Thứ Ba, 17 tháng 7, 2007

GẬP GHỀNH DU LỊCH MIỀN TÂY


Tuần lễ Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ ở An Giang năm nay (2005) có thêm một cuộc hội thảo tổ chức dưới chân núi Sam, trong Khu Du lịch Bến Đá núi Sam mới mở, với mong muốn: liên kết du lịch miền Tây Nam bộ…

Sôi nổi trong hội trường
Chủ nhà mừng kỉ niệm 5 năm Lễ hội Vía Bà được công nhận là lễ hội cấp quốc gia, đã tổ chức nhiều hoạt động lễ hội suốt 5 ngày đêm, chiêu đãi hơn 800 thực khách trong đêm khai hội và đăng cai hội thảo này. Trong khi đó, từng đoàn người từ khắp xứ tiếp tục rồng rắn hành hương lên đỉnh núi Sam, vía Bà Chúa Xứ, thăm lăng Thoại Ngọc Hầu - một danh tướng đã có công mở kênh Thoại Hà và kênh Vĩnh Tế gần 200 trăm năm trước ở vùng biên giới Tây Nam này.
Gần một trăm người trong số khách đó ở lại dự hội thảo, họ đều là “người trong cuộc” của ngành du lịch – thương mại ở miền Tây và TPHCM. Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ, đưa một ê-kíp chuyên làm hội thảo theo cách của Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright (Mỹ) tới cùng với Trung tâm Xúc tiến Thương mại - du lịch - đầu tư tỉnh An Giang (ATTIP), tổ chức hội thảo chính qui, thảo luận theo từng nhóm chủ đề.
Ai cũng nói, tiềm năng du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, du lịch văn hóa lễ hội, du lịch dã ngoại, nghỉ dưỡng… ở miền Tây còn dồi dào nhưng lâu nay vẫn cứ mạnh ai nấy làm, trùng lắp, có nơi nhàm chán. Giám đốc VCCI Cần Thơ, ông Võ Hùng Dũng, còn “than” là không có cách nào để thống kế đúng số lượng du khách mỗi năm về với miền Tây, và “mong muốn ngành du lịch các tỉnh cộng tác”. Ông Dũng đề nghị các tỉnh trong vùng đầu tư mạnh hơn cho dịch vụ du lịch, gồm cả cơ sở hạ tầng, xây dựng hình ảnh riêng của từng địa phương và rất nên chọn từ Mekong Delta mà thế giới đã biết nhiều, làm hình ảnh chung cho thương hiệu du lịch miền Tây.
Bà Phan Thị Thúy Truyển, Giám đốc ATTIP, cho biết mỗi năm Vía Bà, núi Sam đón tới hai triệu người trong số hơn ba triệu khách về với An Giang, nhưng phần lớn họ là khách hành hương, từ nhiều tỉnh hùn nhau thuê xe cùng đi lễ hội. Bà Truyển ao ước, làm cho 50% khách hành hương thành khách du lịch, thì An Giang sẽ phát triển ngành du lịch khá lên. Ngoài núi Sam, An Giang còn có chợ biên giới Tịnh Biên, làng cá bè Châu Đốc, hang Tức Dụp, núi Cấm (cao hơn 700 mét, quanh năm mát mẻ)… nhưng, vẫn theo lời bà Thúy Truyển, An Giang chưa có những sản phẩm dịch vụ tương xứng để giữ chân khách. Bà Truyển khao khát “làm sao xây dựng được những điểm dừng, điểm đến ở miền Tây trong một tour mang tên là Mekong Delta, với đầu mối là ngành du lịch TPHCM, để liên kết được du lịch miền Tây”.
Ông Huỳnh Văn Mới ở Trung tâm Xúc tiến Du lịch thành phố Cần Thơ, cho biết chỉ một cái chợ nổi Cái Răng nhưng đang có tới hàng chục công ty du lịch khai thác, giành nhau đưa đón khách. Ông Mới mong có ai làm “nhạc trưởng”, qui hoạch lại ngành du lịch miền Tây, lo cơ sở hạ tầng, đào tạo… để kết nối được những sản phẩm du lịch riêng ở từng nơi đặng phục vụ du khách trong và ngoài nước.

Gập ghềnh ngoài ngõ
Bước ra khỏi Khu Du lịch Bến Đá núi Sam quẹo vô lăng Thoại Ngọc Hầu rồi quay về thị xã biên giới Châu Đốc, chưa đầy năm cây số, đã có hơn 500 khách sạn, nhà trọ và hàng nghìn hàng quán. Dưới chân núi Sam, nhiều chỗ, nhà trọ, hàng quán chen chúc, xe ôm tràn ngập, ở giữa đường mà người đông như chợ. Người bán tha hồ “hét giá”, từ ổ bánh mì, bịch xi-rô đá cho đến con bò cạp núi, con heo quay, bộ vàng mã, bộ quần áo vía Bà… Và người mua thì tha hồ vừa leo núi vừa, vừa ăn, vừa… xả rác.
Chúng tôi cố đi hết con đường vòng quanh gần ba cây số lên tới đỉnh núi Sam, cao khoảng 230 mét. Dưới những tàng phượng vĩ mùa hè đỏ rực xen trong bóng núi xanh lam chiều biên giới, đâu đâu cũng thấy… rác. Nhiều nhất là bao ni-lông và giấy gói. Không hề thấy một thùng đựng rác công cộng, mặc dù có cả chục hàng quán võng sạp xập xệ mọc lên bên vách đá. Đứng trên mỏm đá có cắm những cây cờ lễ hội trên đỉnh núi nhìn bao quát bốn bề biên ải mênh mông ruộng đồng sông nước, bỗng giật mình vì tiếng rác ni-lông bay phần phật trên các nhánh cây ở kế bên. Dưới chân núi Sam, rồi xa về hướng ngã ba sông Hậu, đoàn người hành hương đang gập ghềnh rồng rắn đổ về núi mỗi lúc một đông.
“Như vậy thì làm sao có thể biến một nửa khách hành hương thành khách du lịch như toan tính trong hội thảo?”, anh Nguyễn Thế Vinh - Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist - hỏi, rồi tự trả lời: “Không thể một sớm một chiều biến một người chỉ quen trả vài chục ngàn đồng ngủ qua đêm và cúng 100.000 đồng, thành một người chi 700.000 đồng để ăn nghỉ và khám phá trong một tour lữ hành”. Anh Vinh nhắc lại điều này sau khi cùng ba người bạn đồng nghiệp đi khảo sát vườn cò Bằng Lăng ở huyện Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ trên đường về lại Sài Gòn. Đi vỏ lãi trên đoạn rạch Bằng Lăng dài hơn hai cây số từ quốc lộ 91 vô vườn cò (50.000 đồng tiền đò và 2.000 đồng/người), cảnh tình hai bên rạch thực là đáng ngại: nhà cửa nghèo khó, trẻ em, phụ nữ hì hục tắm gội, rửa chén, giặt giũ… trong khi con nước cạn đục ngầu và lềnh bềnh rác rưởi.
Anh Vinh nói, nghe tiếng vườn cò Bằng Lăng lâu nay, định bàn với Công ty Du lịch Cần Thơ đưa tuyến này vào một tour lữ hành từ TPHCM về miền Tây, nhưng giờ thì đành gác lại.

Tác giả là nhà báo Huỳnh Kim
Bài đăng Thời báo Kinh Tế Sài Gòn tháng 5-2005

Không có nhận xét nào: