Thứ Hai, 30 tháng 7, 2007

LÊN NÚI CẤM, THÁNG 4-2007

Đầu tháng 4, ĐBSCL có nơi nóng hơn 36 độ C. Ngày ngủ không yên. Đêm trằn trọc, tươm tướp mồ hôi. Nóng quá, rủ nhau lên núi Cấm thăm “nóc nhà miền Tây” cao hơn 700 mét thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang...

“Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”


Đoàn chúng tôi gồm sáu người lên đường bằng Honda ôm. Con đường lên núi Cấm rộng 6 mét bề ngang, khởi công từ năm 2005 nhưng tới nay mới làm xong được hai phần ba. Chỗ đổ bê tông xi măng, chỗ tráng nhựa, còn có nhiều đoạn lổn nhổn đá tảng nằm lăn lóc. (Con đường bài "Cuối năm 2002, lên núi Cấm" vừa nhắc tới. Anh Phù Sa Lộc không đi đường bộ như này mà đi xe ôm ngay từ đầu, ở phía đông núi Cấm – HKim).

Lên tới ngã ba vồ Thiên Tuế và chùa Phật Lớn, tuy vẫn là con đường mòn của nhiều chục năm trước nhưng lại hết sức thú vị với những ai muốn sống với cảm giác mạnh. Các tay xe ôm “địa hình” xuất sắc vượt qua đoạn đường dài hơn hai cây số bằng cách phóng ào ào trên con đường ngoằn ngoèo đất đá xuyên qua những cánh rừng bạt ngàn.

Anh Nguyễn Văn Út Em, 27 tuổi, đã có ba năm chạy xe ôm sau nhiều năm làm đủ thứ nghề nuôi vợ cùng hai con nhỏ, nói: “Xe chạy đường núi này phải xoáy nòng, đôn dên, thắng bự hơn bình thường và phải bảo dưỡng thường xuyên mới an toàn. Em đã xì bớt hơi bánh xe, tăng phuộc để “sư phụ” đỡ bị xóc trên con đường đau khổ này”. Rồi anh tiếp: “Nghiệp đoàn xe Honda khách Lâm viên núi Cấm có 500 xe, thu nhập bình quân của mỗi người sau khi trừ chi phí còn khoảng 30.000-40.000 đồng/ngày. Lúc này đang có khách nên tụi em tranh thủ chạy từ 3-4 giờ sáng tới 10- 11 giờ đêm. Đông khách nhất là tháng Giêng, Tư, Bảy, Tám và tháng Mười Âm lịch. Người ta đi hành hương theo “vòng tròn khép kín”: từ miễu Bà Chúa Xứ núi Sam lên núi Cấm rồi qua Hà Tiên”. Nhìn cảnh người xe tấp nập không giống lần trước đã đến đây, tôi ngạc nhiên hỏi, Út Em vui miệng: “Bữa nay đông khách vì nhằm ngày kỷ niệm trận đánh cuối cùng với thực dân Pháp của Đức Cố Quản”. Anh Tư Hiệp trong đoàn chúng tôi cười mỉm chi: “Nói vậy nhằm tránh việc đề cập ngày giỗ (20 và 21-2 Âm lịch) của ông Trần Văn Thành, lãnh tụ nông dân đánh Pháp với trận Bảy Thưa nổi tiếng cả nước”.

Xe vun vút phóng như coi thường con đường quanh co nhỏ hẹp, lồi lõm với nhiều bất ngờ phía trước. Tôi càng “lạnh mình” hơn khi Út Em rồ mạnh tay ga cho chiếc xe lao lên con dốc đứng khoảng 35 độ. Tiếng máy xe gầm rú như tiếng máy bay phản lực... Xe tới chân đường lên điện Bồ Hong, Út Em hoàn thành phân nửa chuyến đi, bởi sáng hôm sau sẽ trở lại đón tôi. Giá đi về qua đêm 80.000 đồng lên tới chân điện Bồ Hong. Nếu đi tới chùa Phật Lớn thì 50.000 đồng trong ngày, qua đêm 60.000 đồng, khứ hồi. Đó là giá chở một người. Còn giá chở hai người một xe thì chưa nắm. Chuyện xe chở hai người không hề hiếm ở chốn “thâm sơn cùng cốc” này.

Chợ trên núi

Ấp Vồ Đầu (xã An Hảo), gần chùa Phật Lớn, có ngôi chợ hai dãy nhà khoảng năm căn đâu mặt, áp mái vào nhau, ở giữa là con đường được thiên nhiên “trải” những tảng đá lớn nhỏ, gập ghềnh, phải cẩn thận bước mới không bị sẩy chân. Phố chợ bán đủ mọi thứ phục vụ khách phương xa. Tiếng chén đũa chạm nhau vui tai từ những chiếc bàn gỗ tuềnh toàng trong mấy quán sá. Tiếng ca hát phát ra từ mấy chiếc ti vi chạy bình ắc quy...

Điện Bồ Hong ở cùng ấp Vồ Đầu có 11 hộ thì chín hộ bán quán. Anh Nguyễn Kim Hạnh, 27 tuổi, em một chủ quán tại đây, cười hãnh diện: “Có thể nói “dưới trần” có gì thì trên này có nấy”. Anh hơi quá lời nhưng thật ra cũng không đến nỗi. Giống như khu chợ gần chùa Phật Lớn, phố chợ Điện Bồ Hong bán từ “cây kim tới sợi chỉ”. Tủ kiếng trưng bày la liệt hàng hóa. Bên trên tủ là những chiếc mâm lớn đầy ắp thức ăn. Cái bếp gas xì xì ngọn lửa xanh lè làm nóng những món ăn của khách, nhất là tráng những cái bánh xèo vàng hươm, ngó qua đã thấy thèm. Nhưng thèm nhất là mấy rổ rau rừng đầy ắp, tươi xanh ăn kèm với thứ bánh dân dã này. Bánh nóng hổi, vành bánh giòn rụm. Rau mát lạnh tay, nào ngành ngạnh, kim thất, đọt bứa, bằng lăng, cát lồi... Chấm miếng bánh gói đủ rau vào chén nước mắm tỏi chanh ớt, cho vô miệng là cảm nhận được các vị chua, cay, đắng, ngọt thấm sâu vào tận dạ dày.

Ngon không kém là cơm. Những hạt cơm khô, tơi, như cơm tấm, càng nhai càng nghe nước bọt quến vào chân răng vị ngọt, thoảng thơm hương vị lạ. Hỏi ra mới biết đó là gạo lúa sóc - loại lúa đồng bào dân tộc Khmer trồng sát chân núi, mỗi năm một mùa, không sử dụng thuốc trừ sâu hay phân hóa học. Cơm trên núi hầu như bán đồng giá. Cơm tương (chay) với tàu hủ chiên, kho hoặc su su (măng) xào, 5.000 đồng/dĩa. Cơm mặn với sườn cốt lết, rau hoặc thịt kho hột vịt, 10.000 đồng/dĩa. “Sang” hơn, cơm mặn với cá mòi, hột vịt, một món xào, 20.000 đồng một phần. Không dùng cá mòi, 15.000 đồng. Cô Nguyễn Thị Bích Thảo, chủ quán trên Điện Bồ Hong, nói: “Mắc nhất là nước, giá 50.000 đồng/mét khối. Mấy bữa trước tới 70.000 đồng/mét khối. Nước hạ giá vì có một cơ sở cạnh tranh với giếng nước tụi tui mua từ nhiều năm qua là ở miễu Mười Cô phía bên dưới”. Giá nước mắc vậy nên nước tắm phải trả 2.000 đồng/thùng 5 lít.

Du lịch bên tượng Phật

Tượng Phật tọa lạc bên khu hồ Thủy Liêm, gần đỉnh núi. Còn nhớ mấy năm trước, từ khu phố chợ gần chùa Phật Lớn, tôi đã nhìn thấy trên vòm cây xanh rậm rịch những thanh thép nhô cao. Người ta nói đang thi công hạng mục xây dựng khu Phật đài. Bây giờ, tượng Phật Di Lặc đã xong. Anh Đặng Trung Hành, người bán ảnh tượng đài Phật Di Lặc ngay trong bệ đài, cho biết: “Tượng do Ban Huấn tự chùa Phật Lớn làm chủ đầu tư, cao 33,60 mét, chân bệ mỗi cạnh 30 mét, tọa lạc trong khuôn viên rộng ước 8 héc ta, được khởi công ngày 8-11-2003. Đây là tượng Phật cao nhất Đông Nam Á với kinh phí trên 5 tỉ đồng. Tượng có bảy tầng lầu; trong lòng tượng, phía trước phần trệt giả thạch nhũ, tạo cảnh quan đẹp mắt; còn lại sẽ là nơi sinh hoạt Phật sự.

Cảnh quan đẹp và hấp dẫn không kém là chùa Vạn Linh, ngoài chánh điện, Quan Âm các, chùa còn có ngọn tháp Cửu Trùng gồm bảy tầng, cao 40 mét, mỗi tầng thờ một tượng Phật cỡi mãnh thú cao 2 mét bằng đá Thanh Hóa được điêu khắc tinh xảo. Tháp cao vời vợi nổi bật trên nền rừng cây xanh phía hậu liêu. Khách tấp nập cúng viếng.

Chùa Vạn Linh và khu tượng đài Phật Di Lặc nằm một bên cánh cung hồ Thủy Liêm. Hồ Thủy Liêm rộng trên 5,4 héc ta (kinh phí xây dựng 8 tỉ đồng), được khởi công từ tháng 3-2005, dự kiến hoàn thành vào đầu mùa mưa này để cung cấp nước sinh hoạt cho 500 dân ấp Thiên Tuế và phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho du khách. Khi chùa Phật Lớn được xây dựng lại cùng với khu danh lam thắng cảnh bên hồ này, thì đây sẽ là điểm tham quan du lịch, hành hương hấp dẫn.

Trên ngọn núi này, đi bất cứ đâu cũng đều có hàng quán, nhà trọ. Giá phòng trọ mắc nhất là nhà trọ Bích Thủy, 50.000 đồng/phòng/đêm. Các nhà trọ khác đều cùng một giá 5.000 đồng/người/đêm. Giá này chủ quán không được “rớ” tới dù mùng mền, chiếu gối là của họ. Sụp tối, trưởng ấp tới “kiểm tra” khách, thu tiền. Anh Nguyễn Kim Hải, chủ một nhà trọ, cho biết: “Đó là cách lấy thuế buôn bán của tụi tui”. Những căn nhà mái tôn, vách tôn nằm chen nhau với những sàn gỗ tạp trải dài theo hông nhà là nơi khách nghỉ qua đêm. Võng treo khắp nơi, tha hồ nằm cho đã lưng. Mùng, gối, chiếu để sẵn, cứ việc lấy mà ngủ.

Hai giờ chiều, chúng tôi tranh thủ tắm. Nói vậy chớ chỉ xối qua quýt thùng nước lạnh như ướp đá rồi nhanh chóng mặc lại quần áo. Năm giờ chiều, tiếng máy phát điện ba bên bốn phía nổ phành phạch, cảm giác như ngồi tàu đò trên sông. Gió thổi mạnh. Hơi lạnh phả trong không gian. Tất cả các tấm rèm tôn của quán hạ xuống. Mấy người bận áo gió ngồi nhâm nhi ly cà phê đen coi ti vi.

Càng về tối, số người bận áo ấm càng nhiều và càng có nhiều đoàn phật tử cử hành lễ bái trên ba đài Ngọc Hoàng Thượng đế, Diêu Trì Phật mẫu và Cửu Huyền trăm họ. Thầy giáo Nguyễn Minh Châu ở trường Tiểu học “B” An Hải, nói: “Các anh có để ý thấy dọc theo đường lên núi dây nhợ giăng hoặc cột trên thân, cành nhánh cây không? Đó là dây do người hành hương buộc nhằm gởi gắm những khó khăn, bệnh tật của mình lại núi cao”.

Đang nằm đắp mền thiu thiu ngủ, tôi bị anh Hai Thám trong đoàn chạy tới kêu: “Lẹ lên, cứ như là ở xứ Ngàn lẻ một đêm”. Tôi lẹ chân theo anh, bước chếch lên chỉ mấy bậc cấp, thấy trên đài Ngọc Hoàng Thượng đế (nơi cao nhất núi Cấm, 716 mét) đã chật kín những thiện nam tín nữ đang kính cẩn hành lễ, khởi đầu cho hai lễ tiếp theo ở đài Diêu Trì Thánh mẫu và đài Cửu Huyền trăm họ.

Trong ngọn gió chướng thổi lồng lộng, trong mây mù quần đảo khắp nơi, tàn nhang bay tung tóe, ngọn lửa nến bập bùng và những bóng người áo tràng trắng, tràng lam, tràng vàng thành tâm vái lạy, múa may. Trong tiếng kinh cầu thê thiết ngân nga là tiếng áo mưa du lịch mặc chống gió reo phần phật...

Không có nhận xét nào: