Thứ Hai, 30 tháng 7, 2007

NGẪM NGHĨ BÊN BẾN NINH KIỀU



1.

Cuối năm 2005. Gió mùa đông bắc lành lạnh tràn về bến Ninh Kiều, làm cho người đồng bằng sông nước cũng thích nghĩ ngợi lan man một chút. Không như mọi năm nhìn thấy sông Hậu mênh mông sóng nước, bây giờ đi qua phà Cần Thơ đã thấy xa xa giữa dòng sông chỗ cồn Ấu, bóng dáng những chiếc xà lan và dàn cần cẩu lênh khênh vươn lên trời. Công trình làm cầu Cần Thơ đang rộn ràng ở đó.

Một cây cầu mơ ước của người dân đồng bằng sông Cửu Long. Nó sẽ nối liền tuyến đường bộ huyết mạch này giữa miền Tây với cả nước, giữa Cà Mau với Lạng Sơn. Nó sẽ dài 2,7 km vượt sông Hậu, nhưng tổng chiều dài công trình lên tới 16 km với 13 cây cầu dẫn vượt qua những nhánh sông rạch chằng chịt ở hai bờ Vĩnh Long và Cần Thơ. Vốn đầu tư cho công trình này theo dự toán ban đầu lên tới 4.832 tỉ đồng, toàn là vốn vay ODA của Nhật. Và đã có một “làng chuyên gia” Nhật vừa mọc lên ở khu thương mại Cái Khế thuộc quận Ninh Kiều. Mong rằng từ năm 2008, khi cây cầu này xong, người ta sẽ giao thương xuyên quốc gia bằng đường bộ thông suốt và nhanh chóng, không còn cảnh qua sông phải lụy đò như mấy trăm năm nay.

Nhắc dông dài một chút về cầu Cần Thơ như vậy vì hồi giữa năm 2005, Chính phủ đã họp phiên đặc biệt về đồng bằng này với chủ đề giao thông vận tải và “chốt” lại rằng, nếu vùng sông nước này chưa giải quyết được chuyện giao thông (cùng với giáo dục và thủy lợi) thì còn lâu mới “bứt phá” đi lên kịp cùng cả nước. Và như vậy thì miền Tây Nam bộ cứ vẫn còn là cái “sân sau” của TP.HCM và miền Đông Nam bộ, như ví von của một số chuyên gia kinh tế từ hồi cuối thế kỉ 20, cách đây 5 năm. Đó vẫn là một cái sân sau của vùng nguyên liệu nông, thủy sản dồi dào nhưng với mức sống, trình độ học vấn… của 18 triệu người dân trong vùng thuộc loại thấp nhất nước.

Và nhắc lại cái số tiền vốn vay lớn như vậy cho công trình cầu Cần Thơ, ngẫm nghĩ rằng, cũng như hằng trăm dự án vay vốn khác hôm nay, là để đầu tư cho kinh tế xã hội nước nhà mai sau. Nhưng đó cũng có thể là “gánh nặng” cho những thế hệ công dân mai hậu nếu như nó không được chăm chút để sinh lợi - chưa nói tới chuyện làm thâm thủng những đồng vốn vay này.

Ở đời, muôn sự và muôn thuở, thường là như vậy: cái gì cũng có cái giá của nó.


2.

Tới cuối năm 2005, 13 tỉnh, thành phố ở miền Tây Nam bộ, sau đại hội Đảng cấp mình, chỉ có Cần Thơ, An Giang và Tiền Giang là có tân bí thư Đảng vì cả ba vị cựu bí thư ở đó đều đã tới tuổi nghỉ hưu. 10 vị cựu bí thư tỉnh ủy còn lại đều tái đắc cử nhiệm kì 5 năm tới. Mong rằng, trong 5 năm nữa, tất cả 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng vốn nổi danh là “trọng nghĩa khinh tài” này thực sự “đổi đời”, theo trúng cái câu mà Đảng và Chính phủ thường nhắc là ráng làm cho “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. (Nói vui ngày Tết, “khinh tài” ở đây tức là coi tiền bạc không trọng mà phải biết quí cái cốt cách nhân nghĩa ở đời - nói như nhà văn Sơn Nam, “cái cốt cách người Việt Nam mình là nhân nghĩa”. Chứ không phải “khinh tài” ở đây lại được “vận dụng” là “coi thường” đồng tiền vốn liếng ngân sách, đồng tiền thuế má của dân, muốn xài làm sao cũng được!).

Người lãnh đạo nhiệm kì cũ mà làm tiếp thì chắc chắn là có kinh nghiệm - kể cả thành công lẫn thất bại. Người lãnh đạo mới lên hoặc mới về, hẳn là sẽ có những ý tưởng mới, sáng kiến mới, chủ trương mới. Chỉ mong rằng, cái tài và cái đức của mỗi người hòa quyện dồi dào vào nhau, lấy đức làm gốc; và biết dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cá nhân. Và nếu các vị lãnh đạo chủ chốt của từng tỉnh, thành phố miền Tây Nam bộ, trong 5 năm tới, càng biết “chơi” với nhau, tức là biết liên kết vì đại cuộc trong thời kì hội nhập ngày càng có nhiều gay go thử thách này, thì đó quả là phước đức cho muôn người.

Xin kể một thí dụ về hai vị tân bí thư Đảng mà chúng tôi gặp tại Cần Thơ hồi cuối năm 2005. Họ từng là bạn học ở Học viện Nguyễn Ái Quốc từ những năm 79-81, và theo như họ kể, thường xuyên vừa xếp hàng vừa học bài để mua nước mắm, dầu lửa… theo tem phiếu của thời bao cấp. Đó là ông Nguyễn Tấn Quyên, Phó ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương về, trúng cử Bí thư thành ủy TP Cần Thơ. Còn ông Nguyễn Minh Triết, tái đắc cử Bí thư thành ủy TP.HCM. Bữa đó, ông Nguyễn Minh Triết thay mặt Bộ Chính trị đi chỉ đạo Đại hội Đảng bộ TP Cần Thơ. Trong trả lời phỏng vấn của chúng tôi, cả hai vị này đều hứa hẹn là sẽ lãnh đạo hai thành phố liên kết với nhau mạnh hơn, cụ thể hơn để hai bên cùng phát triển, cùng có lợi mà riêng với Cần Thơ thì không chỉ phát triển vì Cần Thơ mà còn vì cả vùng đồng bằng sông Cửu Long và vì cả nước, bởi Cần Thơ cũng là thành phố trực thuộc Trung ương như TP Hồ Chí Minh.

Trong chuyện này, nhớ nhất một ý nhấn mạnh của Bí thư thành ủy TP.HCM: “Cần Thơ nên mạnh dạn thuê những người có khả năng giúp thành phố hoạch định chiến lược phát triển”. Và một ý tương tự của tân Bí thư thành ủy TP Cần Thơ: “Thực tế thì Cần Thơ đang “quá tầm với” trong chuyện qui hoạch và quản lí qui hoạch, cho nên có thể phải thuê chuyên gia giỏi ở trong và ngoài nước lo tiếp. Phải làm sao được như ở Amsterdam của Hà Lan, đi dạo trong thành phố mà thấy nước sông trong veo và sinh động như là nước đang chảy ngoài sông Hậu vậy”.

***

… Ngồi bên bến Ninh Kiều một chiều cuối năm, nhớ lại những chuyện đại loại như vậy, tự dưng thấy nhè nhẹ thương yêu ở trong lòng, thấy cuộc sống quanh mình như sinh động hơn, thấy sóng nước ở cuối dòng Mekong như cường tráng hơn khi đổ ra biển lớn.

Cần Thơ, cuối năm 2005

Không có nhận xét nào: