Thứ Hai, 9 tháng 7, 2007

CON ĐƯỜNG ĐÁ ĐẬU

Phù Sa Lộc

Vào những năm 1960, tôi học Trường Nông Lâm Súc, tọa lạc ở đầu Lộ Hai Mươi, được xem là ngoại ô thị xã Cần Thơ. Dù học ở ngôi trường xa lắc nhưng chúng tôi vẫn là đồ đệ trung thành của mấy cái quán bán đá đậu trên đường Ngô Quyền ở trung tâm thị xã. Con đường này có nhiều quán bán chỉ mỗi một món đá đậu nên bọn học trò chúng tôi thường gọi đùa một cách thân mật: con đường Đá Đậu. Và nó đã là nơi thu hút bọn chúng tôi “trầm quán” bất cứ giờ phút nào trong ngày.

Trầm quán đá đậu có cái hay. Thường, tôi hay “trầm” ở quán cô Thúy, nơi có trồng cây mận tàn rậm rạp che mát cả khoảng sân lát gạch tàu bóng loáng. Chúng tôi ngồi trên những chiếc ghế thấp, trong bóng mát cây mận, thả mắt nhìn ra con đường lâu lâu mới có chiếc xe đạp, xe gắn máy phóng qua. Trong cái không gian hầu như êm vắng ấy, thỉnh thoảng chúng tôi nghe tiếng nhạc thoảng ra từ chiếc dương cầm cũ đặt trong nhà. Tiếng nhạc thánh thót, sang trọng như những thanh vàng, thẻ bạc chạm nhau khiến chúng tôi đê mê xao xuyến. Chìm trong những âm thanh cao sang ấy, chúng tôi lãng mạn nhìn ngắm những chiếc áo dài trắng đi lướt qua đường của mấy cô nữ sinh đi đâu đó trong những giờ học. Còn vào những giờ tan học hay trước giờ vào lớp, Ngô Quyền là con đường trắng những chiếc áo dài thả cánh tung bay. Những cô nữ sinh trường Đoàn Thị Điểm đã biến con đường này thành con-đường-trắng đầy thơ mộng. Lúc ấy, những chếc bàn thấp của các quán đá đậu không còn chỗ ngồi vì những chiếc áo dài trắng của các cô nữ sinh trường Đoàn Thị Điểm và những chiếc áo trắng quần xanh dương của các nam sinh trường Phan Thanh Gian. Những muỗng đá đậu ngọt béo bùi lạnh tan loãng trên mặt lưỡi khiến câu chuyện học trò như bất tận tuôn trào trên đầu môi.

Con đường Đá Đậu càng thêm thi vị trong những ngày trời sa mưa. Đó là lúc những bông sao đã trở thành những trái sao vàng thẫm chín rụng bay lả tả trong những cơn gió lộng. Chúng như những chiếc chong chóng tuổi thơ xoay tít trong không gian. Tuy đường chỉ có mấy cây sao nhưng những cánh sao già vẫn làm xuyến xao tâm hồn học trò chúng tôi.

Nhưng không biết từ bao giờ, có lẽ gần chục năm nay thôi, con đường Đá Đậu đã chìm khuất vào dĩ vãng, khi những quán làm nên tên tuổi của nó đã không còn hoạt động nữa. Đường Ngô Quyền thay đổi nhiều lắm rồi, lớp nhựa tráng thủ công và cổ lỗ đã được phủ lớp nhựa ngào nóng hiện đại. Dãy nhà xưa đã đổi chủ, thay tên. Có nhà đã nâng cao nền, xây gạch đẹp đẽ. Có nhà đúc bê-tông vững chắc, khang trang. Có nhà trang trí nội thất hực hỡ. Và đáng buồn nhất là những căn nhà bán đá đậu ấy chẳng còn tồn tại như hoài mong của chúng tôi! Trở lại con đường xưa thân yêu ấy, bây giờ, trong tôi chỉ còn kỷ niệm. Tôi nhớ căn nhà cao cẳng xéo quán đá đậu đầu tiên vào con đường này, từ đại lộ Hòa Bình. Một ngôi nhà xây dựng theo kiểu Pháp nhưng lại là nhà sàn. Bây giờ nó đã biến mất, thay vào đó là Nhà sách Phương Nam và đi sâu vào bên trong là Bảo tàng Lực lượng vũ trang Đồng bằng sông Cửu Long và Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long, nơi những ngày lễ lớn thường thấy từng đoàn khách đến tham quan, kính viếng. Đi trong sự đổi mới của thành phố, lòng tôi cảm dâng nỗi tự hào nhưng vẫn ngậm ngùi tiếc những ly đá đậu của tuổi học trò xưa, nhớ những bóng áo dài trắng mộng mơ, những cánh sao xoay vần trên không gian như nhớ lại thời hoa niên đã chìm trong ký vãng của mình.

Nữ sinh trên đường Ngô Quyền, Ảnh: Trương Công Khả

Không có nhận xét nào: