Vượt 110 cây số, chúng tôi đến thị xã Bạc Liêu vào lúc 10 giờ. Bạn bè chờ sẵn trong quán Trúc Mai trên đường Giao Thông. Món ăn dọn ra: cá sấu xào lăn, khô lóc – xoài sống, lươn um lá nhàu, canh chua, vú dê nướng, nhưng ngon nhất là cá kèo nướng muối ớt. Sau bữa ăn, chúng tôi lại lên xe. Mất khoảng 20 phút, chúng tôi đến Nhà Mát – điểm nghỉ ngơi nổi tiếng một thời của những viên quan cai trị người Pháp tại đây. Nhiều năm qua, Nhà Mát đã được xây dựng thành điểm du lịch với cụm nhà hàng Hương Biển nằm “thoi loi” trên sóng biển Đông. Mái ngói cụm nhà hàng còn đỏ au nhưng ngày cuối tuần sao mà trầm lắng, lèo tèo khoảng chục khách đi trên sàn đạo dài hàng trăm mét vươn dài từ bờ ra. Nhà tắm nước ngọt 2.000 đồng/người/lần buồn hiu với nhân viên trực thảnh thơi đọc báo. Khoảng năm 2003, những ngày cuối tuần, xe gắn máy, xe du lịch các tỉnh lân cận đậu san sát, khách chen nhau mua hải sản bán dọc bờ biển. Bên những chiếc bàn gỗ thấp, người ta sung sướng thưởng thức hàu, vọp, cua cùng các loại khô.
Giồng Nhãn là một giồng cát được hình thành từ bờ biển cổ, dài 10km, rộng khoảng 230ha nằm trên hai xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông. Nằm cặp bờ biển này, khi xưa, là ruộng muối bạt ngàn. Muối Bạc Liêu thuở ấy nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh với chất lượng ngang muối Sa Huỳnh – một loại muối đứng đầu nước ta. Đến mùa muối, ghe thương hồ cặp bến Bạc Liêu “ăn muối” rồi chở đi bán khắp khu vực, sang tận Campuchia. Phải chăng nhờ vị muối ngọt mặn này mà con cá kèo nướng, con tép cũng ngon đặc biệt.
Ngày nay, nhãn Bạc Liêu dù vẫn ngọt thơm nhưng đã không còn hấp dẫn so với nhãn vườn nhiều chủng loại năng suất cao, giá rẻ. Với cảnh quan đẹp, không khí trong lành, Giồng Nhãn, địa phận xã Hiệp Thành, được quy hoạch thành khu du lịch Vườn Nhãn. Mấy năm trước, một quán khởi đầu bán bánh xèo. Quán đắt khách khiến các quán khác đua nhau bán theo, tạo thành “phố bánh xèo”. Quán nối quán, chừng chục quán, bán từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Bàn nối bàn san sát trong bóng mát những mái lá xé liền nhau rợp cả khu vườn. Bên cạnh bàn ăn là hàng hàng lớp lớp võng, treo tòn ten giữa hai thân nhãn cổ thụ. Bánh xèo ở đây hấp dẫn bởi được tráng rất khéo, cắn miếng nào, chỗ nào cũng nghe vỏ bánh giòn trong răng. Nhưn bánh không nhiều, được làm bằng thịt nạc, tép bạc, đậu xanh, giá, củ sắn và hành tây. Tép xứ này khỏi nói, vị ngọt mặn ngất ngây vị giác. Rau sống trồng trên đất giồng giòn thơm. Nước chấm được pha chế vừa miệng. Vừa thưởng thức hương vị bánh xèo (10.000 đồng/bánh), khách phương xa lúc lúc còn được “thưởng thức” hỗn hợp ngôn ngữ: Kinh, Hoa, Khmer như lặt rau giữa chủ và người làm.
Ăn vừa chưa xong, anh bạn hối đi tham quan chiếc đồng hồ đá. Đồng hồ nằm trong khuôn viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh (số 84, đường Hai Bà Trưng). Anh nói: “Thuở xa xưa, con người đã chế tạo đồng hồ nước (lậu hồ) rồi đồng hồ cát (sa lậu). Thế kỷ XV, phương Tây chế tạo đồng hồ máy như đồng hồ dây thiều, đồng hồ quả lắc… Ở Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tú bắt chước kỹ thuật phương Tây chế tạo thành công chiếc đồng hồ máy có chuông gọi là “Tự minh chung”. Còn đồng hồ đá được bác vật (kỹ sư) Lâm Văn Lang (1880-1969), người Sa Đéc, Đồng Tháp, chế tác vào đầu thế kỷ 20”. Đồng hồ được xây bằng gạch tàu và xi măng, cao khoảng 1m, rộng 0,8 mt, mặt quay về phía đông, gồm 3 phần: Phần giữa hình chữ nhật đứng, nhô ra phía trước; hai mặt hai bên xây hình vuông bằng gạch tàu, mỗi mặt khắc 6 chữ số La Mã biểu thị số giờ trong ngày theo hình vòng cung. Anh Thuận cho biết: Ánh nắng chiếu xuống phần hình chữ nhật nhô ra tạo nên vệt sáng tối. Con số nào nằm giữa hai vệt này là giờ lúc ấy. Chiếc đồng hồ đá độc đáo vừa được Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu tôn tạo và Công ty Du lịch đưa vào chương trình tua của mình.
Nằm cách đồng hồ đá vài con đường là Di tích Phước Đức cổ miếu tọa lạc số 74, đường Điện Biên Phủ, phường 3, thị xã Bạc Liêu. Miếu do người Hoa và Việt xây dựng khoảng năm 1780 dưới hình thức thờ Thổ thần của đất Ba Thắc (gồm Bạc Liêu, Sóc Trăng cùng một số nơi phụ cận). Thời gian dài, nơi đây được dùng làm trụ sở của bang Triều Châu, nên thường gọi là chùa Bang. Năm 1810, ngôi miếu bằng cây lá được dỡ ra, xây bằng gạch ngói – công trình xây dựng bằng gạch ngói đầu tiên của xứ Bạc Liêu. Sau 4 lần tu sửa (1882, 1885, 1873 và 1995), Phước Đức cổ miếu hiện tại được xây dựng theo hình chữ “Quốc” – một lối kiến trúc cung đình triều Minh, Trung Hoa – là nơi thờ Bổn đầu công (tức Phươc Đức chánh thần) cùng Thần Nông, Quan đế, Bà Mã Châu, Thổ công, Thổ địa… - là nơi nhân dân gửi gắm niềm tin, sự khao khát, lòng mong mỏi về cuộc sống bình yên, thuận hòa, nhân ái, ấm no hạnh phúc. Những ước mong đó được thể hiện thông qua các lễ hội hằng năm như: Vía ông Bổn (29-9 âm lịch), lễ Vu lan (15-7 âm lịch), đặc biệt là lễ Kỳ yên - lễ lớn nhất của miếu, tổ chức vào các ngày 11, 12 và 13 tháng Chạp âm lịch, có hát bội phục vụ đông đảo công chúng. Phước Đức cổ miếu là di tích kiến trúc lâu đời, gắn liền với lịch sử hình thành tỉnh Bạc Liêu, là công trình văn hóa nghệ thuật truyền thống của người Hoa còn giữ được đến nay.
Đến Bạc Liêu khó thể bỏ qua chợ đêm. Chợ đêm Bạc Liêu tọa lạc trên nền xi măng rộng khoảng 15 mt giữa hai con đường Lý Tự Trọng và Hai Bà Trưng. Tiền thân khu chợ là công viên Hai Bà Trưng, từ đường Hà Huy Tập tới đường Lê Văn Duyệt, dài khoảng 250 mt. Chợ nhóm từ 3 giờ chiều đến 12 giờ khuya. Chuyện ăn uống ở chợ đều thể hiện rõ nét văn hóa ẩm thực của 3 dân tộc cộng cư nơi đây: Hủ tiếu, mì, hoành thánh, mì vịt tiềm, bánh bao, cháo Quảng, bánh tiêu, bò bía, sâm bổ lượng của đồng bào dân tộc ít người Hoa. Cháo lòng, bánh xèo, bánh ướt, bánh cống, gỏi cuốn, bánh khọt của người Kinh. Bún nước lèo, bánh thốt nốt của đồng bào dân tộc ít người Khmer…
Chợ có hơn trăm hàng quán buôn bán nhộn nhịp trong bóng mát của những tàn cây che phủ vào buổi xế chiều; trong ánh sáng của những bóng đèn đủ loại, đủ cỡ giăng mắc khắp nơi vào buổi tối. Hương vị ngát thơm của các thức ăn được chế biến lan tỏa khắp xung quanh khiến bụng dạ ai cũng nôn nao khi đi ngang. Món ăn giá cao lắm là 14.000 đồng/tô mì vịt tiềm, thấp nhất là gỏi cuốn 1.000 đồng/cuốn. Đến với chợ đêm là hòa mình vào không khí văn minh, lịch sự. Hàng quán la liệt nhưng lúc nào cũng sạch sẽ. Chưa có cảnh chèo kéo, tranh mời khách. Chưa nghe tiếng nhạc xập xình đinh tai nhức óc phát ra từ các thùng loa khuếch âm cực đại. Chưa thấy cảnh khách đùa giỡn, ăn to nói lớn. Từng nhóm, từng nhóm ngồi bên nhau thưởng thức hương vị món ăn mình ưa thích, nhỏ nhẻ những câu chuyện thú vị rồi cười khúc khích…
Buổi sáng ở thị xã sao tĩnh lặng lạ thường. Sau một đêm ngon giấc, việc làm đầu tiên của chúng tôi là trực chỉ đến quán bún bò cay ở đường Cao Văn Lầu ăn sáng. Cách đây 3 năm, quán bán ở góc gần chợ cải Bạc Liêu, nay dời về đường Cao Văn Lầu. Bốn tô bún dọn ra. Ngắt rau quế cho vào tô, nặn miếng chanh, cầm đôi đũa đen trộn đều 4 cục thịt bò. Màu vàng sậm của nước, của thịt bò, màu xanh của quế lẫn màu trắng của bún trộn lẫn vào nhau, tỏa thơm đủ thứ mùi. Gắp một đũa, cho vào miệng, vị cay của sa tế thấm vào từng gai vị giác. Mồ hôi tươm khắp người, thật là sảng khoái! Anh Thuận – giáo viên – khách quen của quán cho biết: “Mình ăn tô đặc biệt, đũa đen, có 4 cục thịt, 15.000 đồng. Còn tô thường, đũa trắng, 12.000 đồng. Bún bò cay là món ngon nổi tiếng từ sau năm 1975 của Bạc Liêu (có lẽ là món ngon có một không hai của cả nước), nên dù nằm khá xa trung tâm thị xã quán vẫn nườm nượp khách”.
***
Chuyến tuy vất vả nhưng đã để lại trong chúng tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Nếu các công ty du lịch địa phương tổ chức tua “bỏ túi” như vậy sẽ giúp những người có thu nhập kém cũng có được những chuyến đi đầy hứng thú, bổ ích./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét