Tây Nam bộ chịu một trận lụt tồi tệ; nước "ngâm" từ tháng 7 tới tháng 12! Cả đồng bằng chịu không thấu, tỉnh nào cũng chờ cứu trợ. Một lần, vào quãng tháng 10, chúng tôi đi cứu trợ ở huyện Hòn Ðất trong vùng tứ giác Long Xuyên thuộc tỉnh Kiên Giang. Ði cùng là một anh bạn doanh nhân làm cho một công ty liên doanh với Ðức. Anh mê nghề báo, lúc nào cũng lủng lẳng máy chụp ảnh trước ngực như tôi. Tới giữa kinh Mướp Giăng, thấy chiếc vỏ lãi mình thuê nhỏ quá, sợ không an toàn, chúng tôi quyết định tấp vào bờ đổi vỏ lãi lớn hơn. Tôi và nhà doanh nghiệp này sang ghe sau cùng. Anh bạn tưởng vỏ lãi trống người là khó lật, anh đứng chồm ra mé ngoài vỏ lãi để chụp hình. Ðứng bên này, tôi chỉ kịp la lên "Coi chừng lật vỏ!" thì chiếc vỏ đã nghiêng hẳn về phía anh bạn. Nhờ gốc con nhà lính, tôi kịp phản xạ phóng mình lộn một vòng qua chiếc vỏ kề bên. Khi đứng lên, tuy hơi ê người, tôi đã kịp đưa máy ảnh bấm được một kiểu cảnh anh bạn đang lủm chủm lội vô bờ!

Cái tin ảnh hi hữu đó, tôi gửi đăng trên tờ The Saigon Times Weekly. Sau đó, anh bạn tôi nhận được e-mail từ Úc của một người bạn, bảo rằng, trong lũ lụt miền Tây, hổng ngờ có nhà doanh nghiệp quá ư là... lãng mạn? Còn bạn tôi thì trả học phí một chầu rượu đế cho bài học: không phải chiếc ghe nào ở xứ mình cũng giống chiếc ghe nào!

Ảnh: Trương Công Khả

Không có nhận xét nào: