Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2007

Du lịch Việt Nam: Đón thời cơ vàng

PHAN HUÊ

Nếu trước đây công tác chào bán (sales) được coi là phần việc khó khăn nhất của một hãng lữ hành, thì nay việc tìm được phòng cho khách hay không sẽ quyết định tất cả, vì hầu hết phiếu đặt phòng gởi cho các khách sạn 4,5 sao đều được nhận được con dấu waiting list (danh sách chờ). Việc chạy khắp thành phố để chỉ tìm được vài ba phòng cho một đòan khách nhập đã thành chuyện bình thường ở các hãng lữ hành. “Có tăng thêm 2 lần số phòng hiện nay chắc cũng không đủ chỗ” giám đốc bộ phận kinh doanh của một khách sạn lớn tại TPHCM cho biết như vậy. Kinh doanh du lịch đang vào thời kỳ sung mãn

Du khách quốc tế đến từ đâu?

Du lịch là một nhu cầu cao cấp nên chắc chắn người có thu nhập khá giả thì dễ mua tour hơn. Dân châu Âu, Mỹ, Nhật Bản khi có tiền họ nghĩ ngay "được đi đến đâu" chứ không phải "mua được những gì" như công dân các nước nghèo.

Du lịch suy cho cùng là đi tìm sự khác biệt, mà sự khác biệt lớn nhất là giữa các châu lục xét cả về khí hậu, phong cảnh, văn hóa và con người. Nơi nào hội tụ được các yếu tố đó, lại có an ninh và dịch vụ tốt thì đó là điểm đến (destination) của du khách quốc tế

Theo nhận định của sách Lonely planet (hành tinh đơn côi) – một cuốn cẩm nang hướng dẫn du lịch nổi tiếng trên thế giới, thì xu hướng du lịch năm 2007 là du thuyền trên các dòng sông thơ mộng ở châu Âu và đi về châu Á với Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á.

Việt Nam có nhiều yếu tố đáp ứng được yêu cầu “đi tìm sự khác biệt”, đồng thời lại có an ninh tốt hơn các nước lân cận, nên đang là một điểm đến mới của khách Âu, Mỹ. Đây có lẽ sẽ là thị trường mục tiêu của ngành du lịch Việt Nam trong thời gian dài, dù bên cạnh chúng ta có Trung Quốc là nứơc đông dân nhất và Nhật Bản thuộc hàng giàu nhất thế giới. Đơn giản bởi vì Việt Nam không có sự khác biệt lớn về phong cảnh và văn hóa so với hai quốc gia kể trên, nên lâu nay khách Trung Quốc chỉ vào Hạ Long và Hà Nội, trong khi khách Nhật đến nước ta thường chỉ có 4, 5 ngày với mục đích mua sắm chứ ít đi tham quan, còn lọai hình du lịch nghỉ dưỡng có thể giữ chân họ, thì lại chưa phát triển

Cạnh tranh điểm đến

Không phải khi chúng ta vào WTO thì mới có chuyện này xảy ra, mà phải hiểu cạnh tranh thu hút khách với các nước lân cận đã diễn ra từ trước đây rồi

Thông thường khách châu Âu đi tour du lịch dài từ 2 – 4 tuần, với điểm đến là 2 hoặc 3 nước cho “xứng đáng” tiền vé máy bay vốn dĩ chiếm đến 1/3 chi phí. Vì vậy việc họach định chiến lược phát triển du lịch quốc gia và địa phương cần phải tính đến yếu tố "đụng hàng" trên thương trường du lịch khu vực. Ví dụ bên cạnh nước ta thì Trung Quốc là nơi có nhiều di tích lịch sử, Thái lan có các ngôi chùa Tiểu Thừa đồ sộ, Campuchia với Angkorwatt hay Ấn Độ với các đền đài bằng đá khổng lồ. Du khách đa phần không phải dân chuyên môn về lĩnh vực kiến trúc, nên họ đến điểm tham quan chỉ nhìn qua loa, nghe thuyết minh sơ bộ rồi chụp ảnh. Nếu họ đã đi coi các điểm tham quan kể trên ở các nước lân cận, thì khi đến Việt nam họ cũng giảm hứng thú coi lại các chùa chiền rất nhiều, nhất là đến tỉnh nào …cũng chỉ có món đó. Hiểu được họ đã xem gì sẽ giúp chúng ta tránh đưa vào chương trình tham quan những món ăn tinh thần trùng lắp, thì mới nâng cao được tính hấp dẫn của điểm đến.

Hiện tại nước ta vẫn đang có thành công nho nhỏ trong cuộc cạnh tranh này, vì lượng khách tăng lên đều đều và ngày lưu lại của họ cũng dài hơn trước. Nhưng nếu so 3,6 triệu khách nhập của chúng ta (nguồn: vietnamtourism.gov.vn) với Thái Lan gần 14 triệu và Malaysia khỏang 17 triệu trong năm 2006, thì rõ ràng chúng ta còn phải phấn đấu nhiều. Chưa có một đánh giá khách quan về thế mạnh thực sự của du lịch Việt nam là gì so với các nước lân cận, để tìm hướng đầu tư phát triển và tránh “đụng hàng”.

Nhiều du khách cho rằng tài nguyên du lịch lớn nhất của Việt Nam nằm ở các bãi biển và dải đất hình chữ S. Nếu yếu tố đầu tiên đáp ứng được nhu cầu tắm nắng, tắm biển và nghỉ dưỡng thì yếu tố thứ hai giúp cho việc kết hợp dễ dàng các chủ đề tham quan trong một chương trình theo nguyên tắc: rừng/biển, thành phố/đồng bằng để tạo nên sự đa dạng

Thời cơ và thách thức

Lượng khách đến khu vực Đông Nam Á đang đổ dồn về Việt Nam sẽ còn kéo dài trong nhiều năm nữa, cho đến khi các “đại gia du lịch trong khu vực” như Thái lan, Indonesia khắc phục được vấn đề an ninh của họ. Sự phát triển ngòai mong đợi hiện nay đã làm cho các trung tâm du lịch quá tải về cơ sở hạ tầng phục vụ khách, ví như tắc nghẽn giao thông mà nút cổ chai là …cơ sở lưu trú! Giá phòng tại các khách sạn cao cấp đã tăng lên 2,3 lần so với 5 năm về trước, nhưng vẫn không đủ phòng cho khách. Đây là cơ hội để chính quyền Hà Nội và TPHCM di dời công xưởng, kho bãi ra khỏi khu trung tâm, dành chỗ cho việc xây khách sạn sang trọng có hiệu quả kinh tế và mỹ quan cao hơn. Đây cũng là dịp tốt để các địa phương khác đón lượng khách quốc tế từ các trung tâm du lịch đổ về nhằm tránh bị kẹt phòng và để giảm giá tour. Du lịch phát triển sẽ đem khách hàng đến cho nhà sản xuất, thay vì chúng ta phải ra nước ngòai tìm họ, điều này sẽ giúp nông dân bán được tại chỗ các lọai thực phầm tươi sống với giá cao mà không cần xuất khẩu.


Nhìn tòan cục đất nước thì việc có thêm vài triệu khách quốc tế sẽ đem lại lợi tức rất lớn cho nến kinh tế và tạo ra nhiều chỗ làm. Nhưng cầu vượt cung cũng đưa đến một báo động đỏ về giá phòng của Việt Nam nay đã cao vào lọai nhất khu vực, làm cho giá tour của chúng ta có tính cạnh tranh yếu. Nếu một mai các điểm đến khác trong khu vực cũng an tòan như Việt nam, thì liệu chúng ta có thu hút được khách nữa hay không, đó chính là bài tóan cần được đặt ra ngay từ bây giờ.

______________________________________

Bài do tác giả gởi đến và đã đăng trên Thời báo KTSG số ra ngày 29.3.2007

PHAN HUÊ

Chủ tịch Hội đồng thành viên,
Cty Dịch vụ - Du lịch Vòng Tròn Việt
62/9 Trần Bình Trọng, quận Bình Thạnh, TPHCM

Mobile: 091 3683 148.
Email: huephandinh@gmail.com
Website: www.viet-circle.com


Không có nhận xét nào: