KỲ ẢO MẶT NƯỚC LUNG BÀO
Chiếc xuồng composite chở ba người chúng tôi được cô Ngọc Vận – nhân viên Trạm Kiểm lâm Trà Sư (Chi cục Kiểm lâm An Giang) - chống dầm rời bến. Chiếc kia do chiến sĩ biên phòng Thái Văn Đậu – chồng cô Vận – bơi. Xuồng rẽ mặt nước phẳng lặng xanh mướt một màu đẹp như nhung, chẳng mấy chốc đưa chúng tôi vào rừng. Những cây tràm ngâm chân trong màu ngọc bích của bèo cám ấy trải dài hầu như bất tận. Chúng tôi đã ngồi xuồng hàng giờ loanh quanh trong khu rừng được gọi là sân cò, mê mẩn ngắm tràm, chim cò và mặt nước xanh...
Chuyển qua vỏ lãi 6 chỗ ngồi, do anh Đậu lái, đưa chúng tôi tham quan vườn dơi. Máy nổ, chiếc vỏ lãi vẹt mặt bèo xanh biếc, lướt như bay ra khỏi cánh rừng tràm dày mịt, rồi “lạc” vào cái lung bào rộng đến 20ha. Trước mắt chúng tôi hiện ra mặt nước màu vàng đất, lung lay những chòm lá tròn nhỏ hình chiếc nón quai thao. Nghe tôi thắc mắc, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) giải thích: “Đó là lá củ co. Lặn xuống nước, mình sẽ móc được thứ củ đen đen, nấu chín ăn nhớ thuở gian khó của cha ông thời khẩn hoang, nhớ hồi tuổi nhỏ thôn quê những năm xưa”. Trong làn nước màu hổ phách ấy, biết bao ngọn tràm vài ba năm tuổi đung đưa cành lá và bông trắng ngà như gọi mời. Chúng tôi còn được thỏa mắt nhìn những cọng rong đuôi chồn màu gỉ sét nối nhau, nở vươn lên mặt nước không biết cơ man nào những bông hoa li ti màu vàng anh. Tấm thảm ấy vừa biến mất, đã hiện ra tấm thảm xanh màu ve chai của cây năn tròn nhỏ cỡ chiếc đũa trải dài tít tắp như rừng chông dập dờn trong nước. Qua cánh đồng năn, chúng tôi nhìn thấy những thớ đất nâu nằm sâu dưới đáy sau lớp nước trắng bạc như hàng hàng lớp lớp những hòn non bộ ngầm. Tôi thắc mắc: “Sao có nhiều màu nước quá vậy?”. Nhà văn Mai Bửu Minh, Hội Văn học Nghệ thuật An Giang, người đã gắn bó với rừng tràm Trà Sư nhiều năm trước với cương vị kỹ sư nông nghiệp, cho biết nước màu vàng sậm là phèn sắt, còn màu nước bạc là phèn nhôm trắng. Trong làn nước sâu khoảng 2 mét ấy là thế giới của 70 loài cỏ và 13 loài thủy sinh.
THẾ GIỚI HOANG DÃ
Chiếc xuồng composite do cô Ngọc Vận bơi, luồn lách theo lạch nước vừa khít, càng lúc đưa chúng tôi luồn sâu vào ruột rừng tham quan sân cò. Tràm dày đặc nên xuồng cứ chạm vào thân cây. Dù đã 20 năm tuổi nhưng vì tràm bản địa nên “đèo”, thân cỡ cườm tay. Dù vậy chúng có một vẻ đẹp với hình dáng khi thì vặn vẹo, lúc ngả nghiêng, lại có cây ngã nằm sát mặt nước… Với những chiếc lá tròn dài, những chùm bông trắng ngà, tràm bản địa mang nét hoang sơ. Anh Trần Ngọc Rạng, Trưởng trạm Kiểm lâm Trà Sư, ngồi xuồng đằng sau, nói vọng tới: Trong tương lai lâm trường sẽ loại bỏ những cây tràm Uc, trồng thuần tràm bản địa để giữ cảnh quan nguyên thủy sơ khai của rừng.
Trà Sư có hệ sinh thái rừng tràm khá tốt, là cái nôi tạo nguồn thức ăn, là nơi giúp nhiều loài động vật, nhất là chim sinh sống. Xuồng xuyên qua những tán tràm cao chừng 5 mét phủ rợp, che mát cả sân cò. Nghe tiếng động của xuồng, mấy con cò bay vụt lên, lượn lờ qua những tán tràm dày mịt. Mấy con vạc mới đi săn mồi về há mõm cho đàn con rúc ăn. Một con còng cọc chao cánh liệng vèo xuống mặt nước… Thật lâu, nó mới ngoi lên ở một nơi xa, mỏ ngậm con cá nhỏ. Có lúc lại thấy một con chim dang cánh bay bày phần bụng đen tuyền. Nhưng khi nó xếp cánh lại, đậu trên cây thì thấy toàn một màu lông trắng… Rừng tràm với rất nhiều tổ chim khi thì nằm tuốt trên ngọn cây, lúc lưng lửng thân cây, có tổ nơi cháng ba gần sát mặt nước.
Hồi hừng sáng ở cái lán giữa rừng. Thức dậy, chúng tôi leo lên đài quan sát bằng sắt cao 14m để chứng kiến cảnh tượng: hàng hà sa số những cánh chim tủa bay đi kiếm ăn như những đám mây trắng và đen lượn lờ trên cả cánh rừng. Nhìn về Tỉnh lộ 948 thấy bên trái núi Cấm hùng vĩ giấu đỉnh trong mây, ngọn núi Sam đơn độc phía tay phải; phía sau lưng tôi, nối tiếp “làn sóng” tràm điệp trùng là núi với núi xanh thẫm.
Được biết, hệ động vật ở Trà Sư có 11 loài thú (6 họ, 4 bộ), 70 loài chim (31 họ, 3 bộ). Trong đó có 2 loài quý hiếm là cò lạo và cổ rắn (điên điển) được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam. Là vùng đất rừng ngập nước, Trà Sư có đến 20 loài bò sát, 5 loài ếch nhái, 23 loài cá. Trong đó nhóm cá cư trú quanh năm (gọi là cá đen) có 10 loài. Nhóm cá này chịu được nước phèn khắc nghiệt, sinh sản tại chỗ. Bên cạnh đó có 13 loài xuất hiện theo mùa gọi lũ gọi là cá trắng. Đây là loài cá chịu phèn kém nhất vào mùa khô và khi có mưa nhiều… Anh Minh cho biết thêm, rừng có 22 loài cây gỗ, 25 loài cây bụi, 10 loài dây leo, 78 loài cây thuốc, 22 loài cây cảnh, 7 loài rau…
Sau khi tham quan sân cò, anh Thái Văn Đậu, lái vỏ đưa 6 người chúng tôi vượt qua vùng lung - trũng – trảng cỏ tham quan sân dơi. Gần đến bìa rừng, Đậu tắt máy dừng lại. Hướng về rừng cây xanh um trước mặt, anh Đậu vỗ tay, la hét thật to. Ao một cái, từng đàn, từng đàn dơi quạ, con nhỏ, con to đập cánh bay lên. Chúng tôi đồng loạt la lớn, vỗ tay để được sống vào thời hồng hoang nào đó! Anh Minh nói, đàn dơi quạ vài ngàn con này về đây cư trú theo mùa và đã “định cư” ở đây từ rất lâu.
Nhiều năm qua, Trà Sư đã kiểm soát, bảo vệ chặt chẽ các loài động vật có cánh đang cư trú và sinh sản. Hơn thế nữa, nơi đây còn tổ chức nuôi thả những loài động vật quý hiếm đặc thù của hệ sinh thái rừng tràm và bảo vệ nguồn gien phục vụ cho giáo dục nghiên cứu và du lịch sinh thái. Anh Trần Ngọc Rạng cho biết, trước mắt sẽ xây dựng khu nuôi thả động vật hoang dã rộng từ 10 đến 15ha tại trung tâm rừng thuộc khoảnh 5a tiểu khu 7a. Về sau sẽ mở rộng và phát triển khu này thành vườn sưu tập động vật và thực vật của hệ sinh thái ngập nước. Hiện nay, tại khu dịch vụ hành chánh, Trà Sư đã tổ chức nuôi thả một số loài cá để phục vụ khách tham quan du lịch thư giãn với chiếc cần câu rồi sau đó pha chế cá câu được theo yêu cầu. Tối qua, chúng tôi đã được ăn cá lóc nướng trui câu ở khu vực này. Giữa rừng tràm hoang vắng, ngồi trong nhà thủy tạ bên bờ kinh Nhơn Thới phân chia khu rừng thành 2 tiểu khu, thưởng thức món ăn thời khẩn hoang, uống rượu đế, tâm hồn chúng tôi như phóng khoáng cùng với đất trời. Lại nhờ bàn tay nấu nướng khéo léo của cô Ngọc Vận chúng tôi mới được thưởng thức tô măng điền trúc hầm gà, ngọt giòn, không đắng. Ngon hơn nữa là dĩa cá mại, cá linh kho mẳn rục xương chấm bông điên điển, rau muống bóp giấm, giòn khứu. Thêm món gà chiên nước mắm mới ngon làm sao! Tôi khen gà rừng ngon. Anh Đậu phản đối: “Ở đây tuyệt đối cấm chiến sĩ bắt động vật hoang dã. Gà này là gà nuôi”. Tôi cười nói trên đường vào đây, đã thấy mấy con gà ta, gà tre chạy lung tung qua những gốc tràm, lùm tre… Được nuôi thả và kiếm ăn trong rừng thì gọi gà rừng là phải lắm rồi. Anh em cười xòa, cụng ly uống đánh “trót”.
“MỘT ĐÊM TRONG RỪNG VẮNG”
Cuộc nhậu do Trưởng trạm Kiển lâm Trà Sư Trần Ngọc Rạng đãi chúng tôi diễn ra trong không khí tĩnh mịch giữa ruột khu rừng rộng đến 845ha (không kể vùng đệm rộng 645ha). Trong ánh sáng đèn huỳnh quang lấy điện từ máy nổ, chúng tôi quây quần bên nhau trên chiếc chiếu trải trên sàn lán. Qua câu chuyện, chúng tôi biết rừng tràm Trà Sư trước đây do Lâm trường huyện Tịnh Biên giao lại cho Chi cục Kiểm lâm quản lý từ năm 1991 và được Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang quy hoạch thành khu rừng phòng hộ bảo vệ môi trường. Từ năm 1999, đã có khách đến tham quan khu rừng này và hoạt động du lịch chính thức từ năm 2005. Hiện nay, khách vào cửa không phải mua vé. Đi xuồng composite luồn lách trong sân cò một chuyến 30.000đ/3 người. Đi vỏ lãi tham quan sân dơi giá 120.000đ/6 người/chuyến. So với việc được thưởng lãm nét hoang sơ – dấu vết còn lại của dòng sông, rạch, lung bào tự nhiên – được sống trong cảm giác thư thái, ung dung thưởng ngoạn, thư giãn sau thời gian lao động vất vả thì so sánh làm chi! Về ẩm thực, khách sẽ được thưởng thức “tài nghệ” vợ chồng “thằng Đậu” khi chế biến các đặc sản Nam bộ. Hoang sơ và hoang sơ là tiêu chí của Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư (thuộc rừng đặc dụng Việt Nam) ở xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, An Giang này. Khu đang thuê Sở Xây dựng An Giang tư vấn kế hoạch phát triển du lịch, khi có quyết định sẽ kêu gọi đầu tư. Đã có tập đoàn EEM của Pháp đang kinh doanh chùm khách sạn Victoria tại Việt Nam và Công ty TNHH Hải Đến (Châu Đốc) đăng ký đầu tư…
Nửa khuya cuộc vui tàn, chúng tôi ngủ ngay trên sàn nhà thủy tạ. Trong mùng, nhìn bầu trời sáng lóe sau những tia chớp, thỉnh thoảng có một cơn gió “tạt” vào, thật là sảng khoái. Lâu lâu nghe tiếng chim kêu đêm thú vị, giấc ngủ đến hồi nào không biết.
***
Gần trưa chúng tôi rời “ruột rừng” và Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư bằng xe gắn máy. Đêm qua không mưa nên con đường đất khô ráo, chạy xe khá thoải mái. Nhớ năm 2001 tôi đã nhìn anh tài xế căng thẳng khi lái chiếc xe 15 chỗ ngồi chậm chạp bò trên con đường đất hẹp, trơn trợt, nhô cao trên cánh đồng mùa nước nổi mênh mông, để đưa đoàn nhà văn TP Hồ Chí Minh ra đến đường nhựa an toàn. Theo kế hoạch, “Con đường đau khổ” dài 3,5km này sẽ biến mất vào năm 2007, thay vào đó là con đường nhựa hẳn hoi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét